Hai ông già
Giặc Pháp tràn vào xóm, khoảng đầu năm 1946. Hay tin ấy, thầy giáo Chích rất buồn phiền và căm hận. Suốt đêm, thầy ngủ không yên. Dường như giặc Pháp bắn chơi cho vui, vì đạn dược còn quá nhiều. Và tuy không phải người lính chiến đã từng xông pha trong trận địa, thầy gật gù, kết luận:
- Tụi Thanh Niên Tiền Phong đã rút lui, chẳng dám bắn một phát súng để cứu vớt thể diện cho đám con Hồng cháu Lạc, cho đàn cháu của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu...
Về khuya, tiếng súng thưa thớt dần. Và trong xóm vắng đã bị “tiêu thổ”, vài con chó tru nghe thảm thiết. Thầy giáo Chích lồm cồm ngồi dậy, tắt ngọn đèn dầu cá rồi nằm xuống mặt đất. Gió thổi lào rào, sương lùa vào, gian nhà lạnh lẽo. Bàn tay thầy giáo mân mê cái mền rách nát, còn tạm dùng được nhưng đầy rận rệp.
Ngoài cửa, có tiếng ho hen sù sụ. Thầy giáo ngồi dậy, chưa dám lên tiếng.
- Thầy giáo ơi! Thầy giáo...
Hồi lâu, giọng nói ấy nghe ấm áp hơn:
- Tôi mà. Tôi là hương cả An, mở cửa ra! Bộ thầy quên tôi rồi sao? Tôi muốn bàn với thầy một chuyện quan trọng... Ủa, sao không trả lời. Tôi rình ngoài vách, thấy rõ thầy thổi cái đèn cho tắt kia mà.
Thôi thì giáo Chích đành lên tiếng:
- Mời ông vô. Thời buổi này, khó sống quá. Tôi sợ...
Ông hương cả An đốt đèn rồi nói rỉ vào tai người bạn trẻ:
- Tây đóng đồn, coi bộ mạnh lắm đó. Nó chiếm tới chợ Cà Mau rồi, nghĩa là khắp Nam Kỳ lục tỉnh, như thời xưa vậy. Mấy thằng Thanh Niên Tiền Phong tệ quá...
Vô tình ông hương cả đánh trúng tim đen thầy giáo Chích. Thầy gật đầu:
- Tệ thật... Họ không giữ được chữ tín với bà con chòm xóm. Họ thề ăn thua tới giọt máu cuối cùng, vậy mà... họ rút lui không kèn không trống. Như tôi đây cũng là thơ ký kiêm ban cứu thương vậy mà họ đi mất dạng không cho tôi hay biết... Té ra, họ sợ giặc, mất tất cả sự trầm tĩnh của con người... công dân!
Thế rồi từ lúc nửa đêm về sáng, hương cả An và thầy giáo Chích trở thành hai người bạn tương thân tương đắc giống hệt nhau từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan! Ông hương cả An cho biết “bọn” Thanh Niên Tiền Phong là nhóm người ô hợp, trong đó có khá nhiều phần tử ở mướn, và... tay sai của thực dân từ trước. Mấy câu sấm truyền “Long vĩ xà đầu” được gợi lại, bàn tán. Bỗng dưng mà thầy giáo Chích đâm ra hoài cổ, ngâm khe khẽ câu thơ “khiển hoài” của ông Đặng Dung hay Đặng Tất, đời nhà Trần: “Thế sự du du nại lão hà?... Thời lai đồ điếu thành công dị. Vận khứ anh hùng ẩm hận đa...”
Ông hương cả nói:
- Đúng lắm. Hễ bọn thất phu mà gặp thời thì lên mặt phách lối. Kẻ anh hùng cam nuốt giận, nuốt rất nhiều. Như thằng cháu rể của bác, bác rành lắm. Vài đứa chạy xuống miệt Cà Mau, đem theo vàng mà đồng bào lạc quyên để mua súng đạn. Dọc đường, lại dám tri hô bị ăn cướp chận đánh. Rồi sau đó...
Thầy giáo Chích gật gù:
- Sau đó. Đem vàng bạc về Sài Gòn, làm ăn mua bán... Tốt hơn, mình nên lo phận mình cho qua ngày qua tháng, chờ khi nào sáng tỏ hơn. Bây giờ, vàng thau lẫn lộn.
Gà gáy sáng, gáy thưa thớt ở tận trong ngọn rạch. Súng ngoài đồn nổ vang. Ông hương cả tạm biệt thầy giáo Chích, nói với lại:
- Thầy yên tâm. Mình nên ở ẩn một thời gian, mặc cho đời dị nghị. Rồi đây, mười năm sau, người đời hiểu mình hơn.
- Chừng nào ông trở lại? Đừng quên cháu, nghe bác. Ở đây một mình, buồn lắm.
- Đừng lo...
Nói xong, ông hương cả về nhà.
Thầy giáo Chích, sống trơ trọi một mình. Từ hồi binh đao bắt đầu dấy lên ở tận Sài Gòn, thầy đã biết lo xa, cho vợ con về Bến Tre để khỏi bận rộn thê nhi.
Người trong xóm lần lượt tản cư, cất chòi ngoài ruộng. Thầy giáo Chích tha hồ lục lọi những nhà vô chủ. Ngày vui sướng nhứt trong đời đã đến: tình cờ gặp một bộ truyện Đông Châu Liệt Quốc, suốt ngày đêm, thầy nằm vùi, đọc không bỏ sót một hàng, đọc tới đọc lui. Năm bữa sau, tự dưng thầy giáo Chích tự phong mình làm nhà... thông thái. Thầy ghi chép những cảm nghĩ lên giấy, phê bình các nhân vật Đông Châu. Dưới mắt thầy, Kinh Kha là kẻ khờ dại, Khánh Kỵ Yếu Ly là kép hát vô danh, Thái tử Đan là kẻ chí lớn tài mọn... Thầy muốn ghi lại những kinh nghiệm từ ngàn xưa để hy vọng lưu truyền cho hậu thế...
Ông hương cả lắc đầu:
- Thầy giáo nhớ tới tôi, tôi cám ơn. Ngặt trong thời loạn ly, khó làm thi phú cho có thần.
Thầy giáo Chích nài nỉ:
- Hết giấy rồi, uổng quá, tôi lục lạo mấy cuốn tập cũ của học trò, bằng không thì bộ sách nầy còn dày thêm cả trăm trang. Ông cứ làm một bài thơ bát cú để khi nào in ra thành sách, cháu in bài thơ đó lên hàng đầu, ông ghém tâm trạng u uất vô bài thơ, ví thời đại nầy như thời Đông Châu Liệt Quốc, ai dám bắt bẻ...
Rốt cuộc, ông hương cả nhận lời với một điều kiện nghe qua thì hữu lý:
- Thanh Niên Tiền Phong biết được bài thơ đó thì nguy lắm. Cũng như tập sách bình luận cổ kim của thầy có thể làm “bên kia” thắc mắc. Tốt hơn, thầy xin làm thầy giáo vô ngạch... nhà nước. Ông quan hai Phẹt-Năng ở ngoài chợ T.B là người hiền hậu. Hôm qua, ông ta mời những thân hào tới, lập lại ban hương chức hội tề để người “An Nam cai trị người An Nam”, còn ổng thì sớm muộn gì cũng về Mạc-Xây, làm nghề điều khiển hành khách du lịch...
Giáo Chích nhận lời. Trên đường đi ra chợ T.B, trong một thoáng, thầy ta hơi chạnh lòng. Làm sao lừa dối lương tâm được. Như vầy là... theo Tây rồi! Một kiểu theo Tây hơi sạch sẽ. Nhứt là khi thấy vài cụ già ngồi làm cỏ vườn cây ăn trái, hai bên đường. Trai tơ gái lứa đều vắng. Các cụ hiên ngang ở lại, giả dại, giả ngây:
- Chào ông đại hương cả! Chào thầy giáo!
Giáo Chích gật đầu, lấy lệ:
- Chào mấy ông...
- Bậy nè! Nay mai, thầy lên chức “ông” mấy hồi. Quan hai Phẹt-Năng là người trọng dụng tất cả nhơn tài. Thầy là người trí thức... sướng hơn tụi tui... Tụi tui tối ngày săm soi mấy gốc mận... cho tới chết.
Ông hương cả day qua thầy giáo Chích:
- Hay quá. Mình kiếm vài chục trái mận sọc tặng cho ông quan hai Phẹt-Năng. Ổng ưa trái cây lắm.
Vùng đất T.B từ lâu nổi danh về mận. Ở đây, có hai loại mận to trái, ngọt như đường, không có hột. Nhiều người nhìn nhận: ăn mận nầy ngon hơn ăn trái bôm, trái xá lỵ. Màu mè tươi tắn hơn.
Thầy giáo Chích gật đầu:
- Mận hồng điều, ăn ngon vô kể. Bên Tây, làm sao tìm cho ra thứ trái đó.
Vào buổi giao thông vận tải còn quá khó khăn dân làng sẵn sàng tặng cho giáo Chích hàng trăm trái mận hồng điều. Họ nói vài câu nghe đau xót mà chân thành:
- Để mà làm gì, nó rụng xuống mương cũng uổng. Miễn là mấy ông Tây đừng đốn cái vườn mận là tụi tôi vui rồi. Trái cây mà! Hiếm hiệm. Miễn gốc còn thì trái còn...
Câu nói xa xôi mơ hồ ấy khiến thầy giáo Chích hơi buồn. Phải chăng mấy người đó muốn ám chỉ kẻ làm Việt gian... chạy theo bơ sữa của quan hai Phẹt-Năng là mất gốc?
Sau khi trình diện với quan hai Phẹt-Năng, giáo Chích được cấp cho cái giấy thông hành tạm. Quan hai căn dặn:
- Chừng hai ngày nữa, tôi cho thầy dạy học tại chợ nầy.
Giáo Chích ngỏ lời cảm ơn. Quan hai Phẹt-Năng nói tiếp:
- Tôi muốn cho thầy làm thơ ký trong đồn nầy nhưng bấp bênh lắm.
Rồi quan hai Phẹt-Năng phàn nàn về một vụ trộm cắp hết sức “dơ dáy”. Cách chừng ba hôm trước, bọn lính Pháp và bọn thân binh phơi quần áo kaki bên hông đồn. Dè đâu, dân ở gần đồn rủ nhau trộm, lấy tất cả quần áo và dây kẽm gai. Thủ phạm là một lũ trẻ con. Theo giả thuyết của ông Phẹt-Năng thì chính bọn người lớn điều khiển, cho trẻ con thi hành. Chúng nó nhảy vô vòng rào, cắt hai đầu dây rồi dùng dây đó mà quấn tròn, gói ghém tất cả quần áo của lính.
Ông Phẹt-Năng điều tra thêm:
- Dân ở đây sống bằng nghề gì?
Giáo Chích đáp:
- Nghề trồng mận. Mận nầy ngon nổi tiếng, nên bán với giá cao: mận sọc đỏ và mận sọc xanh.
Trong một thoáng, ông Phẹt-Năng cau mày suy nghĩ rồi mỉm cười:
- Dường như hai loại mận nầy quí báu lắm. Ở xứ khác có không? Tại sao xứ nầy có?
Giáo Chích ngơ ngác:
- Bẩm ông...
Quan hai dịu giọng ngay:
- Ai đem hai thứ mận này tới đây? Thầy giáo tìm tài liệu giùm tôi. Mận sọc đỏ, mận sọc xanh là thứ trái cây mới xuất hiện.
- Tôi nào biết...
- Nhưng mấy người lối xóm chắc biết rõ. Họ ở đây lâu đời, phải không thầy giáo?
Giáo Chích trả lời giọng ngây thơ:
- Bẩm quan lớn. Để tôi mời hai ông già cố cựu xóm nầy tới đây... cho quan lớn điều tra.
Vô tình mà giáo Chích lọt vào quỉ kế của quan hai Phẹt-Năng. Số là tên quan hai nầy muốn nghiên cứu phong tục, dò xét sự phản ứng của dân chúng khi người Pháp đến tảo thanh Thanh Niên Tiền Phong. Hắn muốn đo lường sự trung thành của dân chúng đối với chánh phủ Pháp tới mức nào.
Độ mười phút sau, giáo Chích trở lại đồn. Quan hai ăn mặc chỉnh tề, vào phòng làm việc để đóng vai nhân vật quan trọng. Qua khung cửa sổ, hắn thấy thầy giáo Chích và hai ông lão tiến vào cửa, đội trên đầu hai thúng đựng đầy những trái mận đỏ, mận xanh no tròn.
Người lính canh chạy vô báo tin. Quan hai Phẹt-Năng nói khẽ:
- Cho vô tự nhiên nhưng phải để hai thúng mận ngoài cổng. Mầy lục soát thử coi có vũ khí gì trong thúng không!
Giáo Chích được mời ngồi ghế. Quan hai gọi lính đem vào phòng hai cái ghế rồi mời hai ông lão ngồi. Hai ông lắc đầu, day qua giáo Chích như phân trần:
- Ngồi dưới gạch, dựa lưng vô vách được rồi. Tụi tôi đâu dám ngồi ghế... kiểu Tây.
Giáo Chích nài nỉ:
- Ngồi trên ghế cho rồi mà. Quan lớn ra lịnh!
Một ông lão đáp:
- Người An Nam mình ngồi trên bộ ván chớ không ngồi ghế. Có hai kiểu ngồi: chồm hỗm hoặc xếp bàn tròn (xếp bằng), thế thôi. Ngồi ghế, hai cái tay cái chân nó... tòn ten, kỳ cục lắm. Xưa nay, ghế chỉ dùng cho vua hay quan lớn mà thôi...
Quan hai trố mắt khi nghe giáo Chích “thông ngôn” lời ông lão. Thế là ông hương cả được gọi vào. Ông hương cả xác nhận:
- Người bình dân An Nam có hai cách ngồi là xếp bằng và ngồi chồm hỗm mà thôi!
Quan hai hơi bực dọc. Hai ông lão cứ khoanh tay, nhìn nhau. Quan hai hỏi:
- Sao họ day mặt chỗ khác? Họ khinh tôi hả?
Giáo Chích khuyên nhủ. Nhưng hai ông lão vẫn cứ cúi mặt. Giải thích rằng:
- Sợ lắm. Thời xưa, theo tục lệ An Nam thì dân phải kính trọng xá quan, quì lạy vua. Nhìn thẳng vào mặt người ta là vô phép. Bởi vậy, khi tâu với vua, mấy ông tể tướng còn phải quì cúi mặt.
Đã đến lúc không còn nhịn được nữa. Nhưng quan hai Phẹt-Năng là kẻ được đào tạo ngành gián điệp từ bên Pháp. Hắn đã lôi cuốn được hầu hết mấy ông cựu hương chức hội tề, luôn cả thầy giáo Chích.
Dưới mắt hắn, hai ông lão kia thuộc vào loại người khó mua chuộc. Và trước khi mua chuộc thì hắn cần phải hăm dọa khéo léo. Dùng lời ngon ngọt nhưng gợi nhiều ý nghĩa xa xôi để hai ông lão suy nghĩ và càng suy nghĩ thì càng sợ oai lực nhà nước Pháp.
- Ông già này, tên gì?
Giọng nói của quan hai trở nên cứng rắn. Ông lão thứ nhứt vụt đứng dậy:
- Quan lớn gọi tôi?
Quan hai Phẹt-Năng khoát tay:
- Ngồi xuống!
Ông lão lẩm bẩm:
- Ngồi mà nói chuyện là vô phép. Hay là...
Giáo Chích chận lời:
- Ổng sợ ông chạy trốn. Cứ ngồi mà nói. Ông tên gì?
- Dạ, tên Mười Bạch.
Quan hai nói chẫm rãi:
- Nhà ông trồng mận đỏ?
- Dạ, đó là mận hồng đào. Xưa kia xứ nầy không có mận đỏ. Mấy thứ kia trái ăn hơi chát, bán rẻ. Gọi là mận ta.
- Mận hồng đào có từ bao giờ? Tại sao trước kia chẳng nghe ai nói?
Lão Mười Bạch gãi đầu, day qua giáo Chích khẩn cầu nhờ giải thích giùm. Giáo Chích muốn khoe khoang sự hiểu biết của mình với quan trưởng đồn:
- Thưa ông, hầu hết loại trái cây... đều từ xứ lạ đem tới...
Rồi như nhận thấy sự lẩm cẩm của mình, giáo Chích sửa lại:
- Thưa ông tôi muốn nói: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... đều là giống cây ở miền dưới, tức là Mã Lai, Nam Dương đem lên Nam Kỳ. Còn trái mận hồng đào thì...
Giáo Chích cụt hứng, cố tiếp lời:
- Ông Mười Bạch ở xóm nầy hơn 50 năm, chắc hiểu rành hơn tôi. Cách đây chừng ba năm, mận hồng đào chưa có. Ai đem giống mận đó tới vậy?
Lão Mười Bạch thở dài rồi cười nhếch mép:
- Dạ nói ra sợ quan lớn chưa tin. Tôi là người đầu tiên trồng giống mận hồng đào tại xứ nầy.
- Giống mận ở đâu mà có?
- Trời mà biết! Số là...
Lão Mười Bạch ngưng một chập rồi tiếp lời:
- Số là năm đó trong vườn tôi trồng nhiều mận ta. Tôi ra vườn hái trái, thấy một cây mận hơi lạ... Lá nó lớn, bông nó to... Nó kết trái. Đó là trái mận hồng đào. Tôi sực nhớ mấy năm trước chim bay qua vườn của tôi từng bầy. Và có một con chim lạ to lớn, mặt mày quái dị. Tôi muốn nói là...
Quan hai nửa tin nửa nghi bèn thúc hối:
- Nói mau đi!
Lão Mười Bạch đáp:
- Nói ra sợ quan lớn chê bai. Số là con chim đó ăn mận từ xứ lạ, bay qua đây rồi tình cờ... ỉa xuống. Cái hột mận còn nguyên, châm rễ, mọc lá... Sự tích mận hồng đào là vậy!
Quan hai Phẹt-Năng hỏi:
- Còn mận sọc xanh? Ai đem nó tới?
Mười Bạch nhìn ông bạn già là Tư Nếp.
Anh cắt nghĩa đầu đuôi phải quấy cho quan am tường. Tôi nói chuyện mận hồng đào. Anh bạn nói chuyện mận sọc xanh đi! Sự tích cũng giống như vậy thôi...
Lão Tư Nếp vừa nói, vừa gãi đầu:
- Dạ năm đó, tôi ra ngoài biển Cà Mau mà đánh lưới. Tình cờ gặp con cá hình thù quái dị. Chừng đem về xẻ làm khô, tôi thấy trong ruột cá có cái hột gì đen thui, trồng thử thì nó sống nhăn, mọc lên, trổ ra trái mận sọc xanh. Mận xanh, mận hồng điều đều chiết nhánh được. Lần hồi hai thứ mận mọc lan tràn. Thiên hạ chê thứ mận ta, chát ngầm.
Quan hai Phẹt-Năng đứng dậy:
- Cho hai ông già nầy về! Nghe chán quá. Một thứ thì do cá dưới nước, một thứ thì do chim trên trời. Hai ông già nói dóc. Coi chừng tôi!
Rồi day qua giáo Chích:
- Xong rồi! Đưa hai ông già ra cửa.
Đến cổng, giáo Chích tạm biệt lão Mười Bạch và Tư Nếp.
Mười Bạch nói:
- Thầy giáo phá tôi hoài. Để tôi ở yên. Tại sao mấy ông Tây ưa cắt nghĩa quá.
- Thì người Pháp muốn biết nguồn gốc vài thứ trái cây lạ ở thuộc địa, vậy thôi. Mà hồi nãy mấy ông nói thiệt hả?
Lão Tư Nếp đáp:
- Thì ông bà mình có câu “cá nước chim trời...”. Cái gì lạ thì do cá nước chim trời... đem tới. Trời mà biết. Cắt nghĩa làm chi. Hai thứ mận đó ăn ngon, hợp với phong thổ, nó sống hoài. Thầy giáo biểu tôi cắt nghĩa cho ông quan hai nghe sự tích. Làm sao cắt nghĩa... Cũng như thầy giáo hỏi tại sao tôi biết ăn, biết thở. Từ rày về sau, thầy đừng làm vậy nữa. Tôi phiền lắm!
Giáo Chích bẽn lẽn:
- Tôi hứa để hai ông ở yên, trừ khi nào quan hai muốn điều tra...
Mười Bạch nói gắt, chỉ ngón tay vào một gốc cây đã trụi nhánh, trong sân.
- Đây là cây mận hồng điều. Muốn biết thì cứ coi nó trổ bông kết trái. Mấy cha nội Tây ưa đốn ngang để làm nọc giăng sợi dây phơi quần áo. Coi bộ nó còn mọc hoài...
Nói xong, hai ông lão vừa đi vừa chạy... Giáo Chích bị chạm tự ái, đến gặp quan hai để mong giữ uy tín:
- Hai ông già đó lợi hại lắm, có con cháu theo Thanh Niên Tiền Phong đó quan lớn!
Quan hai Phẹt-Năng gật đầu rồi đưa tay vỗ nhẹ lên đầu giáo Chích như người cha khen đứa con có hiếu. Thầy giáo Chích thấy đau xót lạ lùng.
SƠN NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét