Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

“Tôi hoài nghi hiệu quả kinh tế dự án bô xít”

“Tôi hoài nghi hiệu quả kinh tế dự án bô xít”




Chuyên gia Phạm Chi Lan. Ảnh: N.M.


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chủ đầu tư đã bỏ qua những con số quan trọng để chứng minh dự án khả thi. TKV đã không tính đến đường vận tải tốn kém cả trăm triệu đôla.

Sau khi tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) lần lượt được khởi công, tôi và nhiều nhân sĩ tri thức cả nước đã lo ngại về hiệu quả cũng như nguy cơ môi trường mà dự án có thể gây ra. Sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary mới đây lại là một luận cứ rõ ràng dấy lên mối lo ngại mà trước đây chúng tôi từng đưa ra.

Chính vì thế, một lần nữa, tôi và các nhân sĩ lại gửi đơn kiến nghị đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội dù tôi biết, đặt lại vấn đề dừng triển khai khi dự án đang thi công sẽ khó hơn rất nhiều so với trước kia. Thế nhưng chúng ta cần có dũng khí quyết định dừng lại đúng lúc.

Trước đây, Hungary và Liên Xô đã thẳng thắn khuyên Việt Nam chưa nên khai thác bô xít vì tác động môi trường rất lớn. Hungary là một trong những nước tiên tiến, trình độ cao hơn Việt Nam mà sự cố vẫn xảy ra. Chúng ta liệu có dám tự tin mình hơn Hungary không?

Cách đây 20 năm, việc khai thác dầu khí để xuất khẩu khi đất nước còn nghèo có thể thông cảm được. Thế nhưng bài học về bán tài nguyên thô với giá rẻ để rồi nhập lại chính tài nguyên đó với giá đắt hơn rất nhiều vẫn còn đó. Khi nhà máy Dung Quất bắt đầu vận hành cũng là lúc nguồn dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Việt Nam đã phải lo tìm kiếm nguồn dầu từ bên ngoài với giá đắt hơn rất nhiều so với thời điểm chúng ta xuất khẩu. Than cũng là câu chuyện tương tự. Chúng ta đã và đang xuất khẩu than đi nhiều nơi để rồi than rơi vào tình trạng thiếu thốn.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định dự án có hiệu quả cao, nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Hãy nhìn lại mà xem, có dự án nào khi đề xuất xin làm, chủ đầu tư không nói đến "hiệu quả cao", nhất là các dự án của tập đoàn, tổng công ty nhà nước? Phải chăng chúng ta chưa thuộc lòng bài học khai thác tài nguyên từ dầu mỏ, khí đốt đến than và một số khoáng sản khác?


Hãy lấy dự án Dung Quất làm ví dụ. Năm 2005, dự án Dung Quất điều chỉnh từ số vốn đầu tư dự kiến 1,5 tỷ USD thành 2,5 tỷ USD và đến nay con số này đã hơn 3 tỷ USD. Hiệu quả thu hồi vốn trước kia được tính đến hơn 9% và nay hạ xuống còn 7%. Ngay con số 7% này cũng rất khó tin bởi mức đầu tư 2,5 tỷ USD có khả năng thu hồi vốn là 5%. Tổng vốn đầu tư dự án tăng lên đến 3 tỷ USD mà hiệu quả tăng lên thật khó thuyết phục.

Quốc hội qua nhiều kỳ họp luôn cảnh báo về tình trạng đầu tư dàn trải gây thất thoát và chi phí đội lên của dự án. Thực tế đã chứng minh, nhiều dự án ở giai đoạn cuối hoặc trong quá trình thực hiện thường có số vốn cao hơn ban đầu rất nhiều. Các nhà máy điện, đường giao thông, cây cầu... không một dự án nào của Việt Nam thoát khỏi tình trạng lúc đầu tư là 1 nhưng thực tế số vốn tăng lên tới 1,5-2 lần. Tôi tin rằng dự án bô xít Tây Nguyên cũng khó thoát khỏi tình trạng tương tự.

Tôi hoài nghi hiệu quả kinh tế dự án mang lại bởi chủ đầu tư đã bỏ qua những con số quan trọng để chứng minh dự án khả thi. TKV đã không tính đến đường vận tải tốn kém cả trăm triệu đôla. Chủ đầu tư chi ra 30 triệu USD để đầu tư cho môi trường nhưng chưa thấy đánh giá chung về tác động môi trường đối với dự án. Ngay việc xây dựng nhà máy điện phục vụ dự án cũng không cụ thể. Tôi cho rằng, chủ đầu tư đã chưa nghiên cứu thấu đáo hoặc không hình dung hết giá cả biến động trên thị trường cũng như những phức tạp trong quá trình tăng vốn của dự án.

Thêm vào đó, tôi thực sự lo ngại về vấn đề giám sát. Những dự án được bộ ngành đầu tư liệu có được thẩm định đúng? Tôi e rằng nếu đúng thì câu chuyện Vedan đã không xảy ra. Không lẽ cách đây 14-15 năm, chủ đầu tư không thẩm định tác động của môi trường hay sao? Tại sao để đến 15 năm trời, người dân kêu, con sông Thị Vải bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vấn đề mới được đưa ra ánh sáng? Câu chuyện về con tàu Vinashin là một bài học lớn vẫn còn đang nóng bỏng. Chỉ trong thời gian ngắn, Vinashin nợ đến 86.000 tỷ đồng mà không có ai giám sát. Tôi tự hỏi trách nhiệm của các ngành đến đâu?

Ai dám chắc bô xít Tây Nguyên không rơi vào tình trạng tương tự? Cần có bài toán minh bạch và đưa ra một cách công khai cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu. Dự án bô xít là tiền của dân đổ ra, cần cho người dân biết thực hư hiệu quả đầu tư thế nào. Tôi biết, dự án đầu tư đã lên tới 400 triệu đôla và nếu dừng thì sẽ gây ra những tốn kém không nhỏ. Nhưng nếu thẳng thắn nhìn lại, tôi cho rằng dù tốn kém, giá thiệt hại vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với việc chúng ta nhắm mắt làm liều.

Tôi quan ngại việc Bộ Công Thương "lắng nghe" ý kiến trái chiều nhưng vẫn chỉ đạo tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đến bây giờ, tôi vẫn tin như tôi đã tin cách đây hơn 1 năm rằng dự án bô xít Tây Nguyên không mang lại hiệu quả kinh tế và thay vì đầu tư vào bô xít chúng ta có nhiều việc phải làm hơn. Chúng ta nói tiến hành dự án để cải thiện đời sống đồng bào Tây Nguyên vậy tại sao không đầu tư trực tiếp vào khu vực này?

Cà phê, ca cao và nhiều cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Tây Nguyên đang bị bỏ qua. Dường như chúng ta quên mất rằng, chúng ta đang phát triển nông nghiệp ở đó. Chỉ một phần nhỏ đầu tư cho người dân có thể làm thay đổi cuộc sống của họ đâu cứ gì dự án bô xít với số vốn khổng lồ kia? Dự án bô xít Tây Nguyên nói tạo thêm việc làm cho người lao động nhưng hãy thử nhìn xem có bao dự án khu công nghiệp đã tạo ra công ăn việc làm cho người dân hay sau đó người dân lại bơ vơ? Tôi cho rằng chỉ cần bỏ 10% vốn dự án bô xít đầu tư cho Tây Nguyên thì đời sống đồng bào cũng đã khác nhiều.

20 năm sau khi thu nhập chúng ta có thể đạt trung bình 3.000 USD thì hãy nghĩ đến triển khai dự án bô xít. Tôi cho rằng nguồn tài nguyên bô xít nên để dành. Tôi sợ cứ bắt tay vào khai thác, con cháu chúng ta sẽ oán trách thế hệ cha ông chúng tiêu xài phung phí nguồn tài nguyên đất nước. Biết đâu một ngày nào đó, chúng lại phải mua tài nguyên với giá đắt đỏ như chính chúng ta đang sắp phải mua than, mua dầu? Nguồn tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt với mức đáng báo động như hiện nay thì những gì còn lại sẽ càng quý hơn hiếm hơn và hãy để con cháu chúng ta hưởng điều đó.

Hoàng Lan (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét