Vé số phát hành nhưng chỉ bán được khoảng 20%, có nơi cao hơn thì đạt 60%; số lượng còn lại bị tiêu hủy, gây lãng phí lớn. Đó là tình trạng của nhiều công ty xổ số kiến thiết (XSKT) miền Trung hiện nay.
Tỷ lệ vé bán được rất thấp, gây lãng phí - Ảnh: D.Đ.Minh |
Theo báo cáo tổng kết hoạt động XSKT năm 2009 của Hội đồng XSKT khu vực miền Trung, tổng số vé các công ty trong khu vực in khoảng 6 triệu vé/ngày (2,190 tỉ vé/năm), thực bán chỉ đạt 20,5%, tương đương khoảng 1,2 triệu vé/ngày. Số vé dư khoảng 4,8 triệu vé/ngày hủy làm giấy vụn. Với giá bán 5.000 đồng/vé thì doanh thu phát hành vé “trôi sông” lên đến 24 tỉ đồng/ngày (876 tỉ đồng/năm). Chỉ tính riêng chi phí in vé bình quân khoảng 32 đồng/vé, số tiền lãng phí hơn 153 triệu đồng/ngày (khoảng 56 tỉ đồng/năm). Đến năm 2010, tổng số vé in cũng khoảng 6 triệu vé/ngày và tỷ lệ tiêu thụ cũng chỉ đạt 20%. Vì thế hàng chục tỉ đồng tiếp tục lại bị lãng phí.
Lộn xộn, lãng phí, tiêu cực...
Cạnh tranh trong lĩnh vực hoạt động XSKT tập trung chủ yếu vào việc tìm cách tăng hoa hồng bán vé cho đại lý. Vì vậy nó không mang lại lợi ích nào cả, mà chỉ tạo nên sự lộn xộn, lãng phí và tiêu cực | ||
Lãnh đạo một công ty XSKT ở miền Trung | ||
Số tiền lãng phí hằng năm rất lớn nhưng hầu hết các công ty không giảm số lượng in vé bởi vì lượng vé trên thị trường ít lại càng khó tiêu thụ và phải in đủ sê-ri.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do từ năm 2005, theo quy định của Bộ Tài chính, các công ty XSKT ở miền Trung phải cạnh tranh lẫn nhau trên toàn bộ thị trường khu vực. Mỗi công ty phải tự in vé, tự tổ chức phát hành, trả thưởng... thay vì liên kết xổ chung một bộ vé như trước đó. Theo mô hình cũ, vé phát hành của từng công ty căn cứ vào khả năng tiêu thụ thực tế trên địa bàn và tỷ lệ tiêu thụ mà Hội đồng XSKT miền Trung thống nhất ấn định nhằm tránh lãng phí. Khi trúng thưởng, giá trị trả thưởng được phân bổ cho từng công ty theo doanh thu thực tế. Lợi nhuận của từng công ty được chia theo doanh thu và được hội đồng kiểm soát chặt chẽ nên hoạt động có trật tự, công ty nào cũng có lãi. Việc thay đổi mô hình mới đã làm các công ty XSKT miền Trung rơi vào tình trạng như nói trên.
Ông Cao Thanh Tùng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT Hậu Giang cho biết hiện nay tại 21 tỉnh, thành miền Nam mỗi công ty tự in vé số phát hành cho đơn vị mình. Tuy nhiên, Hội đồng XSKT khu vực miền Nam (tạm gọi tắt là HĐMN) ấn định cụ thể lượng vé (quy thành tiền) cho mỗi công ty. Thời gian qua, HĐMN có đề xuất cho các công ty phát hành thống nhất một bộ vé để tiến tới thành lập tổng công ty nhưng mô hình này đến nay vẫn chưa tiến hành. Thời điểm hiện nay, mỗi công ty phát hành một bộ vé thì có lợi hơn nhưng tương lai sau này thành tổng công ty phát hành chung một bộ vé thì cũng tốt. Vé sẽ đỡ lãng phí hơn, chi phí quản lý chắc chắn sẽ giảm. Quang Minh Nhật (ghi) |
Cần thay đổi phương thức in, phát hành
Trao đối với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Đạm - Trưởng phòng Quản lý XS và trò chơi có thưởng cho biết, hiện nay có tình trạng một số công ty hoạt động không hiệu quả, vé phát hành bán ra thu không đủ bù chi, tập trung ở khu vực miền Trung. Các công ty này tự in ấn, phát hành nhưng do điều kiện địa bàn xa xôi nên quá trình phân phối, bán vé gặp khó khăn hơn.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều công ty XS in ra chỉ bán được 15% - 20% vé, Bộ có nên giao quota cho các công ty này hay không, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính cho biết, việc giao chỉ tiêu cho các công ty thua lỗ, khó khăn cần phải nghiên cứu kỹ. Năm 2010, XSKT đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN) 12.000 tỉ đồng, vì vậy quyết định thay đổi phương án in ấn, phát hành cần phải được xem xét thận trọng.
Còn theo ông Nguyễn Trung Ngọc, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty XSKT Thủ đô, việc in ấn hiện nay có sự lãng phí, do một số công ty kinh doanh, quản trị kém, không cân đối được lượng vé cần phát hành so với nhu cầu của người mua. Có tỉnh phát hành cả triệu vé một ngày mà bán chỉ được có vài chục nghìn rất lãng phí cho NSNN. Thay đổi phương án in ấn, phát hành cần phải có đề án nghiên cứu lợi ích cục bộ của DN và Nhà nước, người dân một cách thận trọng.
Đ.Phú - A.Vũ - N.T.Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét