Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Những lần thoát chết của Bin Laden


Mỹ từng có nhiều lần tiến gần đến việc bắt giữ hay tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda nhưng bất thành và sự chậm trễ hàng thập kỷ của điệp vụ này đã làm thay đổi cả kết cục cuộc chiến tại Afghanistan.
Hành trình 10 năm săn lùng Bin Laden

Dù không có các cơ hội thực sự rõ rệt trong những năm gần đây, Mỹ đã có nhiều cơ hội để loại bỏ Osama bin Laden trước năm 2002. Thất bại trong việc này đã đặt ra những dấu hỏi và sự hoài nghi về sức mạnh của quân đội và cỗ máy tình báo của Mỹ.
Một thượng nghị sỹ của Mỹ cho biết, sự chậm trễ và thất bại trong việc truy lùng Bin Laden đã làm thay đổi mãi mãi cuộc xung đột tại Afghanistan và tương lai của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Người dân Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn, đặt nền móng cho chiến tranh du kích tại Afghanistan và các cuộc xung đột tại Pakistan.
Binh sĩ Afghanistan hỗ trợ Mỹ trong chiến dịch Tora Bora khiêng thi thể một chiến binh Al-Qaeda. Ảnh: Life.
Binh sĩ Afghanistan hỗ trợ Mỹ trong chiến dịch Tora Bora khiêng thi thể một chiến binh Al-Qaeda. Ảnh: Life.

Tấn công bằng tên lửa

Năm 1996, Trung tâm chống khủng bố CTC thuộc CIA thành lập một đơn vị đặc biệt, được gọi là “Trạm phát hành Bin Laden”, chuyên phân tích các thông tin tình báo và lên kế hoạch chống lại các hoạt động của Bin Laden đối với các triệu phú tại thế giới Ảrập. Thời điểm này Bin Laden được cho là người tài trợ cho các chiến binh tại Trung Đông và châu Phi.
Cuối năm 1997, Bin Laden chuyển các hoạt động của mình từ Sudan sang Afghanistan, kêu gọi thế giới Hồi giáo khởi động một cuộc chiến tranh du kích chống lại các lực lượng Mỹ. Do đó Mỹ đã lên kế hoạch bắt sống Bin Laden tại Afghanistan và dẫn độ về nước nhưng không thực hiện được.
Tháng 8/1998, hơn 220 người thiệt mạng khi xe tải chứa đầy bom lao vào Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania. Sau khi xác định Al-Qaeda chịu trách nhiệm về hai vụ này, Tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định tấn công bằng tên lửa các trại huấn luyện của chiến binh tại Afghanistan, bao gồm khu trú ẩn của Bin Laden.
Cuộc không kích đã không tiêu diệt được bất cứ lãnh đạo nào của Al-Qaeda. Bản thân Bin Laden được cảnh báo để thường xuyên thay đổi địa điểm và liên tục đổi các vệ sĩ mới. Ông ta còn liên tục thay đổi phương tiện liên lạc để tránh bị theo dõi.
Tháng 12/1998, tin tức tình báo cho biết Bin Laden đã xuất hiện và qua đêm tại dinh thự của thống đốc bang Kandahar của Afghanistan. Tuy nhiên cuộc tấn công bằng tên lửa vào đây bị loại bỏ khi các tính toán cho thấy có khoảng 200 người có thể bị chết bởi cuộc tấn công này. Sang tháng 2/1999, Mỹ tấn công bằng bom thông minh tại phía nam Kandahar, nhưng Bin Laden đã kịp rời đi trước khi vụ tấn công được phê duyệt.
Cơ hội được coi là tốt nhất để tiêu diệt bin Laden xuất hiện vào tháng 5/1999, khi CIA có được thông tin một cách rất chắc chắn về vị trí của Bin Laden trong 5 ngày đêm ở xung quanh khu vực Kandahar. Tuy nhiên sự không thống nhất giữa CIA và Lầu Năm Góc dẫn đến cuộc tấn công không được thực hiện. Từ thời điểm này đến sau sự kiện ngày 11/9/2001, chính phủ Mỹ đã không phê duyệt các cuộc tấn công bằng tên lửa chống lại Osama bin Laden.

Chiến dịch Tora Bora

Ngày 18/9/2001, Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố Bin Laden là kẻ thù nguy hiểm của nước Mỹ dù sống hay là chết. Các tháng tiếp theo, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom ồ ạt vào các căn cứ của Al-Qaeda tại Afghanistan trong chiến dịch Tora Bora, nhằm tiêu Bin Laden và các lãnh đạo chủ chốt của mạng khủng bố.
Lực lượng đặc nhiệm của CIA cùng với lực lượng hỗ trợ của Afghanistan cũng được triển khai hoạt động trên mặt đất. Bị tấn công dồn dập từ trên không và dưới mặt đất, lực lượng của Al-Qaeda bị dồn vào vùng núi hiểm trở Tora Bora ở phía đông Afghanistan.
Nhiều người cho rằng Bin Laden đã chết dưới sức tấn công dữ dội nói trên của Mỹ. Tháng 12/2001, Mỹ và đồng minh tuyên bố chiến thắng trong chiến dịch tại Afghanistan, tuy nhiên Bin Laden vẫn không hề hấn gì. Chiến dịch tại Tora Bora khiến hơn 100 lính Mỹ và Afghanistan thiệt mạng.
Đề nghị tăng quân và phát động một đợt tấn công mới bị hủy bỏ và lực lượng Mỹ tại Afghanistan nhận lệnh ngăn chặn các con đường núi có thể là đường thoát của Bin Laden, với sự hỗ trợ của cả quân đội Afghanistan và nước láng giềng Pakistan. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho biết, thời điểm đó ông đã quá lo ngại rằng nếu có nhiều lính Mỹ tại Afghanistan sẽ tạo ra phản ứng không tốt và có thể khiến cuộc nổi dậy lan rộng.
Bất chấp sự phong toả của linh Mỹ và đồng minh, Osama bin Laden cùng các vệ sỹ vẫn thoát khỏi khu vực Tora Bora bị bao vây và oanh tạc, để biến mất vào Pakistan. Từ đây tung tích của trùm khủng bố Al-Qaeda trở nên mịt mờ hơn.

Các đoạn băng video

Sau chiến dịch Tora Bora, một số chỉ huy Al-Qaeda bị bắt hoặc tiêu diệt, trong đó có kẻ chủ mưu của vụ khủng bố ngày 11/9 Khalid Sheikh Mohammed. Đây chính là manh mối quan trọng để dẫn tới các manh mối khác về nơi ẩn náu của Osama bin Laden.
Trong khi đó chính phủ Pakistan bác bỏ các cáo buộc cho rằng Bin Laden được phép ở trong nước này. Nhưng giới chức Pakistan tin rằng Bin Laden có thể đã di chuyển từ làng này qua làng khác ở khu vực Tây Bắc Waziristan hẻo lánh cùng với một nhóm các vệ sĩ của ông ta.
Bin Laden được cho là liên lạc ra bên ngoài mỗi tháng mỗi lần thông qua người đưa thư tin cẩn và không bao giờ sử dụng điện thoại hay Internet. Bin Laden thường xuyên ghi lại các đoạn video và tin nhắn âm thanh để quản lý các hoạt động của mạng lưới khủng bố quốc tế. Sau đó những đoạn băng này thường được kênh truyền hình al-Jazeera phát lại hoặc công bố trên Internet.
Giới tình báo Mỹ lo ngại các điệp viên của Pakistan tham gia chiến dịch săn tìm Bin Laden có thể đã chơi kiểu “hai mang” đối với các cơ sở của CIA tại đây. Trong khi đó, việc thu thập thông tin tình báo trên mặt đất do các điệp viên của ISI (Cơ quan tình báo Pakistan) thực hiện thông qua các đầu mối tại địa phương luôn đối mặt với nguy hiểm tính mạng.
Một điệp viên trong vai một giáo sĩ đã bị chặt đầu khi hoạt động thu thập thông tin về trùm Al-Qaeda tại khu vực Waziristan. Ngay cả khi một nhân vật cấp cao của Al-Qaeda đã được xác định vị trí, thì vẫn mất nhiều tuần lễ mới có thể được giới chức Pakistan chấp thuận cho một cuộc không kích.
Một số quan chức Mỹ cho rằng, sự thất bại và chậm trễ trong việc tiêu diệt Bin Laden là do có thông đồng của Pakistan với Al-Qaeda, cùng với đó là trò chơi “hai mang” của các điệp viên ISI. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 5/2010 cho biết: “ Tôi tin rằng, mặc dù không phải ở cấp cao nhất, nhưng một số thành viên trong chính phủ biết về sự tồn tại của Bin Laden”
Việc Osama bin Laden bị phát hiện và tiêu diệt tại khu nhà kiên cố xây dựng từ năm 2005 ở Abbottabad, nằm gần một học viện quân sự lớn của Pakistan càng làm gia tăng những mối nghi ngờ đối với ISI. Mỹ phải mất tới 8 tháng để xác định vị trí ẩn náu của Bin Laden bằng cách theo dõi người đưa thư cho ông ta.
Tuy nhiên, cựu nhân viên CIA Bob Baer nói với BBC rằng, ông hoài nghi về tuyên bố nói Bin Laden bị tiêu diệt thông qua manh mối từ một người đưa thư. “Cơ quan tình báo như CIA và quân đội Mỹ chỉ công bố các thông tin đơn giản để bảo vệ nguồn tin, điều mà có thể gây ra sự ngăn cản từ chính phủ Pakistan” ông Baer nói thêm.
Quốc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét