Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Gia đình VĨNH XUÂN – BẦU THẮNG – THANH TÒNG

Gia đình VĨNH XUÂN – BẦU THẮNG – THANH TÒNG

PHẦN I 
 
 
Gia đình
VĨNH XUÂN – BẦU THẮNG – THANH TÒNG

Tìm hiểu các hoạt động truyền nghề trong gia đình nghệ sĩ Minh Tơ, ta sẽ phát hiện được sự thay da đổi thịt của nghệ thuật Hát Bội tiến dần qua lãnh vực của nghệ thuật Cải Lương.
Sự phát triển này tùy theo sự phát triển của xã hội và của nền học thuật nói chung, đồng thời nó cũng bị ảnh hưởng vì tình trạng kinh tế và sự thay đổi cảm quan của “khán thính giả trong vòng nửa thế kỷ qua.
Theo tài liệu của “Hội Khuyến Lệ Cổ Ca” do ông Đốc Phủ Đỗ Văn Rỡ làm Hội Trưởng, ông Hữu Thoại, ông Thành Tôn làm biện tuồng thì Bầu Thắng tên là Kép Hai Thắng, con của ông Vĩnh, một kép hát bội tài danh. Mẹ của ông Hai Thắng là Bà Xuân, cũng là một đào hát bội, hát hay nhất trong Ban Hát Bội của bà Hộ. Hai Thắng được cha mẹ trực tiếp truyền nghề, nên khi còn rất trẻ, đã là kép chánh trong Ban Hát của Bà Ba Ngoạn (1914) đóng tại đình Cầu Muối. Nên nhớ là thời xa xưa đó, đào kép hát bội và đa số dân nghèo đều thất học, dốt chữ, việc truyền dạy nghề nghiệp là bằng cách người dạy, hát trước từng câu để người học hát theo cho tới khi thuộc lòng. Từng điệu múa của kép văn, kép võ, lão mùi, lão độc, các vai Vua, Quan Tư Đồ, Thừa Tướng, v.v… đều có điệu múa hát riêng, thậm chí cầm cây roi ngựa, múa như thế nào là dắt ngựa ra, lên yên ngựa, ngựa đi nước kiệu, ngựa phi, v.v… Mỗi động tác thể hiện đều có đặc điểm riêng; người dạy phải bằng cách nắm tay chỉ việc, “bẻ tay bẻ chưn , dạy múa, dạy điệu bộ, người dạy đánh trống miệng trước, gõ nhịp cho người tập đến khi thành thuộc, mới ráp với ban nhạc sau.
Còn một cách học hỏi nữa là những người mê nghiệp hát, theo gánh hát, giúp những chuyện lặt vặt thường ngày trong Ban hát, hoặc làm đệ tử cho đào kép chánh, hầu hạ như người ở đợ để đêm đêm được núp bên cánh gà, nhìn ra sân khấu học lóm các cách ca, hát, múa may của đào kép chánh. Có người may mắn được dịp thế tuồng cho đào kép bất ngờ vắng mặt. Những người đó có thể tiến lên thành đào phụ, kép phụ, rồi khá hơn thì nhận những vai quan trọng hơn. Có người suốt đời theo gánh hát cũng chỉ đóng được các vai quân, chạy hiệu, thế nữ, “cậu chài mợ quý” nói theo danh từ trong gánh hát dùng để gọi những người vai vế thấp nhất trong cái xã hội hát xướng đó. Hai Thắng được cha mẹ trực tiếp truyền nghề nên anh đi hát và thành danh rất sớm. Từ 20 tuổi, anh Hai Thắng đã diễn xuất sắc nhiều vai kép võ chánh trong các bộ truyện Tàu như: Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, La Thông Tẩu Bắc, Tam Quốc Chí (vai Lữ Bố, Châu Du, Triệu Tử Long) và có những vai gọi là để đời vì không ai hát hay hơn anh, đó là những vai: Quan Công, Đơn Hùng Tín, Võ Tòng, Hoàng Phi Hổ, Tống Nhơn Tôn…
Vợ anh Hai Thắng tên là Nguyễn Thị Ngọc, sanh năm 1896 tại Bà Rịa (gia đình nông dân). Nhân đi xem gánh hát Phước Thắng của bà Bầu Hộ diễn tại Bà Rịa, cô Ngọc say mê anh kép trẻ Hai Thắng. Thời gian sau, hai người nên vợ chồng, cô Ngọc theo chồng lên Sài gòn và gắn bó nhau trong cuộc đời lưu diễn.
Năm 1924, cô Ba Ngoạn giao gánh hát lại cho người con trai của cô là Nguyễn Phước Cương tức cậu Tư Cương, du học ở Pháp mới về. Cậu Tư Cương điều khiển gánh hát Phước Thắng của Bà Hộ và gánh Phước Xương của cô Ba Ngoạn.
Cô Ngọc thấy Hai Thắng, chồng cô rất được khán giả ái mộ nên khuyên Hai Thắng nên đứng ra lập Ban Hát riêng mình, cô Ngọc lấy tiền dành dụm và vay thêm một phần, được hơn 30 đồng, đủ tiền sang lại một xác gánh hát bội, tập họp một số anh chị em đồng nghiệp, lập đoàn hát lấy tên là Vĩnh Xuân Ban. Vĩnh Xuân là tên cha mẹ chồng, đặt thành tên Ban Hát để ghi ơn sanh thành dưỡng dục và đã truyền nghề cho Hai Thắng. Từ đây, cô Ngọc được người trong giới gọi là bà Bầu Thắng. Ban Bầu Thắng đóng đô ở đình Cầu Quan, tức là đình Thái Hưng ở đường Yersin, quận Nhì, Sài gòn.
Hồi xưa, đình Cầu Quan là ngôi đình nhỏ được xây cất đơn sơ, tọa lạc trên khu đất gò thuộc làng Tân Khai, chung quanh là kinh rạch sình lầy. Đường vào đình phải qua cây cầu nhỏ, tục gọi là Cầu Quan. Sau khi Ban Hát Vĩnh Xuân về đây, bà Bầu Thắng cùng với Hội Đình san lấp những vũng nước sình lầy, cây cầu cũng được phá bỏ, nhưng đến nay người ta vẫn quen gọi là Đình Cầu Quan.
Thời kỳ này là hưng thời của các gánh hát bội. Bà Bầu Thắng khéo điều khiển gánh hát để cho chồng bà (Hai Thắng) chuyên tâm lo việc hát và đào tạo các con cháu. Bà Bầu Thắng đã trùng tu, sữa chữa, mở rộng diện tích của đình. Xây thêm võ ca, sân khấu và hậu trường. Gánh Vĩnh Xuân Ban được đánh giá là Đại Ban, ngang hàng với gánh Tấn Thành Ban, hát ở đình Cầu Muối của Bầu Cung.
Khi đoàn cải lương Thanh Minh hát tại rạp Thành Xương, kế bên đình Thái Hưng, rạp Cầu Quan, nơi đóng đô của Vĩnh Xuân Ban – Bầu Thắng, tôi thường qua lại chơi thân với các bạn nghệ sĩ hát bội, nhất là các anh Minh Tơ, Châu Kỷ và tôi cũng thân với anh Thành Tôn ở rạp Cầu Muối, Ban Tấn Thành của Bầu Cung, mục đích của tôi là học thêm những miếng, ngón nghề hay của hát bội (thời kỳ cuối những năm 40 qua các năm đầu của thập niên 50. Cải lương còn chịu ảnh hưởng nhiều của hát bội). Tôi được nghe kể nhiều chuyện hay, tích lạ, các hoạt động của ngành hát bội, biết các thành viên của gia đình nghệ sĩ Bầu Thắng, Minh Tơ.
Ông Bà Bầu Thắng có 7 người con, 2 người con trai: Thành Chỉ và Minh Quang chết trong những ngày đầu chiến tranh Việt Pháp, còn lại 5 người con là nghệ sĩ: Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú, Huỳnh Mai (vợ của nghệ sĩ Thành Tôn) và Bạch Cúc (vợ của kép Hoàng Nuôi).
Ông Bầu Thắng mất năm 1939, Vĩnh Xuân Ban vẫn do bà Bầu Thắng lèo lái với các con Minh Tơ, Khánh Hồng. Sau năm 1945, bà Bầu Thắng đổi tên gánh hát là Vĩnh Xuân Ban Khánh Hồng. (Khánh Hồng là tên người con trai thứ tư, em của Minh Tơ, thứ ba).
Bà Bầu Thắng từ trần hôm 11 tháng 2 âm lịch tức ngày 11 tháng 3 năm 1995, hưởng thọ 100 tuổi. Bà đã có công trùng tu, kiến tạo đình Cầu Quan từ những năm 1920, lập Ban Hát và gia đình cũng cư ngụ tại đó. Ngày Bà mất, lễ an táng, động quan cũng tổ chức tại Đình Cầu Quan. Hiện nay Đình Cầu Quan đã bị phá bỏ để xây cất thành những căn chung cư, nhưng gia đình của hai nghệ sĩ Trường Sơn và Thanh Loan (cháu nội gái của bà Bầu Thắng vẫn còn ở trong vùng đó). Di tích cả trăm năm của đình Cầu Quan, nơi hoạt động của đoàn Hát Bội lâu đời nhất đã bị xóa bỏ, thật đau lòng người trong giới.
Anh Thành Tôn khi kể với tôi về cái hay của nghề hát bội, anh thường nhắc tới ông Bầu Thắng và cô đào Năm Nhỏ (dâu của bà Ba Ngoạn, vợ của ông Bầu Cương) Hai Thắng thủ vai Tống Nhơn Tôn, cô Năm Nhỏ thủ vai Bàng Quý Phi thì không ai bì kịp. Cô Năm Nhỏ, một mình đóng nổi bốn vai khác nhau trong tuồng “Ngũ Biến Báo Phu Cừu’. Về sau, phải chia ra bốn vai mới đóng nổi, mà bốn nghệ sĩ đóng bốn vai này không phải tầm thường: Đó là cô Năm Sa Đéc, cô Ba út, em dâu Bầu Thắng, cô Cao Long Ngà, cô Năm Đồ. Tưởng cũng nên nhắc tóm tắt chuyện tuồng “Ngũ Biến Báo Phu Cừu , để các bạn hình dung được những khó khăn của vai tuồng này.
Vở tuồng có ba cảnh, kể về một người quả phụ 5 lần cải dạng để vào đất giặc, tìm giết tướng giặc, trả thù cho chồng. Tướng Lâm Đại Nguyên vâng lịnh vua Tống, đánh quân Phiên. Chẳng may bị tướng Phiên là Lôi Thiên Thặng giết chết. Kim Liên, vợ của Lâm Đại Nguyên, xin phép cha chồng cho nàng sang Phiên tìm cách trả thù chồng nhưng không được đồng ý. Đêm đó nàng bỏ trốn. Lâm Ngọc Mỹ, em chồng, phát giác chị dâu đã bỏ đi, bèn đuổi theo tìm kiếm. . . Kiêm Liên giả làm người hành khất, bị phong cùi lê lết trên đường. Ngọc Mỹ gặp người ăn mày, không biết là chị, cho gói hành lý rồi trở về.
Tới cửa ải quân Phiên, nàng giả điên, qua mặt được quân canh, qua cửa ải. Đến nước Phiên, nàng giả làm một đạo sĩ trẻ, tay ôm bầu rượu, bước đi khập khiễng để dò la tin tức. Bị tướng Phiên là Phương Hồ nghi ngờ, tra xét. Kim Liên giết chết Phương Hồ. Lần thứ tư để che mắt quân thù, Kim Liên giả làm ông già. Lôi Thiên Thặng có ý đề phòng, cho quân bắt. Kim Liên phải đánh với Thiên Thặng để trốn thoát đi. Chỗ này tuồng hát bội cho hồn của Lâm Đại Nguyên hiện lên giải cứu cho Kim Liên. Sau đó Kim Liên giả theo đoàn Sơn Đông mãi võ, múa lân để tới gần Thiên Thặng và giết được Thiên Thặng, báo thù chồng. Cái đặc sắc của vở tuồng là một nhân vật đã cải dạng thành 5 tính cách khác nhau, năm hình dáng khác nhau, rất khó hát.
Hơn hai mươi năm lập gánh, nghệ sĩ Hai Thắng ngoài việc cống hiến cho khán giả những vai diễn đẹp, còn đào tạo nhiều lớp diễn viên kế thừa đầy tài năng như cô Ba Út (mẹ của nữ nghệ sĩ tài danh hiện nay là đào Ngọc Khanh), Sáu Quận, Sáu Truyện, Ba Giác, Minh Tơ, Khánh Hồng, Hai Thoại, Hai Thảnh, Ba Mác.. . Đây là những diễn viên hát bội đầy tài năng mà hiện nay trong giới thường nhắc nhở những vai họ thủ diễn coi như mẫu mực trong nghề .
Những hậu duệ của ông Hai Thắng, Minh Tơ, Khánh Hồng, Thành Tôn (rể, chồng của cô Huỳnh Mai), v.v… gặp thời buổi khó khăn hơn, khiến cho nghệ thuật hát bội mất dần khán giả. Những năm 1929, 1930, kinh tế khủng khoảng, lúa gạo mất giá, nông dân rất nghèo đói, dân ở thành thị cũng thất nghiệp rất nhiều. Đời sống kinh tế khó khăn nên nhiều thôn xã khi cúng Kỳ Yên, không rước Hát Bội về hát chầu nữa.
Ở thành phố thì phong trào cải lương đang thu hút khán giả mạnh. Thêm nữa, từ khi chiếm được sáu tỉnh miền Nam, Pháp đã bãi bỏ thi cử chữ Hán, chữ Nôm, Hát Bội lại dùng nhiều chữ Nho, điển tích Tàu, người dân bình thường không hiểu nên họ thích cải lương hơn, dễ hiểu hơn, ca hát nhiều hơn, lại có cảnh trí, phông màn đẹp. Về tuồng tích thì bên Hát Bội có tuồng gì, bên cải lương cũng có tuồng đó (như Phụng Nghi Đình, Quan Công phò Nhị Tẩu…) Minh Tơ, Khánh Hồng, Thành Tôn và nhiều đoàn Hát Bội khác phải cải cách lối hát bội thành “Hát Bội Pha Cải Lương” .
Trước khi dẫn chứng kể rõ Hát Bội Pha Cải Lương là lấy cái gì bên nghệ thuật cải lương, còn giữ cái gì của nghệ thuật Hát Bội thuần túy, tôi tưởng cũng cần nói rõ quan điểm của tôi là tôi không tán thành cách làm như vậy. Hát Bội có cái hay của nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật biểu diễn tượng trưng và ước lệ. Cải lương lúc mới khởi nghiệp đã học hỏi nghệ thuật của Hí Khúc Trung Quốc, của Hát Bội, của Kịch Pháp, Kịch Anh, v.v… để tìm kiếm và dần dần tự khẳng định cho mình một lối biểu diễn có sắc thái độc đáo. Khi pha trộn Hát Bội và Cải Lương thì Hát Bội không ra Hát Bội, Cải Lương không ra Cải Lương, nhất là các diễn viên hát bội thời đó hát cương là chính, không có kịch bản soạn thảo đàng hoàng nên khi hát bội pha cải lương thì tình hình nghệ thuật thật là thảm thương. Dẫu sao cũng là một thực tại không thể chối cãi được. Hiện tại thì những cái gì xấu, lai căng, những bước đi lệch lạc cũ đã được sửa chữa, cái gì hay, đẹp của Hát Bội, của Cải Lương, qua một thời gian thể nghiệm, chắt lọc lại, đã được định hình. Tuy nhiên thời gian xảy ra chuyện Hát Bội Pha Cải Lương không phải là không giúp cho những người trong nghề như chúng tôi rút ra được những bài học đáng giá.
Trong thời kỳ thịnh hành lối Hát Bội pha cải lương, tôi thấy cần phân định ra hai dòng hoạt động:
1- Những người chạy theo tiền, pha tạp hai lối hát đề chỉ mong có khán giả nhứn thời, làm hư hại cả hai loại hình nghệ thuật
2- Những nghệ sĩ chân chính, muốn canh tân nghề nghiệp của mình, có nghiên cứu, có sáng tạo, làm giàu thêm cho kỹ thuật ca diễn. Nhóm này phải vinh danh hai nghệ sĩ Minh Tơ, Thành Tôn và các hậu duệ của các ông như Thanh Tòng, Đức Phú, Xuân Yến, Thanh Loan, Thanh Bạch, Bạch Lê, v.v…
Những bạn nào trong lứa tuổi 70, 80, chắc đã có nhiều dịp được coi “hát bội truyền thống” . Những bạn trong lứa tuổi 50, 60, chắc là ít có cơ hội, hoặc có xem thì Hát Bội đã pha cải lương, hát bội Hồ Quảng, Cải Lương tuồng cổ. Còn các bạn trẻ 20, 40, thì chắc là chỉ nghe nói tới danh từ hát bội, chớ chưa có dịp xem, vì sau này Hát Bội đã trở thành món hàng quý, hiếm.
Vì vậy, trong trang sách này, khi kể lại các sự pha cải lương của hát bội, tôi xin kể trước nghệ thuật hát bội là như thế nào về cách cấu trúc nhân vật, cốt truyện, một vài lối hát của hát bội, nhạc của hát bội và động tác, hát, múa, dàn cảnh, trang phục để so sánh với bên cải lương thì mới thấu hiểu sự chuyển mình của các loại hình nghệ thuật sân khấu trong khoản thời gian đó .
Trước nhất xin kể ngay về các hoạt động cấp thời của các bạn pha tạp hai lối hát (trích hồi ký của Thành Tôn): … Trên sân khấu Cầu Quan và sân khấu đình Cầu Muối, trong những năm đầu của thập niên 50, Hát Bội Pha Cải Lương là có hai ê kíp hát bội và cải lương song song biểu diễn trong một tuồng: Nghệ sĩ Hát Bội có cô Ba út, Minh Tơ, Thành Tôn, cô Huỳnh Mai. Phía bên cải lương có các nghệ sĩ Hoàng Nuôi, Hoàng Bá , Xuân Liễu từ đoàn cải lương Tiến Hóa, Mộng Vần về đây đầu quân.
Tuồng tích vẫn là những tích truyện được rút ra từ truyện Tàu và truyện kiếm hiệp. Đương thời, hát bội vẫn chưa có kịch bản rõ ràng, các nghệ sĩ thường là diễn cương (ai thuộc nhiều tuồng tích sẽ có lợi thế hơn). Vì vậy đến vai ai, người đó diễn. Các nghệ sĩ hát bội nương theo đường dây của các nghệ sĩ cải lương đã được thống nhứt trước đó do có kịch bản đã được soạn thảo đàng hoàng.
Ở đoàn Tấn Thành Ban, Cầu Muối, ngoài các vở tuồng “Pho” (tức là tuồng theo tích truyện Tàu như Tam Quốc, Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây) đoàn còn diễn những tuồng kiếm hiệp hoặc chuyển thể từ phim nước ngoài (do nghệ sĩ đờn cò Năm Bửu soạn) như: Cánh Bướm Đen (truyện tình của Tristan và Iseut), Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ (Les trois mousquetaires), Aladin và cây đèn thần. Thỉnh thoảng đoàn hát chen một vài vở xã hội như “Tội của Ai”, “Áo Người Quân Tử” , “Ngọn Cỏ Gió Đùa”… nhưng cũng hát cương, phỏng theo tuồng cải lương đã có. Dù hát theo thể loại nào, thì vẫn là hát cương, không kịch bản, văn chương, bài bản đều do diễn viên tự đặt ra sao cho ăn khớp với tình huống. Do đó, cùng trong một vở, một lớp tuồng, nhưng hôm nay diễn viên ca bài bản này, ngày mai ca bản khác hoặc đổi lời văn là chuyện thường. Dàn nhạc đã có ký hiệu với diễn viên, ví dụ diễn viên khi hát, ra điệu bộ lấy bàn tay ôm mặt, lắc đầu là dàn đờn dạo điệu “hơi Ai”, để lát nữa diễn viên sẽ bắt giọng hát bản Nam Ai, hay Xuân Nữ. Đưa bàn tay mạnh bạo ra phía trước là sắp ca một bản Bắc… đờn dạo hơi Bắc… diễn viên sẽ ca bản Tây Thi hay Xuân Tình, dàn đờn đờn theo.
Cũng theo tài liệu của anh Thành Tôn (bút ký Những ngày hát cương ở đình Cầu Muối). Năm 1950, thường thường anh em hát bội thuộc các tuồng thầy như tuồng San Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Trảm Trịnh Ân, v.v… khi ra hát cương những tuồng mới sau này, chỉ cần sửa chút ít là hát được, khán giả cũng không biết là lấy trong tuồng nào, cứ tưởng là tuồng mới soạn mà thôi. Ví dụ : trong tuồng San Hậu, cung vua, lớp Thái Giám Tử Trình và Phàn Định Công tâm sự, Tử Trình nói:
Anh đã trao lời vàng đá,
Tôi dám đâu chẳng dạ sắt đanh,
(Dám thưa anh, như anh cùng tôi)
Đã cùng nhau từ thuở tuổi xanh,
Nay giúp Chúa kể đà đầu bạc.
Anh đà ký thác.
Tôi dễ dám từ,
Dẫu mà ai đem thói ghét dơ
Đã có lượng cao minh sẵn đó.
Khi hát tuồng “Cánh Bướm Đen” (Tristan & Iseut) cô Mộng Lành đóng vai Sĩ Vân Công chúa (Iseut) đã hát lớp hai người yêu nhau, tâm tình trên hoang đảo như sau:
Anh đã trao lời vàng đá.
Em đâu dám chẳng dạ sắt đinh,
Đã yêu nhau từ thuở tuổi xanh
Nguyện khắc ghi đến khi đầu bạc,
Dẫu lệnh vua cha nổi cơn sấm sét,
Chết thà chịu chết, xa anh quyết chẳng rời,
Dẫu mà ai đem thói ghét dơ
Đã có lượng cao minh sẵn đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét