Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh: Phần 2- Chương 3c LÊN VOI XUỐNG CHÓ

Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh: Phần 2- Chương 3c

LÊN VOI XUỐNG CHÓ
Kể từ sau năm 1933, cô Ba Trà mới 27 tuổi, nhan sắc còn lộng lẫy, nhưng cuộc sống nhiều biến động. Tiền bạc vô như nước, nhưng ra cũng như… nước lớn, nước ròng.
Rồi cũng do những cuộc gặp gỡ tình cờ, cô lại gặp người tình tạm bợ này, người chồng hờ kia. Ai nấy đều cung cấp tiền bạc cho cô sống phủ phê. Tuy nhiên đối với một người có máu mê cờ bạc và nghiện thuốc phiện, không có ai đủ sức chu cấp lâu dài. Họa hoằn có người nào in được giấy bạc mới mong làm chủ cuộc đời người  đẹp lâu dài. Trong cuộc đời cô, theo lời tự thú, cô có yêu thật tình một người, nhưng chỉ sống chừng già một năm rồi khi tiền hết, cuộc tình cũng vỡ tan mà chúng tôi sẽ kể sau. Có điều, trong khi giao du với các công tử. cô Ba Trà không dùng mánh khóe, giả âu yếm để lừa gạt đàn ông. Chính cái sắc đẹp mê hồn của cô đã làm say đấm bất cứ người nào, già trẻ bé lớn gì cũng… mê. Những năm sau khi kinh tế.khủng hoảng, Trà như đóa hoa vừa mãn khai, chưa có dấu hiệu suy tàn. Đi chơi bới bất cứ ai, cô Ba cũng không bào giờ có cử chỉ tình tứ, hay nói với họ những lời âu yếm. Bản chất của cô là một cô gái quê, ít học, chỉ có nhan sắc trời dành cho, làm võ khí lợi hại. Đông Pháp lữ quán đã trả về chủ khác. Cô ngồi két xinh đẹp, Yvette Trà cũng không còn là một bông hoa biết nói để trang trí cho nhà hàng nữa. Nguyệt Tiên Cung cũng thăng trầm theo chu kỳ khủng hoảng kinh tế. Tiền rừng bạc biển như cô Ba Trà cũng có những lúc nợ nần tứ giăng. Các chủ nợ từng chực chờ đón cô ở Nguyệt Tiên Cung. Hễ thấy mặt cô, họ sẽ mời trưởng tòa đến lập vi bằng, giam thâu, và tịch thu đồ đạc trừ nợ.
Biết được tình hình trên, nên khi hết tiền lần này, cô Ba Trà rút về mai danh ẩn tích trong một con hẻm nhỏ. “Dịp may để tôi gặp và lấy Franchini, chủ nhà hàng Continental (Đại Lục lữ quán) cũng là một sự tình cờ”.
Cô Ba Trà kể lại:
“Lúc đó tôi đang cặp với công tử Bích, quê ở Tiểu Cần, Trà Vinh. Bích dẫn tôi đi lựa mua một chiếc xe du lịch. Ban đầu Bích đưa tôi tới hãng xe Rounab của ông Nguyễn Văn Hảo ở đầu đường Trần Hưng Đạo ngày nay, vì cậu nói chỗ này là chỗ quen biết với cậu. Ông Hảo là người quê ở Càn Long, Trà Vinh. Sau khi xem xét một hồi, thấy các kiểu xe ấy, tôi không thích và đòi đi chỗ khác Sau đó Bích đưa tôi tới hãng “Auto Hall”  nằm phía trái xã Tây (Toà Đô Chính bây giờ) trên đường Charner (Nguyễn Huệ). Chúng tôi đang ngắm nghía từng chiếc thì gặp Franchini cũng tới đó mua xe. Gặp tôi, Franchini nhìn trân trối một phút, rồi y tiến tới Bích tự giới thiệu để được bắt tay tôi.”
Cuộc đời Franchini cũng khá ly kỳ hấp dẫn. Có người nói hắn là dân đảo Corse ở miền Nam nước Pháp, biết ăn chơi vừa phải, nhưng là người có đầu óc kinh doanh. Không rõ nguyên nhân nào mà Franchini vào làm rể một ông Đốc Phủ Sứ giàu có ở Mỹ Tho. Vợ ông Đốc Phủ Sứ là người đàn bà quê mùa, cục mịch, lại ăn trầu bô bô. Lúc ở nhà bên vợ, Franchini chiều chuộng gia đình bên vợ hết mực, chiều chuộng còn hơn những chàng rể Việt Nam khác của ông Đốc Phủ Sứ. Hắn có thủ đoạn mua chuộc cảm tình rất tinh vi. Thấy bà nhạc ăn trầu, hắn têm trầu cho bà, và tự tay đổ bô cỗ trầu cho bà. Hắn săn sóc bà còn hơn con ruột trong nhà. Khi đã chiếm được lòng tin cậy rồi, hắn bắt đầu moi tiền ông bà già vợ. Hắn tỏ ý muốn có số tiền lớn để làm ăn. Bà già vợ nghe chương trình làm ăn lớn của Franchini thì chịu liền. Chính bà đốc ông chồng đưa tiền cho Franchini mua lại nhà hàng Continental, là một đại lữ quán bề thế đất Sài Gòn hồi đó.
Nguyên Continental là một khách sạn do chính một ông hoàng,là “Công tước De Montpensier” đã mua nhà hàng này để tặng cho một cô nhơn tình là bà Bá tước “Comtesse De B.” VHS).
Kính mời độc giả xem lại ảnh Nhà hàng Continental trên một bưu ảnh vào năm 1931 đăng trong bài này.
Franchini có một người anh ruột, cũng gọi Franchini, làm giáo sư trường Chasseloup Laubat. Ăn ở với người vợ Việt gốc Mỹ Tho, Franchini có một đứa con trai sanh năm 1928. Cậu ấm này theo học trường Chasseloup Laubat cho đến năm 1946, thì về Pháp. Về Paris, cậu Franchi tiếp tục học trường Đại học Văn khoa Sorbonne. Là đứa con hai dòng máu, cậu sinh viên này chịu ảnh hưởng văn hóa  Á. Trong một luận án tốt nghiệp nhan đề : “Gense de l’affaire de Cochinchine” (Nguyên ủy vấn đề Nam Kỳ). Sau đó Franchini dạy học tại Pháp đến năm 1963, trở lại Sài gòn thay cha làm giám đốc khách sạn Continental. Hồi này cuộc chiến tranh đã bộc phát mạnh mẽ. Nhiều nhà báo, phóng viên chiến trường của những tờ báo lớn Âu Mỹ như Segaler, Malraux, Graham Green… thường đóng đô tại Continental để săn tin chiến sự.
Năm 1975, khi Cộng Sản chiếm miền Nam, Franchini cuốn gói về Pháp. Trở lại người bố Franchini, mua lại nhà hàng này để tự mình đứng ra kinh doanh. Trước khi ăn ở chính thức với Franchini như vợ chồng, cô Ba Trà cũng sống một thời gian ngắn với công tử Bích (anh ruột cô Sáu Hương mà chúng tôi có nói ở đoạn trước). Bích có vợ con đàng hoàng. Gặp cô Ba Trà tại sòng bài thầy Bảy Phương ở đường Caribelli (nay là Nguyễn Thiếp) Bích mê ngay. Không biết trúng kế mỹ nhơn thế nào mà chỉ trong lần gặp gỡ đầu tiên, Bích đã si mê cô Ba Trà như điếu đổ. Cô Ba Trà than không có xe hơi đi lại, đi xe kéo bất tiện. Sẵn tánh hào hoa, Bích liền dẫn đi sắm cho cô chiếc xe Citroen tại phòng trưng bày xe du lịch (Auto Hall ) kể trên.
Thấy chồng đi Sài Gòn bán lúa cả tháng chưa về, mà cũng không có tin tức, vợ Bích từ Tiểu Cần sánh nghi, bèn tức tốc lên Sài Gòn tìm chồng. Tới nơi bà nghe tin phong thanh rằng Bích đang cặp với huê khôi Ba Trà. Nổi máu ghen, bà dẫn đứa ở theo rình bắt. Khi cô Ba Trà đồng ý mua chiếc xe Citroen 4 chỗ ngồi giá 3000 đồng, vừa trả tiền xong thì vợ công tử Bích ùa vào bắt gặp tại trận. Không chút lo sợ, Bích và người vợ cãi lẫy, lời qua tiếng lại suýt gây ẩu đả. Hai bên phải nhờ đến cò bót quận Nhựt phân xử mới yên. Sau đó, để trà thù, Bích công khai ăn ở với cô Ba Trà như vợ chồng. Chỉ sống chung nhau chừng bốn tháng mà mấy ghe chài lúa đều tiêu tan, nợ nần tùm lum, Bích bị con nợ “nhờ luật pháp bắt giam thâu” để đòi tiền. Cô Ba Trà đóng vai người vợ hiền, ngày ngày vào khám thăm nuôi, cung cấp thuốc phiện cho Bích. Khi được trả tự do, công tử Bích trắng tay, và mối tình với người đẹp cũng keo rã hồ tan. Vụ này cô Ba kể lại trong Hồi ký:
“Với 10 000 đồng mà Bích bán mấy ghe chài lúa hồi Tết, gặp tôi đòi mua xe hơi tặng, rồi mướn nhà, mua sắm đồ đạc xây tổ uyên ương, ăn xài huy hoắc chỉ bốn tháng là hết sạch. Bích vay mượn thêm, hy vọng về nhà lấy tiền trả, nhưng lần này bà vợ cất chìa khóa không đưa. Bích trở lên thất vọng. Hết tiền, thiếu nợ quá hạn, Bích đành nằm khám để “nghiền ngẫm kinh nghiệm ăn chơi với người đẹp, ở không ăn xài núi cũng lở. Huống gì cô Ba Trà là người đam mê cờ bạc, biết bao nhiêu người phá sản cũng vì cô Bây giờ hết tiền thì cũng hết tình. Cô Ba Trà và Bích chia tay. Tội nghiệp Bích, vì thiếu nợ mà luật pháp lại binh vực người chủ nợ, cho phép bắt người thiếu nợ “giam thâu’, đợi khi nào trả đủ mới được tự đo. Cô Ba tự nhủ, “Trong lúc Bích gặp hoạn nạn vì tôi thì tôi cũng làm tròn bổn phận người vợ, là đi thăm nuôi và cung cấp cơm đen cho Bích”.
Sau đó, cô Ba Trà lại sa vào cuộc truy hoan, đỏ đen như trước. Túng quá , sau nhiều lần moi móc của tên Tây dê xồm đa tình, tôi tự nguyện về ở với hắn như vợ chồng, bất chấp dư luận. Khách phong lưu đất Sài Gòn bấy giờ không ai không biết danh Franchini, một tay kinh doanh nhiều mưu mẹo và rất hảo ngọt. Hồi dưới trào ông Diệm, có lần Franchini tổ chức một buổi dạ tiệc đánh dấu cuộc làm ăn thành công: Lời một triệu bạc đầu tiên! Tôi cũng nghe một người bạn mới qua theo diện HO, trước làm An ninh Tình báo Phủ Tổng thống, trong một lần, vào đêm Thứ Bảy, đang đông khách hàng ăn uống, nhảy đầm tại nhà hàng Continental, một công tử họ Hoàng, con nhà tỷ phú Hoàng K.Q., có mấy căn phố lầu ở đường Hàm Nghi, mệnh danh là “Vua kẽm gai”, lên giữa sân khấu trong lúc đông đảo thực khách, ăn uống và vui chơi tuyên bố: “Kính xin quý vị, tôi xin hân hạnh báo cho quý vị biết, hôm nay tôi xin đài thọ cho tất cả quý vị có mặt ở đây Xin kính mời quý vị cụng ly!”
Sau khi chính thức về sống với Franchini, cô Ba Trà được người chồng Pháp mướn cho một căn phố mới ở đường Richaud, cũng gần Nguyệt Tiên Cung. Bấy giờ hoa đã có chủ. Cảnh ong bướm dập dìu ngày xưa cũng bớt đi vì anh chồng Tây này có máu ghen chẳng thua người Việt. Franchini là người nịnh đầm, ăn xài rộng rãi, sang trọng, nhưng rất ít khi cầm cho cô Ba một số tiền mặt lớn như các công tử. Bởi hắn gốc người đảo Corse biết tính toán dù là chỗ ăn chơi. Bây giờ cậu Tư Phước George đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ, rồi bận bịu theo gánh hát lưu diễn khắp nơi. Cái thú vui mới của cậu Tư là làm chủ nhiều bông hoa biết nói, vừa có giọng ca hay, vừa khéo sắm tuồng. Cái thú đó, cứ tường tượng sẽ thấy mình là người hạnh phúc, vì đã gần các người đẹp nổi danh của Trung Quốc như Dương Quý Phi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân… mỗi khi ôm ấp các cô đào từng đóng vai các mỹ nhơn đó. Còn cậu Ba Qui bây giờ cũng đang tuyển lựa những người đẹp nửa chợ nửa quê khác để cặp bồ. Franchini rất ghét cờ bạc. Mỗi khi Franchini vắng nhà, cô Ba mới dám đi “ngồi sòng”.
Có một lần, cô Ba Trà lén Franchini vào sòng me để giải buồn. Hôm đó tổ đãi, cô Ba gặp hên, trúng liên tiếp chừng vài giờ đã gom sòng được hơn 80.000 đồng. Lại có trong tay một số tiền quá lớn, nên cô Ba cũng bắt đầu xài huy hoắc. Cô liền tới hãng xe du lịch, kẻo về chiếc Alfa Roméo của Ý, mới cắt chỉ, giá 1 1.000 đồng, loại xe sang nhứt bấy giờ. Lấy xe về Franchini rất mừng và hãnh diện. Không biết có ai cố vấn hay do sáng kiến của Franchini, mà hắn chỉ cô Ba Trà làm lễ khánh thành chiếc xe mới này với mục đích để khoe sự giàu sang với thiên hạ. Chiếc xe đem về trưng bày trước nhà hát Tây, bên cạnh lữ quán Continental. Trước đầu xe có treo một băng đỏ, viền ren. Franchini cho mời tất cả bạn bè thân thuộc của cô Ba, của chính hắn đến chứng kiến. Trong bộ đồ hàng lụa ngoại quốc đắt tiền, màu xanh da trời, cô Ba tươi cười bước lại trước đầu xe, cầm chai rượu Champagne đập mạnh vào cây cản xe như kiểu khánh thành chiến hạm. Sau đó, cô tự tay cắt tấm băng trước đầu xe. Franchini mời tất cả quan khách có mặt vào nhà hàng khoản đãi một bữa tiệc linh đình.
Sau buổi chiều đáng nhớ hôm ấy, người ta thấy cô Ba Trà hay ngồi xe Alfa Roméo lượn phố. Chiếc khăn choàng cổ phất phơ theo chiều gió. Người tài xế mặc đồng phục trắng, đội mũ cát-két, có người vệ sĩ ngồi băng trước để mở cửa mỗi lần cô Ba lên xuống. Có khi cô Ba đi chơi một mình, cũng có lúc ngồi chung với anh chồng Franchini, trước cặp mắt thèm thuồng và thán phục của dân Sài Gòn lúc đó Mỗi lần chiếc xe cô Ba ngừng lại nơi nào, người vệ sĩ lẹ làng bước xuống, mở cửa băng sau. Cô Ba Trà rực rỡ như một bà hoàng đường bệ bước xuống. Dân chúng đàn bà con nít chạy bu lại coi. Nhiều đứa chỉ chỏ bàn tán. Hồi đó ở Sài Gòn chưa có một người đàn bà nào sang, ngay cả giới quý tộc, được mọi người biết đến như cô Ba Trà. Nói về y phục, cô Ba Trà có trên 120 bộ đồ hàng lụa ngoại quốc, đủ màu, đủ mốt, mặc mỗi ngày một bộ, liên tục ba tháng chưa bao giờ mặc trùng lại.
Cuộc đời tưởng chừng như phẳng lặng êm trôi trong sự giàu sang đó. Nhưng cô Ba Trà là người không có óc thực tế, lại không biết lo xa, do bản chất cô là người ít học. Cô hay chạy theo những “mốt” thời thượng. Cờ bạc và thuốc phiện, lúc ban đầu chỉ để giải trí, nhưng lâu ngày trở thành ghiền không thể bỏ dứt được, trừ những người có ý chí mạnh mẽ. Cô Ba Trà tâm sự:
“Đến bây giờ tôi mới nhận ra một điều: “Tiền cờ bạc vô ngả trước ra ngả sau, có đó rồi hết đó. Khi ăn thì xài phung phí, đến khi hết thì cầm bán đồ đạc, hy vọng gỡ lại Rồi nợ nần, túng thiếu cứ dây dưa”. Thêm vào đó bịnh ghiền cơm đen mỗi ngày một nặng, cô Ba cảm thấy cuộc đời xuống dốc cũng nhanh như lúc lên như diều gặp gió. Trời cho cô Ba có sắc đẹp, có tiền nhiều, nhưng không tạo cho cô một nghề lương thiện để sống, để giúp ích cho đời, cho xã hội Nam Kỳ hồi những năm cuối thập niên 1930 đầy biến động. Tiền bạc đối với cô như nước lớn nước ròng, sáng có, chiều lại hết, cứ thế tuần hoàn. Cô tin rằng với sắc đẹp, với bùa ngải Xiêm, cô lại có tiền nữa, nên bất cần đến ngày mai. “Tiền bạc dồi dào, phủ phê, bồi bếp lo săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, tẩm bổ, tôi cảm thấy lạc quan yêu đời”. Tuy nhiên, ông bà có câu: “Nhàn cư vi bắt thiện”. Rảnh rỗi, tôi lại tới các sòng bài. ăn quen mà nhịn không quen, tôi thua lần lượt gần hết tiền. Mấy lần đầu hỏi Franchini hắn còn đưa nhiều ít, lần lần thưa đi. Biết vậy nhưng bỏ không được. Tôi lại bán xe, rồi cuộc sống tạm bợ với Franchini không đầy một năm đã chán. Đường ai nấy đi. Khi yêu Franchini chiều chuộng đủ thứ, khi chán chê hắn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi cuốn gói về tá túc nhà đứa tớ gái trung tín, gặp lúc lâm nguy không bỏ chủ. Nhưng trước khi chia tay tôi còn dùng chiếc xe Alfa Roméo đi viễn du một vòng lục tỉnh, qua các đồn điền cao su ở miền Đông và tới cả bên Miên nữa.
Franchini là người giao thiệp rộng, quen biết nhiều nhà tai mắt ở Sài Gòn như Béziat thủ lãnh Luật sư đoàn, Lafond chủ đồn điền cao su ở Hớn Quản, đất đỏ, P. Blanchy, De la Chevrotière… Các bạn của Franchini nhất là các chủ đồn điền là những tay ăn chơi, cờ bạc, nhảy đầm thiện nghệ. Cô Ba Trà lấy danh nghĩa vợ Franchini đi một vòng lục tỉnh và các đồn điền Mimot, Chúp, Lộc Ninh để hốt me. Tới đâu cô cũng được bọn Pháp kiều hiếu sắc nhưng lịch sự đón tiếp niềm nở. Lần đó, cô cũng gặp vận đỏ, ăn được hơn 10.000 đồng. Thật ra bọn nhà giàu ấy muốn giỡn tiền để được gần người đẹp Ba Trà hơn là muốn ăn thua. Một lần cô xuống Vĩnh Long, khi chiếc xe du lịch tối tân Alfa Roméo vừa dừng lại trước Bungalow, con nít và người lớn đang nhóm chợ, bu quanh lại xem. Có tiếng con nít la lớn:
- Cô Ba xuống tụi bây ơi! Lợi đây coi cô Ba nè!
Lần đó cô mặc bộ đồ màu hoàng yến. thướt tha bước  xuống như một mệnh phụ, một nhà quý tộc. Như có hẹn trước, ông Nguyễn Thới Trọng, một thanh niên học võ bị St Cyr bên Pháp mới về, ra trước chỗ cửa dinh Tham Biện, gần mé sông, sát Bungalow đón cô Ba. Trọng.lúc đó là trung úy mới về nước. Quê Trọng ở xã Long Hồ, em ruột một đại điền chủ, qua Pháp không học kỹ sư hay bác sĩ mà vào quân đội để “làm quan”. Trọng cũng là một thanh niên ăn chơi nổi tiếng hào hoa phong nhã. Nguyễn Thới Trọng tốt nghiệp trường võ bị St. Cyr ở Pháp. Sau năm 1945, Trọng theo kháng chiến.
Xuống Cần Thơ lần này, cô Ba Trà không gặp công tử Bích, một người hào hiệp và xài tiền như có máy in giấy bạc, vì cậu ta bận đi công việc của nhà băng Indochinois. Bù lại, cô Ba được công tử Lê Thọ Tường đón tiếp, đưa đi ăn uống. Cũng như các lần trước, cô Ba thuê phòng ở khách sạn Trần Đắc vừa làm chỗ mở sòng bạc, vừa làm chỗ ăn hút cho dễ dàng. Sau đó xe cô Ba tiện đường xuống Sóc Trăng. Xe cô Ba Trà vừa tới nơi, có công tử Lưu Nhu, Lưu Liễu cũng là dân ăn xài nổi tiếng vùng này, mời cô Ba đi ăn sò huyết, ăn nhãn Bạc Liêu tại vườn, ăn đuông nướng, đuông chiên bơ hay thịt heo rừng, là những thứ đặc sản của Bạc Liêu. Trong khi mở sòng bạc ở Sóc Trăng, cô Ba đen bạc nhưng lại đỏ tình. Cô đang gặp vận xui, thua gần sạch túi, nhưng được một công tử cảm tình với cô, muốn cô ở lại chơi thêm vài ngày nữa. Đó là công tử Chung Hữu Hiền (hay Chung Bá Hiền?), con ông Chung Bá Vạn, còn gọi ông Hội đồng Banh, là một thế gia vọng tộc liền quay xe về Bạc Liêu đem tiền lên viện trợ cho cô Ba. Trong chuyến trở lên, xe công tử Hiền vì tránh con bò, nên lật xuống ruộng, đưa bốn bánh lên trời. Hiền thoát chết, nhưng gãy chân, phải đưa vào bịnh viện cấp cứu mà chúng tôi có nói ở trên. Theo cụ Nguyễn Văn Vực, cứ mỗi lần cô Ba Trà đến tỉnh nào chỉ trong vài giờ tất cả khách phong lưu thanh lịch đều biết liền. Nhiều công từ, thầy cai, ông hội đồng nghe cô tới, liền đến xin… ra mắt, để mong người đẹp chiếu cố. Những người muốn ra mắt phải ngồi đợi ở phòng khách sạn, rồi đặt một số tiền vào mâm “đi lễ” để người bồi phòng, hoặc người tớ gái bưng lên cho cô Ba Trà. Nếu cô chấp thuận, họ được mời lên phòng để gặp cô. Đối với những người đi lễ 100 đồng, cô mỉm cười, rồi gọi bồi, tài xế, gia nhơn để phân phát trước mặt khách, làm cho khách mắc cỡ vì tánh keo kiệt. Điều đó còn chứng tỏ rằng lúc đắc thời, cô Ba Trà được mọi người sùng bái như thần tượng, một bà hoàng, một bà chúa… dù thực chất chỉ là chúa… đ !(lời cụ Vực).
OAN NGHIỆT CHƯA HẾT
Cuộc đời cô Ba Trà lên voi xuống chó nhiều lần. Tiền bạc vô như nước mà ra cũng như nước. Mới giàu đó lại hết đó. Tiền muôn bạc ức, nhưng đối với cô chẳng có giá trị gì, vì số tiền đó không phải do cô làm ra bằng mồ hôi nước mắt. Tiền kiếm được dễ dàng, không cực khổ nên không biết giá trị của nó. Hơn nữa cô Ba vốn được nuông chiều, được mọi người tranh nhau cung cấp tiền bạc phủ phê, nên cô cứ mặc tình ăn xài thỏa thích. Đến khi hết tiền thì lại mới thấy rõ sự cần thiết của nó. Sau lần trúng me vét sòng, mua xe, rồi viễn du nhiều tỉnh để cờ bạc, thì thời vận may mắn sắp hết. Bây giờ cô lại bán xe, bán vòng vàng, gom góp bao nhiêu tiền bạc lần lượt cúng vào các sòng bạc. Số tiền chi phí cho nạn ghiền thuốc phiện lúc đó chưa là một gánh nặng, nhưng càng lớn tuổi, cuộc sống cô càng xuống dốc vì hai thứ đam mê ấy. Cuối cùng, cô Ba thu dọn đồ đạc để về ở chung với một đứa tớ gái trung thành lúc chủ lâm nguy không bỏ. Chỗ ở này kín đáo, chỉ có một mình thầy Sáu Ngọ biết mà thôi. Hằng ngày cô đầy tớ trung thành này vừa nấu ăn, đi chợ, giặt giũ, và kiêm cả người sai vặt cho cô Ba. Cô tớ có một người em trai, đang làm một hãng tư. Lãnh lương được bao nhiêu, người em trai ấy tình nguyện đưa hết cho cô Ba không cần biết nhu cầu tiêu xài của cô bao nhiêu. Cậu em trai ấy tự nguyện xin làm em nuôi cô Ba. Cứ đầu tháng với số tiền vừa lãnh ra (khoảng 500 đồng) cô Ba bỏ túi, rồi lại tới các sòng bạc như lúc trước. Kinh nghiệm cho biết, những người đánh bài có ít vốn thường hay thua. Những kẻ trường vốn hay thắng. Bao nhiêu số tiền mồ hôi của em nuôi, cô Ba đều nướng vào sòng bạc, không lần nào đem về được vài chục, nhưng cả người tớ lẫn cậu em nuôi cũng không tỏ vẻ buồn rầu. Mấy tháng liền thua liên tiếp làm cô quẫn trí. Trong lúc xuống dốc, cô lẩn tránh tất cả những khách hào hoa lúc trước vì không muốn họ thấy cô nghèo.
Có một lần  khi thua đứt số tiền lương của cậu em nuôi, cô Ba chừa lại 50 đồng để mua một hộp thuốc phiện Indien. Buổi chiều hôm đó, như thường lệ, cô rút vào trong phòng nằm khoanh, rồi cô mở nguyên hộp thuốc phiện ấy nuốt trọn. Bên ngoài, cô đầy tớ nằm võng ở hiên, đưa kẽo kẹt. Vừa nghe tiếng xe ngừng trước cửa, cô tớ ngó ra, thấy từ ngoài đường lớn thầy Sáu Ngọ xâm xâm bước vào.
- Cô Ba đâu?
- Dạ cô Ba em đang ở trong buồng!
Cũng tự nhiên như từ trước tới giờ, thấy Sáu Ngọ đi thẳng vào buồng thấy cô Ba nằm thiêm thiếp, đắp mền như ngủ. Trên bàn bên cạnh, có hộp thuốc Indien nắp mở nhưng không có thuốc phiện. Hiểu rõ tự sự ngay, thấy Sáu Ngọ liền xốc nách cô Ba Trà ra xe hơi, rồi tự mình cầm lái tới thẳng Clinique Hui Bon Hoa (Bịnh viện Chú Hỏa, nay là Bịnh viện Sài Gòn, gần nhà hàng Thanh Bạch trước năm 1975, đối diện với chợ Bến Thành). Cô Ba Trà được khiêng ngay vào phòng cấp cứu. Bác sĩ, nhân viên y tế trực tận tình cứu chữa, bơm rửa ruột. Khoảng một giờ sau, cô Ba hồi tỉnh. Thấy cơn nguy hiểm đã qua, thầy Sáu Ngọ vội vàng lên xe lo công chuyện riêng là chạy tuốt vào Chợ Lớn để thâu tiền xâu các sòng bạc.
Sáng hôm sau, bác sĩ Án trở vào làm việc, mới biết tin một người đàn bà đẹp tự tử được cứu sống chính là cô Ba Trà, nhơn tình nhơn ngãi khi trước. Bác sĩ Án xuống thăm cô. Cũng từ lúc đó, ông săn sóc cô Ba như một người thân trong gia đình. Nằm bịnh viện hơn một tuần, cô Ba đã hồi sức Bác sĩ án rước cô về một căn nhà khác yên tĩnh để tiếp tục chữa trị, ròng rã hai tháng trời. Lẽ ra đối với những người tự tử được cứu sống, chỉ mất sức chừng vài tuần lễ bình phục ngay. Nhưng đối với cô Ba Trà, ông Án tận tâm, hàng ngày đều tới thăm bịnh. Khi thì chục cam, khi thì xí mụi… và mỗi lần như vậy, trước khi ra về, ông còn kín đáo nhét dưới gối cô Ba tờ giấy bộ lư (giấy 100 đồng). Mối tình cao thượng của ông lương y đối với cô Ba vẫn không thay đổi. Tuy vậy, cô Ba cũng không cảm động. Khi đã về nhà đứa tớ, cô Ba cảm thấy đã bình phụ hẳn.
Mấy hôm sau, cậu em nuôi mới lãnh lương về, được 250 đồng đem khoe và đưa hết cho cô Ba. Lại ngựa quen đường cũ, cô như bị ma lực quyến rũ, lại cầm 500 đồng bỏ túi, chỉ để dành 20 đồng mua gạo, còn bao nhiêu cô đến sòng xì-dách đánh ăn thua nhỏ. Cũng như những lần trước, sau vài ba ván bài, số tiền 500 đi đứt. Lần đó, cô không khóc nhưng nước mắt tự nhiên trào xuống má. Là một người từng có trong tay tiền rừng bạc biển, ăn xài xa xỉ chưa từng biết đến giá trị, nhưng lần này thua mất đi 500 đồng tiền lương của đứa em nuôi mới khoe với mình, cô cảm thấy hối hận. Cô tự cảm thấy giận mình và tiếc rẻ Phải chi đừng tới sòng này, đâu có thua nữa. Nỗi buồn chỉ thoáng qua rồi cô lại cương quyết, vì trong đầu óc mới lóe lên một ý nghĩ mới: “Xưa nay mình từng ăn thua bạc chục ngàn nhiều lần. Còn đánh bài là còn ăn thua, tội gì phải lo buồn”. Cô trở về nhà, tìm đến một người chuyên môn cầm đồ cho cô là bà Bảy, mà cô hay gọi là Má Hai. Chính Má Hai đã cầm cho cô nhiều mối rất xộp như vàng, vòng, cà rá, hột xoàn với giá hời. Cô tự nghĩ mình cứ đến đó năn nỉ, biết đâu Má Hai lại không động lòng, lòi ra cho mình bạc chục để xài qua cơn túng ngặt.
Vừa bước vào nhà Má Hai gặp sòng hốt me đang ăn thua lớn. Máu mê cờ bạc nổi lên mà không biết vay mượn ai. Cô lần soát lại trong túi: “Còn 20 đồng mà nãy giờ mình quên”, cô Ba Trà nói thầm. Nhưng không lẽ cô đặt một tụ bài có 20 đồng để làm mất danh dự của một người từng giỡn với tiền hay sao? Đứng lóng ngóng coi một hồi, cô bị thôi thúc. Cầm lòng không đậu, cô liền móc tờ giấy “hoảnh” (vingt: 20 đồng) đặt vào. Không biết vận may thế nào, cô trúng liền mấy ván. Vốn lời cô cứ chồng thêm, nên bây giờ đã có bạc trăm trong tay. Cô mỉm cười, “Biết đâu tổ đãi mình lần nữa”. Nghĩ như vậy, nên cô sa vào sòng quyết tìm cơ hội ăn thua. Bài đang hên, chỉ hơn 1 giờ, cô gom sòng được 15.000 đồng. Nhiều người sạch túi đứng.lên, trong khi sòng me như muốn sên vì không ai còn tiền để tiếp tục Má Hai liền cho mời mấy tay giàu xụ, nổi tiếng tới. Đó là ông Ba Đồng và Ba Khương, một người làm mái chính cho hãng Charner, một người làm tài phú. Hai ông đến liền xà vào sòng bài giành làm cái. Sòng bài tiếp tục trong nhiều ván hồi hộp. Từ đầu hôm cho tới sáng, cô Ba Trà đặt đâu trúng đó như có bùa. Cô lại gom sòng lần nữa. Tới 8 giờ, hai ông nhà giàu sạch túi, đứng dậy, thì cô Ba cũng kiểm điểm “chiến lợi phẩm”: ăn hơn 80.000 đồng ! Năm đó giá vàng 60 đồng một lượng, với số tiền ấy mua được hơn 1.000 lượng vàng.
CÔ BA TRÀ, CAMÉLIAS CỦA VIỆT NAM
Bây giờ vào những năm giữa của thập niên 1930. Cô Ba Trà đã bước qua tuổi 30, nhưng nhan sắc vẫn mặn mòi. Hơn mười năm qua, cô có hàng tá tình nhơn. Họ đến cũng dễ mà chia tay cũng không bịn rịn, chỉ vì hai bên lợi dụng lẫn nhau. Cô đẹp, cần tiền, còn những người tình tuy có si mê cô, tung tiền cho cô xài như nước, nhưng cô là kẻ gần như không tình cảm. Xưa nay xã hội thường có thành kiến rằng những người gái điếm không biết yêu. Đối với họ chỉ có tiền là trên hết. Sau nhiều lần bồ bịch với nhiều người, cô Ba Trà vẫn dửng dưng trước những lời âu yếm của họ, trước những đề nghị chung sống của họ.nhưng cô vẫn lãnh đạm.
Bây giờ, khi cô lại có tiền bạc phủ phê, dễ dàng thì cũng chính là lúc cô cảm thấy cô đơn. Có lẽ cô có mặc cảm tuổi đồi chồng chất mà dung nhan sẽ không giữ được những nét kiều diễm, nên cô bắt đầu lo sợ. Bấy giờ cô Ba Trà là người từng trải, lăn lóc, có tiền nhưng thiếu thốn tình yêu thật sự. Phần lớn đàn ông đến với cô chỉ để mua vui Chỉ có một số nhỏ muốn củng cô xây dựng tổ ấm gia đình thì cô lại hững hờ. Bây giờ nghĩ lại, cô cảm thấy ân hận như vừa lở tay làm bể một cái ly thủy tinh quý giá, một món đồ cổ khan hiếm? Nhớ lại những người từng chung tình với cô như ông bác sĩ Án, ông mái chính họ Lương, một ông hội đồng góa vợ ở Rạch Giá, một công tử mới lớn, nhỏ, chỉ đáng làm em cô, quê ở Bạc Liêu, yêu cô say đắm… nhưng cô dửng dưng làm cho họ đau khổ. Hồi tỉnh lại, cô thấy mình tàn nhẫn.
Dĩ nhiên trong những người theo đuổi cô, có nhiều người dành cho cô tình cảm cao thượng (như bác sĩ Án) nhưng cô đâu có chịu làm lẽ , yên phận sống với một người chồng luống tuổi. Bây giờ có tiền nhiều, cô lại mua xe, mướn nhà mới, kẻ ăn người ở phục dịch như xưa, nhưng đó không phải là một gia đình như cô ao ước. Hiện cô đủ điều kiện vật chất, cô lại cảm thấy thiếu thốn một mối tình chân thật. Trong lúc tới lui sòng bài thầy Bảy Phương ở đường Caribelli (nay là Nguyễn Thiếp), hay sòng bạc ở đường Testard, cô gặp một thanh niên nhỏ hơn cô chừng ba tuổi, khá đẹp trai, gia cảnh hạng trung cỡ thông phán, thông ngôn, thường có lương 80 đồng một tháng, mà cô chê trước đây, thì bây giờ cô thấy có cảm tình với người ấy, cảnh đời mâu thuẫn không lường.
Tuy biết cô Ba Trà vẫn đẹp, vẫn sang mà mọi người đang thèm muốn, nhưng người thanh niên ấy, tên Thìn, lại hờ hững với cô. Cô Ba bị tiếng sét ái tình chăng? Thanh niên nào gặp gái đẹp mà không ham, nhưng Thìn vì quá biết cái danh tiếng của cô Ba, người được giới ăn chơi coi như thần tượng, như bà hoàng, nên Thìn thủ phận, không dám đèo bồng. Điều tra gia cảnh, lý lịch anh Thìn, cô Ba cũng biết anh con một công chức hạng trung, đang làm thầy giáo dạy trường bá nghệ (nay nằm trên đường Hồng Thập Tự), thì quả không phải là đối tượng của cô.
Nhưng ái tình có những lý lẽ riêng. Rõ ràng cô Ba muốn chọn anh Thìn không vì tiền bạc hay vật chất. Thìn càng lạnh nhạt, cô Ba càng theo đuổi. Bấy lâu cô được mọi người săn đón, chiều chuộng, bây giờ chính cô lại săn đón, theo đuổi một người khác mà họ không chú ý đến cô. Sự đời thật trớ trêu. Nhưng ngạn ngữ Tây phương có câu: “đàn bà muốn là trời muốn”. Cô theo đuổi Thìn là muốn tìm một người chồng ăn đời ở kiếp, chớ không phải vì tự ái. Gặp nhau trong sòng bài, cô Ba liếc mắt đưa tình mà Thìn vẫn lạnh nhạt. Thói thường trâu tìm cột chớ nào phải cột tìm trâu.
Tuy nhiên lần này cô Ba quyết chinh phục cho được Thìn làm chồng. Là thanh niên mới lớn, tập tễnh ăn chơi, Thìn cũng đa tình, mê gái nhưng quả tình đối với cô Ba Trà anh không dám mơ ước. Anh tự coi mình như con gà làm sao sánh đôi với con phượng? Cô Ba đổi chiến thuật. Dọ hỏi biết Thìn làm trong phòng Lục sự, dưới quyền người xếp là ông Đỗ Hữu Bửu. .Vốn từng quen biết ông Bửu, nên cô Ba định nhờ ông Bửu làm mối. Sợ cô nói đùa, ông Bửu còn do dự.
Một hôm cô Ba giả vờ đi làm khai sanh, tìm đến nơi làm việc của Thìn, nói với ông Bửu giúp đỡ. Vừa gặp Thìn, cô Ba long lanh với cặp mắt ướt rượt, nói:
- Anh Thìn ơi, làm ơn giúp giùm em một việc?
- Thưa cô cần việc gì? Thìn hỏi lại như bao nhiêu người khác.
- Anh làm ơn giúp em làm tờ thế vì khai sanh. .
Vừa nói cô vừa liếc mắt cười tình với Thìn. Lần này Thìn nhìn cô, thoáng chút xao xuyến. Tuy lần ấy được việc, nhưng mối tình si với Thìn, cô Ba chưa đạt được. Chúa Nhật tuần sau, cô Ba đi đón tìm Thìn tại sòng bạc thầy Bảy Phương. Lần đó sòng này đang ăn thua lớn, có mấy tay chơi hạng gộc như ông Huyện Được, ông Ba Khương, Ba Đồng. Thay vì nhập bọn với họ, cô Ba ngồi chầu rìa đợi Thìn. Rồi Thìn lại đến. Cô Ba đề nghị hùn với Thìn đặt chung một tụ bài, để ngồi kế bên anh ta. Rồi kề vai cọ vế, liếc mắt đưa tình, thỉnh thoảng cô Ba thỏ thẻ tiếng ngọt ngào bên tai, Thìn như bị thôi miên, không cưỡng lại được cái ma lực ái tình, sập bẫy người đẹp.
Hai tuần lễ sau Thìn đang bị bịnh trĩ, nằm nhà thương Chú Hỏa, cô Ba đóng vai người vợ hiền, chiều chiều vô thăm với cam sành, sữa hộp, trái vải tươi… Khi Thìn mới bớt, cô Ba Trà tới đề nghị mời Thìn đi Chợ Lớn ăn cơm Tàu. Rồi người ta thấy Thìn với cô Ba mướn phố mới xây tổ uyên ương như bao chuyện tình yêu khác. Hạnh phúc nhứt đối với cô Ba là những ngày đầu chung sống với Thìn. Đôi khi cô nhớ lại những ngày trăng mật với Toàn, người chồng thứ hai. Tháng sau, cô Ba dắt Thìn về Cần Được để ra mắt mẹ cô. Không nói ra, nhưng mẹ cô Ba thầm chê Thìn nghèo, không xứng đáng. Bà thất vọng, lạnh nhạt làm cho Thìn tủi phận. Vì là người tự trọng, sanh trong một gia đình lễ giáo, dù đang làm chủ một bông hoa đẹp, sực nức mùi hương, nhưng Thìn đâu có hãnh diện khi ăn xài bằng tiền của vợ.
Một hôm, mẹ cô Ba bịnh nặng. Hay tin cô Ba và Thìn ngồi xe về thăm và ở chơi với bà suốt ngày, đến tối mới quày xe về Sài Gòn. Khuya hôm ấy, mẹ cô Ba mất. Được hung tín, vợ chồng cô Ba Trà về thọ tang mẹ. Trớ trêu thay, trước khi mất bà mẹ viết di chúc, mời Toàn, người chồng đã cưới hỏi cô Ba Trà hồi trước về đây làm lễ phát tang. Người nhà của bà tức tốc ra Phan Rang gọi Toàn về làm đám tang cho nhạc mẫu, coi như bà không biết Thìn là ai. Trước cảnh éo le đó, vợ chồng cô Ba bẽ bàng, nhưng đám tang cũng quàn đến hai tuần lễ mới chôn, để khách khứa xa gần đi điếu. Không ai dám chê cô Ba Trà là người tầm thường, vì đối với mẹ, cô đã làm một cái đám ma rất long trọng, mà tiền đi điếu cũng rất nhiều, hơn cả đám ma của ông Hội đồng Ca cùng quê với mẹ cô.
Hạnh phúc đâu được chừng non nửa năm, cô Ba vẫn lánh nào tật nấy: Bài bạc, hút sách. Ngoài ra còn tiền kẻ ăn người ở, sai vặt, cho nên với số tiền cô ăn bài cộng với số tiền khách quen đưa đám, cô ăn xài cứ vơi lần. Ăn xài lớn, lại không phải là người vợ hiền, không nấu được bữa cơm, luộc chín cái trứng, thì làm sao cô quán xuyến gia đình? Cuối cùng, cô cùng Thìn dắt nhau qua Xiêm làm ăn, lại định tìm chuộc ngải lần nữa.
Hết tiền cũng đồng nghĩa với hết tình ? Sau đó, vợ chồng cô Ba trở về Sài Gòn, và cô lại. bước vào con đường sa đọa cũ. Cô cặp bồ với vài người có địa vị, tiền bạc còn mê cô. Trong số đó có ông Toà áo đỏ, tên Trần Văn Tỷ. Ông Tỷ là bạn thân với luật sư Dương Văn Giáo, tuy có vợ chính thức, nhưng cũng có nhiều nhơn tình. Tuy nhiên cuộc sống công và tư minh bạch. Ông ăn chơi, lấy vợ người khác, nhưng làm trọn thiên chức của một người xử kiện có lương tâm. Cô cũng đi chơi với bác sĩ Trinh, vẫn ngồi xe thầy Sáu Ngọ… Thấy tình nhơn mới của vợ là người có thế lực, Thìn đành chịu lép vế, tự rút lui, trả tự do cho cô Ba. Nghe đâu sau đó Thìn ôm hận sang Pháp tiếp tục học để sau này trở về, nở mặt với đời. Sài Gòn ăn chơi mất Thìn từ ấy. Cô Ba Trà chính thức ăn ở với ông toà Tỷ như vợ chồng. Một hai năm đầu cũng tình nghĩa mặn nồng. Người ta thấy “ông toà” cũng tình nguyện theo vợ vào các sòng bài.
Ông toà Tỷ tên thật là Trần Văn Tỷ, quê quán ở Vĩnh Long, nhưng xuất thân làm Thông phán ở toà bố Bạc Liêu. Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, ông cùng Dương Văn Giáo qua Pháp làm thông ngôn cho toán lính Việt Nam tình nguyện. Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông Tỷ tiếp tục học, đậu Cử nhân Luật, trở về làm Thẩm phán vì có quốc tịch Pháp và vợ đầm. Cũng như luật sư Giáo, ông Tỷ là dân chơi thanh lịch, đắt mèo. Con người đầy quyền lực với cuộc sống xa hoa là mồi câu nhử đàn bà đẹp. Đang lúc cô Ba ngặt nghèo về tiền bạc, ông toà Tỷ săn sàng bao cấp, rồi cung phụng cho cô đầy đủ, nên Thìn tự ái rút lui là phải. Trước cô Ba, ông Tỷ tuy có vợ, vẫn còn ăn ở với một con đại điền chủ họ Huỳnh (Hoàng), quê ở Trà Ôn. Năm 1946, ông Tỷ làm Bộ trưởng Tư pháp kiêm Phó Thủ tướng của chánh phủ Nguyễn Văn Thinh.
Cô Ba Trà không phải là người chung tình. Những ai quen biết, từng là bồ bịch, ăn ở như vợ chồng với cô đều xác nhận điều đó. Các cuộc chung sống với bất cứ ai cũng không kéo dài, vì cô ăn xài quá lớn, núi cũng lở. Sau già hai năm, ông toà Tỷ cũng đành chia tay với cô. Khi nói đến ông toà Tỷ, tôi nhớ đến một ông toà khác cũng là dân ăn chơi lịch lãm, hào hoa, sống độc thân. Đó là ông toà Trác, từng ngồi ghế Chánh án, xử vụ cô Quờn đốt chồng vì ghen vào năm 1956, mà dư luận xôn xao một thời. Ông toà Trác thường lái chiếc xe  Bel Air màu đỏ tới các nhà hàng, vũ trường sang trọng ăn chơi. Cuối năm 1956, không hiểu có chuyện riêng như thế nào, ông toà Trác dùng súng lục tự tử giữa lúc danh vọng đang lên.
NGƯỜI ĐẸP ĐẾN CỬA QUAN:
BỊ CÁO TRỞ THÀNH THƯỢNG KHÁCH
Trong hồi ký “Hơn nứa đời hư ” của Vương Hồng Sển có kể lại một chi tiết khá ly kỳ: Cô Ba Trà đi hầu toà tại dinh Phó Soái! Cụ chỉ nói vắn tắt, không nêu rõ danh tánh, khiến cho độc giả thắc mắc thêm. Nay tìm hiểu chúng tôi được biết câu chuyện ấy, mà người kể lại không ai khác hơn là cụ Nguyễn Văn Vực.
Bây giờ là cuối năm 1938 bước sang 1939, nhan sắc cô Ba Trà đã chớm thu (33 tuổi), nhưng vẫn còn mặt hoa da ngọc, chưa có triệu chứng già. Hàm răng đầy đủ vẫn trong như ngà, cho nên, mặc dầu trải qua nhiều đời chồng với hàng tá tình nhơn tạm bợ, và biết bao ong bướm đã tỏ đường đi lối về, nhưng bất cứ ai, già trẻ bé lớn gặp cô, đều chết mê trước sắc đẹp của cô. Một năm trước, cô còn mặc áo dài Le Mur kiểu Cát Tường sáng chế, quần lai thêu ren, áo màu nào quần đó, khăn choàng cổ phất phơ như cánh bướm, ngồi xe mui trần, có tài xế mặc đồng phục lái, lượn trên đường phố Sài Gòn, Chợ Lớn trước cặp mắt thèm thuồng và thán phục của mọi người. Tuy có tuổi, nhưng nhờ cô biết cách xài son phấn, lại biết cách lăng xê “mốt” khiến vợ thầy thông, vợ ông huyện đều chạy theo cô cũng mệt. Các ông huyện trẻ, các ông cò-mi, các cậu công tử cũng còn ngấp nghé với cô, nhưng vì thời cuộc các năm gần tới Thế Chiến Thứ Hai, ai cũng lo phòng thủ, không đám ăn xài xa xí như trước nữa. Nhiều điền chủ có con đang du học bên Pháp, cũng đánh điện kêu về, sợ có chiến tranh thất lạc. Tuy cô vẫn còn đẹp và sang, nhưng cô cặp với ai, người đó cũng suýt vỡ nợ, hay phá sản..Cuộc tình với ông toà Tỷ cũng phải chia tay sau hơn một năm.
Cô Ba Trà gặp một cậu ấm, trai tơ, mê gái rước về mướn phố, bao ăn ở như vợ chồng. Chẳng bao lâu, tiền bạc hết, cậu lấy của cải trong gia đình cầm cố cho Chà chetty. Cậu ấm đó là Trương Vĩnh Trường, con ông Trương Vĩnh Tống và cháu nội của cụ Trương Vĩnh Ký. Lúc đó cụ Trương Vĩnh Tống đang làm trong dinh Phó Soái (tức dinh Gia Long trước năm 1975), là một người đang có thế lực. Xót của, lại răn dạy con không nghe, nên khi thấy cậu Trường quá mê cô Ba, làm tán gia bại sản, cụ Tống tìm cách nhờ luật pháp ngăn chặn. Dưới con mắt của những gia đình đạo đức, hành động mê đàn bà đến bán cả đồ đạc để cung phụng là có tội với gia đình, làm hại tới xã hội. Cô Ba Trà, theo gia đình kết án, đã quyến rũ Trương Vĩnh Trường ăn xài phá của. Về pháp lý, cậu ấm Trường đã trưởng thành, làm thông phán, cho nên không thể kết tội cô Ba được. Dùng quyền gia trưởng không được, cụ Trương Vĩnh Tống muốn nhờ luật pháp can thiệp, có lẽ cụ nương vào địa vị hiện tại.
Không biết do ai tố cáo mà hồ sơ cô Ba Trà “hoạt động bí mật chống Pháp” lên tới sở mật thám đường Catìnat. Sự thật cô Ba Trà giao du mật thiết với luật sư Giáo, người bị Pháp theo dõi từ lâu. Sau chiến dịch tổng ruồng, quét sạch các nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo từng chống đối, Pháp bắt bớ gần 4000 người tai mắt, đủ mọi thành phần giam vào khám lớn, hay đày Bà Rá, Côn Nôn với lý do mơ hồ, cô Ba cũng phải đến sở Mật Thám trình diện để lấy lời khai. Nếu gặp ai khác, cò Bazin, chánh sở Mật Thám chỉ lấy khẩu cung, rồi tống giam, hoặc cho đi Bà Rá. Khi gặp cô Ba Trà, một người đẹp nổi tiếng, con dê xồm Bazin hết sức lịch sự và rộng lượng với cô. Hắn đồng ý lời yêu cầu của cô, là lên gặp Chánh văn phòng Phó Soái để cô minh oan. Cô nói:
- Tới đó, tôi sẽ trình bày, nếu có tội, tôi sẽ chịu ở tù !
Defour, Chánh văn phòng “Phó Soái” cho Thống Đốc Nam Kỳ Rivoal, là người mê gái, nhất là gái đẹp, nhưng được tánh cương trực, biết binh vực lẽ phải.
Đích thân cò Bazin đồn cô Ba vào phòng Defour. Rất lịch sự, Defour mời cô Ba ngồi vào phòng khách để hỏi tự sự Mặt hoa ủ dột, mắt lưng tròng đỏ hoe, hai khóe mắt cũng đo đỏ… làm cho Defour mê mẩn tâm thần. Sau khi nghe người đẹp trình bày vắn tắt, Defour đồng ý rằng người đẹp như cô không làm “quốc sự”. Còn vụ có người khiếu nại cô quyến rũ trai tơ, ăn chơi đến phá sản, luật pháp không xử được, vì người ấy đã qua tuổi vị thành niên. Vừa nói, Defour tươi cười nhìn cô làm mắt cô chớp lia lịa, quên hết mọi việc. Kết cuộc Chánh văn phòng Defour đích thân tiễn cô ra cổng. Lúc vô cửa quan, mặt cô Ba Trà ủ dột, có tên mật thám đi kèm như áp tải. Lúc trở ra, cô là kẻ chiến thắng, và cò Bazin trở thành kẻ hộ tống, mời cô lên xe để đưa về nhà.  Câu chuyện lạ lùng cũng vì sắc đẹp.
huahoanh_sign
 
Đánh máy: Lê Thy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét