Những vụ án lừa đảo có liên quan tới chứng khoán đang có xu hướng xuất hiện dày đặc với tính chất ngày càng tinh vi, nghiêm trọng hơn.
Tội phạm loại này đa phần là những người có trình độ kiến thức, có hiểu biết pháp luật, thậm chí còn giữ chức vụ cao, nhưng mải lao theo lợi nhuận bong bóng trước mắt, để rồi khi "sa cơ, lỡ vận", phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ không có khả năng chi trả, họ biến thành kẻ lừa đảo lúc nào không hay.
Mới đây nhất là vụ "siêu lừa" Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (SN 1969, trú tại phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị vạch mặt. Từ cuối năm ngoái, dư luận đã được một phen "hoảng hồn" khi những "chiêu lừa" tinh vi của Nghĩa được phanh phui.
Theo cáo buộc, trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2008, Nghĩa đã tự giới thiệu có quen biết với những người có khả năng mua giúp được các cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần hóa chưa đưa lên sàn giao dịch (cổ phiếu OTC). Nếu mua được loại cổ phiếu này thì chắc chắn sẽ thu lãi từ 5 đến 10%. Nhiều người đã tin tưởng đưa tiền cho Nghĩa để đầu tư chứng khoán và đã bị Nghĩa chiếm đoạt với tổng cộng hơn 40 tỷ đồng.
Hiện, Nghĩa không có khả năng khắc phục, hoàn trả cho các bị hại số tiền "khủng" trên. Sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 27/9/2010 bị hoãn lại do Nghĩa đề nghị thay kiểm sát viên thì đến thời điểm này, vụ lừa đảo đang sắp sửa được đưa ra xét xử lại, dự kiến vào cuối tháng 5 tới.
Đây không chỉ là lần đầu tiên giới đầu tư chứng khoán bị "lợi dụng". Ngay khi thị trường cổ phiếu "nóng" dần lên và ngày càng thu hút được nhiều người tham gia thì các hành vi "ăn theo" phạm pháp cũng lập tức nở rộ, chủ yếu "đánh" vào những cá nhân nhẹ dạ, thiếu cảnh giác.
Hoàng đã dùng bộ hồ sơ giao dịch chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội thật, mang ra hàng photo scan lại mẫu dấu, mẫu tên của cán bộ bộ phận chuyển nhượng, sau đó mang đến cửa hàng để thuê khắc dấu giả.
Với hai con dấu giả này, Hoàng đóng khống vào các đơn yêu cầu chuyển nhượng cổ phần để lừa những người có nhu cầu mua. Sau khi mua đi bán lại qua nhiều trung gian, một khách hàng đã mua phải 10.000 cổ phiếu rởm của Hoàng với giá 146 triệu đồng.
Cũng tại thời điểm này thì Lý Thị Trúc Quỳnh (vốn là Trưởng phòng khu vực số 9, Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội) đã dùng "chiêu" lừa đảo môi giới cổ phiếu để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Tháng 12/2005, lợi dụng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu tăng vốn điều lệ, Quỳnh đã "rao tin" là có nguồn mua 4 tỷ trái phiếu VCB với giá chỉ bằng 80% mệnh giá thị trường.
Nhiều "đối tác" của Quỳnh thấy "ngon ăn" đã góp gần 9,1 tỷ đồng để mua số trái phiếu này. Tuy nhiên, Quỳnh chỉ giao được 1,3 tỷ đồng trái phiếu VCB và chiếm đoạt gần 7,8 tỷ đồng còn lại. Hàng loạt "khách hàng" khác cũng đã phải ngã ngửa khi biết chiêu lừa "hiểm" này.
Còn nhiều "siêu lừa" chứng khoán khác đã bị "vạch mặt, chỉ tên" trong thời gian qua, chứng tỏ "nghề" chứng khoán cũng là một "nghề nguy hiểm" nếu nhà đầu tư không cảnh giác và thận trọng.
(Theo báo Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét