Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh: Phần 2- Chương 3b
MARIANE LÊ THỊ NHỊ
Cô Tư Nhị là gái làng chơi hạng sang, nổi tiếng một thời với cô Ba Trà. Chính cô Ba Trà thuật lại cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Tư Nhị trong hồi ký. Lần đó, cô đến coi hát tại rạp hát của ông hội đồng kiêm bầu gánh Lương Khắc Ninh, chỗ đó sau nầy là rạp Kim Châu, được gặp Tư Nhị một dịp hết sức tình cờ. Cô kể lại:
“Một hôm, tôi buồn quá, thả cu ky lại rạp chớp bóng Cầu Muối, gọi rạp ông Bầu Ninh”. Lúc nầy, cô đang cặp với một kép mới là công tử Bích người Trà Vinh đang nằm khám vì tội không tiền trả nợ, “tôi bơ vơ phải về với anh chồng Tây Franchini. Phim đang diễn, bỗng tôi nghe từ đàng sau có tiếng thanh tao mời mọc:
- Mời cô Ba hút với em một điếu thuốc!
Tôi đáp nhỏ:
- Cám ơn cô, tôi không biết hút thuốc!
Bỗng cô kia nói tiếp và rất rõ:
- Thôi mà cô Ba. Hút cho em một điếu để làm quen mà! Tại cô chưa biết em, chớ em đã biết cô từ lâu. Má em thường nhắc đến tên cô hoài và thường dạy em:”Thà làm đĩ, ra chơi bời như cô mới đáng gọi là gái ngoan.”
Trời đất ôi, thật là một câu sét đánh ngang tai. Nếu tôi biết trước sự việc như vậy thà ở nhà còn hơn. Đi coi hát làm chi để nghe chưởi một tiếng nóng phừng da mặt. Cả mấy người ngồi gần tôi đều day mặt lại dòm tôi, làm tôi càng thêm mắc cở. Phim đang chiếu, nhưng tôi bực quá, xô ghế đứng dậy ra về. Ra tới xe, chưa kịp leo lên, thì cô gái mời hút thuốc lá cũng vừa theo ra. Không ai mời, cô nhảy phóc lên xe, ngồi và nói tỉnh bơ:
- Nhà cô Ba ở đâu? Cho em về theo với!
Nhìn kỹ cô gái, tôi đổi giận làm vui. Đây là một cô gái mơn mởn đào tơ, tròn trịa như con chim chàng nghịt, óc cau đầu mùa lúa trổ, ngực tròn căng như muốn xé hàng sọc dưa rằn ri tung ra. Trán cô thấp, có mớ tóc xoăn quăn che lúp xúp, ngỗ nghịch nhiều hơn phục tùng. Cặp mắt cô mơ mộng, tình tứ, nửa mời mọc, nửa khiêu khích, đúng là “một con đĩ mén mặt dày” ăn nói như hồi nãy, nhưng mặn mòi, duyên dáng một cách rừng rú, khiến tôi không giận được với “con ba trợn” nầy.” Sau rõ lại cô Tư Nhị từ Nam Vang xuống, cha người Tiều, mẹ người Miên nhưng từng ở Sa Đéc (có tài liệu nói rằng cô Tư Nhị cha Miên, mẹ Việt). Từ ngày cô Tư Nhị về ở chung, nhà tôi càng rậm rật khách phong lưu. Trai lối xóm đón đường chọc ghẹo Tư Nhị hàng đêm. Sở dĩ Tư Nhị có tên Tây Mariane Lê Thị Nhị cũng có giai thoại, cô Ba Trà kể tiếp:
“Một hôm tôi và Nhị với Franchini đi coi chớp bóng thấy trên màn ảnh có một nữ minh tinh duyên dáng, có nhiều nét giống Tư Nhị, nên Franchini, vốn có cảm tình với Nhị, lấy tên cô ấy là Mariane mà đặt cho Nhị: Mariane Lê Thị Nhị, còn tôi Yvette Trà. Sẵn tôi thứ ba, thắng gọi Nhị là Tư như một người em tôi. Franchini vốn có máu mê đàn bà nên lúc cô Nhị ở chung, hắn cũng trổ mòi “dê”. Tuy nhiên Franchini có lúc bực mình với Tư Nhị vì tập làm gái hạng sang, nhưng Tư Nhị vẫn còn nhiều thói nhà quê, cục mịch.
Lúc về Nguyệt Tiên Cung, Ba Trà cũng đưa Tư Nhị về ở chung. Về sau, cô Ba Trà đóng vai một tú bà hạng sang. Số là có một công tử Gò Đen tới Nguyệt Tiên Cung chơi, “cảm” Tư Nhị, đề nghị đưa Trà 10,000 đồng rồi dẫn Nhị đi lập tổ uyên ương. Công tử nầy mua cho Tư Nhị một căn phố trệt, có đầy đủ bàn ghế, nằm ở góc đường Verdun và Richaud, tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975.
Tuy vậy, Tư Nhị đâu muốn làm người vợ hiền và an phận với cuộc sống. Như ngựa quen đường cũ, chỉ được ít tháng, Tư Nhị chán công tử ấy, cặp bồ với người khác. Tư Nhị cũng là một ngôi sao sang trọng trong giới ăn chơi hồi đó, chỉ thua Ba Trà. Xuất thân làm đào hát, nhờ có thân hình quyến rũ, có sắc đẹp, nhưng giọng ca khàn khàn không hay, Tư Nhị chỉ thích làm tình nhơn của những ai giàu có, dám chi tiền không tiếc. Ban đầu Tư Nhị đầu quân dưới trướng cô Ba Pho, tức Joséphine Lệ Ngọc trước khi qua làm đàn em của cô Ba Trà. Tưởng cũng nên nói qua về lý lịch cô Ba Pho.
Đương thời, cô là người đẹp thuộc vào hạng đối tượng của các công tử phong lưu. Cũng như các người đẹp nổi tiếng đương thời khác, đi đâu cô Ba Pho cũng có một vệ sĩ đi kèm. Trong các người đẹp ăn chơi lúc đó, cô Ba Pho là người khôn ngoan, biết giữ gìn nhan sắc và tiền của, giống như trường hợp “bà chúa đĩ Bắc Hà” tức cô Tư Hồng. Tôi nghe kể lại một giai thoại về cô Joséphine Lệ Ngọc nầy, nhưng không quả quyết đúng hay sai:
Hồi năm 1956, tôi có đến chơi và ăn ở trên lầu nhà xuất nhập cảng xe đạp “Trần Chi” , đại lộ Tổng Đốc Phương Chợ Lớn. Người chủ nhà, tức ông Trần Chi cho biết:”Cô Ba Pho tức Joséphine Lệ Ngọc, một trong những người đẹp ăn chơi nổi danh của đất Sài Gòn hồi thập niên 1840, cô có biệt danh là “cô Tư Dái”, không rõ nguồn gốc của hai chữ nầy ra sao. Cuối thập niên 1950, gia đình cô mua lại rạp chớp bóng cũng gần hãng xuất nhập cảng xe đạp “Trần Chí”, sửa chữa lại lấy tên mới “rạp chiếu bóng Victory Lệ Ngọc”, nằm trên đại lộ Tổng Đốc Phưong, dân chúng thường gọi là rạp Lệ Ngọc.
Chiều chiều, người Sài Gòn thỉnh thoảng cũng thấy Tư Nhị, ngồi xe du lịch lượn quanh Sài Gòn, nay với công tử nầy, mai với thanh niên khác. Khi thì ngồi xe Hotchkiss với công tử Gò Đen, khi thì đi tắm suối Xuân Trường với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu. Cuộc đời của Tư Nhị là một chuỗi những ngày ăn chơi trác táng, những cuộc truy hoan thâu đêm, không biết giữ gìn sức khoẻ và cũng không biết ngày mai. Bắt chước “mốt” ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Nhiều đêm cô ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”. Nhiều ông huyện trẻ, cũng đến nạp tiền cho cô, để được gần người đẹp cho biết mùi đời. Nhờ hoàn cảnh sống chung với cô Ba Trà mà Tư Nhị được nhiều công tử tiền rừng bạc biển chú ý, và cuộc đời của cô bay bổng như diều gặp gió.
Cũng giống như cô Ba Trà, Tư Nhị không biết lo xa. Cô ỷ mình sức khoẻ, cứ phung phí bằng cách hút thuốc phiện, thuốc lá thả giàn, ăn chơi suốt đêm, cho nên cuộc đời thâu ngắn. Càng luống tuổi, cô càng khốn đốn vì con ma thuốc phiện hành hạ. Cuộc đời cô xuống dốc quá nhanh.
Độc giả có thể đoán trước cuộc đời cô Tư Nhị về cuối đời ra sao không ? Cụ Vương Hồng Sển thuật lại:
“Gần đây, vào tháng bảy năm 1982, tôi có gặp lại bạn cũ là anh Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca. Anh Ba Quan kể lại sau năm 1945 hay 46 gì đó, tiền hết, còn tiền giấy 500 của chính phủ mất hết giá xài, trong mình anh còn độ 100 bạc, vừa đói, vừa khát, anh lết trở về Sài Gòn . Một buổi sáng, anh làm gan, ra đường phố vắng hoe, không một bóng người . Anh thả lần tới Chợ Cũ, đường George Guyemer (nay là Võ Di Nguy) ăn điểm tâm xong, bước ra cửa, đưa tờ giấy xăng, chưa kịp lấy lại tiền lẻ, bỗng nghe có tiếng người gọi:
- Anh Ba!
Giựt mình quay lại, không thấy ai cả, trừ năm ba người hành khất dơ dáy. Quan nói trong bụng:”Ai kêu mình vậy cà?”. Rồi nghe một giọng nói tiếp theo:
- Anh Ba, em là Tư Nhị đây!
Quan nhìn không ra vì đứng trước mặt là một người đàn bà ăn mày, không còn hình thể con người . Hai chưn sưng và băng bó bằng lớp vải máu mủ, ruồi bu đầy, mặt đổi sắc, môi thâm đen. Quan không dám ngó lâu, rút tờ giấy 20 đồng, đặt nhẹ vào lòng bàn tay, rồi đi thẳng một nước .”
Tới đây tôi cũng nhớ đến cô Cẩm Nhung, một vũ nữ tài sắc, nổi danh một thời của các vũ trường Sài Gòn hồi những năm cuối thập niên 1950, từng làm say mê biết bao công tử. Cẩm Nhung có một sắc đẹp não nùng, cuộc sống giàu sang nhung lụa vì nhiều người đua nhau cung phụng tiền bạc. Kể từ khi cô bi một người đàn bà đánh ghen, tạt át-xít vào mặt, nhiều người nghe báo chí đăng tin ấy, đều bùi ngùi thương cảm. Bẵng đi vài năm, tôi có dịp đi qua bắc Mỹ Thuận, nghe một người đàn bà ăn mày có giọng ca não nùng ai oán. Tôi bước lại gần để tặng cho người ấy một số tiền nhỏ. Trời ơi, người đàn bà ấy có khuôn mặt một ác quỷ, mặc bộ bà ba đen cũ rách, trên ngực có đeo tấm bảng “vũ nữ Cẩm Nhung”. Tôi sững sờ một lúc lâu …
Còn cô Quế Anh, một người con gái đẹp, lãng mạn, từng ăn chơi phóng túng đất Sài Gòn hồi thập niên 1930. Quế Anh là một người lai, cha Tiều, mẹ Việt, gia đình buôn bán khá giả. Cô bỏ đi giang hồ vì tánh lãng mạn chớ không phải vì thiếu thốn hay nghèo. Hồi đó cô đang theo học trường “áo tím” (Gia Long sau nầy). Cô Quế Anh đẹp, thông minh, ăn chơi nhưng lại là người có tâm hồn. Trong cảnh trụy lạc, cô vẫn còn chút liêm sỉ và danh dự. Từ lúc sa ngã vào chốn ăn chơi, cũng như Tư Nhị, cô sung sức, cặp kè với bất cứ ai có tiền. Người ta biết tới tên cô khi cô đóng vai Lý Ngọc Thơ trong vở tuồng “Tối độc phụ nhơn tâm”, diễn liên tiếp ba xuất hát làm nghĩa vào năm 1923. Lý Ngọc Thơ đã làm khán giả mê mẩn tâm thần. Kể từ đó, cô Quế Anh ăn chơi theo sở thích. Cũng bài bạc, thuốc phiện là những cái mốt thời thượng lúc bấy giờ. Nhiều ông kỹ sư, bác sĩ từ bên Tây về, gặp cô mê ngay và làm người tình trong giai đoạn. Cô thay đổi nhơn tình như thay áo, cũng lên xe xuống ngựa một thời. Tiếc thay số mệnh cô ngắn, có phải vì “tài mạng tương đố” chăng?
Về sau, khi nhan sắc vào thu, tuổi khoảng 40, ong bướm chán chường, cô trở nên một người thất chí, sống trong cảnh nghèo lại mang bịnh ghiền. Cụ Vương Hồng Sể tâm sự rằng cụ cũng mê cô một thời. Lúc nhan sắc tàn phai, gặp lại cụ, cô nói:”Tuy thương anh, nhưng không thể sống với anh được vì em không xứng đáng.” Sau đó, cô Quế Anh có tặng cụ một bài thơ bày tỏ tâm sự:
“Một bóng đèn khuya khắc lụn vơi,
Tàn canh, say tỉnh, giận thay đời.
Bụi hồng lắm lúc, còn mưa nắng,
Má phấn nhiều phen chịu lấp vùi.
Cầm sắt những ngờ xui lá thắm,
Tang thương âu hẳn phận bèo trôi.
Nào người chung đội trong trời đất,
Gang tấc nầy xin nhắn một lời.”
Tàn canh, say tỉnh, giận thay đời.
Bụi hồng lắm lúc, còn mưa nắng,
Má phấn nhiều phen chịu lấp vùi.
Cầm sắt những ngờ xui lá thắm,
Tang thương âu hẳn phận bèo trôi.
Nào người chung đội trong trời đất,
Gang tấc nầy xin nhắn một lời.”
CHUỘC NGẢI XIÊM
Nam Kỳ là đất cũ của người Miên. Người Miên và Xiêm cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, cùng theo Phật giáo Tiểu Thừa hay Nam Tông. Trong khi từ miền Trung trở ra Bắc nước ta chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, theo Phật giáo Đại Thừa hay Bắc Tông. Thừa là cổ xe. Tiểu Thừa là cổ xe nhỏ, ví dụ như chiếc xe đạp, chỉ chở được một người . Đại Thừa là cổ xe lớn, chở được nhiều người , ví dụ như xe du lịch, xe buýt. Phật giáo Tiểu Thừa theo triết lý “như đi chiếc xe nhỏ, ta tu một mình theo đường lối khổ hạnh. Khi nào bản thân được siêu thoát đắc đạo, trở lại cứu vớt chúng sinh”. Trái lại, tu theo Đại Thừa, tức đi xe lớn, vừa đi đường vừa chở kẻ khác quá giang. Tu theo Đại Thừa là vừa tu hành vừa cứu giúp những người nghèo khổ. Những người tu theo Đại Thừa thường ở chùa có của cải để bố thí, mặc áo nâu sòng, vừa tu vừa làm việc từ thiện giúp đời. Phật giáo Đại Thừa truyền từ Ấn Độ qua phương Bắc tới Miến Điện, Trung Hoa, Nhựt Bản vào Việt Nam …nên ta gọi là Bắc Tông. Phật giáo Tiểu Thừa truyền bá theo phía Nam qua Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Lào rồi vào Việt Nam nên gợi là Nam Tông. Kinh sách Phật giáo Đại Thừa viết bằng chữ Phạn Sankrit và kinh sách Phật giáo Tiểu Thừa viết bằng tiếng Nam Phạn Pali. Văn minh Ấn Độ có nhiều điều huyền bí, khó lý giải.
Dân chúng Nam Kỳ thường nghe nói hoặc chứng kiến những tác dụng của bùa, ngải, thư, ếm. Giới trí thức hay người bình dân cũng đều nhìn nhận việc đó, và cho rằng bùa ngải có sức mạnh thiêng liêng, vô hình, làm hại người, bảo vệ người, hoặc có tác dụng mê hoặc kẻ khác.
Quê tôi từ lâu ở gần các sóc người Miên, mà dân làng quen gọi là người“Thổ”. Chữ “Thổ”, có lẽ để chỉ thổ dân, tức người địa phương, chủ nhân ông của lãnh thổ nầy . Quê tôi cũng có một ngôi “chùa Thổ” tên Sanghamangala, nằm tại ngã ba quán An Nhơn, trên con đường liên tỉnh Vĩnh Long đi Trà Vinh. Theo một tài liệu cũ cho biết “chùa Thổ” nầy xây dựng vào năm 1339, là một trong những ngôi chùa cổ nhứt Nam Kỳ. Trước khi nói tới tác dụng của bùa ngải, tôi xin nhắc lại một kỷ niệm mà tôi biết rõ.
Tôi có một người bạn vào năm 1964 mới tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh được đổi về Trà Vinh, đơn vị đóng gần phi trường. Xung quanh đó có nhiều sóc Miên ở lâu đời. Nơi đây người bạn tôi có giao du thân mật với một gia đình người Miên địa phương. Qua nhiều lần ăn uống, nhậu nhẹt chung, người Miên ấy có nhã ý tặng bạn tôi một miếng Cà Tha (hình vuông, mỗi cạnh chừng 1cm5 bằng vải, bên trong có đựng bùa). Người Miên ấy dặn bạn tôi:”Anh cứ đeo miếng Cà Tha nầy. Nó sẽ là bùa hộ mạng cho anh trong lúc nguy hiểm”. Nể bạn, anh ấy đeo vào cổ và giữ gìn kín đáo, sợ bạn đồng ngũ chê cười. Có một lần anh đang hành quân ở Tiểu Cần, trận đánh đẫm máu vừa kết thúc. Tiếng súng vừa im, bạn tôi cùng người lính cận vệ bắt đầu cuộc lục soát chiến trường. Khi đến một bụi rậm, thình lình một loạt tiểu liên bắn ra. Anh bạn tôi té sấp, máu ra linh láng. Người cận vệ liền quạt cho tên Việt Cộng một tràng M16. Hắn gục đầu đền tội. Trong lúc khiêng người bạn tôi về vị trí cứu thương, thì bác sĩ nhận ra được một điều hết sức kỳ diệu: người bạn ấy bị bắn trúng ngực, nhưng nhờ xâu chìa khoá mà anh bỏ túi trên nên không viên đạn nào xuyên qua tim cả. Anh bị thương nhưng khỏi bị mổ vì các vết đạn đều tạt ngang. Lần ấy anh nằm bịnh viên gần một tháng. Sau nầy anh tâm sự:”Không hiểu là một điều may mắn hay có một sức mạnh siêu nhiên nào cứu anh khỏi chết”. Bây giờ anh định cư bên California. Tôi kể lại câu chuyện ấy để tùy độc giả phán xét.
Khi nói tới những người đàn bà hay dùng bùa, ngải yêu làm cho đàn ông mê hoặc, tôi chưa biết và cũng không có kinh nghiệm. Chúng tôi chỉ thuật lại những điều nghe nói. Trường hợp cô Ba Trà có kể lại chuyện cô đi Xiêm chuộc ngải để được đàn ông cho tiền nhiều, vì lúc bấy giờ kinh tế khó khăn, mà cô thì như hoa đã mãn khai. Tôi cũng có nghe đồn nhiều chuyện bùa, ngải gieo tai họa cho người lành ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Châu Đốc… Họ bỏ bùa cho con gái bỏ nhà theo trai, đàn bà goá gom góp tiền bạc cuốn gói theo tiếng gọi của ái tình, theo “người có cầm ngải”.. Huê khôi Ba Trà từng nói:
“Đàn bà chuộc ngải và cầm ngải, thì bọn đàn ông, con trai có tiền mới mê mình.”
Sau khi Nguyệt Tiên Cung vắng khách lần thứ hai, nhơn tình ít lui tới. Các công tử thì lặn như sao đêm 30. Đàn ông trăm người như một. Ai cũng muốn tìm của lạ. Lúc muốn thì muốn cho được, khi no đủ rồi thì chán chê, đi tìm của mới khác. Thua buồn, cô Ba Trà mới nghĩ cách đi chuộc ngải để có tiền. Theo cô biết muốn cầm ngải thì phải là ngải Xiêm mới có hiệu quả cao hơn bùa ngải Miên. Vì vậy, cô quyết tìm cách qua Xiêm.
(Lời cô Ba Trà …) Lúc ấy tôi thật manh giáp chẳng còn. Anh Lương mái chính ở Chợ Lớn mà cũng chẳng ra thăm. Nợ nần tứ tung Nguyệt Tiên Cung vắng khách. Vắng hơn chùa Bà Đanh. Chà chetty than hết tiền. không cho tôi vay nữa. Các công tử thì lặn mất hết. Nằm gác tay lên trán, tôi nhớ lại cứu tinh của tôi là chị HaiTóc đỏ, năm xưa thường khoe bùa ngải với tôi. Nay tôi nhớ đến chịi mà quyết tâm tìm chị để nhờ dẫn đi Xiêm chuộc ngải. Hỏi thăm, tôi được biết bây giờ chị Hai Tóc Đỏ có chồng đang ở bên Xiêm, tôi quyết qua bên ấy, níu lưng chị cầu cứu.
“Nói chí tình, chi Hai Tóc Đỏ đối với tôi rất ngọt. Trong buổi đầu nói xứ lạ, chi Hai Tóc Đỏ đã giúp tôi gặp được vị sư cho ngải của thủ đô Xiêm, lúc ấy là Bangkok. Tôi cũng nhắc lại ở đây rằng, số tôi hên, tới đâu cũng được quới nhơn giúp đỡ, đúng như lời ông thầy bói Vi Kính Trang đã nói. Lần đầu xuất ngoại, tôi không rành thủ tục, cứ tưởng đi Xiêm cũng như qua Miên, không cần giấy tờ gì. Khi tôi vừa từ Sisophon vượt qua hiên giới tới Xiêm, bị lính biên phòng bắt, giải giao cho Toà lãnh sự Pháp ở đây”.
Xiêm là tên cũ của Thái Lan, và đổi tên chính thức thành Thái Lan năm 1939, dưới thời Thống chế Pibun Songram làm Thủ Tướng. Thủ đô Bangkok nằm trên bờ sông Chao Praya, thành lập năm 1780. Còn triều đại trị vì nước Xiêm hay Thái Lan là Chakri cũng thành lập năm 1872 tức 1à trước khi vua Gia Long thống nhứt đất nước 20 năm! Các vua triều đại Chakri đều 1ấy đế hiệu Rama .Vua hiện tại, Bhumibol Adulyadej là Rama đệ Cửu.
“Vừa bị giải giao tới Lãnh sự Pháp tại Bangkok, lời cô Ba Trà, tôi được một thanh niên Việt cao lớn. đẹp trai đang làm việc tại đây, niềm nở hết sức- Tôi có cảm tưởng như người quen lâu ngày mới gặp lại. Người đó là anh Đỗ Hữu Trí, con thứ của ông Tống Đốc Đỗ Hữu Phương. ông Phương là người giàu thứ nhì ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ này. Dân Sài Gòn thường truyền tung câu: “nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Giàu hạng nhất là ông Huyên Sĩ, ông ngoại vợ của Hoàng đế Bảo Đại, thứ nhì là Đỗ Hữu Phương, thứ ba là bá hộ Xường, tên Lý Tường Quang. thứ tư hộ trưởng Định. Đỗ Hữu Phương có nhiều người con du học bên Tây rất sớm: Đỗ Hưu Vi, phi công đầu tiên của Việt Nam, Đỗ Hữu Chuẩn, trung tá trẻ tuổi nhất trong quân đội Pháp. Đỗ Hữu Trí làm trong Lãnh sự Pháp tại Bangkok từ năm 1933. Sau đó Trí đối nhiệm sở sang làm cho Lãnh sư quán Pháp tại Singapore. Đỗ Hữu Phương có một người con gái, gả cho Hoàng Trọng Phu, con của Tổng Đốc Hà Đông là Hoàng Cao Khải, người giàu có và danh gái nhứt Bắc Kỳ hồi đó . Ông Hoàng Cao Khải là người có công với Pháp, được Pháp và triều đình Huế phong Duyên Mậu Quận Công. Đề nghị của Pháp cho ông làm Phó Vương Bắc Kỳ về đến triều đình Huế, bị Thương thư Cao Xuân Dục bác bỏ, nhưng dân chúng vẫn nịnh bợ, gọi ông là Phó Vương. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1919, Hoàng Cao Khải tổ chức ăn lễ thất tuần, được Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, triều đình Huế gia phong Khâm Sai Kinh Lược đại thần. Gia đình Hoàng Cao Khải được dân chúng truyền tụng “một nhà ba Tổng Đốc”:
- Hoàng Cao Khải: Tổng Đốc Hà Đông
- Hoàng Trọng Phu: Tổng Đốc Nam Định
- Hoàng Mạnh Trí: Tổng Đốc Hà Đông thay cha .
Gặp cô Ba Trà, Đỗ Hữu Trí như bị hốt hồn. Gái đẹp gặp trai đa tình như cá gặp nước . Vụ án nhập cảnh lậu, chỉ mấy ngày sau cô Ba Trà trở thành khách du lịch đầy đủ giấy tờ hợp pháp, nhờ sự lo lắng của Đỗ Hữu Trí. Chính Đỗ Hữu Trí tự mình lái xe đưa cô Ba Trà du lịch, xem hoàng cung, thắng cảnh quanh châu thành Bangkok. Cuối cùng, sau khi cô Ba Trà tìm được chị Hại Tóc đỏ, để nhờ dẫn đi chuộc ngải, thì Đỗ Hữu Trí cũng lấy xe riêng đưa cô Ba Trà về biên giới Thái Miên, để đáp xe lửa về Nam Vang.
“Như một người vừa tốt nghiệp một trường huấn luyện, tôi về Sài Gòn với niềm tin mới. Nhiều người thân tín báo với tôi rằng Nguyệt Tiên Cung đang bị con nợ bao vây. Trưởng toà đã được các thân chủ thưa, sẵn sàng lập biên bản khi thấy mặt tôi để “giải ra toà”, và tịch biên đồ đạc. Họ định cho tôi vào khám “giam thâu”, chờ chừng nào trả đủ tiền thì mới được tự do. Nếu sự việc xảy ra như vậy, còn gì thể diện của tôi? Vì lẽ đó, khi về Sài Gòn, tôi tạm lánh mặt trong Hôtel des Nations ở đường Charner. Chỗ tôi ở chỉ có người tài xế và một đứa ở trung thành biết mà thôi. Họ có bổn phận báo cáo tin tức bên ngoài. Tôi chỉ xuống lầu ăn cơm vào giờ khách sạn vắng thực khách thì người tài xế riêng mới lên mời tôi xuống dùng cơm. Cơm nước xong, tôi lại rút về phòng nằm đợi thời.
Mấy hôm sau, tôi đang ngồi dùng cơm trưa tại phòng ăn của khách sạn Hôtel des Nations, trong lúc vắng khách. Thình lình một người lạ mặt xuất hiện, đi lại gần bàn tôi, và trao co tôi một danh thiếp làm tôi giựt mình. Kèm theo danh thiếp là một bao thơ có đựng tiền. Tôi coi danh thiếp, thấy đề mấy dòng chữ: “Lâm Ngọc Bích tự Lâm Kỳ . X, compredore Banque de l’Indochine, chi nhánh Cần Thơ”. Trong bao thơ có 100 tờ giấy xăng (giấy 100 đồng). Tôi thắc mắc, không biết số tiền nầy là tiền gì, tại sao có người đem cho tôi, trong khi tôi hoàn toàn xa lạ với tên người in trong danh thiếp? Hồi tưởng lại, lúc ở bên Xiêm, tôi luyện phép và van xin sư tổ phò hộ cho tôi được các công tử nhà giàu mê tôi, cho tôi tiền xài. Bây giờ, tự nhiên có tiền vô. Tôi thắc mắc có phải do tác dụng của bùa ngải, hay do công tử họ Lâm mê nhan sắc tôi? Số tiền ấy có thể gọi là tiền lễ ra mắt. Xin quý độc giả nhớ rằng vào thời đó, lương đốc phủ sứ đặc hạng sắp về hưu có 250 đồng một tháng, mà người ta dám cho tôi một lần 10000 đồng, quả là số tiền to tát đến bực nào.
Có tiền rồi, tôi đường hoàng trở về Nguyệt Tiên Cung, trả nợ nần và lại sống xa hoa như trước . Khách quen mới cũ, đều biết tin, cũng trở lại. Cách đó một tuần, tôi được một người bạn quen dẫn đi đổ hột “xí ngầu lác” tại tiệm vàng bác Năm Hy, số 108 đường Bonard. Tôi gặp vận đen, thua liên tục. Lúc đó cũng có thành kiến “đỏ tình đen bạc”. Sau một giờ, tôi thua sạch túi. Tôi sai đứa bồi thân tín gọi điện thoại xuống “Banque de L’Indochine” ở Cần Thơ để xin 5000 đồng. Tôi không đích thân nói chuyện với công tử họ Lâm nầy, vậy mà 4 giờ sau, có người tài xế, trên cổ áo có phù hiệu “Banque de L’Indochine, Annexe de Cần Thơ”, đem lên một bao thơ lớn, lễ phép trao cho tôi. Mở ra tôi đếm trước mặt: 50 tờ giấy xăng (100) còn mới tinh, thơm mùi mực in. Sau nầy tôi mới biết rõ lý lịch họ Lâm này. Thân phụ cậu là một nhà triệu phú nhờ có óc kinh doanh. Đương thời thân phụ cậu làm chủ hãng rượu lớn nhứt Nam Kỳ tên H.C. Cũng như hãng rượu “Distillerie Française de L’Indochine”, từng làm mưa làm gió khắp thị trường Đông Dương, nhưng dân “nát rượu” lại thích rượu nếp trắng của hãng H.C. ở Châu Đốc hơn. Hồi Pháp thuộc, rượu và thuốc phiện là hai món Pháp cố tình du nhập rộng rãi trong dân chúng, để đầu độc dân tộc Việt Nam. Nơi nào làm đại lý bán rượu, trước nhà có treo cờ, trên có hai chữ “R.A” (Régie d’Alcohol) . Các đại lý cũng chia nhiều hạng lớn nhỏ, gọi là “bài nhứt”, “bài nhì”, “bài ba”. Muốn làm đại lý bài nhì, phải có thế chưn (down)
Hồi đó rượu “Distillerie de L’Indochine” gọi là “rượu fontaine”, hay rượu Bình Tây. Hãng rượu nầy có cổ phần của Ngân Hàng Đông Dương, phần hùn của Toàn Quyền Maurice Long và nhiều nhân vật cao cấp Pháp khác. Vào năm 1904, hãng bỏ số vốn 3.500.000 đồng quan Pháp và thu về số lời 2.300.000 sau một năm hoạt động!
Tuy vậy, rượu Fontaine cũng không cạnh tranh nổi với hãng rượu nếp trắng H.C. hồi các thập niên 1920-30. Thân phục công tử họ Lâm cũng có cổ phần trong Ngân Hàng Đông Dương và nhiều chi nhánh ở các tỉnh. Thừa hưởng gia tài kếch sù của cha, công tử Lâm Ngọc Bích ăn xài bạt mạng hơn các công tử Phước George và Ba Qui. Thậm chí khi chứng kiến cậu tung tiền, người ta có cảm giác là cậu có máy in tiền mới dám ăn xài như vậy. “Tiền bạc vô quá dễ dàng, tôi nghĩ rằng phen này không còn lận đận nữa. Nào ngờ, sau lần đó, công tử họ Lâm im hơi lặng tiếng. Tôi thắc mắc, gọi điện thoại, viết thư tạ lỗi cũng không thấy cậu trả lời. Cuối cùng tôi mới hiểu ra sở dĩ nguồn tiền do cậu họ Lâm cung cấp cho tôi bị gián đoạn vì cậu thấy tôi ngồi chung xe cua thầy Sáu Ngọ để đi các sòng bạc Chợ Lớn. Tôi lại mê cờ bạc, không bỏ được. Có bao nhiêu tiền, tôi nướng vào các sòng thầy Sáu Ngọ, thầy Bảy Phương, sòng thầy Sáu Nhiều. Của kho cũng hết, tôi vẫn biết, nhưng đam mê vẫn không từ bỏ được. Nỗi bận tâm của tôi bây giờ là kiếm tiền, làm sao có tiền và có thật nhiều. Chỉ còn có cách đi chuộc ngải Xiêm lần nữa. Tôi quyết đi Xiêm lần thứ hai để chuộc ngải, đồng thời tìm ông hoàng Luang Pradit, người mà Luật Sư Giáo đã giới thiệu với tôi, khi ông tháp tùng Quốc Vương Thái qua thăm Việt Nam. Luang Pradit ở lại chơi cả tháng, từng tỏ ra rất thích tôi, muốn cưới tôi làm bà hoàng và đem về Xiêm,
nhưng lúc đó tôi không chịu”
Luật Sư Dương Văn Giáo sinh năm 1890 tại Vĩnh Long. Ông làm thông ngôn cho nhóm lính thợ Việt Nam sang Pháp hồi Thế Chiến I. Sau khi hoà bình, ông Giáo ở lại Paris học tiếp, đỗ Tiến sĩ Luật, làm luật sư. Ông có vợ đầm, nhưng cũng là một người ăn chơi hào phóng. Cụ Trần Văn Ân cho biết: “Giáo là người bê bối về đời sống cá nhân dù có vợ, nhưng lại nhiều nhơn tình, trong số đó có một người Nhựt. Chính nhờ tình nhơn người Nhựt này mà Giáo vượt ngục khám lớn dễ dàng”. Hồi học bên Pháp, Giáo là bạn thân với Hoàng thân Luang Pradit, người Xiêm và Nehru ấn Độ. Nehru thương ông đề nghị gả em gái cho Giáo, nhưng ông từ chối vì đã có vợ đầm. Trong lãnh vực bạn bè, ông Giáo là người ăn ở chí tình. Về nước, mở phòng luật sư, ông Giáo từng binh vực cho Tạ Thu Thâu và nhiều đồng bào khác. Ông cũng là một nhà cách mạng đầy nhiệt huyết. Cuối năm 1945 (hay 1946?), ông bị Việt Minh bắt cóc và thủ tiêu tại sông Lòng (sông Mường Mán) Phan Thiết, cùng nhiều nhà ái quốc khác
Hoàng thân Luang Pradit tháp tùng vua Xiêm Prajadhipok thăm Sài Gòn năm 1931. Phái đoàn này có ra Huế viếng bà Từ Cung, mẹ của Bảo Đại (vì Bảo Đại còn du học bên Pháp năm sau mới về), và được Hội đồng Tôn Nhơn Phủ đón tiếp. Khi vua Xiêm về, Luang Pradit còn ở lại chơi với Giáo và được Giáo giới thiệu với cô Ba Trà. Cô Ba Trà kể tiếp: “Làm quen với Hoàng thân Luang Pradit qua sự trung gian của luật sư Giáo, vì ông hoàng này không nói được tiếng Việt, mà tôi thì không biết tiếng Pháp, nên hai bên tuy cảm tình với nhau, nhưng không sâu đậm. Lúc đó tôi nói tiếng bồi, Giáo phải dạy tôi từng câu, từng cử chỉ làm sao cho giống hàng người quý tộc! Luang Pradit bí tôi hớp hồn, mê tôi đã lắm, có tặng tôi một hộp đựng thuốc lá, có nạm 20 hột kim cương. Tôi thường gọi ông Luang Pradit là “ông hoàng lưỡi đen”. Hồi đó tôi không muốn vì ngôn ngữ bất đồng, lại nữa ông hoàng đã có vợ người Xiêm, tôi không muốn làm thứ phi. Vả lại lúc ấy tôi cũng sáng chói trên nhan sắc và tiền, nên chỉ mỉm cười với ông.
Lần này qua Xiêm, tôi cũng tìm chị Hai Tóc đỏ và nói thiệt với chị: “Tôi muốn chuộc ngải lần thứ hai, và muốn tìm ông hoàng người Xiêm ơn nghĩa ngày trước!”
Bây giờ ông hoàng Luang Pradit đã từ chức, sống cuộc đời vương giả tại một biệt thư có gia trang, ở ngoại ô thành phố Bangkok. Tôi rút danh thiếp đưa cho chị. Sau đó chỉ kêu taxi đưa tôi với chị đi.
Chiếc xe chạy lòng vòng chừng nửa giờ, tôi thấy đường phố đông đúc, người ta buôn bán cũng không khác chi bên Sài Gòn, Chợ Lớn. Chỉ có một điều lạ mắt đối với tôi là bên nầy người ta chạy xe bên tay trái, lạ, coi rất chóng mặt.
Khi đã gặp được Hoàng thân Luang Pradit, ông rất ngạc nhiên. Cuộc hội ngộ bất ngờ gây sửng sốt cho ông. Còn tôi mừng rỡ như bắt được vàng. Nhờ chị làm thông ngôn, tôi nói chuyện với ông hoàng dễ dàng. Vốn có biệt nhãn với tôi hồi qua Việt Nam, ông hoàng mời hai người vào biệt thự thật sang trọng. Ông hối gia nhơn bưng trà bánh đãi khách. Sau đó ông còn cầm chúng tôi ở lại dùng cơm trưa
Cô Ba nói:
“Em muốn ngài hướng dẫn đi thăm hoàng cung và thắng cảnh Bangkok”.
Khỏi nói, quý độc giả cũng biết rằng ông hoàng chìu chuộng người đẹp Ba Trà đến bực nào. Ông cho biết cảnh đẹp châu thành Bangkok không thiếu gì, nhưng nếu đi Penang thăm chùa Rắn thì thật thú vị. Penang là một hòn đảo rộng 114 dặm vuông hay 285 km2 (bằng phân nửa đảo Phú Quốc của ta), nằm ở phía Tây bờ biển của bán đảo Mã Lai. Hiện nay Penang nối với bán đảo bằng một cây cầu dài 5 dặm, mới hoàn thành năm 1986, do một công ty xây cất của Đại Hàn thực hiện. Penang là thuộc địa của Anh, do Tiểu vương xứ Kedah nhường cho công ty Đông Ấn-Anh hồi năm 1786. Các ông Trương Vinh Ký, Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), Philippe Phan Văn Minh (Á thánh Minh)… đều từng học ở Chủng viện Penang. Chùa Rắn ở Penang có tên Mã Lai Temple of Azure Cloud, cách phía Nam Georgetown chừng 8 miles. ờ đây, rắn được nuôi trong một cái hồ lớn, có tường cao, bò lểnh nghểng trông rất dễ sợ. Hôm sau, ông hoàng cùng chúng tôi ra ga xe lửa đi Penang. Tôi dẫn chị Hai Tóc đỏ theo làm thông ngôn. Khi chúng tôi vừa tới nhà ga trung ương, kiến trúc cổ điển rất lạ. Tôi thích thú quan sát thì tình cờ, lẫn lộn trong đám đông hành khách, là anh Đỗ Hữu Trí vừa tới đợi tôi . Tôi mừng rỡ hỏi anh đi đâu? Anh cho biết đi tiễn tôi với ông hoàng đi Penang.
Đỗ Hữu Trí và ông hoàng bắt tay sau khi tôi giới thiệu hai người. Anh Trí bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông hoàng vì nghe danh tiếng ông từ lâu. Hai người gặp nhau trong cảnh ngộ này thật bối rối cho tôi . Rất nhạy cảm, ông hoàng dường như biết tôi và anh công tử họ Đỗ này có tình ý với nhau, nên mới khéo léo từ chối. Ông khuyên tôi cứ tiếp tục đi Penang với anh Trí cho có bạn. Đó là cách cư xử của một người quý tộc. Cái ghen của ông cũng rất lịch sự, phong cách cao thượng. Khi tôi thấy không đi chơi được với ông hoàng, thì quay sang ngỏ ý mời anh Trí cùng đi. Trơi ơi! Anh Trí vì sợ thế lực của ông hoàng, nên cũng từ chối, không dám đi chơi với tôi trước mặt ông ta. Rốt cuộc, tôi cùng chị Hai Tóc đỏ, người thơ ký riêng của ông hoàng mang theo để trả các chi phí. Tôi bắt cá hai tay, nên bây giờ thất bại cả hai miếng mồi ngon. Dù đất nước Mã Lai rất lạ đối với tôi, nhưng tôi cảm thấy chuyến đi tẻ nhạt quá. Ông hoàng ân cần dặn tôi, muốn ăn xài bất cứ món gì cứ tự nhiên, vì người thơ ký ấy sẵn sàng trả cho tôi. Trước khi chia tay, tại nhà ga, ông hoàng Luang Pradit nói:
- Em cứ việc tự nhiên ăn xài, cô thơ ký sẵn sàng ứng tiền trả hết, miễn là em vui là đủ !
Phong cách mã thượng, cử chỉ phong lưu của ông hoàng Xiêm này không khác gì cậu Tư Phước George. Tôi thầm nghĩ có lẽ tại tôi định câu một lượt hai con cá, nên tôi mất tất cả Tôi quên nói thêm rằng, qua đất Xiêm lần thứ hai, tôi cũng đã gặp sư tổ làm phép cho tôi, còn hứa sẽ cho người theo tôi về Nam Kỳ tiếp tục công việc. Chuyến đi ấy tôi đã tới Penang, thăm viếng thắng cảnh, rồi đáp xe lửa đi Singapore.
Tới đâu tôi cũng ăn xài thỏa thích, ở các khách sạn mắc tiền, nhưng tôi không vui vì không có người tình bên cạnh. Tôi cảm thấy bơ vơ. Tiền bạc thì nhiều, nhưng không lẽ mình lạm dụng, không xài cũng lấy của ông hoàng bỏ túi riêng hay sao, tôi tự nghĩ như vậy? Rốt cuộc, tôi chỉ xài lấy chút ít dằn túi, để cuối cùng từ Singapore trở về Xiêm trước khi hồi hương. Tôi chỉ hy vọng vào tác dụng của bùa ngải mới sẽ giúp tôi có tiền vô như nước như trước đây Tôi xin nhắc lại việc chuộc ngải Xiêm kỳ này. Lần này tôi đã quen phần nào đường đi nước bước, tìm gặp vị sư cũ, giải bày cặn kẽ ý muốn của tôi. Tôi chỉ cột tay cho thầy một sợi tim đèn bằng vải, có quấn một khoang vàng y, trị giá chừng 30 đồng bạc. Vị thầy này dẫn tôi ra mắt vị tổ sư của ông ta. Tổ sư là một người dị tướng. Không mắc bịnh cùi (phong hủi) mà hai bàn tay và mười ngón chân đều rụng trụi lủi vì ngải quá mạnh, đã ăn mòn các ngón tay, chơn của sư tổ. Sau khi biết ý định của tôi, sư bắt đầu làm phép. Sư dẫn tôi lạy trước bàn thờ tổ, rồi thoát y. Sau đó sư trao cho tôi đủ số ngải cần thiết, và cho một đệ tử theo tôi về Sài Gòn. Vị đệ tử này không ai khác hơn là ông thầy ngải mà tôi gặp lần trước. Tất cả thủ tục đều do anh Trí lo. Chính anh đích thân lấy xe đưa chúng tôi về biên giới Xiêm, Miên.
Về tới Sài Gòn, tôi tá túc trong nhà đứa tớ gái trung thành, nằm trong một con hẻm. Hằng ngày tôi đóng kín cửa để luyện ngải. Nhà sư theo tôi bảo tôi thoát y, ăn chay nằm đất đủ bảy ngày bảy đêm (có lót chiếu). Mỗi đêm vị sư ấy dẫn tôi lại trước bàn tổ do ông mới lập ra như kiểu bàn thờ, đọc thần chú lâm râm. Sau đó vị sư này cầm cây nhang đang cháy vẽ bùa trước mặt tôi nhiều lần. Sau đó nhà sư thổi ba hồi dài. Tôi đang trần truồng quỳ trước bàn tổ, nhưng khi nhà sư thổi nhang vào mặt, tự nhiên tôi chóng mặt, rồi khuỵu xuống, một lúc sau mới tỉnh dậy. Sau thời gian làm phép, ông thầy ngải cuốn gói về Xiêm. Còn tôi, bây giờ bùa phép cùng mình, ngải mê quyến rũ, tôi quyết “xuống núi” để thực hành xem bùa ngải có tác dụng tới đâu.
Tôi trở về Nguyệt Tiên Cung, và rủ một chị đầm chơi thân với tôi thường gọi là bà Pit, ngồi xe xuống tận Hậu Giang, tìm “con mồi”. Lần này, tới Cần Thơ, tôi không đóng đô ở Bungalow như trước, mà chọn khách sạn Trần Đắc của nhà triệu phú Trần Đắc Nghĩa ở đường Kinh Lấp, lúc đó có tên “Hôtel de l’Ouest”. Đường Kinh Lấp, sở dĩ gọi như vậy vì hồi trước chỗ đó là con ‘kinh, sau lấp lại, mở con đường mới, lấy tên Boulevard Delanoue”.
Cô Ba Trà kể tiếp:
“Ngày nay nhắc lại chuyện cũ, tôi cảm thấy hối hận cho cử chỉ thiếu lịch sự của mình. Xuống tới nơi, tôi bỡ ngỡ, liền viết thơ mời công tử họ Lâm tới phòng tôi nói chuyện. Chỉ một lát sau, Lâm tới. Lần này không vồn vã như trước, Lâm mở đầu:
- Xuống hồi nào?
- Mới tới. Tôi đáp.
- Xuống chi vậy?
- Thua quá, thiếu nợ nhiều, xuống kiếm anh!
- Nhiều bao nhiêu?
- Bốn chục ngàn.
- Chờ một giờ nữa được không?
- Được !
Rồi anh Lâm xuống lầu ra xe. Quá nửa giờ sau, tôi nóng ruột, cứ ngó mong ra cửa. Hút chưa tàn điếu thuốc, bác tài xách về một bao bố nhỏ. Mở ra, mẹ ơi? Giấy 100 chất la liệt đầy bàn, đếm đúng 40.000 đồng! Thình lình có anh Tư Phước George theo gánh hát Huỳnh Kỳ xuống tới, xô cửa phòng bước vô. Xui xẻo vừa đúng lúc hai đứa tôi đang ôm nhau tỏ tình cách mặt theo Tây, chưa kịp buông ra thì anh Lâm cũng vừa bước vô gặp. Thế mà anh không giận, bắt tay Phước George như thường. Khi anh Tư Phước George ra về rồi, anh Lâm bảo tôi sửa soạn để lát nữa, anh đem xe lại rước tôi cùng đi Rạch Giá, vì anh phải xuống đó điều tra công việc. Đáng lẽ tôi vui mừng nhận lời người ơn, đằng này tôi nằng nặc đòi ôm tiền về trả nợ!
Anh Lâm buồn rầu bảo tôi đưa tiền cho bà Pit mang về cho má tôi cũng được. Còn tôi phải theo anh xuống Rạch Giá. Tôi một hai cũng đòi về Sài Gòn. Bà Pit khuyên, tôi cũng không thèm nghe. Thế rồi chúng tôi chia tay, không thấy mặt nhau từ đó”.
Bây giờ nhắc chuyện ấy, tôi thắc mắc tại ngải hành hay tôi thiếu tình thương? Ngải này làm ra tiền chớ không có tình yêu. Tôi đối đãi với anh Lâm tàn nhẫn, đểu giả quá, không xứng đáng là có máu giang hồ khí phách. Kiểm điểm lại, tôi lấy của anh ngót 70.000 đồng: 10.000 đồng ra mắt, một lần xin 20.000 đồng gầy lại Nguyệt Tiên Cung, và lần này nói láo thua bài. Đối với một người ơn nghĩa tràn đầy như thế, quân tử thế mà tơ duyên ngắn ngủi, chỉ một lần giao hoan! Tôi tệ bạc với anh quá, bây giờ nghĩ lại tôi ăn năn thì quá muộn. Nhân vật Lâm Ngọc Bích tự Lâm Kỳ X. này, trên báo “Tiếng Dội”, vì sợ có chuyện lôi thôi, nên nói trại đi, “Lâm là một người Pháp lai, có vợ đầm, vì si mê nhan sắc tôi mà cho tiền. Cũng theo báo đó, Lâm làm phó Giám đốc Ngân hàng Cần Thơ. Với số tiền anh Lâm cho tôi, tôi có thể mua trên 1000 mẫu đất ở Hậu Giang mà còn dư.
Cô Ba nói: “Có lẽ anh ấy có cái máy in giấy bạc mới dám xài lớn như vậy”. Về phần cô Ba Trà sau khi ôm 40.000 đồng về Sài Gòn trả nợ được một phần, vì chủ nợ nào may mắn gặp cô trước, cô thanh toán liền để giữ thể diện. “Mới có hai ngày, tôi chỉ còn hơn phân nửa số tiền đó”. Công tử họ Lâm thay vì đi Rạch Giá để điều tra công chuyện làm ăn, bèn lái xe lên Nguyệt Tiên Cung nằm chờ tôi hai ngày ròng rã, trong lúc ấy tôi vẫn tiếp tục la cà các sòng bài vừa kể trên. Của thiên trả địa, chỉ hơn một tuần, tôi xài hết 40.000 đồng anh Lâm đã cho. Nghĩ lại tôi giận mình tàn nhẫn với anh Lâm, nỡ lòng nào nguốt trọn của người ta số bạc kếch xù như vậy mà không một cử chỉ âu yếm chiều chuộng”. Có lẽ tại ngải hành? Ngải này chỉ đem lại tiền, chớ không có tình yêu, đúng như lời nguyện của tôi.
Thua sạch túi, tôi lại nằm nhà đóng cửa để trốn nợ. May mắn lúc ấy công tử Bích, người mới gặp tôi trong sòng bài mấy lần, đến tìm tôi và lại cho tiền tôi nữa. Công tử Bích này trùng tên với Lâm Ngọc Bích tự Lâm Kỳ X.
Đánh máy: Lê Thy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét