Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh: Phần 2- Chương Kết
CÔ BA TRÀ:
Chương 4:
KẾT CUỘC
Tháng Chín năm 1945, Nam Kỳ vừa trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu cũng vì tham vọng của Pháp. Sài Gòn bị tàn phá nhiều nơi. Nhà cửa, phố xá buôn bán cũng bị hư hao. Chợ Bến Thành cũng bị đốt cháy xém một phần. Chỉ ăn Tết năm 1946 vừa xong, Pháp tạm ổn định Nam Kỳ. Thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn được hồi phục. Nhiều sinh hoạt thương mại, ăn chơi như trước. Hai năm sau, Sài Gòn trở nên sầm uất, đông đảo thêm dân chúng từ các vùng quê lên lánh cư nạn Cộng Sản. Kim Chung, Đại Thế Giới là những nơi cờ bạc công khai ra đời. Sống sót qua thời. loạn lạc, cô Ba Trà cũng mất phong độ. Lúc này nhan sắc cô đã vào thu, nét mặt có nhiều vết nhăn, mệt mỏi, vì cô đã 41 tuổi. Có lẽ độc giả muốn biết con người của cô còn đẹp như xưa hay không, và cuộc sống của cô khi vắng bóng các công tử, các anh nhà giàu chu cấp tiền bạc?
Một nhơn chứng sống động, gần gũi với cô Ba Trà là cụ Vương Hồng Sển kể lại:
“Bỗng mấy chục năm sau, y như giấc chiêm bao, cô Ba Trà và tôi tình cờ gặp lại nơi sòng tài-xỉu ở Đại Thế Giới sau trận phong ba. Tôi thì đầu đã điểm sương nhưng rắn rỏi, già dặn. Cô Ba thì mất phong độ năm nào, nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, cô hỏi nhỏ:
- Anh thấy nhan sắc tôi kém hơn trước ra sao?
Tôi đáp tỉnh bơ:
- Đối với tôi, tôi chỉ biết cô là người như hình chụp treo trong tủ kiếng của “photo Khánh Ký” đường Bonard. Lúc tôi còn học trường Chasseloup Laubat, mặc dù trời mưa gió, chủ nhật nào tôi cũng phải ra trường, đến ngắm tiên dung, rồi mới trở về trường ăn ngủ được, và đã khiến tôi thành… thi sĩ.
Nhờ câu ấy cô cười. Hai hàm răng vẫn trắng đẹp như xưa Cũng từ đó, cô thâu nhận tôi làm bí thư không nhận lương suốt một thời gian dài. Khi thì nhơn danh cô để viết thư cho bà toà Trần Văn Tỷ, khi thì mượn danh bà thầy trị bịnh trĩ Lê Minh Đường, cũng gởi thư khẩn thiết nhắc chuyện cũ, tiền ân cựu ngởi… khi thì gởi cho đôi ba người khác, và lần sau cùng, tôi gặp cô vào năm 1952…”
Đoạn trên tiết lộ cho chúng ta biết đời sống cô Ba Trà sau năm 1945. Bây giờ cô Ba Trà đã trở thành kẻ nô lệ cho hai kẻ thù mà trước kia cô làm bạn với nó: Thuốc phiện và cờ bạc. Trên cõi đời nay, không một người nào vướng vào hai cái nghiệp ấy mà không nghèo khổ. Khi túng tiền, cô nhờ “bí thư” viết thư cho các nhơn tình cũ, nhắc nghĩa xưa xin giúp đỡ. Thư đi cũng có thư lại. Nhờ đó thỉnh thoảng cô có tiền và lại vào sòng tài-xỉu làm nghề “cho vay bạc nóng”. Cũng có lúc cô đánh ké vào tụ bài đang hên. Nhà cô ở trong một con hẻm sâu gần chợ Hòa Bình, nhưng cô sống âm thầm, không cho ai biết. Khi túng quá, cô thự thuật tiểu sử của mình cho “bí thư”‘ chép, bán cho nhà báo Trần Tấn Quốc, đăng liên tục 26 kỳ trên báo “Tiếng Dội”, để lấy tiền mua cơm đen. Khi cụ Vương hỏi cô cho vay nóng” (có nghĩa là vay 2000 đồng mỗi ngày trả 200 đồng tiền lời) mà không sợ các công tử, các thầy giựt sao?
-Các cậu bao giờ giựt tiền của một con đĩ như tôi làm vậy.
Cô Ba Trà từng có trong tay một số tiền non 100.000 trong ba lần. Với số tiền ấy, nếu biết lo xa, mua ruộng đất, lập sự nghiệp, xài tới mấy đời con cháu cũng chưa hết. Một đại điền chủ có từ 500 mẫu ruộng trở lên, cô từng có gần 250.000 đồng, có thể mua tới 3000 mẫu ruộng, vượt xa một đại điền chủ.
Cụ Vương kể tiếp:
“Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ Sóc Trăng, lên đứng đầu phòng luật sư Nguyễn Văn Lộc, rồi luật sư Đoàn Ý Lưu, cho tôi hay: “Trà đã mất từ lâu Chết trong tăm tối. Đạm Tiên có khác”.
Còn cậu Tư Phước George theo lời ông bà Thái K.C. trong những năm cuối cuộc đời, cậu Tư mang bịnh ghiền rất nặng. Bây giờ thân hình cậu tiều tụy. Bạn bè năm xưa xa lánh hết. Những ai quen biết với cậu mười năm trước, nhìn không ra. Năm 1952, ông bà Thái K.C. còn đang ở bên Pháp, có đọc được bức thư của cậu Tư Phước George viết cho ông cựu Đốc phủ sứ Thái Minh Phát để xin tiền. Nhớ tình nghĩa xưa, lần nào ông Phát cũng gởi cho cậu ít nhiều. Sau đó cậu Tư mất trong cảnh cơ hàn, trước sự lãng quên của bè bạn, những người thọ ơn cậu và những kẻ ái mộ cậu.
Cậu Ba Qui mất trong thập niên 1960. Tuy gia cảnh không còn giàu nữa, nhưng cậu vẫn còn biệt thự, nhà phố ở Sài Gòn. Riêng thầy Sáu Ngọ “chết không có hòm chôn” đúng như lời tiên đoán của thầy Tư Nên. Thật ra thầy Sáu Ngọ chết nghèo trong viện dưỡng lão Thị Nghè, được tẩn liệm trong cái hòm cây tạp, lặng lẽ đưa đi chôn, chỉ có vài người chứng kiến. “Tọa thực sơn băng”, ngồi không ăn, núi cũng lở, ông bà ta thường nói. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm cho thế hệ đời sau.
HẾT
Đánh máy: Lê Thy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét