Nhìn từ Trung Quốc
Posted on 28/10/2010 by danlambaoblog
Trương Duy Nhất – Đang mùa đại hội, nghe thiên hạ đồn đoán về danh sách ai đi ai ở và việc chọn ngôi vị, lại lẩn thẩn muốn viết những dòng này.
Ôn Gia Bảo
Giữa lúc làn sóng bài Hoa đang inh ỏm, chắc chắn bài viết này sẽ bị ném đá dữ dội. Tuy nhiên, bình tâm ngẫm lại, trong hàng núi những ứng xử, mưu mô thâm hiểm của người Trung Hoa, vẫn cần phải nhìn để học họ nhiều điều. Ngay cả quyết tâm “thay đổi hệ thống chính trị” đang được khởi xướng từ chính vị Thủ tướng đương nhiệm họ Ôn cũng là điều đáng để giật mình.
Tôi chưa tin lắm vào sự thay đổi này, bởi chưa chắc ông Ôn Thủ tướng đã làm xoay chuyển được điều gì to tát lắm. Thế nhưng, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ rất rõ. Đặc biệt là ông nói, ông khởi xướng ngay từ khi còn đương nhiệm. Nó rất khác với các lãnh tụ Việt, chỉ nói hay, chỉ nổ như bắp rang, chỉ vung tay múa chân, chỉ mở miệng kêu gọi dân chủ dân tớ khi đã nghỉ hưu về vườn.
Khi đương chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nhận thấy tham nhũng đã di căn vào trong máu đảng, nhiễm tới tận thiên triều, Giang Trạch Dân đã mạnh bạo khởi xướng một chiến dịch “trị đảng”. Ông nói “muốn trị quốc phải trị đảng!”. Trong khi đó, phía Việt Nam chúng ta cũng chạy theo mở một chiến dịch nhưng gọi mềm đi là “xây dựng và chỉnh đốn đảng”. Thậm chí khi đó có bài viết của tôi đưa chữ chỉnh đốn lên trước chữ xây dựng bèn bị nhắc nhở.
Kết cuộc, hàng loạt những quan chức chóp bu trong bộ máy đảng Cộng sản Trung Quốc bị thanh trừng, cả những lão hàng Bộ Chính trị cũng bị kết án, bị tử hình. Còn phía Việt Nam mình, xây dựng được gì và chỉnh đốn được gì?
Hơn 30 năm trước, khi quyết định thử nghiệm mô hình đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, nhiều người khuyên can. Nhưng Đặng Tiểu Bình vung tay chém lên… Trời và nói một câu bất hủ: Nếu mất thì chỉ mất mỗi Thẩm Quyến, còn được thì được cả nước Trung Hoa!
30 năm sau, thực tế chứng minh người Trung Quốc được hay mất trong mô hình Thẩm Quyến. Nhìn cách người Trung Quốc lấy lại Hồng Kông, Ma Kao và đang quăng bủa lưới kéo Đài Loan, khiến kẻ thù nhiều lúc cũng phải… vỗ tay!
Nhìn ra cả thế giới, cũng không có dân tộc nào, quốc gia nào dám chấp nhận mô hình “một quốc gia hai chế độ” như Trung Quốc. Ngay từ khi các quốc gia trong phe XHCN còn đủ mạnh làm đối trọng, Trung Quốc đã dám đứng riêng ra, dám bảo họ xây dựng một mô hình XHCN khác, mô hình XHCN mang màu sắc Trung Quốc.
Trung Quốc mỗi ngày một mạnh lên. Vị thế (tất nhiên là cả mưu mô toan tính) của người Tàu khiến ngay cả người Mỹ và thế giới phải kiêng nể, dè chừng. Nhìn vào sự vùng dậy lớn mạnh lên của người Tàu, thấy mỗi giai thời họ đều có được một nhân vật đủ sức khuynh loát, vai trò cá nhân đủ sức làm xoay chuyển thời cuộc. Mỗi một giai đoạn phát triển của đất nước Trung Hoa luôn gắn liền với dấu ấn cá nhân của một con người cụ thể. Điều này ngay cả người Mỹ cũng thua.
Hình như trong tư duy người Tàu, họ chọn vị thuyền trưởng cầm lái trước rồi mới chọn đội ngũ thợ chèo sau. Ví như ngay từ bây giờ, khi Ôn Thủ tướng còn đương quyền, còn đang lớn tiếng hô hào đòi “thay đổi hệ thống chính trị”, thì cả thế giới đã biết gần như chắc chắn người kế vị cầm lái con thuyền Trung Hoa trong giai đoạn hậu Ôn là ai rồi.
Còn người Việt ta làm ngược lại, chọn tốp thợ chèo trước rồi trong cái đám thợ chèo ấy mới so đũa chọn người cầm lái. Cũng vì thế mà cứ mỗi kỳ chọn, trong cái đám đũa kia lại hục hịch đấm đá nhau ỏm tỏi đến loạn cả thiên triều. Để rồi chẳng ông nào chịu ông nào, một đội ngũ làng nhàng chẳng ai hơn ai, có việc chi cũng nhìn qua ngó lại chả ai dám quyết, cũng phải họp để giơ tay lấy số đông. Cứ như Trung Quốc, kiểu vương quyền gia trưởng phong kiến đấy, nhưng lại tránh được loạn quyền, tránh được nạn đấm đá giành tranh nhau trước những kỳ đại hội.
Với Việt Nam, có lẽ sau thời Hồ Chí Minh, ngoài Hồ Chí Minh, duy nhất ông Lê Duẩn có thời được coi là nắm quyền khuynh loát, tiếng nói, quyền uy và vai trò cá nhân sai khiến, lay chuyển được cả một bộ máy.
Để thay chuyển tình thế đất nước, Việt Nam cần có một Hồ Chí Minh 2, hay chí ít cũng phải một nhân vật cỡ Lê Duẩn 2. Chứ nhìn trông vào đội ngũ hiện thời, một đội ngũ làng nhàng chẳng ai hơn ai, có việc chi cũng nhìn qua ngó lại chả ai dám quyết, cũng phải họp để giơ tay lấy số đông, thì chẳng mong đợi có được sự thay chuyển lớn lao nào.
Vì thế, chiếu với 3 điều Talawas đang… trưng cầu dân ý, tôi thấy việc hệ trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay là: không tìm ra được một nhân vật đủ tài năng và bản lĩnh để khuynh loát cái đám đông chuyên nhìn nhau gật gù. Còn hỏi nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì thì đó là một câu hỏi hết sức vớ vẩn. 24 tiếng chưa đủ để xướng danh “tôi là Thủ tướng”!
Và tất nhiên khi đó chỉ cần nhìn trông vào tay thuyền trưởng này, sẽ đoán định được nó đi đến đâu trong những thời khắc 2010, 2020 và 2030, hoặc xa hơn nữa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét