NGHỆ THUẬT HÁT CƯƠNG
NGHỆ THUẬT HÁT CƯƠNG
Hát cương mà dùng “từ” Nghệ Thuật để gọi, có người cho là quá đáng. Nghĩ cho cùng, trong nghề hát, Hát Cương cũng đòi hỏi diễn viên phải học ca hát, nghiên cứu, khám phá , sáng tạo rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh để nâng cao khả năng diễn xuất như tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Nếu không thì các diễn viên hát cương không được khán thính giả – ủng hộ, mua vé xem hát trong khoảng thời gian rất dài hơn hai mươi năm (từ cuối thập niên 20 đến những năm đầu thập niên 50).
Tuy nhiên đem hát cương so sánh với nghệ thuật sân khấu thật sự (có kịch bản, đạo diễn, thiết kế đầy đủ về âm nhạc, trang trí, ánh sáng, v.v. ..) thì hát cương chỉ là một thứ hàng giả, nhái lại cái thật như kiểu nữ trang giả, hột xoàn giả mà thôi.
Vì Hát Cương tồn tại trong một thời gian dài hơn hai mươi năm trong lịch sử sân khấu miền Nam, trước khi đề cập tới sự đóng góp của Minh Tơ, Thành Tôn về hát bội pha cải lương, tôi xin được phép nhắc lại những chuyện vui buồn của các bạn nghệ sĩ hát cương mà tôi có dịp quen biết. Những bạn đó, có nhiều người đã lên thiên đàng hát cho Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư Tiên xem trong dịp Hội Bàn Đào của Tây Vương Mẫu, có người nếu đến nay còn sống trả nợ trần gian thì cũng còn trẻ, khoảng 70, 80, 90 tuổi thôi.
Nhắc các bạn để gợi nhớ những kỷ niệm đẹp của một thời huy hoàng trên sân khấu, chắc các bạn sẽ mỉm cười tha thứ khi tôi “khai” ra những bí mật nghề nghiệp của các bạn.
Nghệ sĩ hát cương trước nhất phải có một trí nhớ tuyệt vời, kế đó là phải lanh trí, ứng phó tài tình trong mọi tình huống gặp phải trên sân khấu.
Hồi xưa, nhiều danh tài sân khấu đều thiếu học, không đọc không viết được. Vậy mà họ thuộc lòng rất chính xác nhiều tuồng hát bội, có nhiều chữ nho, nhiều điển tích Tàu; chẳng những họ thuộc những vai họ chuyên thủ diễn mà còn thuộc các vai khác, thuộc nguyên vẹn vở tuồng.
Năm 1948, tôi gia nhập đoàn ánh Sáng Bầu Tập, khi đoàn lưu diễn ở quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, ông Quận Trưởng sở tại buộc phải có bổn tuồng đem nạp kiểm duyệt thì mới cho phép hát. Đoàn ánh Sáng Bầu Tập là một đoàn chuyên hát cương. Người mua dàn hay đa số khán giả muốn coi hát tuồng gì, nhất là những tuồng “pho” theo tích truyện Tàu, nếu có yêu cầu thì ông Biện tuồng tập họp anh chị em diễn viên lại, nói cốt chuyện, phân lớp lang và phân vai tuồng, vậy là diễn viên có thể hát cương tuồng đó rồi. Do vậy không có bản tuồng để nạp kiểm duyệt, nhưng vì giá bán dàn hát ở quận Tam Bình khá cao nên ông Bầu nhờ tôi chép ra bản tuồng, vì có cô Nguyệt Yến (đào chánh và cũng là bà chủ Bầu) thuộc lòng rất nhiều tuồng. Mỗi sáng cô ra sân khấu, tự một mình thủ diễn tất cả các vai trong tuồng, khi đóng kép, khi đóng vai đào, vai quân, vai thế nữ… khi nói lối, lúc thì ca ngâm, cô hát toàn vẹn vở tuồng từ màn đầu tới màn cuối. Tôi ngồi viết tốc ký, ghi chép… chỗ nào chép không kịp là cô Nguyệt Yến hát lại. Hai ngày là viết xong một tuồng. Tôi còn nhớ lúc đó cô đọc cho tôi chép các tuồng “Cánh Bướm Đen”, (đổi tựa là Sĩ Vân Công Chúa), tuồng Con Tấm Con Cám, tuồng Long Hình Quái Khách. Vậy là đoàn có bổn tuồng chép tay sạch sẽ để nạp kiểm duyệt. (Thời đó gánh hát còn nghèo, không tiền mua máy đánh chữ, mà lúc đó tôi cũng chưa biết đánh máy chữ). Cần nói rõ là cô Nguyệt Yến không biết đọc, không biết viết Mãi đến năm 1960, gặp lại cô, cô cũng chỉ mới biết viết tên của cô thôi.
Lại còn một chuyện cần phải nhắc nữa vì nhờ có cơ duyên này mà tôi võ vẽ biết chuyện của các đoàn hát cương và hiểu được chút ít về nghệ thuật hát bội. Trước năm 1940, trong chương trình phát thanh tiếng Việt của Đài Phát Thanh Sài gòn (thời thuộc Pháp), những xuất hát của “Ban Nghệ Thuật Hát Bộ Sài gòn” có các nữ nghệ sĩ Huỳnh Hoa, Ba Út, Sáu Hương. Kép có Hữu Thoại, Tám Mẹ, Ba Đính, nhạc sĩ Sáu Vững. Lúc đó tôi làm công chức Sở Bưu Điện Sàigòn, nhà tôi ở đường hẻm Cá Hấp, gần rạp Thành Xương và đình Cầu Quan. Tôi có người anh là anh Ba Hên, thu góp tiền chỗ chợ Cầu ông Lãnh. Tôi và anh tôi mê coi hát bội, nên có quen với nhiều anh em nghệ sĩ trong đoàn Tấn Thành Ban Bầu Cung và đoàn Vĩnh Xuân – Bầu Thắng. Đến năm 1948, tôi theo đoàn cải lương Ánh Sáng về hát ở rạp Thành Xương, tôi có dịp gặp lại chú Sáu Vững, anh Hữu Thoại, anh Thành Tôn. Tôi biết nhạc sĩ Sáu Vững đã lập Ban Hát Bội Vân Hạc, diễn nhiều tuồng hát bội trên đài Phát Thanh Sàigòn với thành phần diễn viên tài danh của Vĩnh Xuân Ban Bầu Thắng. Theo yêu cầu của Đài Phát Thanh, trình diễn phải có kịch bản đưa duyệt trước rồi mới được hát, đào kép không được hát cương. Vấn đề khó khăn là lúc đó không thể nào kiếm ra được những vở tuồng có kịch bản văn học đàng hoàng, đầy đủ các vai từ vai chính đến vai phụ . May mà có anh Thành Tôn, kép từ tỉnh lên Sàigòn, có ăn học, có ghi chép được sẵn một số tuồng xưa để cho Ban Vân Hạc có thể bắt đầu thực hiện chương trình hát bội trên Đài Phát Thanh Sài gòn. Tôi bỏ đoàn ánh Sáng, theo anh Thành Tôn để học soạn tuồng. Nói soạn tuồng nghe cho có vẻ chuyên nghiệp, thật ra thì tôi theo anh Thành Tôn và anh Hữu Thoại làm cái việc ghi chép như lúc tôi ở đoàn Ánh Sáng, ghi chép những vở tuồng ứng khẩu của cô Nguyệt Yến. Ban Vân Hạc khi mới thành lập có sáu diễn viên cột trụ như Ba Út, Hai Nhỏ, Ba Sáng, Chín Luông, anh Hữu Thoại và anh Thành Tôn. Nhạc sĩ có Sáu Vững, Tư Phúc, Tư Hợi. Anh Chín Luông, anh Hữu Thoại và anh Thành Tôn thay phiên nhau, nhớ lại chuyện xưa tích cũ, ca hát múa may như đang diễn trên sân khấu và tôi lại trổ tài ghi chép như một tay chuyên viên tốc ký ngoại hạng. Có khi tôi nghe không kịp, ghi không kịp, tự tôi nghĩ ra, viết theo ý tôi, nhiều khi văn chương đầu Ngô mình Sở đọc lại các anh lăn ra mà cười.
Tuồng theo tích truyện Tàu, nối tiếp hồi nọ đến hồi kia như ngày nay ta xem vidéo phim tập. Ban Vân Hạc hát những tuồng pho như Thuyết Đường, Chinh Đông, Tảo Bắc, Chinh Tây, Phản Đường, Tam Quốc, Tiền Tống, Hậu Tống, rồi tới các tuồng thầy như San Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Trầm Hương Các, v v
Dàn nhạc có thêm Văn Long, Ba Lụa, Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Thu, Hai Tý.
Nhờ theo các sư phụ Thành Tôn, Hữu Thoại, Chín Luông ghi chép những vở tuồng “Thầy”, và đêm đêm tôi đi xem hát, tôi khám phá ra, hiểu được tại sao các diễn viên hát bội khi hát bội pha cải lương đã ứng khẩu rất hay, có nhiều lớp văn chương bay bướm mà khi mình sáng tác cũng khó kiếm ra được những câu văn hay như vậy.
Nguyên do là những nghệ sĩ hát cương thuộc lòng rất nhiều tuồng “Thầy”, những tuồng hát bội mẫu mực và biết cách ứng dụng đúng nơi, đúng chỗ, nên khiến cho khán giả mới nghe qua, tưởng là tuồng tích có biên soạn đàng hoàng.
Nội dung tuồng hát bội có thể tóm tắt như sau đây:
Vua Băng, Nịnh Tiếm, Bà Thứ lên Chùa,
Chém Nịnh, Định Đô, Tôn Vương Tức Vị.
Chém Nịnh, Định Đô, Tôn Vương Tức Vị.
Nhân vật trong tuồng là Vua Chúa, Tể Tướng, Nguyên Soái, Hoàng Tử, các hạng đại thần, văn võ (hai phe trung và nịnh) thái giám, quân báo, chạy hiệu… Các vai nữ thì có Hoàng Hậu, Thứ Phi, Phu Nhơn mạng phụ, nữ tướng, tỳ nữ… Nếu có anh học trò nghèo, anh nông dân, thì về sau sẽ đậu Trạng Nguyên, văn võ toàn tài, giúp vua cứu nước. Lại có những vai thần tiên như Lư Sơn Thánh Mẫu, Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, Bà Nữ Oa Vương Mẫu… hồ ly tinh, v.v…
Mỗi nhân vật có cách hát của vai đó, thể hiện tính cách nhân vật đó mà các vai tương tự ở các tuồng khác cũng có thể tạm dùng câu văn như vậy.
Ví dụ Vua trong vở Tam Nữ Đồ Vương nói lối:
Như trẩm. . . Thay trời nối trị,
Trẩm hiệu Nguyên Vương,
Đức khuynh quỳ nhuần gội bốn phương,
Oai yểm thảo lẫy lừng tám cõi
Mừng thấy dân an quốc thái
Toại thay chúa thánh tôi hiền…
Trẩm hiệu Nguyên Vương,
Đức khuynh quỳ nhuần gội bốn phương,
Oai yểm thảo lẫy lừng tám cõi
Mừng thấy dân an quốc thái
Toại thay chúa thánh tôi hiền…
Đây là lúc thời còn bình trị, chưa bị loạn thần cướp ngôi, nên khi xem hát cương, tôi thấy có bạn thủ vai Trụ Vương, lúc xây Bá Lạc Đài, nhận Tô Đắc Kỷ vào cung, anh bạn đó đã hát:
Thay trời nối trị,
Trẩm hiệu Thành Thang,
Đức khuynh quỳ nhuần gội bốn phang,
Oai yểm thảo lẫy lừng tám cõi…
Trẩm hiệu Thành Thang,
Đức khuynh quỳ nhuần gội bốn phang,
Oai yểm thảo lẫy lừng tám cõi…
Một ví dụ khác: tuồng San Hậu, Tướng trung Triệu Khắc Thường khi biết Tạ Thiên Lăng mưu phản, mời các quan phó yến để dò ý và dùng cường lực trấn áp, đã than:
Khắc Thường (nói lối):
Quyền Đại phu trực gián,
Lão nay Triệu Khắc Thường,
Trung thành soi rạng lòng gương,
Nghĩa khí danh ly tính nước.
(Như lão nay…) Thường ưu quân ái quốc,
Lăm khử bạo trừ tàn,
Ngoài trăm họ đặng an,
Trong cửu trùng khỏe mạnh.
Rày nghe mình thánh,
Tiểu dạng chẳng an.
Tạ Thiên Lăng gã có lòng gian
Mưu lập tiểu giang san gấm ghé…
Lão nay Triệu Khắc Thường,
Trung thành soi rạng lòng gương,
Nghĩa khí danh ly tính nước.
(Như lão nay…) Thường ưu quân ái quốc,
Lăm khử bạo trừ tàn,
Ngoài trăm họ đặng an,
Trong cửu trùng khỏe mạnh.
Rày nghe mình thánh,
Tiểu dạng chẳng an.
Tạ Thiên Lăng gã có lòng gian
Mưu lập tiểu giang san gấm ghé…
Tuồng Phụng Nghi Đình (lớp Bái Nguyệt: Vương Tư Đồ ra trước rồi vô khi thấy Điêu Thuyền tới…)
Vương Tư Đồng :
Quyền Đại phu trực gián,
Lão, Tư Đồ, họ Vương
Trung thành soi rạng lòng gương,
Nghĩa khí danh ly tính nước…
Lão, Tư Đồ, họ Vương
Trung thành soi rạng lòng gương,
Nghĩa khí danh ly tính nước…
Câu “Tạ Thiên Lăng gã có lòng gian” thì đổi là “Đổng Thừa Tướng gã có lòng gian“.
Người xem hát chỉ biết là kép hát đóng vai gì thì xưng tên họ, chức tước cùng ý đồ, nhiệm vụ, đâu có ai nhớ những vai tương tự như vậy đã hát ra sao trong những đêm trước.
Đây là nói về những anh em không chịu học tuồng, chớ tuồng nào cũng có văn chương, bài bản của tuồng đó. Anh em hát cương nhiều khi ỷ y, hát những chỗ làng mạc xa xôi, khán giả dễ dãi, cứ “lấy râu ông này, cắm cầm bà nọ”, lối hát của tuồng này khi giống với nhân vật trong tuồng kia thì cứ tự tiện mà cương.
Có nhiều câu hát tỏ tình chồng vợ, vì việc nước phải chia phôi, trước đây tôi nghe cô Năm Đồ hay cô Kim Chắc hát thì cảm thấy rất là hay:
Én quy Nam, nhạn hồi lãnh Bắc;
Ngựa quay đầu ruột thắt từng cơn,
(Bớ phu quân , bớ. . . )
Dứt tình, tình lại vấn vương,
Cũng đeo một tấm đoạn trường mà đi…
Ngựa quay đầu ruột thắt từng cơn,
(Bớ phu quân , bớ. . . )
Dứt tình, tình lại vấn vương,
Cũng đeo một tấm đoạn trường mà đi…
Khi khuất dạng người chinh phu rồi, người ở lại nói hai câu lối tán:
Sơn cách, thủy cách, tình nan cách,
Tinh di, nguyệt di, chí bất di.
Tinh di, nguyệt di, chí bất di.
(rồi bắt qua hát câu Nam biệt)
Chí bất di lưỡng đồ ly biệt,
Lụy sụt sùi chi xiết lòng thương.
Lụy sụt sùi chi xiết lòng thương.
Cũng cảnh ly biệt đó, lại có những câu hát như:
Tần địa cố nhân thành viễn mộng,
Sở thiên lương vũ tại cô chu.
Một lá thuyền rơi mưa đất Sở,
Giấc mơ bạn cũ tít trời Tần.
Sở thiên lương vũ tại cô chu.
Một lá thuyền rơi mưa đất Sở,
Giấc mơ bạn cũ tít trời Tần.
Về sau, những câu thơ ly biệt lâm ly đó, tôi nghe có bạn diễn dùng lại trong tuồng Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, tuồng Sĩ Vân Công Chúa…
Có một chuyện vui về anh hề Vân Trình (nổi danh trên sân khấu đoàn Kim Thoa năm 1956). Trước khi anh Vân Trình được người trong giới nhận là một anh hề hát có duyên, anh Vân Trình có một thời gian đi chung với tôi trong đoàn Ánh Sáng Bầu Tập. Lúc đó anh gác cửa, soát vé, vẽ bảng quảng cáo tuồng, có khi ông bầu nhờ cầm bổn nhắc tuồng. Có một hôm đoàn nhận hát chầu hai xuất ở đình Tân Thông Hội, Củ Chi, tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu và tuồng Phàn Lê Huê phá Hồng Thủy Trận. Đoàn Ánh Sáng Bầu Tập chuyên hát cương, mấy tuồng Tàu không chép thành vở tuồng vì đa số đào kép đều thuộc nằm lòng. Bữa hát tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu, người đóng vai quân vì thua bài, bỏ gánh hát trốn nợ. Đến khi hát được một lúc ông Bầu mới biết, bèn kiếm người thay anh quân đó, báo trong lớp Lưu Kim Đính đại phá tứ môn thành, cho tướng Dư Hồng ra ngăn cản. Vâ n Trình học mấy câu báo:
Dạ , . . . thậm cấp. . . thậm cấp,
Chí nguy. . . chí nguy. . .
Giặc đại phá thành trì,
Tôi xin vào báo lại…
Chí nguy. . . chí nguy. . .
Giặc đại phá thành trì,
Tôi xin vào báo lại…
Anh đánh phấn, tô son, vẽ chân mày rậm vì anh nghe tướng Dư Hồng mặt đỏ, râu rễ tre thì quân sĩ cũng phải vẽ mặt cho bậm trợn. Anh kép đóng vai Dư Hồng chưa biết là anh đóng vai quân đã bỏ trốn và đoàn nhờ Vân Trình thay. Trống đánh thúc, Vân Trình trong vai quân, vẽ mặt bậm trợn, chạy ra hô một tiếng thật lớn: Dạ… Dạ!
Dư Hồng, thấy có vai lạ chạy ra, tưởng ông Biện tuồng bày thêm điều chi, bèn cầm cục ấn bằng cây, đập mạnh xuống bàn, hỏi: “ải… ải… Nhà ngươi quân ở lộ nào, khá mau hài danh hài tính cho ta nghe, hử?”…
Vân Trình nghe đập cái bốp, giựt mình, lại nghe Dư Hồng hỏi một câu dài, quýnh quá , quên câu báo, bèn nói: “Dạ, Thập cấm . . . thập cấm . . . ủa, nói lộn. . . thập cấm . . . mà hỏng phải…thậm...(anh cà lăm một hồi mới không nói lái như trước) thậm cấp…thậm cấp..”
Khán giả cười rần rần, Vân Trình càng quýnh, quên phải nói gì, bèn nói:“Để tôi vô hỏi lại coi báo cái gì rồi ra báo tiếp”. Anh bỏ chạy vô buồng. Khán giả lại cười ào ào. Dư Hồng tức quá , không biết lớp đó phải hát làm sao… Vân Trình lại chạy ào ra, vừa báo vừa ra bộ như chạy từ mặt trận về , mệt quá nên hào hển báo: Dạ…Dạ, Thậm cấp…Thậm Cấp…Chí nguy. . . Chí nguy. . .
Dư Hồng nạt: “thôi cho lui, khỏi báo…Ta biết rồi…Lui ra, mau”.
Vân Trình tức quá, có một câu báo mà không được nói. Anh vô ngồi hút thuốc, nhất định không thèm báo nữa. Ông Bầu lại thúc hối: mày ra báo có nữ tướng đại phá tứ môn thành; xin quân sư phát lạc”. Ông Bầu vừa quay lưng, Vân Trình liệng điếu thuốc, định ra báo, không may gió thổi điếu thuốc bay vô sân khấu, dính vô vạt áo giáp của Dư Hồng, chỗ viền có lông thỏ nên lửa bén cháy ngay. Vân Trình hoảng hồn phóng ra nói:
Sự nguy chí cấp. . . chí cấp
Vật khả diên trì… diên trì…
Cấp bôn phi… cấp bôn phi…
Mau lánh họa… hè mau lánh họa.
Vật khả diên trì… diên trì…
Cấp bôn phi… cấp bôn phi…
Mau lánh họa… hè mau lánh họa.
Dư Hồng lại tưởng Vân Trình ra phá, bèn nạt: “Lui… Lui… Ta biết rồi, khỏi báo… “ Vân Trình la lớn: “ông Bầu biểu báo, tôi ra báo, ông không cho báo, một lát cháy áo, ông đừng nói tôi nói láo. . . “ Dư Hồng hỏi : mày nói cái gì cháy áo ? Vân Trình chạy lại phủi áo giáp của Dư Hồng nhưng không dập tắt được vì lửa cháy ngúng theo viền lông thỏ, anh lại chạy vô buồng, bê nguyên sô nước để đào kép rửa mặt, chạy ra tạt vô mình Dư Hồng mới dập tắt được lửa. Khán giả được một phen cười thỏa thích. Dư Hồng bị ướt như chuột lột, mặt mày lem lúa, tức quá rượt Vân Trình đánh. Vân Trình phóng xuống phòng khán giả, Dư Hồng cũng đuổi theo, khán giả vỗ tay cười một bữa no nê . Thế là ông Bầu nhận cho Vân Trình vô hát vai hề từ đó.
Chuyện hát cương lời thoại thì có nhiều chuyện dở khóc dở cười cho đào kép. Còn một lối hát cương nữa là hát cương những lớp giống nhau của nhiều vở tuồng nổi tiếng. Có nhiều lớp khá hay và hấp dẫn, bị lợi dụng khai thác quá nhiều thành mất tác dụng: Những cảnh đào kép gặp nhau như lớp Thần Nữ gặp Tiết ứng Lưông trong tuồng Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ… lớp Lưu Kim Đính gặp Cao Quân Bảo trong tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu… lớp Hồ Nguyệt Cô gặp Tiết Giao trong tuồng Tiết Giao Đoạt Ngọc… lớp Mộc Quế Anh gặp Dương Tôn Bảo trong tuồng Mộc Quế Anh dưng cây.. . lớp Phàn Lê Huê gặp Tiết Đinh San trong tuồng Tiết Đinh San Chinh Tây, người xem thấy các câu đối thoại, các lối diễn đào dê kép đều giống nhau, không biết vở nào là vở chính được sáng tác trước và vở nào là vở nhái theo, bắt chước theo.
Ngày xưa, người ta xem hát bội, xem đi xem lại một tuồng mà không bao giờ biết chán. Họ đã đọc truyện Tàu, khi xem hát tuồng pho theo tích truyện Tàu thì khán giả biết trước cốt chuyện, biết cá tính các nhân vật và các sự kiện gay cấn sẽ xảy ra trong tuồng. Họ xem để so sánh, đánh giá diễn viên hôm nay biểu diễn hay hơn hay kém hơn các lần diễn trước, so sánh diễn viên đoàn hát bội này với diễn viên đoàn khác, đóng cùng vai tuồng đó mà ai diễn hay hơn ai? Họ càng xem càng khám phá ra cái hay của nghệ thuật hát bội mà nếu chỉ xem một lần thì không thể nào thấy hết được.
Để các bạn có một cái nhìn tổng quát về nghệ thuật hát bội, để hiểu được bước phát triển của Hát Bội pha Cải Lương và những chuyện vui buồn của một thời kỳ hát cương, tôi xin trình bày sơ lược về nghệ thuật Hát Bội:
Hát Bội là loại hát cổ truyền, tượng trưng, không cấu tạo hoàn cảnh, bối cảnh như lối hát của Tây phương (hay lối hát ngày nay). Cho nên có nhiều khán giả không hiểu, không thích và cho là tượng trưng một cách quá đáng. Trong nghệ thuật Hát Bội, điệu bộ nào, cách bố trí nào cũng có tính cách “ước định” để thay lời giải thích vở tuồng.
Vi dụ: Trên sân khấu kê một cái bàn, hay một chiếc rương lớn trên để vài chiếc ghế đẩu, phải hiểu cho đó là một non cao chớn chở hay một thành lũy uy nghi. Diễn viên ra bộ xăn tayáo mặt lộ vẻ nhọc nhằn, dơ chân bước từng bước cao như gắng sức trèo lên. Đó là đang leo núi. (lớp hồn Linh Tá dẫn Kim Lân qua núi tuồng San Hậu). Bốn tên chạy hiệu (Cải Lương gọi là quân sĩ hay vê sĩ) ngồi chồm hổm, tay dựng bốn cây sào trên ngọn buộc một mớ lá xanh, đó là rừng già . Chiếc roi ngựa tượng trưng con ngựa, cầm roi tay phải, đó là người kỵ mã sắp lên yên, rồi tùy theo cử chỉ điệu bộ, khán giả hiểu đó là ngựa đang tế, sải hay là chồm lên, v.v… ở miền Trung và miền Bắc, hát sao tôi chưa hiểu, chớ ở miền Nam, khi quân hầu dâng roi ngựa có những chùm lông đỏ sậm thì khán giả hiểu đó là ngựa xích thố, khi vai đóng tướng là Quan Công thì mới dùng roi ngựa màu đỏ sậm này, hoặc dâng roi ngựa cho vai Lữ Bố trong lớp Tam Anh Chiến Lữ Bố, vì lúc này Lữ Bố còn cỡi ngựa xích thố, sau khi thất trận và chết ở Bạch Mã Thành, Tào Tháo mới tặng ngựa xích thố cho Quan Công.
Cũng với tính cách tượng trưng, roi ngựa lông tuyền trắng là Bạch Mã Thoại Long Cu, ngựa của các tướng Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây. Nếu hát chầu khi cúng Kỳ Yên, quân “chạy hiệu dâng roi ngựa lông trắng cho Quan Công hay roi ngựa lông đỏ sậm cho Tiết Nhơn Quý, thế nào ông trưởng làng cầm chầu cũng sẽ gõ mạnh “cắc…cắc…” lên tang trống chầu để cảnh cáo.
Về điệu bộ, cũng có những ước lệ mà khi diễn viên diễn, khán giả hiểu ý nghĩa điệu bộ đó là gì, Ví dụ: Tới nhà, khách vừa nhấc một chân lên vừa cúi đầu, cử chỉ đó có nghĩa là bước qua ngạch cửa. Muốn đóng cửa, khách dang hai tay, ra bộ kéo hai cánh cửa vô hình, vậy là đã vào trong nhà rồi. Tới triều đình chầu Vua, các quan văn hay võ tới trước, giữa sân khấu, hai tay đỡ lấy mão, cúi đầu xuống, chân giơ cao, tay vén áo bào hay áo giáp, bước tới, rồi lại giơ chân cao, bước thêm mấy bước nữa như lên nhiều bực thềm mới vào chầu vua được. Một viên tướng bị tử thương, ngã ngửa phía sau, té luôn xuống đất, một đứa chạy hiệu tay cầm cờ che khuất, tướng vừa té lồm cồm đứng dậy, chạy tuốt vô buồng, khán giả hiểu là tướng đó đã chết. Một chiếc xe được tượng trưng bằng hai lá cờ trắng, vẽ hình bánh xe, có hai tên chạy hiệu cầm đưa ngang ra, người đi xe bước vào giữa hai lá cờ đó, vừa đi vừa hát, hai tên chạy hiệu cầm cờ tượng trưng cho xe cũng bước theo nhịp nhàng với người ngồi trên xe, như vậy là một cuộc hành trình.
Xe bốn bánh thì có bốn tên chạy hiệu cầm bốn lá cờ, đây là Long Xa Phụng Liễn dành cho Vua, Hoàng Hậu. . Muốn tượng trưng con sông thì trải lên sân khấu một tấm vải xám độ hai thước bề dài, có hai tên chạy hiệu nắm hai đầu đưa lên giũ xuống làm sóng. Một ngư phủ cầm sào chống, một thiếu nữ cầm chèo, vừa chèo vừa đi vừa hát là một con thuyền trên sông. Ông George Coulet, tác giả quyển “Hát cổ truyền Việt Nam” (Le théâtre classique vietnamien) đã tả điệu chèo thuyền hát bội như sau:
“Đây là một tiên nữ lái thuyền trên hồ. Nghệ sĩ chỉ dùng một cây gậy làm chèo vừa chèo vừa hát nghêu ngao một bản Nam Xuân sau một vài câu lối lấy giọng. Nghệ sĩ không bước tới mà chỉ lắc cây gậy và thân người. Không có tấm vải làm sóng, không có bối cảnh làm sơn thủy, không có hình bóng chiếc thuyền, thế mà tôi thấy rõ ràng con thuyền tiến tới, quay đầu khi nghe tiếng khách gọi, sóng con nhấp nhô vỗ mạn thuyền. Khách từ trên bờ bước xuống, thuyền chao, nghiêng hẳn một bên. ảo ảnh trọn vẹn, nhờ câu nói lối xuân, cử chỉ, điệu bộ cô lái thuyền đưa tôi vào một cõi mộng dịu đàng, ví như một phép mầu đã biến khung cảnh chật hẹp của gian phòng khách và bàn ghế trang trí thành một cảnh thiên nhiên biển hồ đầy thi vị, mặt nước long lanh muôn sắc tắm ánh nắng mùa xuân.”
(La scène présentait une fée sous la forme d’une passeuse ramant sur un lạc. L’artiste tenait à la main un simple baton et tout en chantant un air Nam Xuân après un monologue, faisait le geste ramer debout. Elle se déplaçait à peine; il n’y avait pas de bande d’étoffe figurant le lac, pas de décor évocateur de paysage, et pourtant, nous voyions très nettement une embarcation avancer, tourner sur l’eau, battue par des flots. L’illusion était totale grâce à une espèce de rêverie où le monologue, le chant et surtout les gestes de l’artiste nous avaient transporté. Comme par enchantement le cadre étroit du salon avec son mobilier avaient disparu à nos yeux pour faire place à un lac plein de poésie dont la surface scintillait de mille feux sous un soleil de printemps.)
Kỹ thuật hát bội bất chấp các định luật về thời gian và không gian. Tất cả các tuồng đều có những màn nho nhỏ đưa khán giả từ nơi này đến nơi khác, từ năm nay đến năm khác, không giao thời chuyển tiếp. Ta không thể dùng phép phân tích trong nghệ thuật Tây phương để tìm hiểu nghệ thuật hát bội. Hát bội không thể dùng cảnh họa thay cho vô số hoàn cảnh và địa điểm khi các nhân vật hoạt động theo đà tiến triển nhanh chóng của sự tích lịch sử. Ví dụ trong tuồng San Hậu, lớp treo Đổng Mẫu để dụ hàng Đổng Kim Lân; trên cái rương lớn có để chiếc ghế đẩu, Tạ Ôn Đình ngồi, sát bên có một cái rương khác, bà Đổng Mẫu đứng, hai tay dang ra bị trói gác trên một khúc cây dài. Tạ Lôi Nhược cầm giáo canh chừng. Đổng Kim Lân đứng giữa sân khấu, khôi giáp rỡ ràng như đang lâm trận. Khán giả hiểu là Ôn Đình, Lôi Nhược và bà Đồng Mẫu ở trong thành, đứng trên bờ tường cao của thành, còn Đổng Kim Lân là đang đứng trước cửa thành. Họ hát đối đáp với nhau…
Đổng Mẫu (nói):
Bớ con. . !
Con đừng buông tiếng khóc
Mẹ gẫm ý nực cười,
Vả Ôn Đình là tướng có tài,
Bắt đặng mẹ, nó mừng da diết.
Ấy là mưu Gia Cát
Ấy là kế Tử Phòng. . .
Bớ Đình. . . Nhược. .!
Có tài thì lược hổ thao long,
Khá ra sức đề thương khóa mã (mà đánh với con tao.)
Cớ chi mà đóng cửa,
Đội mũ đứng trong nhà,
Mạnh mẽ chi bắt đặng mụ già,
Đem ra để làm bia đỡ đạn ?
Con đừng buông tiếng khóc
Mẹ gẫm ý nực cười,
Vả Ôn Đình là tướng có tài,
Bắt đặng mẹ, nó mừng da diết.
Ấy là mưu Gia Cát
Ấy là kế Tử Phòng. . .
Bớ Đình. . . Nhược. .!
Có tài thì lược hổ thao long,
Khá ra sức đề thương khóa mã (mà đánh với con tao.)
Cớ chi mà đóng cửa,
Đội mũ đứng trong nhà,
Mạnh mẽ chi bắt đặng mụ già,
Đem ra để làm bia đỡ đạn ?
(nói với Kim Lân)
Bớ con. . .
Mẹ dù về chín suối,
Danh tiết để ngàn thu,
Hằng khuyên con bền chí trượng phu,
Sao vậy cũng đừng đầu Tạ giặc.
Mẹ dù về chín suối,
Danh tiết để ngàn thu,
Hằng khuyên con bền chí trượng phu,
Sao vậy cũng đừng đầu Tạ giặc.
Kim Lân:
Trăm lạy mẹ… Nhân sinh vạn vật tối linh,
Hà nhẫn khí sinh thành chi đại nghĩa!
Huống chi người là vạn vật tối linh,
Sao nỡ bỏ ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ.
Con mà bỏ mẹ, sao phải đạo con,
Chân đạp vuông, đầu hãy đội tròn,
Mất thảo ấy, sao rằng hiếu tử?
Hà nhẫn khí sinh thành chi đại nghĩa!
Huống chi người là vạn vật tối linh,
Sao nỡ bỏ ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ.
Con mà bỏ mẹ, sao phải đạo con,
Chân đạp vuông, đầu hãy đội tròn,
Mất thảo ấy, sao rằng hiếu tử?
Đồng Mẫu (nói):
Con hãy ngay cùng nước cùng vua.
Ấy là thảo với cha với mẹ.
Hãy phò an nghiệp chúa,
Cho rạng tiết nhân thần,
Lấy chữ trung, chữ hiếu con cân,
Chữ trung ấy nặng hơn chữ hiếu đó con!
Ấy là thảo với cha với mẹ.
Hãy phò an nghiệp chúa,
Cho rạng tiết nhân thần,
Lấy chữ trung, chữ hiếu con cân,
Chữ trung ấy nặng hơn chữ hiếu đó con!
Ôn Đình:
… Ải… Ải … Tẩn kê tác quái, thị tử như du,
Gà mái làm điều quái, coi cái chết như đi chơi.
Quân… ! Lệnh truyền lấy cỏ khô, bỏ lên dàn kíp đốt…
Gà mái làm điều quái, coi cái chết như đi chơi.
Quân… ! Lệnh truyền lấy cỏ khô, bỏ lên dàn kíp đốt…
Kim Lân:
Thống thiết! Thống thiết! Mẫu thân! Mẫu thân!.
Trăm lạy hai tướng quân, xin thư tay cho mỗ lời phân,
Phương khứ tựu cho minh sẽ quyết.
Trăm lạy hai tướng quân, xin thư tay cho mỗ lời phân,
Phương khứ tựu cho minh sẽ quyết.
Đổng Mẫu:
Bớ Kim Lân! Như mẹ nay, Nắm cố tàn, con tưởng,
Cao hơn đạo vua tôi hay sao ?
Nếu muốn đầu Tạ Tặc, để tao chết mi hãy đầu…
Cao hơn đạo vua tôi hay sao ?
Nếu muốn đầu Tạ Tặc, để tao chết mi hãy đầu…
Ôn Đình:
Quân…! Lời mụ còn khảng khái,
Truyền cứ phép gia hình.
Truyền cứ phép gia hình.
Kim Lân:
Trăm lạy nhị tướng quân, xin nhớ câu thân nải kỳ thân,
Xin tưởng chữ kiền khôn chi đạo
Xin rộng dung cho mỗ lời phân,
Ba ngày nữa thời tôi quy thuận.
Xin tưởng chữ kiền khôn chi đạo
Xin rộng dung cho mỗ lời phân,
Ba ngày nữa thời tôi quy thuận.
Lôi Nhược:
Bớ tướng quân Kim Lân, anh tao cho hai ngày…
Kim Lân:
Vậy là hẹp tôi lắm a tướng quân.
Đây về Sơn Hậu Thành một ngày,
một ngày từ biệt quân thần,
trở qua đây một ngày, chẳng là ba ngày sao?
Đây về Sơn Hậu Thành một ngày,
một ngày từ biệt quân thần,
trở qua đây một ngày, chẳng là ba ngày sao?
Ôn Đình:
Lệnh truyền quân chúng, giải tán hạ thành,
Này Kim Lân, lời đoan ngươi đã rành rành.
Ba bữa dung cho kẻo hẹp.
Này Kim Lân, lời đoan ngươi đã rành rành.
Ba bữa dung cho kẻo hẹp.
(Ôn Đình bước xuống rương vào trong, Lôi Nhược cũng dẫn Đổng Mẫu vô, Sân khấu chỉ còn Đổng Kim Lân)
Kim Lân: (vói theo kêu mẹ)
Mẹ ơi! thống thiết… thống thiết…
Con quyết không để cho mẹ phải chết…
Hạ lệnh truyền quân chúng,
Mau trở lại bản doanh .
Con quyết không để cho mẹ phải chết…
Hạ lệnh truyền quân chúng,
Mau trở lại bản doanh .
(trống, kèn tấu lên, Kim Lân đi một vòng, khán giả hiểu là đã qua một ngày, vì Hoàng Tử bước ra, coi như Kim Lân đã về tới thành Sơn Hậu.) Kim Lân thú thiệt là không đang tâm nhìn mẹ bị hành hình nên hứa ba ngày trở lại đầu Tạ Ôn Đình. Hoàng tử không bắt tội mà còn tỏ vẻ cảm thông, nói rằng mẹ của Đổng cũng như mẹ của Hoàng Tử. Phàn Diệm dâng kế nhờ rước bà Nguyệt Hạo là chị của Ôn Đình, đem đổi mạng Đổng Mẫu. Hoàng Tử nói: Hảo a!… rồi cùng Kim Lân bước vô buồng. Phàn Diệm múa, đi một vòng.
Phàn Diệm:
Chúng tướng!
Ngựa đều cất nhạc,
Quân khá hàm mai
Kíp bôn ba đoạt lộ
Ngựa đều cất nhạc,
Quân khá hàm mai
Kíp bôn ba đoạt lộ
(múa, hát khách)
Giải khai đại nạn thoát tai nguy,
Ai ta Đổng thị lệ lâm ly,
Mộc vũ tiết phong ngô hà nại,
Phi tinh đới nguyệt đáo Sơn Tây.
Ai ta Đổng thị lệ lâm ly,
Mộc vũ tiết phong ngô hà nại,
Phi tinh đới nguyệt đáo Sơn Tây.
Bà Nguyệt Hạo bước ra, vậy là Phàn Diệm đã tới Sơn Tây, nơi chùa của Bà Nguyệt Hạo tu hành. Nghệ thuật diễn kịch cổ truyền kêu gọi sức tưởng tượng mãnh liệt của khán giả. Ngoài các quy ước hí trường, còn có nhiều quy ước khác như hóa trang, y phục. Những quy ước này cũng bị chi phối bởi những quy lệ của truyền thống phong kiến. Vua thì mặc áo cẩm bào thêu rồng năm móng, tướng thì mặc giáp, đội kim khôi; tướng Phiên cũng đội Kim khôi gắn hai lông trĩ dài. Đại thần mặc lễ phục: áo thêu rồng bốn móng màu xanh, mão cánh chuồn đính nhiều hạt trân châu.
Màu sắc vẽ mặt cũng được ước định rõ ràng: Mặt trắng tượng ưng tánh người trầm tĩnh, màu đỏ tượng trưng tánh cương trực và điềm đạm; nếu giặm thêm nhiều nét hay đốm đen thì mặt trắng đó chỉ con người phóng đãng hay dâm dật. Mặt đen sì là người độc ác, nóng giận, nhưng nếu thêm nhiều lằn trắng là mặt người ngay thẳng, trực tính. Đại khái là vậy. Hát tuồng ở miền Trung và miền Bắc có giặm mặt khác một chút so với Hát bội miền Nam, nhưng nội dung các màu sắc kể trên là đồng nhất. Khán giả coi hát, nhìn hóa trang mặt là đoán biết tâm tánh của nhân vật trong tuồng.
Về âm nhạc thì giàn nhạc hát bội rất quan trọng. Không nhạc, hát bội không hát được. Có đờn mà không trống, thiếu kèn, thiếu chập choả, không hát được.
Giàn nhạc có đờn cò, đờn kìm, đờn tam, ống tiêu, kèn song hỉ, trống lớn, trống cơm, trống bát cấu, đồng la, chập choả chờn hay bạt. Giàn nhạc hát bội thật ra không có trống chầu. Trống chầu để riêng ở góc ngoài sân khấu cho người trưởng làng hay người có chức sắc cao nhất, hiểu biết nghệ thuật hát bội, cầm chầu thưởng phạt khi đào kép hát hay hoặc hát dở. Hay thì đánh một, hai hay ba tiếng trống chầu, dở hay hát sai thì gõ vào tang trống cảnh cáo, nhắc nhở.
Nhạc công hát bội khác với nhạc sĩ cải lương hay nhạc tài tử. Nhạc hát bội chỉ đưa hơi chớ không đờn trọn bản, không cần ăn rập với lời ca tiếng nói. Một diễn viên nói lối giọng Xuân, nghĩa là tâm trạng bình thản, không vui không buồn, thì đờn bài hạ . Nửa chừng, tùy vai, diễn viên nói lối với giọng buồn, than thân trách phận thì nhạc công bỏ bài hạ đang đờn dở dang mà bắt qua đờn xuân nữ, hay nam xuân, nam ai… Giọng hát khách dành riêng cho kèn. Nhạc hát bội đưa hơi theo diễn viên, tạo không khí âm thanh thuận tiện cho diễn viên diễn nên giàn nhạc hát bội không cần có nhạc trưởng chỉ huy hòa tấu, cũng không cần để bài bản trước mặt.
Tôi chỉ xin tóm tắt những nét lớn của nghệ thuật hát bội như đã kể trên đây để làm cơ sở để hiểu những bước đầu của Hát bội pha Cải Lương.
Theo lời kể của anh Thành Tôn thì từ năm 1932, gánh hát Phước Long Ban là gánh hát bội của ông nội anh đã chiều theo thị hiếu của khán giả chuyển qua lối hát bội pha cải lương. Sân khấu bắt đầu có vẽ tranh sơn thủy làm phông: cảnh đền vua, cảnh nhà nghèo, cảnh nhà giàu, cảnh huê viên, cảnh rừng lớn. Ngoài là décor fixe vẽ cảnh rừng nhỏ, đường đi. Có màn ngoài kéo lên bỏ xuống khi hết màn đổi cảnh.
Trong những thập niên 40, 50, 60, các đoàn Nuôi Tơ (Hoàng Nuôi và Minh Tơ) đoàn Vĩnh Xuân Ban Khánh Hồng, đoàn Tấn Thành Ban bầu Cung ở đình Cấu Muối dùng thêm đèn rọi mây rọi nước lên phông vải để làm cho cảnh sắc có vẻ đẹp và thực hơn, những màn có cảnh tiên ông hay tiên nữ hiện ra như Lư Sơn Thánh Mẫu tuồng Phàn Lê Huê… thì có xử dụng pháo nổ, pháo đập hay điện xẹt và kéo giây móc vào người cho tiên bay cao hay bay xẹt từ phía bên này sân khấu bay qua phía bên kia.
Về âm nhạc thì thêm nhiều bài bản ca của cải lương, dần dần bỏ lối hát khách nên kèn Song Hỉ, kèn lá, chập choả
Về y trang thì mua sắm thêm các phục trang của các đoàn hát Quảng Đông, đẹp hơn; bỏ cây roi ngựa tượng trưng con ngựa. Điệu bộ cũng tập diễn lại, xa lần lối hát tượng trưng như lối hát bội. Bỏ lối đánh võ thiệt với đao kiếm thiệt mà dùng lối đánh võ có sắp xếp lớp lang, ăn ý nhau nên hấp dẫn hơn như các đoàn cả lương.
Những nét đại cương nói về những đổi thay khi hát bội pha cải lương. Nghe qua, thấy có vẻ thật là dễ dàng, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy có muôn ngàn khó khăn. Hát bội thuần túy không tạo ra bối cảnh, chỉ bằng vào điệu bộ và vài câu hát là đã diễn tả câu chuyện từ mặt trận trở lại cung vua, rồi thêm vài câu, nhân vật đã đến cảnh chùa hay trong ngục thất. Đến khi hát có phông cảnh như đền vua, hậu cung, rừng già, v.v… không thể chỉ nói vài câu nói lối mà đổi cảnh ngay được. Phải có soạn giả sáng tác, gom nhiều sự kiện, phát triển mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn trong lớp kịch đó, kéo dài ra một thời lượng ít nhất bốn mươi phút cho một cảnh rồi mới thay qua cảnh khác. Như vậy đòi hỏi phải có một sự chỉ huy nhịp nhàng, diễn viên phải thuộc tuồng, hát, diễn ăn ý với các diễn viên đồng diễn với mình; dàn nhạc, người phụ trách dàn cảnh, chuyên viên ánh sáng, v.v… tất cả các bộ môn hỗ trợ cho sân khấu sàn diễn nhất loạt đều phải được bố trí hẳn hoi, có tập dượt với nhau nhiều lần trước khi chính thức công diễn cho khán giả xem.
—->Hát Bội pha Cải Lương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét