CÔ BA TRÀ:
Chương 2:
HUÊ KHÔI BA TRÀ
SÁNG CHÓI TRONG
TIỀN VÀ SẮC ĐẸP
Lịch sử Đông Tây, kim cổ chứng minh rằng đàn bà đẹp ở đâu và thời nào cũng có. Ở Trung Quốc có “Tứ đại mỹ nhơn” nổi tiếng như Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi mỗi người một vẻ, một mỹ hiệu riêng:
- Tây Thi lạc nhạn (Chim nhạn đang bay, thấy nàng buông cánh rớt xuống)
- Chiêu Quân trầm ngư (Cá lặn)
- Điêu Thuyền bế nguyệt (trăng mờ vì thẹn trước sắc đẹp của nàng)
- Dương Quý Phi tu hoa (Hoa đang nở, vội khép lại)
Còn bên trời Âu có nữ hoàng Cléopâtre, hoàng hậu Marie Antoinette…là những người đàn bà lừng danh, từng gây tai hoạ cho những người đàn ông đam mê họ. Càng có nhiều quyền lực càng đam mê đàn bà đẹp, không những gia tài khánh tận mà còn đến nỗi thân bại danh liệt. Làm vua say mê tửu sắc phải mất nước, mất ngôi dễ dàng. Lịch sử gọi những người đàn bà ấy có sắc đẹp khuynh quốc, khuynh thành, tức là làm cho nước ngã thành nghiêng.
Đánh máy: Lê Thy
Trong sử Việt Nam vào thời tự chủ cũng có những người đàn bà đẹp lừng danh như bà Hoa Dung – vợ chúa Trịnh Doanh; bà chúa Chè Đặng Thị Huệ – ái thiếp của chúa Trịnh Sâm; Lê Thị Ngọc Hân; Lê Thị Ngọc Bích …đều là những người đàn bà đẹp sắc nước hương trời. Ở Nam Kỳ, hồi đầu thế kỷ 20, có một người đàn bà đẹp sắc sảo một cách tự nhiên không cần trau giồi son phấn, tóc đen huyền, dài chấm gót chân: đó là cô Ba, vợ thầy Thông Chánh, quê ở Trà Vinh. Cô Ba đẹp cho đến nỗi nhà Bưu điện Sài Gòn cho in hình cô vào con tem, phát hành cả Đông Dương, và hãng xà bông Trương Văn Bền lấy tên “Cô Ba” đặt tên cho những loại xà bông thơm danh tiếng :”xà bông Cô Ba” bán khắp ba kỳ và Miên, Lào. Nhưng có lẽ người đàn bà đẹp nhứt Nam Kỳ vào nửa thế kỷ trước mà ai ai cũng nghe nhắc đến là Cô Ba Trà (tên thật là Trần Ngọc Trà) một bà hoàng không ngai, lên xe xuống ngựa trong mấy chục năm liền. Mỗi lần ra đường có tôi tớ, kẻ hầu người hạ, ngồi xe du lịch mui trần có tài xế riêng mặc đồng phục để lái, có người vệ sĩ ngồi băng trước để mở cửa. Thuở đó hình ảnh cô Ba Trà là một bà hoàng quý phái, các ông phủ, ông huyện, các công tử, thầy thông, thầy ký đều nhìn cô thán phục, thèm thuồng… Thời gian ấy ở đất Bắc cũng có những người đẹp nổi tiếng như cô Đốc Sao nổi danh tài sắc trong xóm Khâm Thiên (hát cô đầu), và thanh lịch nhứt trong giới ăn chơi Hà Thành là hoa hậu Bạch Yến đến nổi người ta mở hội chợ, phải mượn tên cô để cho…thiên hạ đến mua giấy vào xem hội chợ cho thật đông đảo. Cô Đốc Sao là một người kỹ nữ tài sắc vẹn toàn, lừng danh khắp Hà Thành và cả Trung Kỳ, cô Đốc Sao có gương mặt đẹp như tiên, nụ cười “nghiêng nước nghiêng thành”, làm sụp đổ biết bao nhiêu gia tài của khách làng chơi sang trọng. Những công tử con cháu các quan, các công tôn con cháu vua chúa từ đất Thần Kinh văn vật, những quan lớn từ Huế và những quan phủ, quan huyện, Đốc-Phủ sứ bất luận già trẻ, gặp cô Đốc Sao một lần mê đắm vì gương mặt đẹp, giọng hát hay và nụ cười của cô. Có những người ăn dầm nằm dề ở nhà cô cả tháng, nhưng không bao giờ được cô ban cho ân huệ cuối cùng như họ thèm thuồng, van lơn.
Cô Đốc Sao quả thật là một Trà Hoa Nữ (Camélias) của Việt Nam . Cô yêu một nhà văn nghèo, một nhà báo cấp tiến là Hoàng Tích Chu. Cô tình nguyện làm vợ Hoàng Tích Chu, chăm nom đời sống của Chu, lo cho cả tờ báo của Chu. Nhưng Hoàng Tích Chu vắn số, chết vào tuổi 33 trong khi giấc mộng cải cách làng báo Bắc Hà chưa thành. Khi Chu mất, cô Đốc Sao in danh thiếp đề tên mình là “Bà goá phụ Hoàng Tích Chu”, thật là một kỹ nữ chung tình chưa có ai sánh bằng.
Trong bài “Các cuộc đời ngoại hạng Nam Kỳ thưở trước“, đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn, in vào tập “Nam Kỳ Lục Tỉnh I” do Văn Hoá xuất bản, cùng tác giả, chúng tôi có viết: “Theo lời các cụ cao niên kể lại trong khoảng thời gian từ năm 1925-1935, các người đẹp sắc nước hương trời như cô Ba Trà, cô Tư Nhị, cô Sáu Hương, cô Hai Thời…mỗi người một vẻ đẹp riêng, báo hại các công tử như cậu Hai Định, cậu Ba Qui, công tử Phước George …tranh nhau phá của cha mẹ để lại. Chiều chiều các cô ngồi xe mui kiếng, tài xế mặc đồng phục lái, lượn quanh Sài Gòn, Chợ Lớn, đường Catinat, chợ Bến Thành. Có khi họ lên Thủ Đức ăn nem nướng, hoặc tắm suối Xuân Trường…”
Thói thường bên cạnh các anh hùng mã thượng phải có những tiểu thơ đài các, có tài tử phải có giai nhơn mới tương xứng. Người đẹp thời nào cũng có. Họ là những đoá hoa tươi thắm, tô điểm cho cuộc đời thêm hương sắc, nhưng cũng là những bông hoa đầy gai. Có khi họ gieo tai hoạ cho bọn mày râu. “Giai nhân khuynh quốc” một kinh nghiệm do người xưa rút ra khi đọc truyện lịch sử và dã sử nước Tàu.
Sau hơn nửa thế kỷ sống dưới chế độ thuộc địa, Nam Kỳ bắt đầu phát triển thành một xứ phồn thịnh, một nơi ăn chơi của lớp nhà giáu mới nhờ vào ruộng đất. Cụ Nguyễn Văn Vực có kể lại cho tôi nghe rằng hồi trước cụ có đọc một tác phẩm nói về người đẹp số 1 Nam Kỳ , nhan đề “Cô Ba Trà, ngôi sao sáng đất Sài Gòn ” của tác giả Nguyễn Bửu Ý xuất bản năm 1927, là năm cô Ba sáng chói trên tiền và sắc đẹp. Cụ cũng cho biết cụ có đọc chuyện “Bạch Công Tử gặp Hắc Công Tử” của tác giả Mộng Xuân do nhà in “Xưa Nay” xuất bản cùng năm, đủ biết vào thời đó giai nhơn và công tử ấy nổi danh đến bực nào. Nhà văn lão thành Phạm Thăng cũng là hoạ sĩ có kể lại rằng:”Hồi trước tôi có được xem một tấm hình huê khôi Ba Trà, là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn, đăng trên trang bìa một tờ báo, lâu quá không nhớ tên”. Vào thập niên 1930, chính cô Ba Trà lăng xê mốt áo dài và quần hàng lụa cùng một màu đầu tiên ở Nam Kỳ . Còn cụ Vương Hồng Sển, nhà văn kiêm nhà khảo cổ đã viết:”Cô Ba Trà, đệ nhứt huê khôi ở Nam Kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời, từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”. Nói về những người đẹp đồng thời với cô Ba Trà còn các cô khác cũng nổi danh tài sắc một thời như:
- Cô Hai Thời , có nhà hàng bán cơm Tây ở Đakao, cùng một dãy với rạp chớp bóng Cầu Bông, một người đẹp của Sài Gòn ăn chơi thanh lịch. Về sau cô Hai Thời trở thành vợ kế của ông Trần Văn Kính, thông ngôn Toà án Sài Gòn, một tay ăn chơi đúng mực.
- Cô Joséphine Lệ Ngọc , có người gọi là cô Ba Pho, tên thật là Lê Thị Ngọc, có đạo Công giáo, tên Thánh là Rosalie. Joséphine Lệ Ngọc là người mặt trái xoan, nước da trắng mịn, tóc đen mướt, mũi cao trông rất thanh tú. Cô đi đâu cũng có vệ sĩ.
- Cô Tư Nhị , một người lai hai dòng máu, mẹ người Miên cha Tiều, tức “đầu gà đít vịt”. Khi nhận làm em nuôi của cô Ba trà, lấy tên Mariane Lê Thị Nhị. Cô có thân hình đẹp nẩy lửa, khêu gợi, đam mê vật chất, ăn chơi trác táng phí sức. Các công tử đua nhau săn đón, cô Tư Nhị xài tiền như nước, không kể đến hậu quả. Về sau cô chết trong nghèo đói và bịnh tật tàn phá cơ thể.
Tại Trà Vinh, qua Cầu Ngang có hai anh em công tử Bích và cô Sáu Hương cũng đẹp lừng lẫy một thời. Hai anh em cô mỗi người ăn chơi theo cách riêng. Trai phá của vì bao gái, còn Sáu Hương chỉ ăn chơi theo tiếng gọi của con tim. Tiền bạc đối với cô không đáng kể. Có người biết cô kể lại rằng:”Có thể nói cô Sáu Hương là một trong những giai nhơn tuyệt sắc trong giới ăn chơi. Làm bạn với cô phải là người có học, đẹp trai, và một một người bạn gái rất thân với cô là cô Bảy Phùng Há, đi đâu hai người cũng cặp kè nhau, nên có dư luận cho rằng hai cô là tình nhơn theo kiểu đồng tính luyến ai. Người ta bắt gặp có lần hai cô Sáu Hương – Phùng Há đi ăn nem nướng ở Thủ Đức về đêm”.
Kể về cuộc đời huê khôi Ba Trà ở Nam Kỳ 50 năm trước, có nhiều sách báo viết lại, nhưng mỗi người viết mỗi khác. Trong số sách báo đó, có “Cô Ba Trà, étoile de Saigon” của Nguyễn Bửu Ý xuất bản sớm nhứt vào năm 1927 là lúc nhan sắc cô Ba Trà đang sáng chói, tiền bạc vô như nước, ăn xài như một bà hoàng. Có lẽ không có tài liệu nào chính xác hơn là những lời tự thuật của cô, do nhà khảo cổ si tình cô là ông Vương Hồng Sển ghi lại và bán cho báo “Tiếng Dội” của ông Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm. Ông Quốc có sáng kiến, mua tập hồi ký ấy, đăng độc quyền 17 kỳ liên tiếp trên báo đó, được hàng ngàn độc giả say mê theo dõi.
Viết lại cuộc đời của giai nhơn công tử ăn chơi thời trước không có nghĩa là đề cao các thú vui trụy lạc, mà cũng không nhìn dưới khía cạnh của nhà đạo đức để lên án họ. Công việc của tác giả là nhìn dưới khía cạnh xã hội một hiện tượng độc đáo của nó mà trước đó và sau đó cũng không có được. Đó là thời kỳ vàng son của các ông hội đồng quản hạt, hội đồng địa hạt, ông Đốc-Phủ sứ, cai tổng, đại điền chủ, đến lớp con cái họ, những công tử phong lưu, mới mở mắt ra đã thấy mình ngồi trên núi vàng! Thời đó hạng công tử nhà giàu đi du học bên Pháp về, đỗ đạt hay không cũng trở nên thần tượng của các cô gái tân thời. Thêm vào đó, các phim nhập cảng từ Pháp gây ảnh hưởng đến các thanh niên, gái mới: Ăn chơi không tiếc tiền, có hành động anh hùng mã thượng.
Có người thắc mắc tại sao hồi đó ở Nam Kỳ chưa có tổ chức thi hoa hậu mà lại gán cho cô Ba Trà chức “Huê Khôi?”.
Để nhắc lại một tài liệu xưa nói về cuộc thi hoa hậu lần đầu tiên ở Nam Kỳ mà ban giám khảo, trong đó có bác sĩ Lê Quang Trinh, tình nhơn của cô Ba Trà, nhưng tại sao cô không dự thi để đoạt chức ấy, mà chỉ nhận chức “Huê Khôi hàm” do người đời vì mến mộ nhan sắc của cô đặt cho? Trên tờ báo SGGP có đăng lại tại liệu nầy, kể lại rằng:
“Hoa hậu đầu tiên của Nam Kỳ có lẽ là cô Nguyễn Thị Liễu, nay là một cụ già sức yếu, giọng nói phều phào, bà cụ cho biết: Ba má cô Liễu là chủ hai nhà máy chà lúa ở Chợ Lớn và Hóc Môn. Cô Liễu lấy chồng vào năm 17 tuổi nhưng chỉ được 6 tháng chổng cô chết bị bịnh trong khi hai vợ chồng chưa có con. Thương cô gái sớm goá chồng, một vị cha nhà thờ Huyện Sĩ khuyên nhủ:
- Con còn trẻ đẹp, đời còn dài, con ráng vui lên mà tạo dựng cuộc sống mới!
Hai năm sau, nhằm bữa đi may đồ ở tiệm “Phúc Thịnh”, ngay cửa Bắc chợ Bến Thành ngó qua, ông chủ tiệm may người Bắc, ngắm nghía cô một hồi lâu rồi nói:
- Cô đẹp quá, cho xin địa chỉ. Vài bữa tới có thi hoa hậu, tôi mời cô tham dự.
Ngày đó đôi khi báo chí có kể chuyện thi hoa hậu bên Tây, biết vậy mà đâu có rành rọt ra sao. Về nhà nhờ mấy bạn gái cũng ưa nhìn, cô Liễu rủ tới cho ông Phúc Thịnh coi mặt. Ít bữa sau, vườn Bờ-Rô (Tao Đàn ngày nay) mở hội chợ. Hội chợ nầy tổ chức vào năm 1937, bày bán đủ loại, sòng bạc, quán ăn, ca nhạc, khiêu vũ và mở một cuộc thi kêu là :“Concours élégant Saigon” (Thi tuyển người lịch sự Sài Gòn ). Trước hôm thi vài ngày, ông Phúc Thịnh cho mời cô Liễu cùng nhiều cô gái trẻ đẹp khác ở các nơi, tới lựa hàng vải may đồ không lấy tiền công, vải cũng của ông Lê Trương, chủ tiệm vải ở đường Bonard tặng không cho các cô dự thi.
Hội chợ khai mạc vào buổi tối, nhưng từ xế chiều, các cô đã tề tựu đông đủ tại nhà ông Lê Trương, thay đồ mới, rồi cùng nhau đi bộ tới vườn Bờ-Rô. Hồi đó xe kéo, xe lôi, xe ngựa, xe hơi cũng có, chắc để phô trương tiệm vải của mình, ông Lê Trương dắt cả đoàn diễn hành qua hàng phố. Dân chúng đổ xô ra coi. Họ chỉ chỏ, bình phẩm từng cô ra bộ cũng rành rẽ lắm. Giữa vườn Bờ-Rô có dựng một sân khấu, có đèn hoa, giây màu kết lên rực rỡ. Mười chín cô gái tuổi từ 19 đến 25, thướt tha trong những bộ áo dài đủ màu , đủ kiều ngồi vào ghế xếp quanh sân khấu chờ đợi. Ban giám khảo gồm Trạng sư Kim, cạnh là cô vợ đẹp người Hà Nội. Ông Lê Quang Trinh, Bác sĩ nhà thương Bạc Hà, trước năm 1975 gọi là “Trung tâm bài trừ hoa liễu” đường Hồ Xuân Hương, gần bịnh viện Thanh Quan. Có mấy ông Tây gồm biện lý, ông cò….Sau khi trình diện với tất cả mọi người, các cô gái về chỗ ngồi, rồi lần lượt nghe gọi số thứ tự, mỗi cô được một ông trong ban tổ chức, dắt tay đi vòng quanh sân khấu cho ban giám khảo, các quan chức Tây, ta và đồng bào đứng nghẹt chung quanh cùng chiêm ngưỡng. Mười chín cô ai cũng đẹp. Cô Bửu, vợ ông kỷ sư ở Mỹ Tho mặc bộ áo dài trắng, da cô cũng trắng, đẹp như một nữ hoàng. Cô số 19, nhỏ tuổi nhứt, mặc bộ màu xanh dương trông rất mát mắt. Cô Liễu mặc áo dài màu nâu gụ viền vàng, tay cầm bóp đầm…Không ai thoa son dồi phấn, sơn móng tay mà vẫn xinh tươi, lộng lẫy. Hết lượt, ông chánh chủ khảo yêu cầu cô Liễu đi thêm một vòng nữa. Ngay lúc đó, khán giả bên dưới đã la lên:
- Hoa hậu đây! Người đẹp số 1 đây!
Lại về chỗ chờ ban giám khảo thảo luận. Lát sau Trạng sư Kim bước ra tuyên bố:”Cô Nguyễn Thị Liễu, 24 tuổi là người đẹp nhứt của cuộc thi hôm nay”.
Khán giả vỗ tay rầm rầm, máy hình chụp lốp bốp, các cô cùng thi chạy tới (cô Liễu) tay bắt mặt mừng. Không có băng vải quàng qua ngang vai, không có vương miện, chỉ tặng hoa và một tấm bằng “Diplôme” có chữ ký của ông cò Tây. Tặng xong, các cô được mời tới trước một bàn thật lớn, trên bày đủ thứ làm giải thưởng tự chọn. Hoa hậu chọn bộ ly pha lê, cô thứ hai chọn quạt máy, cô thứ ba chọn đèn ngủ…19 cô ai cũng có phần. Sau tiệc bánh ngọt ai về nhà nấy. Xuân năm 1938 hình Hoa hậu Nguyễn Thị Liễu được đăng lên báo làm bìa (Tờ tuần báo “Vẻ Đẹp”). Hoa hậu Liễu tay ôm bó hoa, dưới đề chữ “Hoa Hậu Sài Gòn”, hình chụp rất tươi.
Sau đó hội chợ còn mở ra dưới Cần Thơ, cô Liễu cũng được mời đi theo để giới thiệu với đồng bào miền Tây. Cô con gái ông Lê Trương có mời hoa hậu Nguyễn Thị Liễu qua Pháp dự thi, nhưng sợ bị dụ dỗ bỏ cha mẹ, nên cô Liễu không đi. Nghe nói con ông Lê Trương cũng được giải chi đó”.
Tại sao cô Ba Trà đẹp nổi danh như vậy mà không dự thi? Trước hết điều kiện dự thi phải từ 18 đến 25 tuổi, mà cô Ba Trà sinh năm 1906, tức 32 tuổi ta, như vậy không đủ điều kiện. Hơn nữa, lúc đó cô Ba Trà đẹp như một đóa hoa mãn khai, không phải như hoa mới nở của thời 1924-27 nữa. Vì lẽ đó cô Ba Trà không dự thi tranh chức hoa hậu mà dân chúng Nam Kỳ vẫn gọi cô “Huê Khôi”.
TUỔI THƠ BẤT HẠNH
Thật khó có ai nghĩ rằng một người đàn bà đẹp, đài các nhung lụa như cô Ba Trà trong gần 20 năm sáng chói trên tiền và danh vọng, lại có một thời thơ ấu bất hạnh. Nếu không có tập hồi ký do chính cô kể lại, chắc chắn không ai biết được lại lịch gốc gác của cô. Thân phụ cô là một người đàn ông kén vợ. Sinh trong một gia đình điền chủ hạng trung, có vài chục mẫu ruộng thuộc tỉnh Chợ Lớn (Tân An sau nầy) đã được coi là hạng khá giả. Sau nhiều lần coi vợ, ông ta mới chấm được mẹ cô, quê ở làng Phước Khánh, quận Cần Giuộc. Quê nội cô tại Cần Đước (Tân Trụ). Trong hồi ký có nói:
“…Khi tôi mới lên 5 tuổi, một biến cố đã làm tan nát gia đình tôi cũng vì mẹ tôi là người có sắc đẹp. Chỉ nghe phong phanh rằng mẹ tôi ngoại tình, ba tôi tức giận thổ huyết mà chết. Hay tin sét đánh, từ Cần Giuộc, bà nội tôi lên tới nợi. Đứng trước quan tài, bà khóc oà rồi ngất xỉu và chết luôn. Hai quan tài song song, nghe mẹ tôi kể lại, không còn cảnh thương tâm nào bằng. Bà nội tôi là người thương tôi nhứt theo như trí hiểu biết của tôi, vì mỗi lần tôi về nhà bà, đều được tưng tiu chiều chuộng đủ mọi thứ. Có lẽ bà bị bịnh đau tim, lúc đó gọi là trúng gió, nên chết bất đắc kỳ tử. Tình thương duy nhứt của tôi cũng mất theo từ đó. Ai có đi đưa đám thấy hai chiếc quan tài đi song song cũng mủi lòng, không cầm được nước mắt. Chôn cất xong, một tai ương khác trút xuống trên đầu mẹ con tôi. Bác trai tôi, người đại diện cho gia đình bên nội, kêu mẹ tôi đến rồi tự tay lột cái mũ mấn (tôi đội để tang) xuống và tàn nhẫn nói rằng:
- Lúc lâm chung, thằng Trần Ngọc Trí (cha tôi) có nói rằng, không nhìn nhận nó là con ruột của ông!
Từ đó, bác tôi đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà bên chồng trong lúc mẹ tôi bụng mang dạ chửa (em tôi) và đứa con thơ là tôi. Tôi thấy mẹ tôi cắn răng, gạt nước mắt chịu đựng, tay bồng tôi, tay ôm bọc quần áo đi bộ về nương náu bên nhà bà ngoại. Con gái có chồng, gặp cảnh khổ, ẵm con về mẹ ruột. Người xưa thường nói câu:”Cháu bà nội, tội bà ngoại”. Bao nhiêu cay đắng, cực khổ bà ngoại tôi lãnh hết. Tôi rất buồn mà kể lại chuyện nầy, không rõ mẹ tôi hận người đàn ông bạc tình thế nào mà bao nhiêu hờn giận ba tôi, bà trút lên đầu đứa trẻ vô tội là tôi. Có lúc mẹ tôi đánh tôi như trả thù, bao nhiêu củi đòn củi chẻ bà quất tưới lên mình tôi rướm máu, mà còn nói:
- Tao đánh mầy cho chết, cho tiệt nòi giống quân đoản hậu!
Tôi nào có biết gì, một đứa con nít ngây thơ tám, chín tuổi trở thành nạn nhơn của những cơn thịnh nộ của bà. Đến nỗi, năm lên chín tuổi, tôi lớn chồng ngồng cái đầu mà mẹ tôi chưa cho tôi đi học, trong khi những đứa trẻ khác ở lối xóm đã đi học từ lúc lên sáu hoặc bảy tuổi. Thấy chúng tung tăng đến trường, hay mỗi khi đi học về, cười nói huyên thuyên tôi tủi thân. Cũng có lúc mẹ tôi vui, mua bánh trái ăn không hết, nhưng lúc giận đánh tôi túi bụi. Tại sao cha tôi gây tội với mẹ, hay phản bội mà mẹ lại đánh con để trả thù”.
Trong lúc nhan sắc về chiều, có lần cô Ba Trà tâm sự:
“Tôi là một người hư đốn, sống cuộc đời ba chìm bảy nổi cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Thiếu tình phụ tử, thiếu tình thương yêu săn sóc của mẹ, không được học hành (chỉ học được vài ba năm), chỉ có gia tài duy nhứt do trời ban cho, đó là sắc đẹp. Nhưng cũng vì đẹp nên tôi trở thành nạn nhơn của tục lệ tảo hôn. Năm tôi được mười bốn tuổi, mẹ tôi gả (hay bán tôi) cho một bác sĩ người Pháp, có tiền để mua thú vui xác thịt. Cũng may là người ấy hiền, có lòng từ tâm, cho tôi đi học tiếp với tụi học trò nhỏ hơn tôi năm, bảy tuổi. Tôi đi học chung với bọn học trò còn để chóp, học vỡ lòng A, B, C, tập viết, tập đồ …Vì lẽ đó sau nầy lòng tôi chai đá, không biết rung động yêu thương ai thật tình”
Cô nói:”Tôi như nước đổ lá môn, xối bao nhiêu cũng đều trơn trợt, tuột ngoài da . Cho tới bây giờ tôi cũng không rõ mẹ tôi vì túng tiền hay vì muốn gả tôi cho khuất mắt, nên bằng lòng gả cho người ngoại chủng. Tôi nhớ lại trong lớp tôi học, có hai đứa cháu, tôi thuộc vai “dì” của chúng, mà chúng cũng không nhìn nhận tôi là kẻ thân thuộc, thật tủi thân cũng vì tôi nghèo và sớm mồ côi. Ngày bà ngoại tôi mất, người nhà vô trường lãnh hai đứa cháu tôi về để tang bà cố, còn tôi, họ coi như người dưng. Nhớ tới ngoại, nhớ khi bà cho từng lóng mía, củ khoai, có lẽ chỉ có bà là người thương tôi sau cùng mà đã chết. Tôi trơ trụi, phó mặc cho cuộc đời. Không ai dạy dỗ, không ai săn sóc yêu thương, không ai chia sẻ ngọt bùi, tôi ra đời sớm, từng trải là như vậy, nên sau nầy gặp nhiều người hết dạ thương tôi mà tôi lại vô tình đến tàn nhẫn. Tôi hối hận vô cùng!
Lần đó, tôi phải bỏ trường, trốn, leo rào về nhà để nhìn mặt bà ngoại lần cuối. Nhưng than ôi khi tôi về tới nhà, nắp hòm đã đậy lại. Tôi khóc như mưa vì đâu có thấy mặt bà. Tôi nhớ từ lúc ba tôi mất, mẹ tôi đem về giao cho bà ngoại tôi nuôi dưỡng. Còn má tôi đi biệt, nói rằng đi làm ăn buôn bán, lâu lâu mới về. Cho đến khi ngoại tôi mất, tôi mới theo má tôi, và bị ép gả lấy chồng Tây năm mười bốn.
Má tôi là người đàn bà có nhan sắc, nói theo hồi đó, đi ra đường nhiều người dòm ngó. Lên sống ở Sài Gòn, bà lấy chồng người Tàu, làm nghề buôn á phiện, trước nhà có treo một cây cờ vải, trên có hai chữ “R.O.” mà sau nầy tôi mới biết là “Régie d’Opìum”, có nghĩa là đại lý bán thuốc phiện. Hồi đó nghề nầy rất phổ thông, được người Pháp khuyến khích. Nhà dượng ghẻ tôi ở bên Xóm Chiếu tức khu Khánh Hội bây giờ. Được vài năm, mẹ con tôi dọn về một đường hẽm nhỏ, gần chợ Bến Thành mới cất (năm 1914) đường D’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn). Chỗ nầy gần ga xe lửa Mỹ Tho, là chỗ thị tứ nhiều hành khách đi xe lửa từ miền Trung tới, từ Mỹ Tho lên. Sau gần một năm chung sống với bác sĩ người Pháp, tôi trở thành tự do vì ông ta mãn hạn phải về xứ. Tôi tiễn ông ra bến tàu không chút bịn rịn, mà ông cũng không thèm cho tôi một đồng bạc để ăn bánh.
Rời khỏi cảnh cá chậu chim lồng tôi trở về sống với mẹ. Lúc nầy tôi trổ mã con gái, lối xóm người nào cũng trầm trồ vì tôi đã biết làm dáng. Lúc đó tôi bưng thúng cho mẹ tôi bán chả giò và nhiều thứ bánh trái theo trên xe lửa chạy Sài Gòn – Nha Trang”
Cũng nên nhắc lại rằng chương trình xây dựng đường hoả xa xuyên Việt được hoạch định dưới thời Toàn Quyền Paul Doumer, với sự tài trợ của các ngân hàng Pháp. Con đường chia làm nhiều giai đoạn. Trong Thế Chiến Thứ Nhứt việc xây dựng phải gián đoạn. Sau đó công cuộc đặt đường rầy tiếp tục nhưng cũng bị thiếu tiền nên mãi đến năm 1932, con đường chỉ mới tới Đông Hà. Phía Nam con đường sắt chạy ra tới Nha Trang gọi là “Ga chót”. Hành khác từ Hà Nội vào Sài Gòn hay ngược lại, phải xuống xe lửa ở Nha Trang, đáp xe ca đi tiếp ra Đông Hà. “Lúc đó tôi nổi danh là “cô Ba chả giò.” Mỗi khi tôi lén má tôi, mặc chiếc áo bà ba bằng xuyến đen mà tôi đã chắc mót từng xu để mua được, ai cũng trầm trồ khen ngợi:
- Con chị Tám (mẹ tôi thứ tám) coi ngộ quá!
Tôi lại bắt chước người sang, mua đôi guốc “ngù ngà” tức là loại guốc không có quai, khi đi, hai ngón chơn cái và trỏ kẹp vào cái ngù tròn, có núm ở trên cho khỏi rớt ra. Đời sống của tôi bắt đầu thay đổi. Buôn bán tuy cực nhưng cũng vui vì có dịp quen nhiều người, có tiền ăn bánh. Hạnh phúc tuổi thơ chỉ có bấy nhiêu mà thôi. Trong thời gian bán theo xe lửa, tôi gặp một người đàn ông lịch sự, nhiều tiền, thấy tôi gọn ghẽ trong bộ đồ bà ba vải săn đầm cắt khéo, vừa vặn, bó căng vóc mình như “con chim óc cau mùa lúa trổ”, mông von von, vú tròn, đùi dài cẳng son, trông giống như cô học trường áo tím (tức trường Gia Long sau nầy) mà có ai biết đâu đó là cô gái đã có một đời chồng. Lúc đó tôi biết mình đẹp. Mặt trái xoan, mũi dọc dừa, má hồng môi đỏ tự nhiên, chưn mày đều đặn, lông mi dài và đen, cặp mắt ngây thơ ướt rượt như con chim bồ câu khát tình. Tôi có vóc mình vừa vặn không cao không thấp, đi đứng khoan thai, có dáng con nhà trâm anh, mà tôi đâu có ngờ. Một hôm tôi đang lo bán hàng và đề phòng bọn đá cá lăn dưa giựt đồ, mà đâu có dè một người mặt mũi sáng láng, còn trai trẻ, đang nhìn tôi say mê. Sau khi trở thành vợ Toàn ( người thanh niên gặp trên xe lửa) tôi mới biết lý lịch anh ta. Chồng tôi tên Toàn, người Tiều. Thân phụ anh có cửa hàng buôn bán tạp hoá lớn tại Phan Rang, Nha Trang và một tiệm chánh tại Chợ Lớn. Ông có ba người vợ: một Tàu, coi tiệm chánh tại Chợ Lớn và hai người vợ Việt coi tiệm ở tỉnh. Do đó, Toàn có dịp ra vào Nha Trang, Phan Rang, Sài Gòn thường trực. Anh là một tay công tử, ăn bận sang trọng, ăn chơi lịch lãm, dân buôn bán, anh chị đứng bến xe đều kiêng nể. Sau này anh Toàn kể lại chuyện gặp tôi lần đầu, anh mê mẩn tâm thần, nên vừa thấy chị Mười Ên (Mười Anh) anh liền hỏi:
- Chị Mười, con nhỏ con nhà ai mà ngộ quá? Làm mai cho tôi đi chị! Chị làm mai được tôi cho chị tiền, chị o nó cho mau mau đi!
- Trời đất ! – chị Mười nói – thì ít ra cũng phải bắt tình với nó trước đã chớ. Cậu viết thơ tỏ tình cho thật mùi, rồi tôi đưa nó giùm cậu.
Năm đó tôi mười lăm tuổi mà còn ngây thơ. Bao nhiêu thơ ai gởi tôi đều đem cho má tôi coi không sót cái nào. Má tôi không rầy ra như tôi tưởng. Có lẽ bà điều tra gia đình Toàn rồi, và hai tuần lễ sau cha mẹ Toàn từ PhanRang đến nhà má tôi xin cưới tôi cho Toàn. Từ đó tôi về làm dâu một gia đình người Tiều, ăn ở theo phong tục người Hoa. Bà mẹ chồng tôi ở Phan Rang, là người nhơn đức, thương tôi, không cho làm công chuyện nặng nhọc nhưng có một điều bắt buộc tôi phải ăn bận theo kiểu Tàu. Chiếc áo xẩm bó ngực lòi cánh tay trắng trẻo, càng tăng thêm vẻ đẹp. Cũng từ đó tôi đẹp thêm, nhan sắc mặn mòi. Khi tôi đi chợ, nhiều người thanh niên dòm ngó, chọc ghẹo. Mỗi lần tôi bận đồ xẩm ra đứng trước ngõ là mẹ chồng tôi kêu vô nhà vì những người đi đường hay trầm trồ khen ngợi. Tưởng đâu như vậy là cuộc đời có hạnh phúc. Nào ngờ chồng tôi là người đàn ông háo sắc. Anh như con bướm lượn quanh những bông hoa đẹp. Có vợ đẹp nhưng vài tháng bắt đầu chán, đi tìm của lạ. Đàn ông trăm người như một. Mới vài tháng Toàn có mèo là một nữ y tá. Tôi bắt đầu ghen. Một hôm gặp cô ấy ngoài chợ, tôi làm một trận gây gổ với cô ta. Không những không binh vực vợ mà Toàn tỏ ra lạnh lùng, vô trách nhiệm. Chán ngán cảnh có chồng không thủy chung, tôi tìm cách trốn gia đình Toàn để về mới má tôi. Một hôm, mới khuya, tôi đã lẻn ra ga xe lửa mua giấy về Sài Gòn , nhưng người bên chồng tôi theo bắt lại. Tôi buồn và thất vọng vô cùng. Tuy không bị ba má Toàn chưởi bới đánh đập, nhưng họ cấm cung tôi, không cho tôi đi ra ngoài thong thả như trước !
Sống cô đơn, tôi lén viết thơ về má tôi, nói thương nhớ và muốn về thăm bà. Má tôi viết thơ cho Toàn nói rằng bà cũng nhớ tôi, muốn tôi về thăm bà một lần. Trúng kế, lần nầy chim sổ lồng lần thứ hai, tôi ở lại với má ngọt bùi có chừng nửa tháng, rồi sau đó bà dằn vặt tôi, mắng chưởi tôi như trước. Tôi được một chị bạn xót xa tình cảnh mua cho một giấy xe lửa trở về Phan Rang với Toàn. Chuyến ra tôi lừng khừng thấy xe ngừng tại ga Mường Mán, tưởng đã về Phan Rang, bèn xuống xe lửa. Hoá ra mới tới Phan Thiết. Trong cái rủi còn gặp cái may. Tôi gặp chị Mười Ên hồi trước làm mai tôi cho Toàn như gặp vị cứu tình. Chị Mười đưa tôi vào một tiệm buôn, té ra đó là chi nhánh của hãng buôn ba Toàn. Họ nhắn tin, Toàn vào rước tôi. Gặp lại tôi trong hoàn cảnh trớ trêu, rồi nhìn tôi nhan sắc tiều tụy, Toàn cảm động. Anh dẫn tôi ra chợ ăn mì, mua cho tôi một lượt mười cây lãnh đen để tôi mặc sức may quần áo. Tôi là người mặc áo và quần lãnh đen một thứ hàng đầu tiên, được nhiều người chú ý, khen ngợi tôi nhờ nước da trắng, vóc dáng thanh tú, trông thật xinh như thiếu nữ con nhà khuê các. Tôi trở về Sài Gòn lạy mẹ tôi xin lỗi, nhưng má tôi nói một câu hết sức tàn nhẫn:
- Mầy còn trở lại với nó (Toàn) tao giết mầy!
Thật tội nghiệp cho Toàn. Anh có bỏ bê tôi, nhưng cũng đã ăn năn và chu cấp tiền bạc cho tôi, tỏ ra săn sóc tôi lúc tôi trở về với anh. Tôi định bụng sẽ sống với anh suốt đời. Có lẽ má tôi hận đàn ông bạc tình, rồi giận luôn Toàn, và bà cho rằng nếu tôi ở laị với Toàn sẽ bị ruồng rẫy, phụ bạc như bà hồi trước chăng? Riêng tôi ngày nào cũng trông tin tức của Toàn. Tôi nhắn người nói cho Toàn biết, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Rồi những trận đòn tàn nhẫn như trút tất cả tội lỗi lên đâu. Tôi nghĩ “một liều ba bảy cũng liều” nên trốn má tôi ra đi. Lúc nầy trong mình tôi có một số tiền, đó là nữ trang anh Toàn cho tôi. Ngoài đôi bông tai nhận hột xoàn trị giá chừng 400 đồng (giá vàng khoảng 50 đồng) và một số quần áo. Lần nầy nghe một chị em bạn xúi, tôi đến xin tá túc nhà chị Sáu Mão ở đường Paul Blanchy, nay là đường Hai Bà Trưng. Chị Sáu Mão là dân có dĩ vãng xấu, có chồng ghiền. Chị chuyên nấu cơm tháng cho mấy thầy thông, thầy ký chưa vợ. Chị thích làm mai mối “vợ chồng qua đêm”, cột anh nầy với chị kia để kiếm tiền. Thân tôi như con nai tơ vào hang cọp đói. Đến ở với chị Sáu Mão, tôi gởi hết nữ trang cho chị, rồi ngày ngày nấu cơm, giặt giũ, rửa chén như con ở. Một đêm tôi bị đau mắt, chị Sáu Mão bày mưu cho chồng chị lấy lưỡi rà mí mắt cho hết nhặm, rồi anh ta đè tôi xuống hôn tới tấp. Tôi định la lên, chị tỉnh bơ:
- Anh Sáu mầy đã nói với tao rồi. Chịu đại cho êm!
Thấy ở chỗ nầy lâu sanh chuyện, tôi tìm cách trốn đi lần nữa. Khi tôi hỏi lấy lại các món nữ trang đã gởi, chị Sáu Mão nói đem cầm cho ChàChetty mới có tiền nuôi tôi cả tháng nay. Biết mình bị gạt, tôi lau nước mắt nhịn nhục. May mắn tôi gặp một người lối xóm nhơn đức (?) khuyên tôi trốn đi qua ở với chị ấy. Ban đầu tôi sợ chị Sáu Mão trả thù, nhưng nghĩ mình trơ trọi, tiền bạc cũng hết, nên liều. Không ngờ mới qua ở với chị Ba hàng xóm được bảy hôm, thì anh Toàn từ Phan Rang mò vô tìm vợ. Anh Toàn đến nhà chị Sáu Mão tìm tôi như trong thư tôi đã nhắn với anh. Đến nơi hỏi tên tôi, chị Sáu Mão đóng kịch, khóc như thật:
- Trời đấu qủy thần ơi! Dượng Ba, dượng vào đây trễ quá rồi! Cô Ba đau mắt tưởng không xong, may nhờ vợ chồng tôi tận tình chạy chữa, công lao không kể, nay đổ nợ tùm lum, hằng ngày phải chạy đủ số tiền góp cho họ, tính ra vốn lời trên 700 đồng. Không biết làm sao đây! Thật khổ quá chừng!
Nghe nói tưởng thật, Toàn móc bóp đưa chị Sáu Mảo 500 đồng mới yên. Toàn nóng ruột:
- Vợ tôi đâu?
- Tôi đem giấu trên kia. Chỗ đó khó vô lắm, để tôi lên kêu cô Ba về cho Dượng thấy mặt vợ.
Nhưng tơ duyên đã dứt khó hàn gắn. Bây giờ tôi lại muốn sống tự do hơn ràng buộc vào một người . Chim sổ lồng khao khát cảnh đất rộng trời cao. Nó đâu bao giờ nhớ cảnh lồng son gác tía mà quay trở về”.
TỪ CÔ GÁI LẠC LOÀI …
THÀNH BÀ HOÀNG ĂN CHƠI SANG CẢ
THÀNH BÀ HOÀNG ĂN CHƠI SANG CẢ
“Gặp Toàn ở nhà chị Sáu Mão lần đó là lần chót. Toàn cho tôi một số tiền”. Trà như ngựa quen đường cũ, tìm tới tá túc những người quen chứa chấp. Nhờ bạn giới thiệu, cô Ba Trà đến ở đậu nhà Dì Tư Ăng-Lê, ở đường Richaud mà trước 1975 gọi là đường Phan Đình Phùng. Dì Tư Ăng-Lê, Trà vẫn gọi như vậy, là một người đàn bà tuổi xấp xỉ 40, từng trải, trước có chồng người Anh, dân ta quen gọi là “người Ăng-Lê” nên người quen thường gọi bà ấy là “Dì Tư Ăng-Lê” hay Dì Tư Lê mà không ai thắc mắc tên họ thật của người đàn bà ấy làm gì. Là một người từng trải, Dì Tư Ăng-Lê giúp cô Ba Trà lột xác. Từ một cô gái quê lạc loài, cô Ba Trà bước lên ngôi vị một huê khôi đầy hương sắc, đẹp lộng lẫy. Lúc đó Trà mới bước vào tuổi 20, như đoá hoa hé mở, ong bướm dập dìu. Nhờ Dì Tư Ăng-Lê dạy cách trang điểm, thoa son thế nào, hiệu nào tốt, phấn nào ăn da mặt, đánh phấn thế nào để làm tăng vẻ đẹp tự nhiên. Ngoài ra, cô Ba Trà còn được Dì Tư Ăng-Lê chỉ cách đi đứng khoan thai, nói năng có duyên để làm cho đàn ông mê mệt… Từ đó, cô Ba Trà bước vào giới ăn chơi của giai cấp thượng lưu xã hội bấy giờ. Tuy nhiên cô Ba Trà cũng nhiễm thói hư tật xấu của những người đàn bà ăn không ngồi rồi: Cờ bạc. Nhà Dì Tư là chỗ hốt-me, đánh tứ sắc. Ban đầu Trà học chơi để cầu vui, nhưng dần dần trở thành ghiền…cho đến cuối cuộc đời. Cũng tại nhà Dì Tư Ăng-Lê, các công tử, các nhà tai mắt thường tới lui dập dìu mỗi cuối tuần, mà cô Ba Trà được bác sĩ Trần Ngọc Án. Bác sĩ Án là một lương y, giàu lòng nhơn, giàu tình cảm và cũng lãng mạn. Bốn mươi tuổi, có vợ, nhưng vẫn còn đèo bồng. Gặp Trà là một thiếu nữ mới lớn, đẹp lộng lẫy như tiên nga, ông yêu liền, mướn nhà riêng cho cô ở, chu cấp tiền bạc cho cô xài, và đưa cô đi chơi những chỗ sang trọng. Bác sĩ Án thương yêu cô thật tình, nhưng cô chỉ có yêu tiền.
Chúng tôi muốn nói thêm về ông bác sĩ Trần Ngọc Án. Ông là người tình ơn nghĩa, độ lượng nhứt đối với cô Ba Trà mà sau nầy hồi tưởng lại, cô nhớ tới ông từng cử chỉ, từng cách săn sóc, nhứt là trong lúc Trà sa cơ, chán đời. Lúc đó Trà chỉ biết có tiền, tâm hồn Trà chai lì, cho nên những cử chỉ cao thượng, lời nói ngon ngọt dỗ dành của ông bác sĩ cũng như nước chảy đầu vịt. Có lúc xin tiền ông , nhưng cô ăn nói cộc lốc vô tình với ông . Có lần bác sĩ Án lái xe đưa cô đi Vũng Tàu hứng mát. Tới nơi, ăn uống xong, ra bãi biển ngắm trời trăng mây nước , cô buồn bã đòi về và khóc oà. Bác sĩ hỏi cô, cô trả lời:
- Tôi nhớ nhà!
- Nhà gì? Ở đâu?
- Thú thật với anh, tôi nhớ chồng tôi lắm!
- Chồng nào nữa?
- Dạ thưa người chồng ở Phan Rang, anh Toàn!
- Tại sao ra đây với anh mà em lại nhớ chồng Phan Rang?
Rõ ràng hai người đồng sàng dị mộng. Lần đó bác sĩ Án vội vàng lấy xe đưa cô về nhà với nỗi buồn và thất vọng.
Khi đã mướn phố cho Trà ở riêng tại đường Lareynière, Trà cũng hay đi vắng luôn. Có lần bác sĩ Án tới tìm không có cô, lại nhà dì Tư Lê là người được ông cho tiền để làm người quản gia, nấu nướng giặt giũ cho cô, cũng không có, nên khi gặp mặt Trà, ông hỏi:
- Ba tuần lễ nay không thấy mặt em ở nhà?
Trà làm thinh không trả lời.
-Em đi đâu và ở đâu?
- Không đi đâu hết!
- Bộ em ngủ ngoài trời hay sao?
-Dạ không ! Tôi ngủ tại nhà bồi của dì Tư.
- Sao anh ghé đó mà không thấy?
- Tại tôi dặn bồi nói như vậy!
- Vì lẽ nào em nói dối với anh?
- Vì tôi sợ người ta biết là tìm tới.
- Ai?
- Các chủ nợ.
- Em là gì đến thiếu nợ?
- Tôi giấu anh, tôi thua me ở sòng bài thầy Bảy Phương và mắc nợ nhiều.
- Nhiều là bao nhiêu?
- Ba ngàn, ủa bốn ngàn!
- Em trốn nợ, rồi em trốn anh nữa sao? Hay là em có mèo? Em có thương ai nói thiệt cho anh biết?
- Tôi buồn, tôi có đi chơi với họ mà tôi không thương ai hết…
- Nếu bây giờ có tiền, em còn đi chơi nữa không ?
- Thưa không ! Tôi sẽ ở nhà.
Rồi bác sĩ Án hứa sẽ cho cô ba ngàn, hẹn vài hôm cho người cầm tới. Quả đúng như vậy, chỉ hai ngày sau Trà được tiền của bác sĩ.
Hai mẫu đối thoại trên đây cho chúng ta biết ông Án đối với cô cao thượng, tình nghĩa nhưng cô là kẻ bạc tình, tàn nhẫn nữa là khác.
Trần Ngọc Án là người quê ở Trà Vinh, sinh năm 1888, một trong các bác sĩ tốt nghiệp tại Trường thuốc Hà Nội đầu tiên. Bác sĩ Án là bạn thân bác sĩ Nguyễn Bính (nhà văn tiền phong Biến Ngũ Nhy, và là thân phụ nhà văn An Khê), là bạn cùng khóa với bác sĩ Ngởi ở Sa Đéc, bác sĩ Trần Văn Lới ở Vĩnh Long. Tuy hấp thụ Tây học, nhưng bác sĩ Án là người có tâm hồn thi sĩ, có nghiên cứu Hán học và thích văn chương thi phú. Đương thời, bác sĩ Án làm việc tại bịnh viện Chú Hoả, gọi là Clinique Hui Bon Hoa đường Bonard (tức Lê Lợi), ngó xéo qua chợ Bến Thành. Bác sĩ Án lập gia đình với bà Nguyễn Thị Đối, con ông Chánh Tổng Nguyễn Tường Hưng, người ở Mỏ Cầy, Bến Tre. Hai ông bà sống hạnh phúc, tương đắc vì cùng chung sở thích: Văn Thơ. Tuy nhiên cho đến cuối cuộc đời hai người vẫn không có con. Bà Đối là một nữ sĩ, bút hiệu Song Thanh. Tuy làm thơ nhiều, nhưng ông bà chỉ muốn xướng hoạ với bạn bè, thân hữu hơn là gởi đăng các báo. Từ năm 1943, ông Án có lập “Diêu Trì thi xã”, tập họp một số bạn hữu để cùng nhau xướng hoạ văn thơ, một thú vui tao nhã lúc bấy giờ. Trong Tao đàn “Diêu Trì” của ông bà, có thi sĩ Thường Tiên Lê Quang Nhơn, con trai nữ sĩ Trần Ngọc Lầu (Vĩnh Long) và ông Cai Tổng Lê Quang Chiểu (Phong Điền), cũng là người chủ xướng thi xã khác: thi xã Nam Phong, tồn tại đến thập niên 1960. Ngoài các cụ Thường Tiên, Diêu Trì thi xã gồm các ông có nền tảng Nho học lẫn Tây học vững chắc như cụ Thượng Tân Thi Phan Quốc Quang, Hồ Biểu Chánh, Biến Ngũ Nhy Nguyễn Bính…Về sau thi xã nầy có thêm nhà thơ Nguyễn Vỹ, Thuần Đức Nguyễn Trung Hậu. Ông Hậu là một thì sĩ có tiêng, cũng là bạn của ông Trần Văn Hương, là người yêu nước, mộ đạo, thích làm việc nghĩa…Bác sĩ Án có bút danh là Diên Hương, tác giả quyển “Từ điển Thành ngữ Điển tích” tái bản nhiều lần. Ban đầu, ông sưu tầm để chơi, sau có người khuyến khích xuất bản để giúp ích cho đời, ông mới cho xuất bản và được độc giả hoan nghinh. Và Song Thanh thường làm thơ Đường, có giọng trang nghiêm. Nhận xét về thơ của nữ sĩ Song Thanh, Nguyễn Vỹ viết:
“Chúng ta có thể nói rằng so sánh với thơ của Bà Huyện Thanh Quan tế nhị trong nét tả cảnh, tả tình, thơ của bà Tương Phố lâm ly sầu cảm, thơ của bà Ngọc Anh thanh thoát nhẹ nhàng thì thơ của bà Song Thanh thâm trầm, cô đọng.”
Nhắc tới Nam Phong thi xã, chúng ta được nghe cụ An Khê kể laị:
“Bác sĩ Nguyễn Bính sinh năm 1886 tại Trà Vinh, đồng hương với bác sĩ Án và là bạn học của ông Án tại trường Collège Le Myre de Vilers Mỹ Tho, cùng tốt nghiệp Trường thuốc tại Hà Nội. Sau nầy Nam Phong thi xã có thêm một số vị mới gia nhập làm thành viên như Lệ Tâm, vợ ly thân của ông Cò mi Lê Tấn Đinh. Bà Lệ Tâm là bạn và người yêu của thi sĩ Chim Xanh trong mối tình ngang trái, và gây cái chết thảm cho thi sĩ Chim Xanh khi bị vây bắt tại chợ Thái Bình Sài Gòn . Về sau Lệ Tâm đổi tên là thi sĩ Trúc Lâm Nương, trở thành Giáo chủ Huỳnh Đạo của nhóm Hồng Môn. Quốc trưởng Phan Khắc Sửu từng đến chơi và hoạ thơ của bà.” Cụ An Khê nói: “Nếu tôi nhớ không lầm thì thi xã Nam Phong mỗi tháng họp mặt một lần tại tư gia của các thành viên. Trước năm 1968 thường họp ở nhà bác sĩ Án, ở xế cổng sau Dinh Độc Lập. Đêm mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng vi phạm lịnh hưu chiến tấn công vào dinh nhưng thất bại. Thấy ở đó chiến sự gần kề, nên ông bà bác sĩ Án bán nhà lên Đà Lạt ở. “
Về sau Nam Phong thi xã thỉnh thoảng họp ở nhà bác sĩ Bính. Các thi hữu thường tới lui có:
- Thường Tiên Lê Quang Nhơn, tôi hay gọi bằng bác Phán Nhơn.
- Thường Lạc nữ sĩ, em gái bác sĩ Án.
- Mộng Hoa nữ sĩ, mợ dâu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
- Thanh Liên nữ sĩ, goá phụ bác sĩ Đốc.
- Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm tạp chí Phổ Thông.
- Long Giang Đỗ Phong Thuần, đông y sĩ.
- Sĩ Tài, hoạ sĩ chuyên vẽ tranh.
- Biến Ngũ Nhy Nguyễn Bính.
- Tuần lý Huỳnh Khắc Dụng.
- Thân văn Nguyễn Văn Quý
- Cụ Trà Giang…
- Thường Lạc nữ sĩ, em gái bác sĩ Án.
- Mộng Hoa nữ sĩ, mợ dâu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
- Thanh Liên nữ sĩ, goá phụ bác sĩ Đốc.
- Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm tạp chí Phổ Thông.
- Long Giang Đỗ Phong Thuần, đông y sĩ.
- Sĩ Tài, hoạ sĩ chuyên vẽ tranh.
- Biến Ngũ Nhy Nguyễn Bính.
- Tuần lý Huỳnh Khắc Dụng.
- Thân văn Nguyễn Văn Quý
- Cụ Trà Giang…
Mỗi lần bình thơ có ca sĩ Nguyệt Ánh ngâm thơ các vị. Sau khi ngâm thơ, bình thơ có buổi tiệc. Tôi không nhớ trong những buổi họp mặt ấy có cụ Trần Văn Hương hay không (lời cụ An Khê), nhưng qua những câu chuyện trong gia đình, tôi nghe được là Nguyễn Văn Thiệu có ý muốn phối hợp bà mợ dâu, nữ sĩ Mộng Hoa cho cụ Hương, mà những vị trong thi xã chê Nguyễn Văn Thiệu muốn lợi dụng cụ Trần Văn Hương. Mãi đến bảy năm sau, cụ Hương mới bằng lòng đứng chung liên danh ứng cử với Thiệu, tôi mới hiểu ra thâm ý của Thiệu chuẩn bị nhiều giai đoạn cho sự cầm quyền của y”.
Năm 1952, bà Lệ Tâm tức thi sĩ Trúc Lâm Nương, có hiệu là Hồng Tâm, được người đời gọi là Huỳnh Đạo giáo chủ vì bà có công khai sáng môn phái mới: Pháp môn trai tịnh, phải nhịn ăn để lọc xác thân tinh khiết, và cũng để trị bịnh gọi là “Hồng Môn Minh Đạo”. Phái nầy lập chùa tại ấp Bác Ái, đường Vạn Kiếp (Gia Định), nơi chùa Long Vân. Năm 1954, tín đô theo rất đông, chùa nhỏ không đủ chỗ, bà Hồng Tâm mới xây cất ngôi Hồng Môn Minh Đạo khác. Chùa nầy ở giữa chánh điện thờ Phật, Thánh, Tiên.
Bác sĩ Án là người hiền lành, giàu tình cảm và lòng nhơn, nhưng cũng là khách đa tình. Cũng như một số thanh niên trí thức thời đại, bác sĩ Án thường tới lui các sòng bạc vào những ngày cuối tuần để chơi giải trí hơn là ăn thua. Hôm nào có lễ lớn, bác sĩ thường rủ bạn tới nhà chơi bài “Chemin de fer”, tứ sắc … Bạn bài bạc của ông rất chọn lọc như bác sĩ Ngới, Trường Tiên Mỹ (người Tàu), bác sĩ Trinh. Cũng vì hay đánh bạc để giải trí nên bác sĩ Án cũng không lạ gì với thầy Sáu Ngọ, Sáu Nhiêu ..vua cờ bạc Sài Thành. Có lần tới nhà Dì Tư Ăng Lê, bác sĩ Án gặp cô Ba Trà. Như tiếng sét ái tình, bác sĩ Án ngây ngất trước sắc đẹp lộng lẫy của cô gái mới lớn. Ông săn sóc cô, mướn nhà riêng để lầp “phòng nhì”, định làm của riêng. Thế là từ căn nhà tạm, ở chung với Dì Tư Ăng Lê, cô Ba Trà về nhà mới do bác sĩ Án mướn với đầy đủ đồ đạc mới sắm. Lại có người đỡ đần, săn sóc là Dì Tư, vì bác sĩ tin người ấy để thỉnh thoảng ông tới lui hú hí với người đẹp. Cô Ba Trà bắt đầu ngồi xe mui trần, tới lui chỗ sang trọng, đi ăn uống những tửu quán danh tiếng để được quen nhiều người cũng nhờ bác sĩ Án dẫn dắt. Ông chỉ cô cách cầm muỗng nĩa theo kiểu Tây, cách ăn uống của người quí phái. Cuộc đời lên xe xuống ngựa của cô Ba Trà bắt đầu từ đó. Ăn sung mặc sướng, tiền bạc phủ phê, lại rảnh rang ăn không ngồi rồi nên cô Ba Trà vướng nghề cờ bạc. Đồng thời lúc nầy cô Ba Trà được nhiều công tử săn đón. Cuộc đời cô Ba Trà bắt đầu sáng chói trên nhan sắc, tiền và biết bao người hào hoa phong nhã bao vây. Những người Sài Gòn thấy cô Ba Trà xuất hiện lần đầu tiên trên chiếc xe mui trần đắt tiền, ngồi cạnh bác sĩ Án dạo chơi mỗi chiều.
Sài Gòn năm 1925…Ngồi không ăn mãi, cờ bạc núi cũng lở. Bây giờ cô Ba Trà được nhiều người nghe tiếng, nên nhiều người ta bu quanh cô, tranh nhau chiếm cảm tình của cô, nhưng cô vẫn là người chỉ biết đồng tiền. Tình cảm cô đã chai. Ai cho tiền thì cô xài, xài rất phí phạm để tạo ra những thói quen phong lưu, trả thù những lúc hàn vi nghèo khó.
- Đi lại Yvette chơi!
Đó là một câu thông dụng của giới đàn ông, công tử thường lui tới nhà hàng “Đông Pháp lữ quán”, nơi huê khôi Ba Trà ngồi “kết” (cashier). Đông Pháp lữ quán là một nhà hàng lớn, sang trọng, nằm trên đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) khoảng giữa nhà hàng Quảng Hạp bán cơm Tây và nhà hàng Cửu Long Giang góc đường Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân). Thấy ở không ăn chơi cờ bạc không khá, Dì Tư Ăng Lê mới nghĩ cách buôn bán. Bà nói cô Ba Trà sang lại nhà hàng Đông Pháp lữ quán để ngồi két. Đông Pháp lữ quán dập dìu tài tử giai nhơn, công tử, hội đồng, các đại điền chủ ở lục tỉnh lên, nghe tiếng cũng tìm tới. “Đi lại Yvette chơi” có nghĩa là tới nhà hàng “Đông Pháp lữ quán” để vừa ăn uống, vừa chiêm ngưỡng người đẹp. Yvette là tên Tây do cô Ba Trà đặt ra khi đi coi chớp bóng, nhơn thấy cô đào Yvette rất đẹp, nên cô lấy chữ ấy ghép vào tên mình “Yvette Trà” nhưng các công tử quen gọi “Yvette” mà thôi.
Đông Pháp lữ quán nguyên của người chủ cũ là ông Lý Kỳ Quân, đại điền chủ, nhiều đất ruộng ở hai bên bờ kinh xáng Quan Lộ, từ Phụng Hiệp tới Ngã Năm, Phước Long. Đất của ông Lý Kỳ Quân giáp ranh với đất ông Chủ Chọt Huỳnh Tấn Tước, là nơi xảy ra cuộc tranh chấp đổ máu giữa gia nhơn Chủ Chọt và mấy tên Cò Tây. Thuở đó, cứ mỗi dịp gần tựu trường Chasseloup Laubat, các ông điền chủ ở lục tỉnh thường lên chơi cả tháng, để đưa con vào học. Thì giờ rộng rãi, lại có dịp ăn chơi, nên các ông hay đến Cửu Long Giang, Đông Pháp lữ quán, để có dịp ngắm nhìn cô Ba Trà. Cũng có người mong chiếm được trái tim người đẹp, xài tiền như nước . Nhưng không ai có thể xài qua được các công tử Bạc Liêu như Hai Đinh, Ba Qui, công tử Phước George. Với sự chỉ dẫn của Dì Tư Ăng Lê, cô Ba Trà vay bác Chà Chetty để sang nhà hàng. Làm chủ xong, cô Ba Trà giữ cô Marie Huệ, một giai nhơn đã từng quản lý nhà hàng nầy nhiều năm ở lại để chỉ dẫn cho cô.
Cô Marie Huệ truyền laị cho cô Ba Trà nghệ thuật trang điểm và cách chinh phục đàn ông . Thực ra với sắc đẹp lộng lẫy như tiên nga, cô Ba Trà chính là cái sức quyến rũ, cám dỗ không ai có thể cưỡng lại được. Thời gian đó, người thật sự điều khiển lữ quán Đông Pháp chính là Dì Tư Ăng Lê, một người đàn bà từng trải, nhiều kinh nghiệm quán xuyến, còn cô Ba Trà ngồi két như một bông hoa đẹp, điểm tô cho nhà hàng thêm hương sắc.
Vào những năm cuối thập niên 1920, các văn nhơn, ký giả, các ông hội đồng, thầy cai tổng, càc công tử con nhà giàu thuờng hay lui tới Đông Pháp lữ quán là nơi bán cơm Việt và nhà hàng Quảng Hạp chuyên bán cơm Tây nổi tiếng. Chủ nhà hàng Quảng Hạp là người Hải Nam, nguyên đầu bếp chánh của Thống Đốc Nam Kỳ Cognac, sau đó xin thôi, để mở nhà hàng. Nơi đây thức ăn đúng điệu, khách sành ăn không chê vào đâu được . Các món ăn danh tiếng của nhà hàng Quảng Hạp là chim bồ câu quay, chim mỏ nhác, giỏ giẻ, óc cau, chàng nghịt …rô ti. Thuở đó vào đầu mùa khô, các loại chim ấy ăn lúa no, mập tròn, bán tràn ngập ở Sài Gòn , Chợ Lớn.
Các nhà báo danh tiếng như Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Tử Thức, Nguyễn Viên Kiều (Lão Ngạc), Lương Khắc Ninh, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhất…thường hay tới lui nhà hàng ấy. Họ hay tới vào buổi chiều bàn luận tin tức thời sự rồi ăn cơm tối với rượu khai vị. Các vị học thức, dân Pháp tịch cũng thường hay đến Đông Pháp lữ quán như luật sự Dương Văn Giáo, ông toà Trần Văn Tỷ, bác sĩ Lê Quang Trinh, đốc-tờ Trần Như Lân… Về sau, ông Tỷ làm Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tư Pháp thời bác sĩ Lê Văn Hoạch là Thủ Tướng Nam Kỳ quốc.
Những nhà hàng, lữ quán sang trọng nhất Sài Gòn vào hai thập niên 1920-30 là:
- Đại Lục lữ quán tức Continental gần nhà hát Tấy, tức trụ sở Quốc Hội thời Việt Nam Cộng Hoà (1955-1975), là nơi dành riêng cho giới quý tộc Pháp, các tham biện, các quan lại Pháp Việt có văn hoá Pháp, các đại điền chủ kiêm hội đồng quản hạt.
- Nhà hàng Rotonde còn gọi là “Viên Đình” ở cuối đường Catinat gần bến Bạch Đằng. Sở dĩ nhà hàng nầy gọi là Viên Đình vì ở tại ngã tư, kiến trúc góc tròn…
- Nhà hàng Pancrazi nằm ở góc đường Bonard (Lê Lợi sau nầy) và Caribelle (Nguyễn Thiệp).
Hồi đó các sinh viên, thầy thông, thầy ký thường dùng điểm tâm bằng bánh mì nóng trét bơ Bretel thả giàn, có thêm chút đường cát, ăn xong uống ly cà phê đen, hoặc cà phê sữa nóng, tuyệt thú đối với các sinh viên trường bổn xứ.
- Một nhà hàng Tàu ở Chợ Cũ, đầu đường Công Lý tên Hiêu Hiêu, là nơi tụ tập các nhà buôn Chợ Lớn, mấy ông bang, các “mái chính” (compredor)…đến ăn uống và bàn chuyện áp-phe.
- Nhà hàng Yeng Yeng đầu đường Pellerin (Pasteur) ở Chợ Cũ, bán cơm Tây rẻ tiền, ngon miệng, rất đông thực khách. Hồi đó dân bản xứ thích nhứt là món thịt bò Châteaubriand, giống như thịt bò lúc lắc bây giờ, nhưng để nguyên miếng lớn, chứ không cắt nhỏ ra. Vào các năm 1926-27, mỗi ngày Thứ Hai và Thứ Năm, vào lúc 4 tới 5 giờ chiều là giờ tan sở, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh thường ôm chồng báo “Cái Chuông Rè” (La Cloche Frêlée) đứng bán tại góc đường Catinat và d’Espagne (góc Tự Do và Lê Thánh Tôn). Ông đón các công chức, thầy thông, thầy ký, học sinh trí thức để phổ biến tư tưởng cách mạng xã hội.
Nhà hàng Yeng Yeng còn là nơi gặp gỡ của các cô gái ăn chơi hạng sang, trong đó có cô Lucie Bandeau vì trên trán có thẹo, cô dùng băng làm dáng , nên thành danh “Lucie Bandeau”, cô Mười Tóc đỏ, cô Quế Anh…
Đông Pháp lữ quán là nơi cô Ba Trà nổi danh. Nơi đây cô quen biết các công tử Bạc Liêu là những thanh niên xài tiền như nước Sở phí điều hành nhà hàng rất lớn, mà cô Ba Trà lại ăn xài như một bà hoàng, dưới tay cô bồi bếp, gia nhơn phục dịch nên phải thâm thủng. Vì lẽ đó, ban đêm ở đây còn tổ chức hốt me, bài cào, thính cẩu ăn thua lớn. Có đêm tiền xâu vô tới vài ngàn bạc, đủ biết nơi đó cờ bạc như thế nào. Nhiều người thường tới lui Đông Pháp lữ quán thời đó kể lại rằng lúc nào cô Ba Trà cũng không biết tới giá trị của đồng tiền. Sẵn có máu mê cờ bạc, cô lấy tiền trong két ra chơi. Vận may để ăn thì ít, nhưng ăn được thì xài huy hoắc, còn lúc rủi ro thua nhiều là chuyện thường. Núi cũng phải lỡ nếu tiếp tục cái đà ăn chơi kiểu ấy. Đối với người làm công, bồi bếp, mỗi lần cô sai đi mua món gì, chúng đem tiền thối về trả lại cho cô, nhưng không khi nào cô lấy. Cô nói:
- Cứ giữ đó mà xài!
Điều đó có nghĩa là cô cho luôn bất kể số tiền đó là bao nhiêu.
Đông Pháp lữ quán cũng là nơi các đại điền chủ lục tỉnh lâu lâu lên Sài Gòn ăn chơi cho biết mùi đời. Họ thường hay nói:
- Đi lại Yvette chơi đêm nay đi!
Có nghĩa là đến đó đánh bài cào, hốt me, hoặc chơi bài thính cẩu. Cũng có lúc các ông điền chủ xồn xồn hảo ngọt, được cô Ba Trà mời đánh tứ sắc năm cắc (nửa đồng bạc) một lệnh (lúa giá 2 cắc một giạ), khi thua cô Ba Trà thì chịu chung tiền, nhưng khi ăn chỉ được cầm tay cô để hun (tới nhỏ 7 ăn 10) hay tới quan (17-40) được hun lên tay, lên má người đẹp một cái sướng như tiên. Cứ so sánh giá lúa, giá vàng lúc đó thì biết các đại điền chủ lục tỉnh mỗi lần lên chơi Đông Pháp lữ quán vài tuần hay một tháng, phải bán cả một ghe chài lúa. Nhiều người “trồng cây si” tháng này qua tháng nọ là công tử Bích ở Trà Vinh, hội đồng quản hạt Thìn ở Rạch Giá. Cô Ba Trà là một người từng làm đổ quán xiêu đình, sạt nghiệp không biết bao nhiêu điền chủ trung niên mà còn mê gái đẹp.
Đến lúc nhà hàng Đông Pháp hụt tiền vốn vì cô Ba Trà mê cờ bạc. Tiền vay bạc Chà Chetty để trả sở phí cứ tăng dần. Tiền lời theo kiểu “xanh xít, đít đui” (vay 5000 trả 6000, vay 10000 trả 12000 trong một tháng) khiến cho lữ quán nầy phải dẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét