Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

NGŨ ĐẠI GIA của Sân Khấu Cải Lương : Dẫn Nhập

NGŨ ĐẠI GIA của Sân Khấu Cải Lương : Dẫn Nhập

- DẪN NHẬP -
NGŨ ĐẠI GIA
của
Sân Khấu Cải Lương
Nói tới nghệ thuật sân khấu, trước hết là phải nói tới nghệ thuật diễn viên, bởi lẽ một vở hát bội hay cải lương sau khi được sáng tác, phải nhờ có ca, diễn của các diễn viên mới có được sức sống, khán giả mới thưởng thức được nội dung tuồng tích, các nhân vật trong vở tuồng mới bộc lộ hết sức thuyết phục, làm cho tác phẩm có một tuổi thọ dài lâu, được mọi người yêu thích. Tranh cảnh, trang trí, ánh sáng, nhạc điệu, tất cả các bộ môn nghệ thuật đó đều phải hỗ trợ cho nghệ thuật diễn viên. Nếu không có người diễn viên thể hiện nhân vật thì những màu sắc, đường nét, trang trí, bài hỵt đều lạc lõng, thậm chí tự thân cũng không có một ý nghĩa nào.
Chính vì vậy, khi tôi hồi tưởng lại những chặng đường phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương, tôi theo dấu vết phát triển của những Đại gia đình có nhiều đời theo nghề hát, từ đời ông cố tới ông nội, đời cha, con, cháu, chắt.., tôi lần được ra đầu mối của cả một quá trình thay da đổi thịt, những bước đầu sơ khởi từ Ca Ra Bộ đến nghệ thuật sân khấu cải lương như hiện nay.
o O o
Tưởng cũng nên nhắc sơ qua những ngày mới chào đời của cải lương.
Hồi năm 1967, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, trụ sở số 131 – 133 đường Cô Bắc, Sài gòn có tổ chức một cuộc hội thảo đề tài “Kỷ niệm 50 năm sân khấu cải lương”. Tham dự buổi hội thảo có các ông: học giả kiêm nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, ông Thanh Trung Trần Văn Khải, nhà nghiên cứu hát bội Đốc phủ Đỗ Văn Rỡ; các ký giả kịch trường như Trần Tấn Quốc (người sáng lập Giải Thanh Tâm, tặng huy chương vàng cho diễn viên ca, diễn hay nhất trong năm), Nguyễn Ang Ca, Tô Yến Châu, Phùng Mậu, Lê Hiền, Phong Vâ n, Ngọc Linh, Hồng Sơn, Hoài Ngọc; các soạn giả các đoàn hát đang diễn ở Sài gòn và các nghệ sĩ tài danh Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Ba Thâu, Năm Lâu, Hai Nữ, Kim Cúc, Kim Chưởng, Minh Tơ, Thành Tôn, Chín Viễn, Tám Vân, Thành Được, Hữu Phước, Việt Hùng Ngọc Nuôi, Hoàng Giang, Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Hương, Kim Giác, Kim Hoàng Như Mai. Ban Thơ Ký Đoàn là: Thu An, Ngọc Văn, Nguyễn Phương, Ngọc Linh và Kiên Giang.
Soạn giả Duy Lân, kiêm giáo sư phân khoa kịch nghệ trường Quốc Gia âm Nhạc, viết bản tham luận về “Lịch sử 50 năm sân khấu cải lương”, được cử tọa buổi hội thảo tán thành.
Theo Duy Lân, sân khấu cải lương đã được hình thành như sau:
- Năm 1910, ở Mỹ Tho có Ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều hay Tư Triều (đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Võ (đờn cò), cô Hai Nhiều (đờn tranh) và cô Ba Đắc (ca). Bài ca được hoan nghinh nhứt lúc đó là bản Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm – Nguyệt Nga”, cô Ba Đắc vừa ca vừa ra bộ rất vui, nên khán giả khen thưởng nhiều.
- Năm 1911, ông Trần Chánh Chiếu, chủ của Minh Tân khách sạn, ngang ga xe lửa Mỹ Tho mời Ban tài tử Tư Triều đến đờn ca ở Minh Tân khách sạn nên thu hút được đông đảo khách hàng.
Chủ rạp chiếu bóng Casino ở sau Chợ Mỹ Tho thấy vậy mới mời Ban ca tài tử này trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trước khi chiếu phim. Người đàn và người ca ngồi trên bộ ván bày trên sân khấu, sau đó dẹp vô rồi chiếu phim.
Nhà hàng Cửu Long Giang, sau chợ Sài gòn, đường Espagne (sau gọi là đường Lê Thánh Tôn) cũng mời Ban tài tử Tư Triều đờn ca.”Ca Ra Bộ” được hoan nghênh nhiệt liệt ở Sài gòn nên lục tỉnh cũng đua nhau noi theo.
- Năm 1916, thầy André Lê Văn Thận, cò tàu ở Sa đéc thành lập gánh xiếc có phụ diễn vài màn Ca Ra Bộ, và mời ông Mạnh Tư Trương Duy Toàn làm soạn giả viết tuồng cho gánh hát của ông. Tuồng hát thời kỳ này chỉ là những bài Ca Ra Bộ được kết nối nhau theo lối kể chuyện. Bài ca thứ nhất, bài Tứ Đại Oán, Bùi Kiệm thi rớt trở về, bài thứ 2, Bình Bán Vắn, Bùi Kiệm và Bùi ông cãi nhau về việc thi không đậu, bài thứ 3 trở lại bài Tứ Đại Oán lớp Xang dài, Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga.
- Năm 1917, ông Pierre Châu Văn Tú, chủ rạp hát Thầy Năm Tú sang lại gánh hát của ông André Thận, lập gánh hát Thầy Tú, có tranh cảnh, y trang, dàn nhạc cổ và nhạc Tây. Soạn giả Mạnh Tư Trương Duy Toản được mời về viết tuồng cho gánh hát thầy Năm Tú . Các vở tuồng nỗi tiếng lúc ấy là Hạnh Nguyên cống Hồ, Trang Tử cổ bồn ca. Gánh hát thầy Năm Tú diễn thường trực tại rạp hát thầy Năm Tú ở sau chợ Mỹ Tho, thứ bảy lên hát ở Sài gòn, rạp Eden. Về sau, hát thứ bảy và chúa nhật tại rạp Modeme (tức là rạp Long Phụng sau này).
Nhóm tài tử miền Tây ở Bạc Liêu có ông bầu hát bội Bầu An tục gọi là Phó tổng An, cha của nhạc sĩ Lê Tài Khị mà sau này giới sân khấu cải lương tôn vinh là Hậu Tổ của cải lương. Con ông Khị là nhạc sĩ Ba Chột (Lê Văn Chột) và con rể Trịnh Thiên Tư hai nhạc sĩ có công lớn trong việc ghi chép lại các bản cổ nhạc giúp cho việc truyền dạy cổ nhạc có nề nếp quy củ hơn. Ông Trịnh Thiên Tư lại sáng tác các bài ca cổ nhạc để diễn giải lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến lịch sử cận kim. Môn đệ của ông Hai Khị và ông Ba Chột có nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản vọng cổ, có ông Trần Văn Trung tức soạn giả Mộng Vân, cha đẻ của các loại tuồng kiếm hiệp La Mã, người đã sáng tác các bài bản ngắn rất phổ biến như: Sương Chiều, Tú Anh, Phong Ba Đình, Tô Võ, Giang Tô Điểu Ngữ …
Nhóm ca tài tử miền Đông đứng đầu là nhạc sư Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) có các môn đệ như giáo Thinh, Tư Nghị, Cao Huỳnh Cư, Cao Hoài Sang và những môn đệ kế tiếp như Chín Kỳ, Hai Phát, Tư Huyện, Hai Biểu, Sáu Quý, Bảy Hàm, Văn Vĩ, Tư Còn .. .
o O o
Như đã kể trên, từ Ca Ra Bộ tới tuồng hát cải lương, lối ca hát mới chỉ cần một khoảng thời gian bảy năm để tự khẳng định cho mình một phong cách ca diễn mới.
Từ bước đầu hình thành, sân khấu cải lương đã chia thành hai dòng sân khấu lớn:
Tuồng Tàu và tuồng Tây mà người dân mê xem hát thường gọi là tuồng cổ và tuồng xã hội.
Ca Ra Bộ thì chủ yếu là ca, người ca sĩ phải có giọng tốt, lối ca hay, chỉ cần ca thật hay để diễn đạt tình cảm của bài ca, còn điệu bộ thì chỉ là những cử chỉ minh họa theo lời ca.
Hát cải lương thì bài ca là bài hát mang tính sân khấu biểu diễn. Trong Hát cải lương, ca và diễn quan trọng như nhau, có những trường hợp phải múa, phải có những động tác hình thể diễn đạt tâm trạng nhân vật mà không cần lời nói, có khi nói lời thoại bình thường mà hiệu quả cao hơn ca. Từ Ca Ra Bộ tiến tới hát cải lương, nghệ thuật cải lương đã chịu nhiều ảnh hưởng của hát bội và của các loại hình sân khấu khác như Hý Khúc Trung Quốc, Kịch của Pháp, của nước Anh. Hát cải lương, nghệ sĩ nào ca hay thì được gọi là kép ca hay đào ca, kép mùi hay đào mùi. Những người không có giọng tốt nhưng diễn hay thì là đào kép diễn, kép độc, kép lẳng, hề.
Người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, khi nghiên cứu Hát Bội và Cải Lương, sẽ rất thích thú khi thấy rằng cùng một đề tài sân khấu, khi diễn trên sân khấu hát bội thì mang một nội dung phong kiến, với những đạo đức khắc khe gò bó ; nhưng khi phát triển thành một vở ca kịch cải lương thì nội dung mang hơi thở thời đại, phát triển theo chiều hướng cởi mở hơn, tiến bộ hơn, phù hợp với tâm tình và ý nguyện của mọi tầng lớp khán giả mới.
Hát bội và cải lương có nhiều dị biệt:
Tuồng hát bội thường đề cập đến đạo đức Nho giáo, Phật giáo theo quan niệm phong kiến với một trật tự xã hội khắt khe: Quân, sư, phụ. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.
Tuồng cải lương phá bỏ cái vỏ phong kiến đó, đề cao tính Người và tình Người.
Yêu cha mẹ vì công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… Yêu mến thầy dạy vì không thầy đố mày làm nên. Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Từ chỗ yêu thương cha mẹ, kính trọng biết ơn thầy, tiến đến tình cảm nhớ ơn tổ tiên, thương yêu làng mạc, ăn ở có nghĩa nhân với bạn bè khiến cho nội dung tuồng cải lương gần gũi với cảm quan của khán giả, với tính nhân ái, lòng nhân hậu của người Việt Nam.
Trong tuồng hát bội, người phụ nữ phải giữ đạo tam tòng tứ đức: ở nhà phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết theo con và phải ở góa suốt đời thủ tiết.
Trong tuồng cải lương thì quan niệm hạnh phúc và đạo đức là thuận vợ, thuận chồng, tát biển đông cũng cạn, là chung thủy là chân tình cả về phía vợ cũng như phần chồng.
Về văn chương, tuồng hát bội dùng văn biền ngẫu, văn vần, các thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn hoặc song thất lục bát với nhiều chữ nho và điển tích khiến cho các tầng lớp khán giả xem khó hiểu, mất đi cảm hứng. Hóa trang và diễn xuất theo lối cách điệu, tượng trưng, nhiều khán giả cho là ngây ngô, quá đáng.
Tuồng cải lương trong những thập niên 20-30, còn chịu ảnh hưởng nặng của hát bội nên văn chương cũng có phần bị gò bó, cũng có nhiều điển tích Tàu, chữ nho, nhưng cải lương bắt mạch được cảm quan của khán giả và không bị gò bó vì những quy luật của nghệ thuật hát bội nên cải lương cải cách lối viết tuồng, cách trang trí, hóa trang, lối ca, lối diễn, để dần dần gần gũi với cuộc đời thường, khiến cho khán giả dễ hiểu, dễ bị lôi cuốn, thích thú với tuồng tích và yêu mến diễn viên.
Các vở tuồng có các tựa đề như: Bội phu thiên xử, Châu Trần Tiết Nghĩa, Tư Sinh Tử, Tối Độc Phụ Nhơn Tâm của những năm 20-30 đã biến mất, thay vào đó những tựa tuồng dễ hiểu và bình dân hơn như: Tội của ai, Tiếng nói trái tim, Khi người điên biết yêu…
Chúng ta biết rằng nghệ thuật hát cải lương được truyền dạy, đào tạo diễn viên bằng cách truyền nghề . Thời Việt Nam Cộng Hòa, các giáo sư phân khoa kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc là những nghệ sĩ tài danh như Năm Châu, Phùng Há, Duy Lân, Năm Nở, Kim Cúc, Ngọc Ánh, Hai Khuê, Sáu Tửng. Chương trình dạy diễn xuất và ca hát là đều dựa theo trích đoạn các tuồng nổi tiếng như: Đoạn Tuyệt, Trường Hận, Khi người điên biết yêu.. . mà các giáo sư chính là những nghệ sĩ đã từng thủ diễn thành công các vai, các nhân vật tuồng đó , nên đem kinh nghiệm bản thân truyền dạy lại cho các học viên kịch nghệ. Cách truyền nghề này là thầy ca, diễn một lớp tuồng và học viên bắt chước theo. Thầy dạy bẻ tay, bẻ chân, luyện giọng, dạy cách ca, cách nói, cách nhả chữ, luyến láy, ngân nga.
Sau 1975, các trường nghệ thuật sân khấu hay các lớp đào tạo diễn viên của các đoàn hát Trần Hữu Trang cũng dùng phương pháp truyền nghề như kể trên và đặt tên là phương pháp: Thị Phạm.
Có một loại trường dạy nghề hát mà không mang danh nghĩa Trường Nghệ Thuật, nhưng kết quả đào tạo thật là xuất sắc, đó là cách truyền nghề trong các gia đình nghệ sĩ qua các thế hệ ông, cha, đến các con cháu.
Sân khấu cải lương tồn tại và phát triển được gần trăm năm nay cũng nhờ vào sự tạo dựng vững chắc của nhiều gia đình nghệ sĩ hát bội và cải lương, những người đã tận tâm tận lực sống chết vì nghề nghiệp và nuôi dạy con cái gìn giữ lấy nghề nghiệp.
Văn học Tàu có cái hay là họ cô đọng lại trong một cái tên hay một câu ngắn gọn mà tóm lược được một ý đồ, một câu chuyện lớn như khi họ nói “Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc” thì người đọc truyện Tàu nhớ ngay bốn người đẹp cổ điển của Trung Quốc xa xưa: Tây Thi trầm ngư, Chiêu Quân lạc nhạn, Điêu Thuyền bế nguyệt, Dương Thái Chân tu hoa. “Trầm ngư, Lạc nhạn, Bế nguyệt, Tu hoa” là thẩm mỹ quan của Trung Quốc nói về cái đẹp của mỹ nhân.
Nghệ sĩ cải lương miền Nam cũng được hình thành và phát triển qua các gia đình nghệ sĩ mà tôi gọi là “NGŨ ĐẠI GIA” của sân khấu cải lương miền Nam:
1 – Gia đình nghệ sĩ MINH TƠ
2.- Gia đình nghệ sĩ THÀNH TÔN.
3.- Gia đình nghệ sĩ TƯ Hélène.
4.- Gia đình nghệ sĩ NĂM NGHĨA.
5.- Gia đình nghệ sĩ NĂM PHỈ
NGŨ ĐẠI GIA đều có năm, sáu thế hệ theo nghề hát, thể hiện rõ chiều dài của một quá trình phát triển từ sân khấu hát bội truyền thống qua hát bội pha cải lương… qua hát bội Hồ Quảng,… qua cải lương tuồng cổ… cải lương tuồng lịch sử cải lương xã hội .
Trong năm đại gia đình nghệ sĩ (Ngũ Đại Gia), tôi xin đề cập đến đại gia đình nghệ sĩ Năm Phỉ sau cùng, không phải vì bốn đại gia đình đã được kể trên có gì đặc biệt hơn, mà chỉ vì tôi muốn theo trình tự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu trong hơn năm mươi năm qua, để từ đó mà nhớ lại các tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của các nghệ sĩ đã một thời góp tinh thần, tài nghệ và công sức để xây dựng nên một nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Xin nhắc lại các đặc điểm của mỗi đại gia đình nghệ sĩ:
1- Gia đình nghệ sĩ Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng theo nhu cầu thưởng thức của khán giả đã góp phần “cải lương hóa” Nghệ Thuật Hát Bội Truyền Thống sang nghệ thuật hát bội pha cải lương, tiến tới hình thức hát cải lương tuồng Tàu, cải lương tuồng cổ (dã sử Việt Nam).
2- Gia đình nghệ sĩ Thành Tôn – Bạch Lê cùng với gia đình Bầu Thắng – Minh Tơ canh tân hóa nghệ thuật hát bội thành loại hình nghệ thuật hát bội pha cải lương, hát tuồng Tàu, hát Hồ Quảng.
3- Gia đình nghệ sĩ Hai Nuối, Tư Hélène, Kim Hoa, Thanh Hằng, Thanh Ngân, từ loại cải lương tuồng Tàu, sáng lập một trường phái cải lương tuồng kiếm hiệp. Nghệ sĩ Thiện Tâm (tức Ba Tẹt, bầu gánh Phát Thanh) định hình loại tuồng kiếm hiệp với công thức “Đấu poignard, nhảy cửa sổ, ca vọng cổ, phựt đèn màu”. Cùng trong trường phái tuồng cải lương kiếm hiệp có hai đoàn hát lớn mang bảng hiệu “Hậu Tấn – Bảy Cao” và “Hậu Tấn – Năm Nghĩa” Hậu Tấn Bảy Cao được đổi bảng hiệu là Đoàn Hoa Sen với chủ trương hát cải lương tuồng chiến tranh hiện đại (được gọi nôm na là loại tuồng “Cắc Bùm”).
4- Gia đình nghệ sĩ Năm Nghĩa – Bầu Thơ, Thanh Nga, Bảo Quốc, xuất thân từ hệ phái tuồng cải lương kiếm hiệp, sáng lập ra một hệ phái cải lương tuồng xã hội Việt Nam, xã hội cận đại và hiện đại.
5- Gia đình nghệ sĩ Năm Phỉ – Bảy Nam – Kim Cương, xuất thân từ phong trào Ca Ra Bộ đã góp phần xây dựng loại hình nghệ thuật cải lương tuồng Tây, tuồng Tàu, thoại kịch xã hội, phim ảnh và kịch truyền hình
o O o
Sân khấu là một loại hình nghệ thuật của nhiều tài năng tổng hợp lại. Từ kịch bản văn học, đến người đạo diễn, đến các ngành nghề khác như hội họa, trang trí, hóa trang, y phục, âm nhạc, tất cả đều nhằm làm tăng thêm hiệu quả diễn xuất của nghệ thuật diễn viên.
Tôi thông qua các thế hệ nghệ sĩ diễn viên để nói lên sự đóng góp của diễn viên trong sự phát triển nghệ thuật sân khấu từ hát bội đến cải lương. Nhưng sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến các tác giả, những người đã gom góp những sự thật của cuộc sống để tạo thành kịch bản, xây dựng những hình tượng nhân vật, tính cách của nhân vật. Soạn giả cũng là những người tiên phong trong việc nâng cao nghệ thuật biểu diễn thông qua kịch bản văn học của mình.
Ta đã thấy từ hát bội truyền thống qua hát bội pha cải lương, và từ hát bội pha cải lương chuyển dần qua hình thức cải lương, nếu không có kịch bản văn học chuẩn bị sẵn đất diễn, xây dựng hình tượng nhân vật với các tính cách nhân vật những câu ca, lời thoại, những bố cục, tình tiết gay cấn, mới lạ, hấp dẫn thì người diễn viên không tài nào tự mình với phần diễn xuất theo ý mình mà thay đổi được sân khấu như ta đã thấy
Phần hai quyển sách, tôi xin giới thiệu những soạn giả tiêu biểu, có ảnh hưởng quan trọng trong việc phát triển từng thời kỳ của nghệ thuật sân khấu:
Những tác giả hát bội: Đỗ Văn Rỡ, Đinh Bằng Phi.
Những tác giả cải lương:
- Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (tác giả cải lương tiền phong),
- Mộng Vân (cải lương kiếm hiệp),
- Năm Châu (cải lương tuồng Tây),
- Năm Nở (cải lương trào phúng),
- Bảy Cao (cải lương cắc bùm),
- Thiếu Linh (văn phong và cảnh trí mới trong cải lương),
- Hà Triều – Hoa Phương (văn chương và bố cục mới),
- Viễn Châu (tân cổ giao duyên).
Tôi không đề cập đến nhiều tác giả tiền bối khác hoặc các tác giả đồng thời với tôi trong quyển sách này vì tôi theo chủ đề đã dành cho quyển sách.
Mong được các bạn thông cảm và lượng thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét