Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh: Phần 2 – Chương 3a

Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh: Phần 2 – Chương 3a

CÔ BA TRÀ:
Chương 3:

TIỀN – SẮC ĐẸP VÀ BÙA NGÃI

Sài Gòn năm 1929…
Tại sao lấy mốc thời gian 1929 ?
Năm 1929 là năm kinh tế Nam Kỳ cực thịnh, nhưng qua năm sau, bắt đầu giảm dần do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.  Năm 1933, kinh tế Nam Kỳ thê thảm nhứt vì các món hàng xuất cảng như lúa gạo, cao su, than đá… trên thị trường quốc tế hạ thấp chưa từng thấy.  Vào năm 1929, lần đầu tiên cán cân xuất nhập cảng của Nam Kỳ thăng bằng, có phần trội hơn về mặt xuất cảng.  Mức sản xuất lúa lên đến 2,291,000 tấn và cứ bổ đồng 1,000 dân thì có 5 người qua Pháp: 2 người đi lính chiến, 2 người là lính thợ và 1 người du học.  Năm 1929, dân số Sài Gòn Chợ Lớn khoảng 400,000 người, và Sài Gòn trở thành một đô thì sầm uất nhứt trong nước . Chợ Tân Định và nhà thờ Tân Định mơí khánh thành năm 1928.  Chợ Lớn mới dời về Bình Tây, do ông Quách Đàm cất tặng cho chính phủ.  Chợ Bến Thành do Chú Hoả (Hui Bon Hoa tức Huỳnh Trọng Huấn) cất tặng cho chính phủ năm 1914.  Lúa gạo cao giá nhứt: 1đồng 2 cắc một giạ.  Đời sống nông dân khá hơn đôi chút.  Thật sự khi lúa trúng mùa liên tiếp, bán được giá…tiền bạc vào tay các điền chủ, nông dân không có ruộng chiếm tới 71%, nên không hưởng được phúc lợi trong việc làm ruộng bao nhiêu.
Trong hai năm 1927-28, số nhà máy xay lúa ở Chơ Lớn tăng gấp đôi.  Chợ Hoà Bình mãi đến năm 1935 mới xây, cũng do một thương gia giàu, hiến cho chính phủ để được độc quyền xây phố lầu chung quanh để cho mướn.  Hệ thống mua bán lúa gạo thực sự nằm trong tay Hoa kiều.  Người Ấn sống trầm lặng hơn.  Họ cho vay, buôn bán nhỏ, nuôi bò sữa …
Khu vực ăn chơi của người Hoa tập trung tại Đèn Năm Ngọn (đường Phùng Hưng và Khổng Tử sau này), rộn rịp từ sáng sớm tới khuya.  Các năm 1927, 28, 29 mãi lực dân chúng Nam Kỳ cao hơn bao giờ hết.  Chiếc xe đạp đã phổ thông.  Cái giàn hát máy đã theo chân các điền chủ trung lưu về tận miền quê.  Tại Sài Gòn , Chợ Lớn có xe điện, xe hơi, xe ngựa (hai loại: Mui kiếng để chở khách, và loại xe chở rau cải hàng hoá).  Sài Gòn đi Chợ Lớn có hai lộ trình  xe ngựa: lộ trình mé sông đi dọc đường Hàm Tử, bến Chương Dương và lộ trình trên, đi đường Nguyễn Trãi.  Phổ thông hơn hết cho các người sang bực trung là xe kéo (do người kéo như xe ngựa).  Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, ngỏ ý với viên Khâm Sứ Trung Kỳ, muốn đem chiếc xe kéo và một thằng phu, để qua Paris nó kéo ông đi chơi, làm cho viên Khâm Sứ phì cười!
Thú ăn chơi hồi đó đã phát triển vượt bực.  Thực dân nắm độc quyền hai món thuốc độc để đầu độc dân ta: Rượu và Thuốc Phiện. Khắp Sài Gòn Chợ Lớn có khoảng 500 tiệm hút thuốc phiện công khai.  Các đại lý bán thuốc phiện đều có treo cờ “R.O.” (Régie d’Opium) và các đại lý bán rượu treo cờ “R.A.” (Régie d’Alcohol).  Riêng hai món nầy nhà nước độc quyền, mỗi năm thu một số tiền lời khổng lồ.  Toàn Quyền Maurice Long có phần hùn trong công ty rượu Đông Dương.
Ở Cao Miên cũng vậy, chính phủ Pháp trợ cấp thuốc phiện cho hoàng gia Miên hằng tháng…để hút chơi.  Nếu nhà vua không hút thì bán lấy tiền chi dụng.  Trong việc đào kinh, đắp lộ xe ở miền Tây hồi thập niên 1920, nhà nước “Đại Pháp” cung cấp rượu cho dân phu như một cách trả lương, vì đó là “thứ uống rất vệ sinh”!
Ngoài ra, còn hai thứ tệ đoan xã hội là nạn cờ bạc và mãi dâm cũng rất phổ thông, được người Pháp ngầm khuyến khích.  Thập niên 1920, người ta ước lượng tổng số huê lợi  chứa bài của thầy Sáu Ngọ, vua cờ bạc, từ 2 triệu đồng đến 2 triệu rưỡi. Các xóm em út nơi nào cũng có, nhứt là các khu lao động, bến tàu, bến xe.  Nổi tiếng nhứt hồi những năm đó là xóm Bồ-Rệt (Boresse, tên Chánh Tham Biện đầu tiên của Sài Gòn , Gia Định), rồi sau đó lan tràn tới xóm Vườn Lài.  Những năm giữa thế kỷ khu Bình Khang nổi tiếng là “xóm chơi bời”.
Về mặt văn hoá, thời kỳ nầy nhiều tác phẩm khêu gợi lòng yêu nước xuất hiện ở Nam Kỳ nhiều nhứt. Nữ Lưu Thơ Quán Gò Công của cô Phan Thị Bạch Vân thành lập năm 1928, tồn tại một thời gian ngắn, nhưng có những sách giá trị:
Gương nữ kiệt, Phan Thị Bạch Vân dịch
Giám hồ nữ hiệp của Huỳnh Thị Tuyết Hoa.
Băng tâm ngọc chất của Huỳnh Anh Thị.
Nữ anh tài của Huỳnh Thị Tuyết Hoa
Nhà xuất bản của ông Nguyễn Kim Đính “Tân Dân Học Xá” cũng cho ra đời nhiều cuốn sách bị thực dân cấm.  Năm 1927, Trần Huy Liệu, lúc chưa vô đảng Cộng Sản, lập “Cường Học Thư Xá” xuất bản được 13 quyển, thì có 10 quyển bị cấm lưu hành như:
Anh hùng cứu nước của Đào Khắc Hùng
Gương phục quốc của Trần Huy Liệu
Hiến thân cho nước của Trần Huy Liệu
Anh hùng yêu nước 
Đặc biệt nhà văn có khuynh hướng Mác-Xít đầu tiên của miền Nam là Trần Hữu Độ (1887-1945) với các tác phẩm kêu gọi bạo động như “Hồi trống tự do“, “Tờ cớ mất tự do“, “Tiếng chuông truy hồn”…nhưng Trần Hữu Độ chưa bao giờ hoạt động cho Cộng Sản.
Về mặt báo chí, chúng tôi có kể lại trong mục Bối Cảnh (chương đầu của bài nầy), xin nhắc lại các tờ báo giá trị và có uy tín thời đó như “Đông Pháp thời báo” ban đầu của ông Nguyễn Kim Đính, sau đó bán cho ông Diệp Văn Kỳ, tờ “Thần Chung”, và đặc biệt nhứt là tờ báo “Phụ Nữ Tân Văn” của bà Nguyễn Đức Nhuận… Một biến cố được báo chí hồi đó nhắc nhở nhiều hơn hết, làm xôn xao dư luận, các bậc thức giả miền Nam là việc thi hào R.Tagore Ấn Độ, người Á Châu đầu tiên chiếm giải Nobel, đã đến viếng thăm Sài Gòn trên đường viễn du thế giới, cổ võ cho hoà bình.  Đặc biệt ông được người dân Sài Gòn ngưỡng mộ, dành cho nhiều cảm tình khi ông đến toà báo “Phụ Nữ Tân Văn” tại báo quán.
Có thể nói trong lịch sử văn hoá thế giới, hiếm hoi có những người với đầu óc sáng tạo phi thường như R.Tagore. Ông sáng tác 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng ngàn bức tranh, trong đó có nhiều bức tranh được trưng bày trong các viện bảo tàng mỹ thuật trên thế giới.  Ông là một nhà thơ, một nhà triết học, nhà giáo đầy tâm huyết, một nhà nghiên cứu văn học cổ đại Ấn Độ.  Sau khi Thế Chiến Thứ Nhứt chấm dứt, Tagore đi du lịch khắp thế giới, để cổ võ cho phong trào giành độc lập của các thuộc địa.  Tagore từng qua Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ba Tư và vài nước Châu Á trong đó có Việt Nam.
Lần đầu tiên vào năm 1924, tin thi hào Rabindranah Tagore viếng thăm Sài Gòn làm các báo sốt sắng đăng tin tức, hình ảnh, sự nghiệp của ông .  Tuy nhiên, lần đó công cuộc chuẩn bị tiếp đón Tagore …hụt, vì ông không ghé Việt Nam mà từ Trung Quốc đi thẳng về Ấn Độ.  Bàn về sự nồng nhiệt của giới trí thức Nam Kỳ đối với thi hào Tagore hồi đó, thi sĩ Đông Hồ nhận xét:”Trí thức Việt Nam khoảng mấy năm đó say mê các nhà cách mạng. Họ thấy Tagore cũng như Thánh Gandhi, là những ông thánh, những chí sĩ ái quốc, dám lên tiếng chống đối thực dân để đòi hỏi độc lập, tự do và bình đẳng cho người dân thuộc địa”.  Người Nam Kỳ đã công khai đón tiếp nhà cách mạng Phan Bội Châu, chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, cổ võ các học thuyết của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, thì việc tiếp đón Tagore rầm rộ cũng không lấy gì làm lạ.
Nhưng vào năm 1929, trên đường viễn du thế giới, từ Nhựt Bản, Tagore ghé lại Sài Gòn trước khi qua Phi Châu.  Khi chiếc tàu chở Tagore cặp bến Nhà Rồng vào ngày 21 tháng 6-1929, tờ báo “Tribune Indochinoise” tổ chức cuộc biểu tình lớn để chào mừng Tagore.  Ký giả Lê Trọng Nghĩa, một nhà báo có uy tín trong vụ binh vực vụ án “Đồng Nọc Nạn” năm trước (1928), đồng thời cũng là hoạ sĩ có tài đến phỏng vấn và xin vẽ chân dung thi hào Tagore bằng than  chì trên giấy trắng khổ 50x65cm.  Bức ảnh nầy R.Tagore là một cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ, mặc áo đen, ngồi cầm bút, để tay lên bàn.  Bên góc bức hoạ có chữ ký của Tagore và được gia đình nữ sĩ Ái Lan, em ruột ký giả Lê Trung Nghĩa lưu giữ như một báu vật.
Sáng ngày 23 tháng 6-1929, Tagore được hướng dẫn đến thăm toà soạn báo Phụ Nữ Tân Văn và “Nhà Thương Cuộc”.  Tại toà báo, gần Tổng Nha Ngân Khố trước 1975, bà Nguyễn Đức Nhuận cùng các ông Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ đến túc trực tiếp đón Tagore, cho ông ta xem nhiều số báo viết, giới thiệu thân thế và sự nghiệp của thi hào.  Trong các báo đó, hình ảnh thi hào Tagore kém tươi trên gương mặt, cái tinh thần trong đôi mắt dường như có hào quang sáng rực của con người “tiên phong đạo cốt”.  Bà Nguyễn Đức Nhuận có viết một bài nhan đề “Thi sĩ Tagore ghé viếng toà soạn báo Phụ Nữ Tân Văn” cho biết: “Trước tôi vẫn tưởng ông Ấn Độ nầy da đen như ông Gandhi và phần nhiều người xứ ấy, bây giờ mới biết là mình lầm.  Ông cao lớn, tuổi gần 70 quắc thước lắm. Nước da trắng mịn và ửng đỏ, mũi cao trán rộng.  Rõ là trán của một nhà tư tưởng.  Bàn tay của Tagore giống như bàn tay của những người đàn bà khuê các.  Tagore thuộc về một vọng tộc, sanh trưởng chốn phong lưu, hằng ngày chỉ có một việc ngâm thơ, vịnh phú, bởi thế mới có mấy cái đặc sắc ấy.  Viết tới đây tôi lại nhớ tới ông Gandhi trong một cuộc bút chiến với ông, bút chiến mà đằm thắm, có tật hô rằng:”Ông Tagore! Ông cũng phải đi dệt vải như chúng tôi”.
  Dệt vải chắc là thi sĩ không được sành, nhưng dệt nên những câu cẩm tú thì khéo lắm, khéo cho đến nỗi ông là người Á Đông lần thứ nhứt được phần thưởng Nobel.  Quê hương của R.Tagore ở miền Punjab, Tây Bắc Ấn Độ, vùng hợp lưu của 5 con sông nổi tiếng.  Nơi đây cũng có một nền văn minh tối cổ của nhân loại vào khoảng 2000 năm trước Tây Lịch tại Mohenjo-daro và Harappa. Sở dĩ nơi đây có giống người Ấn cao lớn, da sáng, mũi cao vì cuộc viễn chinh của Alexandre Đại Đế, người xứ Macedơin vào đất Ấn.  Alexandre khuyến khích quân lính lấy người bản xứ, do đó, tạo ra một chủng tộc Ấn Độ có màu Ấn-Âu, để phân biệt với người Ấn bản xứ Dravidian ở miền Nam, và cao nguyên Decan mà Gandhi là  người thuộc dòng giống ấy.
Có một điều đặc biệt khi đến Sài Gòn , Tagore  mặc chiếc áo dào Việt Nam, phía trên đội mũ Ấn Độ bằng nỉ đen, không vành, mang kính, trông cũng chẳng khác xa một “ông già đạo mạo người An Nam bao nhiêu”.  Giới làm báo lấy làm ngạc nhiên khi Tagore cho biết ý định đi dạo phố Sài Gòn trong bộ y phục cổ truyền Việt Nam đó.  Ông được một nhà báo hảo tâm dẫn đến một nhà may danh tiếng Sài Gòn , để đặt may áo dài Việt Nam… Hai hôm sau, trên đường phố rộn rịp của Sài Gòn, người ta thấy một ông già Ấn Độ cao lớn, quắc thước phương phi, râu tóc bạc phơ trong bộ áo dài bằng gấm bông bạc, lại thêm đội khăn đóng, giày Escarpin, đi dạo phố trước những cặp mắt tò mò của thị dân!
  Trở lại cuộc sống cô Ba Trà lúc nầy, tiền bạc vô như nước. Từ đây cô bắt đầu một cuộc sống như một bà hoàng, lên xe xuống ngựa mấy chục năm liền, làm điêu đứng phá sản không biết bao nhiêu công tử hào hoa, tay tiền rừng bạc bể xứ Nam Kỳ.  Trong phần trước, chúng ta nghe nói cô Ba Trà được cậu Tư Phước George tặng nhẫn hột xoàn trị giá vài ngàn, rồi cậu Ba Qui cạnh tranh, tặng chiếc khác gấp đôi.  Những đồ vật giá trị ấy lần lượt đi vào tiệm cầm đồ hoặc vào tay những Ấn kiều chuyên môn cho vay. Tiền vô như nước, nhưng vô cửa trước rồi ra cửa sau đúng như ông thầy bói danh tiếng Vi Kính Trang đã bói cho cô.
Hồi những năm đầu thế kỷ 20, đất Sài Gòn – Chợ Lớn có hai ông thầy tướng số nổi danh mà mãi đến sau nầy chưa có người nào có thể so sánh, ngay cả Chiêm tinh gia Huỳnh Liên.  Những năm 1960, Huỳnh Liên rất nổi tiếng, ai cũng nghe danh.  Riêng tôi, xin nói thật một điều là không dám tin những lời đồn về những điều tiên tri của Huỳnh Liên, nhưng chính một người trong đại gia đình của tôi, có đến nhờ ông Huỳnh Liên “cho phép” để bán một căn nhà ở Phú Nhuận với giá cao như ông đã hứa.  Đợi cả tháng, nhà vẫn không bán được, mà cũng không ai đến coi, nên người đóng tiền trước cho Huỳnh Liên tìm tới văn phòng ông đòi tiền lại.  Lúc đó văn phòng đang đông khách. Sau một hồi nói qua nói lại, mà vẫn không lấy tiền lại được, người quen của tôi bực tức, nói:
- Nè, tôi nói cho ông biết. Ông làm được thì nói, không làm được thì thôi, đừng lừa bịp chúng tôi.  Tôi thách ông có bùa phép gì làm cho tôi chết. Nếu ông làm (ếm) mà tôi không chết, tôi đến đốt nhà ông !
Lần đó khách đang ngồi đời, sững sờ đến ngạc nhiên!
Ông thầy Tư Nên, tôi có nói đến trong bài “Các cuộc đời ngoại hạng Nam Kỳ thuở trước” nên không nhắc lại.  Tuy nhiên có một chi tiết mới, chúng tôi được một người bạn vong niên là ông Nguyễn Văn Mạnh kể laị.  Lúc đó vào năm 1915, thầy Tư Nên đang mở văn phòng coi bói tại thành phố Mỹ Tho.  Hoàng tử Bửu Đảo, theo lời cụ Nguyễn Văn Vực có lúc làm thơ ký cho nhà Bưu Điện Sài Gòn, nên những ngày nghỉ, thường theo bạn bè xuống trường gà Rạch Gầm của ông chủ.  Trước để đá gà, hay đi coi Ca ra bộ (tiền thân của Cải Lương) ở các khách sạn Mỹ Tho.  Nơi đây hồi đầu thế kỷ là nơi phồn hoa đô hội, vì hành khách lên xuống lục tỉnh, phải đi xe lửa tới Mỹ Tho, ngủ đêm, rồi sáng hôm sau xuống tàu lục tỉnh về miền Tây.  Chuyến lên Sài Gòn, các ông điền chủ cũng ngủ ở Mỹ Tho một đêm trước khi đáp xe lửa đi Sài Gòn .  Đường lộ trải đá dành cho xe hơi lưu thông về miền Tây chưa thành hình.  Nhiều khúc lộ còn mới đắp dang dở.  Có một lần Bửu Đảo xuống Mỹ Tho, được bạn bè dẫn tới thầy Tư Nên coi bói. Lúc đó, Hoàng tử Bửu Đảo tay cầm cây can, chỉ chỏ xuống đất như kéo một gạch ngang.  Thầy Tư Nên sụp lạy và nói:
- Tâu Ngài:”Cây can vẽ một vạch ngang trên mặt đất thành ra chữ Vương.  Ngài có chân mạng đế vương.
Nghe xong Bửu Đảo phì cười, tưởng rằng thầy Tư Nên nói chơi, vì trước khi vào đây, không ai giới thiệu Bửu Đảo là một Hoàng tử cả.
Chỉ mấy tháng sau, khi vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại ở Huế và bị lưu đày (1916), Toàn Quyền Paul Pert đưa Bửu Đảo lên ngôi vua, lấy hiệu là Khải Định.  Nghe đâu sau khi tức vị, Khải Định có nhớ tới ông thầy bói Tư Nên, bèn gởi thư khen ngợi.
Thầy tướng và thầy bói Vị Kính Trang nổi tiếng sớm hơn thầy Tư Nên.  Thời đó muốn đến xem bó với thầy Vi Kính Trang phải trả 5 cắc (phân nửa của một đồng, giá bằng một giạ lúa), nhưng kiếm được thầy đã khó, mà chờ đợi thầy cũng rất lâu mới tới lượt mình.  Ban đầu Vi Kính Trang ở trên gác trong đường nhỏ Rue d’Artisan, phía đường Cháo Muối, tức đường Thủy Binh, sau là đường Đồng Khánh.  Sau đó Vi Kính Trang dời đến một căn phố lầu phía dưới là tiệm bán mì, hủ tiếu ở đường Jaccréo, nay là Tản Đà, gần Arc-En-Ciel.  Vi Kính Trang là một thầy tướng, thầy bói danh bất hư truyền.  Mới gặp cô Ba Trà, nhìn sơ qua tướng mạo, ông nói trúng phong phóc mọi việc xảy ra trong quá khứ như người trong nhà kể vậy. Có những chuyện người trong nhà không biết mà ông Vi Kính Trang biết rõ, không sai một nét.  Khi cô Ba Trà hỏi chuyện hậu vận, Vi Kính Trang nhìn cô một lần nữa, rồi nghiêm trang nói:
- Số cô giàu sang tột bực.  Tiền vô như nước, nhưng ra cũng như nước chảy.  Cô không có số cầm tiền.  Dẫu cô có muốn xây dựng gia đình với ai, để hưởng giàu sang sung sướng cũng không được… Xin lỗi cô, cô có số của “Đạm Tiên”:
“Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng…
Nghe Vi Kính Trang nói, cô Ba Trà vừa vui thích, nhưng cũng có vẻ lo lắng. Cô móc bóp đền ơn ông 5 đồng, nhưng ông từ chối chỉ lấy 5 cắc mà thôi! Sau đó, cô lên xe bảo tài xế chở về nhà “Nguyệt Tiên Cung”, thay vì đi lại sòng bạc thầy Bảy Phương  như đã dự định (lời cô kể lại).
Nếu có ai hỏi quý vị độc giả rằng một người đàn bà đẹp như huê khôi, tiền rừng bạc biển ăn xài không tiếc, sống trên nhung lụa, lên xe xuống ngựa trong mấy chục năm liền… Mỗi khi ra đường có kẻ hầu người hạ, bồi bếp riêng, tài xế riêng, các công tử, các quan lại cao cấp, khách thượng lưu xã hội… đua nhau săn đón, chiều chuộng, thì độc giả gọi người đàn bà ấy là  … gì ?
Tôi không dám lạm dụng chữ nghĩa, không dám gọi đó là một bà hoàng, bà chúa như kiểu “Bà chúa đĩ Bắc Hà, cô Tư Hồng” mà chúng tôi có viết lại trong bài “Vua Khải Định”, mà sự thật cuộc sống của cô Ba Trà còn sang hơn cả một bà hoàng, bà tước của hàng quý tộc bên Âu Châu.  Trong lịch sử ăn chơi Đông Tây kim cổ nước ta, chưa có người nào có thể so sánh với cuộc đời của cô Ba Trà. Chính cô đã làm điêu dứng biết bao công tử hào hoa, các đại điền chủ, thanh niên cũng có, sồn sốn cũng có, nhỏ hơn cô hàng 10 tuổi cũng có.. hễ ai gặp cô cũng mê như một sức quyến rũ kỳ lạ, hay bị thôi miên.  Nhiều ông đại điền chủ lên Sài Gòn bán mấy ghe chài lúa, ăn chơi huy hoắc với cô Ba Trà chỉ hơn một tháng mà lúc trở về chỉ còn tay không.
Trong khi sở phí Đông Pháp lữ quán càng cao, nợ nần càng nhiều, cô Ba Trà muốn giải nghệ thì chính là lúc các công tử Ba Qui. Phước George mê cô và một nhà triệu phú trẻ tuổi khác làm “trung gian thương mãi” (Tàu gọi mái chính), lai hai dòng máu. ho Lương, nên dân ăn chơi gọi “Lương mái chính” gặp cô, mê cô, bỏ tiền ra để cô trả nợ, rồi thuê riêng một căn phố lầu sang trọng định xây tổ uyên ương, ăn đời ở kiếp với cô. Ngôi nhà lầu này cất theo kiểu phố hai từng, mặt tiền rộng 6m, sơn màu xanh (kiểu thanh lâu?) ở đường Richaud (nay là Phan Đình Phùng) nguyên của ông trưởng toà Tư ở Vĩnh Long làm chủ. Căn phố lầu này cho mướn giá 160 đồng một tháng (tương đương 4 lượng vàng), đủ biết sự sang trọng của nó ra sao. Những người tiền rừng bạc bể mới dám tới đó ăn chơi với huê khôi “Ba Trà”. Do Lương mái chính bỏ tiền trang hoàng lộng lẫy, đồ đạc mắc tiền, trướng rũ màn che, ghế nệm, trường kỷ , nhà ga (garage), phòng cho bồi, bếp, vệ sĩ gia nhơn… Chỗ ở mới của người đẹp sang trọng đến nỗi giới ăn chơi đặt tên “Nguyệt Tiên Cung”, mà thực chất là “cái tổ quỷ” của đàn ông giàu tiền.
Tuy gọi phố lầu cho gọn, thật ra đó là một loại biệt thự liên lập hai từng. Mỗi từng gồm nhiều phòng riêng biệt. Có phòng dành riêng cho gia nhơn, có nhà để xe phía sau. Mỗi phòng đều trang bị salon cẩm lai, salon gõ cẩn ốc xà cừ lóng lánh, ngồi lên mát lạnh. Đặc điểm của chỗ ở này là mỗi phòng đều treo một thứ màn mắc tiền bằng voan mỏng, màu sắc khác nhau: Trắng. xanh, hồng, có viền ren tím. Trên lầu, các phòng đều treo màn màu hồng, mầu đỏ, phản chiếu dưới ánh sáng bóng đèn ngủ trắng đục làm cho không khí thêm gợi tình. huyền ảo. Khách vào đây có cảm giác như lạc vào chốn đào nguyên. mà thật sự chỗ này là “chốn lầu xanh de luxe”. Các ông hội đồng, các thầy cai, các ông điền chủ một lần vào Nguyệt Tiên Cung một đêm, sáng ra thấy mất một ghe chài lúa như chơi. Cũng vì tiếng đồn Nguyệt Tiên Cung là chỗ ăn chơi phong lưu,thanh lịch, nhiều ông nhà giàu trọng tuổi, còn hảo ngọt, từ Hậu Giang lên tò mò tới chơi một lần cho biết. Theo cụ Vương Hồng Sển “thật sự ít ai có dịp ăn ngủ với cô Ba Trà”. Hồi đó, cái “tổ qu” Nguyệt Tiên Cung chính là nơi hành lạc kiểu “nhứt dạ đế vương” đầu tiên ở Sài Gòn. Ngoài cô Ba Trà, Nguyệt Tiên Cung còn các cô “á hậu” khác như cô Quế Anh, cô Tư Nhị.
Quế Anh là một cô gái đẹp, có đầu óc lãng mạn, học trường “áo tím”, từng đóng vai nữ trong tuồng “Tối độc phụ nhơn tâm”, làm cho khán giả rơi lụy nhiều đêm. Sau đó Quế Anh từ giã học đường, bước vào con đường giang hồ: Nay cặp với công tử này, mai ông điền chủ kia, miễn ai có tiền và đám ăn xài.
Cô Tư Nhi, một người “đầu gà đít vịt” , (cha Tiều. mẹ Miên) quê ở Sa Đéc, lên Nam Vang lập nghiệp. Có có thân hình rắn chắc, nói theo kiểu bây giờ, cô có “thân hình nẩy lửa”, hấp dẫn.
Không có điều lệ thành văn, nhưng lâu ngày thành thói quen nhất định, khách hào hoa muốn vô Nguyệt Tiên Cung phải nạp 1000 đồng tiền lệ phí, gọi là “đi lễ”. Số tiền ấy phải gồm 10 tờ giấy xăng bộ lư (giấy 100 đồng có inh hình bộ lư), đựng trong bao thơ, đặt trên một cái mâm, do một cô xẩm bưng lên lầu để “xin ra mắt cô Ba”. Những ai nạp tiền lẻ (giấy 20đ, giấy 50đ…).đều bị coi là keo kiệt. có khi cô Ba không tiếp làm cho mất mặt.
Bước vô nhà, khách được thỉnh vào phòng khách thứ nhất rất sang trọng. Ở đây khách được mời ngồi vào salon chờ đợi. Một cô trịnh trọng bưng lại một ly rượu Champagne đặt trên cái mâm. Khách được mời “nhắm chút rượu khai vị”.
Độ 10 phút sau, khi khách vừa nhấm chút rượu cho ấm bụng, lại được mời qua một phòng khác. Trước khi qua phòng này có một anh Chà và (Java) đen, mặc đồng phục trắng kiểu bồi khách sạn ngày nay gác cửa, lễ phép chào khách, rồi nhường khách bước qua phòng này. Giống như khuê phòng của các tiểu thơ, phòng này sực nức mùi nước hoa, trên bàn có một bình hoa thơm. Khách vừa ngồi trên salon, liền có một cô xẩm khá đẹp, trong bộ xường xám Thượng Hải bó sát lấy thân hình cân đối, người cao ráo, chân thon, dài xuất hiện. mỉm cười. Khách cảm thấy mê mẩn tâm thần vì cảnh sắc cứ thay đổi luôn khó biết trước. Cô xẩm lễ phép bưng lên một mâm đặt trước mặt khách, trên đó có chén trà sâm để khách giải khát, tăng cường sinh lực. Kế bên là một dĩa bàn, trên có đựng sẵn một khăn mặt còn nóng, tẩm dầu thơm để khách lau mặt cho sảng khoái, và tận hưởng cái hương vị ngây ngất, quyến rũ cao sang dành cho giới thượng lưu. Khách còn đang mơ màng, chợt một cô gái khác xuất hiện, cúi đầu kính mời khách lên lầu. Một thiếu nữ kiều diễm sẵn sàng, y phục bằng lụa mỏng, khêu gợi, đón khách an tọa. Rồi họ dọn ra một mâm đặc sản thuộc loại sơn hào hải vị: Một chén yến hột gà chưng với sâm, đường phèn, một con bồ câu ra ràng, chưng với yến để khách tăng cường sức khỏe.
Bồ câu ra ràng là loại bồ câu mới nở, mềm, bổ, để cho những vị khách răng rụng xếu xáo không nhai thịt được. Ăn xong. khách được mời qua một phòng tắm sang trọng với nước nóng pha dầu thơm. Trong khi đó, một cô xẩm áo quần bó sát người hướng dẫn khách tắm (vì nhiều người ở nhà quê, không biết cách thức sử dụng vòi nước, bồn tắm) và sau đó, khách được mời thay một bộ đồ ngủ (pyjama) bằng lụa Lèo cho thoải mái. Nếu may mắn, sau màn này, khách được ôm ấp người đẹp Ba Trà trong một phòng ngủ khác sang trọng như nữ hoàng.
Tuy nhiên phần lớn các công tử, giới ăn chơi vào tới đây chỉ được cô Tư Nhị, cô Quế Anh , tiếp mà thôi. Cô Ba Trà ít khi tiếp họ . Nhiều người không được gần cô Ba, nhưng sau khi về cũng khoe rằng “đã ngủ với huê khôi Ba Trà”, để tỏ ra mình là khách ăn chơi sành điệu. Có người không được gần cô Ba Trà, khi về gieo tiếng oán, chớ cô Ba lúc ấy đang lên như diều gặp gió, các công tử phong lưu như công tử Phước George, cậu Ba Qui, cậu Bích mới là người tình của cô. Thời kỳ ở Nguyệt Tiên Cung, nhan sắc cô Ba thêm lộng lẫy. Mỗi ngày cô mặc một bộ đồ khác nhau, ngây thơ như nữ sinh trong trắng, con nhà lành. Có lúc cô “lăng xê” mốt mặc quần và áo dài cùng một loại hàng mỏng, thứ đắt tiền, cùng màu. Trên cổ cô còn choàng một khăn voan lụa ngồi xe du lịch mui trần, mà hồi đó chưa có ai xinh đẹp vừa sang trọng quý phái như cô Ba.
Vướng vào con đường cờ bạc, cô Ba thường lui tới các sòng bài ăn thua lớn như các sòng của thầy Sáu Ngọ ở Chợ Lớn, thầy Sáu Nhiều, sòng thầy Bảy Phương ở đường Carlbelli, đó là khách sạn Đỗ Văn Bình Hôtel Confortable. Chỗ này cũng thu hút nhiều tài tử, khách văn chương, nhà văn, nhà báo vì mỗi chiều thường có tổ chức “đờn ca ra bộ”, tiền thân của ca kịch Cải lương miền Nam. Thập niên 1910,1920… khách sang từ lục tỉnh về chơi, thường đi tàu ghé Mỹ Tho ngủ một đêm. Hôm sau họ lên xe lửa đi Sài Gòn Chuyến về họ cũng ghé trạm chuyển tiếp Mỹ Tho, nên chợ Mỹ là chốn phồn hoa đô hội, chỉ thua Sài Gòn mà thôi.
Người Tây phương thường quan niệm học vấn góp phần hình thành nhơn cách một người. Nhơn cách gồm hai phần lương tri và lương năng. Không học mà biết thì gọi là lương năng. Có học mới biết, đó là lương tri. Cô Ba là người đẹp nhưng thiếu học, cho nên bên ngoài cô có vẻ là một người quý phái, nhưng cô ăn nói vụng về, có khi cộc lốc, vô duyên, nhưng vì mọi người đều mê sắc đẹp của cô, nên đối với những câu đối đáp thiếu văn hoa ấy, họ vẫn gọi là chân thành. Thậm chí có nhiều lúc cô ăn nói xẳng lè như ra lịnh, nhưng khách đa tình vẫn mê cô như điếu đổ. Chính cô cũng thú nhận điều đó. Nhiều người đối với cô ơn nghĩa tràn đầy, nhưng cô đối với họ bằng sự đoản hậu. Mối tình chênh lệch giữa cô và bác sĩ Án là một thí dụ điển hình. Trước tình yêu, lòng khoan dung độ lượng của một lương y, săn sóc, chu cấp tiền bạc “thi ân bất cầu báo” với thái đô của người quân tử, nhưng cô đáp lại bằng thái độ của người vong ơn bội nghĩa. Đàn ông có nhơn tình, ai cũng ghen, cũng ích kỷ, nhưng mỗi người phản ứng một cách khác nhau tùy bãn lãnh và nhân cách của người ấy. Bác sĩ Án là một người cao thượng “ăn không được thì buông” chớ không phải “ăn không được thì khuấy cho hôi”, như bao người tầm thường khác.
Để độc giả có một cái nhìn liên tục về cuộc đời “huê khôi Nam Kỳ, cô Ba Trà” nầy, chúng tôi xin nhắc lại những biến cố chánh. Trong cuộc du hí Vũng Tàu, đầy thất vọng và buồn thảm trở về, bác sĩ Án nhất định trả tự do cho người đẹp. Trước một người đẹp như hoa nở, như trăng mới lên, ông lương y cảm thấy mình có tuổi, không tương xứng. nên không còn theo đuổi cô Ba nữa. Xung quanh cô hiện thời có biết bao nhiêu công tử hào hoa đeo đuổi, chỉ mong cô ban cho chút tình lẻ. Dù giàu có, lương ông bác sĩ so với các công tử nào có thấm gì. Hơn nữa cô Ba đâu có chịu an phận làm vợ lẽ của một người chồng luống tuổi . Nhưng trong khi yêu ông bác sĩ không nhận ra điều đó. Trong tình yêu người ta ích kỷ, nhưng ông bác sĩ này cao thượng. Con chim quý đã xổ lồng, đi tìm phương trời xa lạ, mong gì trở lại . Trong lúc tới lui các sòng bài ăn thua lớn, nhiều người tiền rừng bạc bể gặp cô, muốn tung tiền mua chuộc làm của riêng. Một ông hội đồng ở Rạch Giá, muốn “lâp phòng nhì với cô”, một hôm đem tặng cho Dì Tư Ăng-Lê một số tiền và mượn bà này làm mối. Vốn là người đàn bà từng trải, Dì Tư nhận tiền, nhưng nói khéo:
- Chà, việc này khó quá. Ông nói thẳng với “Ba”, chớ tôi đâu dám!
Nhưng sau khi ông Hội đồng cạn túi, cô Ba cũng giã từ không lưu luyến- Còn ông hội đồng cũng học được một bài học kinh nghiệm nhớ đời.
Cô Ba Trà lập Nguyệt Tiên Cung là nhờ người mái chính (người trung gian thương mãi, Pháp gọi là compredore) họ Lương. Cũng như nhiều khách đa tình hiếu sắc khác, Lương mái chính cũng có ý định chọn cô Ha Trà làm vợ ăn ở lâu dài, nên mới bỏ ra một số tiền lớn mướn phố để xây tổ uyên ương với người đẹp. Rốt cuộc:
“Uổng công xúc tép nuôi cò,
Nguôi cho cò lớn, cò dò cò bay”
Cái tổ uyên ương ấy chính là “cái tổ quỷ” của bọn Công tử nhà giàu, chớ phải nào là của riêng Lương mái chính! Chỉ một thời gian tấp nập khách phong lưu, Nguyệt Tiên Cung bắt đầu vắng khách vì ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế đến Nam Kỳ mạnh mẽ nhứt vào năm 1932. Nhiều đại điền chủ phá sản, một số điền chủ hạng trung cũng vỡ nợ vì ruộng đất cầm cố không đủ tiền chuộc, bị tịch thu. Nông dân sống nhờ hột lúa, công chức với đồng lương cố định, thiệt thòi nhứt:
“Lúc lúa hai hào (2 cắc), dân mếu máo,
Quan ăn năm chục, vợ rầy la.”
Như vậy giá lúa từ 1 đồng 2 (năm 1928) sụt gấp 6 lần. Chỉ những người buôn bán còn giữ được phong độ, nhưng mãi lực dân chúng cũng kém đi . Tờ “Lục tỉnh Tân văn” số ra ngày 23-12-1931 viết:
“Những người có nghề nghiệp trong tay còn xoay quanh trong vòng no ấm. Còn những người chỉ biết có nghề cạo giấy (thơ ký, thầy thông ngôn ..) mới kiếm tiền làm sao? Đi bán hàng rong cũng lỡ mà đi khuân vác cũng rầy. Ấy là hạng trí thức thất nghiệp. Còn những học sinh có bằng Thành Chung, cũng đành bó gối, công sở không mướn và tư sở cũng không dùng”
Một thức giả khác, ông Cao Sơn, làm một bài thơ tả cảnh Sài Gòn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đăng trên báo “Đồng Nai”, ngày 1 tháng Ba 1932:
“Trải mấy tang thương luống ngậm ngùi,
Sài Thành phong cảnh có chi vui ?
Phố phường ngang dạ ai buôn bán?
Đường sá dập dìu khách tới lui.
Vinh mặt, múa men phường mọt nước
Chau mày ngất ngưởng bạn thương đời.
Lần xem sử Việt thêm ngào ngán,
Bảy chục năm qua lắm đổi đời.”
Chỉ trừ một số ít công tử còn phong độ, hầu hết các nhà giàu đều bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế này. Thời gian này cậâu Tư Phước George đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ để làm người tình của các cô đào kiều diễm, lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Còn câu Ba Qui, sau một thời gian theo cô Ba Trà, bây giờ cũng đã chán, tìm các cô gái nửa chợ nửa quê nhưng có thân hình rắn chắc để bắt bồ.
.
 huahoanh_sign
 
Đánh máy: Lê Thy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét