Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Chiến tranh biên giới đã nổ ra vào ngày này 30 năm trước

Chiến tranh biên giới đã nổ ra vào ngày này 30 năm trước
demphnam viết ngày 17/02/2009 | Có 4 bình luận | 2531 lượt xem

Hôm nay, tròn 30 năm mở màn cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc!



Tôi không có kí ức gì trong ngày 17/2 cả ngoại trừ nỗi nhớ mang máng rằng đó là... sinh nhật của một người bạn thưở thiếu thời (!). Nhưng tôi biết rằng thế hệ những người như bố tôi, mẹ tôi thì chắc là không thể quên nổi. Đúng 30 năm trước, cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung đã nổ ra trong vòng một tháng. Với một dân tộc mà 4000 năm lịch sử là 4000 năm "lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa" như dân tộc Việt mình thì có vẻ cuộc chiến tranh này diễn ra quá ngắn ngủi. Nhưng tôi biết rằng chỉ một tháng ngắn ngủi ấy thôi, rất nhiều máu đã đổ, rất nhiều nước mắt của những người mẹ, người vợ, người con... cũng đã cạn theo từng dòng, từng dòng trong tờ giấy có tên gọi là Báo Tử.



Ngày còn đi học, tôi nhớ loáng thoáng mình có được nghe cô giáo lịch sử nhắc đến (chỉ nhắc đến thôi chứ không được học sâu) về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong khi đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống Pháp thì tất cả chúng tôi học đến từng trận đánh, đến từng con số thương vong. Tôi đã nghĩ ngây thơ rằng, có thể cuộc chiến này "không lớn", cuộc chiến này diễn ra quá nhanh nên chắc chiến công "không được hiển hách" như hai cuộc trường kì kháng chiến còn lại của dân tộc trong thế kỉ 20 nên chắc sách giáo khoa không nói đến nhiều. Sau này, có thời gian tìm hiểu lại, tôi mới hiểu mình ấu trĩ đến nhường nào.



Không có một chiến thắng nào nhất là trong chiến tranh mà không phải đổi bằng máu và nước mắt! Không có cuộc chiến nào "lớn" và "không lớn", "vinh quang" và ít "vinh quang" khi máu đã phải đổ xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc này. Tôi nhớ đã có lần hỏi bố về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Bố đã nói rành rọt: ngày 17/2, quân Tàu Khựa tràn qua biên giới, đánh phá những vùng đất địa đầu của Tổ quốc, bố tôi đã giận đến run người và nghĩ rằng, có thể mình sẽ lại cầm súng ra đi một lần nữa. Những "người anh em núi liền núi, sông liền sông chung một biển Đông thắm tình hữu nghị" đã đối xử với chúng ta như thế đó?

Thông qua những tác phẩm văn học, tôi còn biết được rằng ngay từ những năm đầu thập kỉ 70, TQ đã đuổi các lưu sinh viên của VN về nước và cáo buộc chúng ta bằng cái tên "Đít ngồi hai ghế". Mối quan hệ với "người láng giềng tử tế này" đã không còn thắm thiết như cái thời "Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông" ngay từ những năm cuối của thập kỉ 60 chứ chẳng phải đến những năm 70 của thế kỉ này. Người anh em hữu nghị này chưa bao giờ tử tế với chúng ta ngay cả khi cả hai đã xác định "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Trường Sa và Hoàng Sa chẳng phải là một minh chứng đó sao?



Một cuộc chiến tranh nổ ra, tại sao thế hệ trẻ như chúng tôi không được biết đến hoặc có biết đến cũng chỉ là thoáng qua qua những lời kể của người lớn? Máu đã đổ, nước mắt đã rơi và giọt máu nào cũng đáng quý như nhau tại sao những con người đã hi sinh cho cuộc kháng chiến chống quân Khựa bẩn giành lại từng dải đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc lại không được công khai tôn vinh như trong những cuộc chiến khác?



Sẽ ra sao khi giới trẻ chúng tôi quên đi những nỗi đau của dân tộc, quên đi những gì "người bạn lớn Trung Hoa" đã gây ra cho dân tộc này và mụ mị với những món đồ nhái "y như thật" rẻ tiền và lấp lánh mà người Tàu đang tràn sang hàng ngày, hàng ngày trên những cửa khẩu biên giới? Nếu chúng tôi quên đi thì sau này, hỏi ai còn nhớ?



Huong bui thi's blog



demphnam viết ngày 17/02/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét