Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Bát quái:
• 八卦
• A: Eight diagrams.
• P: Huit diagrammes.
Bát: Tám, thứ tám. Quái: Quẻ, nghĩa là treo, vì khi xưa, văn tự thời thái cổ (trước Thương Hiệt) được khắc vào ngọc hay đá rồi đem treo trong các hang động. Quái được dùng làm những định pháp để quyết đoán sự nghi ngờ, chọn những quyết sách để dạy dân và đem khắc vào đá để lưu lại đời sau.
Bát quái là tám quẻ. Bái quái đồ là một bức vẽ gồm tám quẻ xếp đặt trên tám cạnh của một hình bát giác đều.
Mỗi quẻ của Bát quái có ba vạch liền hay đứt đoạn. Vạch liền tượng trưng Dương, vạch đứt đoạn tượng trưng Âm.
Sách diễn giải Bát Quái và các quẻ do Bát quái biến hóa ra gọi là Kinh Dịch.
Có 3 cách sắp đặt Bát quái trên Bát quái đồ:
1. Thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, vua Phục Hy (2852-2737 trước Công nguyên) chế ra Bát quái để giải thích sự hình thành Trời Ðất, nên Bát quái ấy được gọi là Tiên Thiên Bát quái.
2. Thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, vua Văn Vương (1136-1122 trước Công nguyên) nhà Châu biến đổi Tiên Thiên Bát Quái của vua Phục Hy để giải thích sự hình thành vạn vật, sau khi đã có Trời Ðất, do đó Bát quái do vua Văn Vương chế ra được gọi là Hậu Thiên Bát quái.
3. Thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài, lập nên Tòa Thánh có Bát Quái Ðài để thờ phượng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Bát quái đó do Ðức Chí Tôn đặt ra nên gọi là Cao Ðài Bát quái.
Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt trình bày ba kiểu Bát quái vừa nêu trên.

I. Tiên Thiên Bát quái đồ
1. Tên và ý nghĩa của Tám quẻ
2. Nguồn gốc của Bát quái
3. Vua Phục Hy làm ra Bát quái thế nào?
4. Ðặc điểm của Tiên Thiên Bát quái
II. Hậu Thiên Bát quái đồ
1. Lạc Thư
2. Văn Vương lập Hậu Thiên Bát quái đồ thế nào?
III. Tương quan giữa Tiên Thiên Bát quái & Hậu Thiên Bát quái
1. Ðứng về mặt không gian
2. Ðứng về mặt thời gian
3. So sánh phương vị của Tiên Thiên BQ và Hậu Thiên Bát Quái
4. Chiết KHẢM điền LY: Chuyển Hậu Thiên Bát quái thành Tiên Thiên Bát quái
IV. Cao Ðài Bát quái


I. Tiên Thiên Bát quái đồ:
• 先天八卦圖
• A: Eight Diagrams of Ante-Creation.
• P: Huit Diagrammes de l'Ante-Création.
1. Tên và ý nghĩa của Tám quẻ:
Vua Phục Hy căn cứ vào hai nguyên lý Âm Dương chế ra Bát quái, mà Âm Dương nầy do Thái Cực biến hóa tạo ra.
Thái Cực được biểu thị bằng một vòng tròn: ○
Nghi Dương được biểu thị bằng một vạch liền:

Nghi Âm được biểu thị bằng một vạch đứt:

* Ðem hai vạch Âm Dương chồng lên nhau thành từng đôi và thay đổi vị trí trên dưới giữa hai vạch ấy thì ta được 4 hình sau đây gọi là Tứ Tượng:





Thái Dương Thái Âm Thiếu Dương Thiếu Âm
* Nếu đem hai vạch Âm Dương đặt chồng lên nhau thành từng nhóm ba vạch và thay đổi vị trí trên dưới của chúng, ta được 8 hình sau đây, gọi là Bát quái:
TT Quái Tên Hình tượng Thiênnhiên Thành phần Hình thức
1

CÀN Trời
Con rồng 3 Dương (thuầndương) Càn ba liền
2

ÐOÀI Ðầm
Hơi nước 2 Dương
1 Âm Ðoài khuyết trên
3

LY Lửa
Mặt Trời 2 Dương
1 Âm Ly rổng giữa
4

TỐN Gió
Rừng 2 Dương
1 Âm Tốn đứt dưới
5

KHÔN Ðất
Con trâu 3 Âm
(thuần âm) Khôn 6 đoạn
6

CHẤN Sấm
Cây cối 1 Dương
2 Âm Chấn ngửa bát
7

KHẢM Nước
Mặt trăng 1 Dương
2 Âm Khảm đầy giữa
8

CẤN Núi 1 Dương
2 Âm Cấn úp chén
2. Nguồn gốc của Bát quái:
Ông Khổng An Quốc, một Nho gia đời nhà Hán có viết rằng: "Ðời vua Phục Hy có con Long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà. Nhà vua quan sát thấy trên lưng của nó có những đốm đen trắng ở những vị trí đặc biệt, nhà vua ghi nhớ và vẽ lại thành một bức đồ gọi là Hà đồ, và từ Hà đồ nhà vua lập ra Bát quái." Vậy, nguồn gốc của Bát quái là Hà đồ và người lập ra Bát quái là vua Phục Hy.
a). Vua Phục Hy (2832-2737) là vị vua thông thái thời thái cổ nước Tàu. Ngài tượng trưng cho ánh sáng mặt trời nên dân gọi Ngài là Thái Hạo. Ngài dạy dân đánh cá, chăn nuôi các giống vật dùng để tế Thần, nên còn gọi Ngài là Bào Hy. Ngài làm vua 95 năm, truyền lại 15 đời, tổng cộng 1260 năm.
b) Long mã là loại thú linh, đầu rồng mình ngựa nhưng có vảy như rồng, xương cổ dài, cao lớn, mình không thấm nước. Long mã có đầu rồng tượng trưng Dương, mình ngựa tượng trưng Âm, nên Long mã là thú linh tượng trưng Âm Dương.
Truyện thần thoại xưa chép lại sự xuất hiện của Long Mã trên sông Hoàng Hà như sau:
Thình lình có một trận dông lớn nổi lên, nước sông Hoàng Hà dâng cao, giữa sông nổi lên một con quái, đầu rồng mình ngựa, đứng khơi khơi trên mặt nước. Dân chúng thấy lạ, cấp báo cho vua Phục Hy biết. Nhà vua liền đến nơi quan sát. Phục Hy là vị Thánh Ðế nên biết con quái ấy là Long mã, một loại thú linh biết hiểu tiếng người. Nhà vua phán: Nếu phải nhà ngươi đem vật báu đến dâng cho ta thì hãy lại đây. Long mã từ từ đi vào bờ, đến trước mặt nhà vua quì xuống. Vua Phục Hy thấy trên lưng Long mã có mang một cây kiếm báu và có một bức đồ gồm 55 đốm nhỏ đen trắng, vua ghi nhớ rồi gỡ lấy kiếm báu. Long mã liền đứng dậy đi ra khơi và biến mất.
Mực nước sông Hoàng Hà trở lại như lúc bình thường.
c) Hà đồ: Vua Phục Hy vẽ lại các đốm đen trắng thấy được trên mình Long Mã, tạo thành một bức đồ, gọi là Hà đồ. Ðồ là bức vẽ, Hà là sông Hoàng Hà. Hoàng Hà là một con sông lớn và dài ở Trung hoa, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, dài 8800 dặm, chảy ra biển Trung hoa.
55 đốm đen trắng của Hà đồ tượng trưng những con số từ 1 đến 10, biểu thị Âm Dương: Các đốm trắng là những số lẽ: 1, 3, 5, 7, 9 tượng trưng Dương; các đốm đen là những số chẵn: 2, 4, 6, 8, 10 tượng trưng Âm.
Lý do kỹ thuật, phần đồ hình chưa thực hiện được.
Xin kính cáo.
Dịch Hệ Từ Thượng viết: Trời 1 Ðất 2, Trời 3 Ðất 4, Trời 5 Ðất 6, Trời 7 Ðất 8, Trời 9 Ðất 10.
■ Trời có năm số lẽ, là CƠ tượng trưng Dương. Cộng năm số lẽ nầy được 25: (1 + 3 + 5 + 7 + 9 = 25)
■ Ðất có năm số chẵn, là NGẪU tượng trưng Âm. Cộng năm số chẵn nầy được 30: (2 + 4 + 6 + 8 + 10 = 30)
Tổng cộng hai số của Trời Ðất, được 55: (25 + 30 = 55)
Số 55 nầy biểu thị sự biến hóa vô cùng của Trời Ðất.
3. Vua Phục Hy làm ra Bát quái thế nào?
Ngày xưa, vua Phục Hy cai trị thiên hạ, ngẩng lên thì xem tượng Trời, cúi xuống thì nhìn hình trên mặt đất, xem các vẻ của chim muông, cùng những tiện nghi của mặt đất, gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở mọi vật, lại quan sát cái tượng Âm Dương của Hà đồ, suy nghĩ sự biến hoá của Trời Ðất: Từ Thái cực là số 1 mới có Lưỡng nghi là số 2, từ số 2 mới có 3 và 4 tức là từ Lưỡng nghi mới có Tứ Tượng, rồi biến hoá ra số 5, 6, 7, 8, tức là tạo thành Bát quái, vv...
Như vậy, việc phát minh ra Bát quái của vua Phục Hy là nhờ sự quan sát và suy luận của một bậc đại trí.
Ðặt vị trí các quái theo phương vị, tiến hành như sau:
Lý do kỹ thuật, phần đồ hình chưa thực hiện được.
Xin kính cáo.
■ CÀN là Trời (Dương), KHÔN là Ðất (Âm). Trời Ðất tức Âm Dương là gốc của muôn vật nên xuất hiện trước nhất.
• CÀN thì ấm áp nên đặt ở phương Nam.
• KHÔN thì lạnh lẽo nên đặt ở phương Bắc.
■ Ấm và lạnh tạo ra hơi nước, sương mù, nên đặt ÐOÀI tiếp theo CÀN.
■ Còn LY là lửa, là mặt trời thì đặt ở phương Ðông là hướng mặt trời mọc, nên đặt LY tiếp theo ÐOÀI.
■ Hơi nước và khí nóng phát động tạo ra sấm sét, đồng thời giúp cây cỏ nẩy sanh, nên đặt CHẤN tiếp theo LY.
■ Mặt đất thì lồi lõm, nơi cao thành núi, nên đặt CẤN kế bên KHÔN; còn nơi thấp thì nước đọng lại thành sông, biển, hồ, nên đặt KHẢM tiếp theo CẤN.
■ Các chuyển động đều tạo ra gió, nên đặt TỐN sau cùng
Ðó là Bát quái có đầy đủ: Trời Ðất, mặt trời mặt trăng, và Thủy Hỏa Phong.
Phục Hy bố trí các quẻ theo hình tròn, đứng từ tâm điểm hướng ra ngoài, vì Phục Hy quan niệm Vũ trụ rộng lớn bao la đến đâu đi nữa nhưng khởi điểm vẫn ở trung tâm là Thái Cực.
Trước khi có Âm Dương là thời Hỗn Ðộn (Hồng Mông) mờ mờ mịt mịt gọi là VÔ CỰC, rồi từ Vô Cực mới có THÁI CỰC, có Thái Cực mới có Âm Dương, Tứ Tượng, Ngũ Hành, Bát Quái, rồi từ Bát quái mới biến hóa ra mãi để tạo thành CKVT và vạn vật.
4. Ðặc điểm của Tiên Thiên Bát quái:
■ Bát quái Tiên Thiên phân làm 2 phía, mỗi phía 4 quẻ.
• Quẻ Dương là quẻ có hào Dương ở đáy (vạch liền ở dưới)
• Quẻ Âm là quẻ có hào Âm ở đáy (vạch đứt ở dưới).
• Bốn quẻ: Càn, Ðoài, Ly, Chấn thuộc Dương.
• Bốn quẻ: Khôn, Cấn, Khảm, Tốn thuộc Âm.
■ Các quẻ đối ngược với nhau từng đôi một xuyên qua tâm của vòng tròn: Hào Âm đối với hào Dương.
• Quẻ CÀN đối với quẻ KHÔN,
• Quẻ ÐOÀI đối với quẻ CẤN,
• Quẻ LY đối với quẻ KHẢM,
• Quẻ CHẤN đối với quẻ TỐN.

II. Hậu Thiên Bát quái đồ:
• 後天八卦圖
• A: Eight Diagrams of Post-Creation.
• P: Huit Diagrammes de Post-Création.
Vua Phục Hy đã lập ra Tiên Thiên Bát quái đồ, phát họa cả một thời gian dài của vũ trụ lúc khởi đầu còn là vô hình.
Vua Văn Vương kế tục sự nghiệp đó, thiết lập Hậu Thiên Bát quái đồ, để mô tả giai đoạn biến hóa của vũ trụ vô hình qua hữu hình.
Có Tiên Thiên Bát quái đồ mà không có Hậu Thiên Bát quái đồ thì quan niệm về vũ trụ chưa toàn diện, cũng như có Phục Hy mà không có Văn Vương thì Dịch lý còn thiếu sót.
Văn Vương tham khảo ba đồ hình: Hà đồ, Tiên Thiên Bát quái đồ và Lạc Thư để thiết lập Hậu Thiên Bát quái đồ.
Hà đồ và Tiên Thiên Bát quái đã trình bày ở phần trước.
Còn Lạc Thư là gì ?
Lạc Thư là sách có nguồn gốc ở sông Lạc, tức là sách ghi lại những nốt đen trắng trên lưng Thần qui xuất hiện ở sông Lạc, nơi vua Hạ Võ đang trị thủy. Do đó, Lạc Thư còn được gọi là Qui Thư. (Qui là con qui, giống như rùa; thư là sách).
Hán nho Khổng An Quốc viết: "Ðời vua Hạ Võ có con Thần qui nổi lên ở sông Lạc. Nhà vua quan sát những nốt trên lưng qui, vẽ lại thành một bức đồ, gọi là Lạc Thư. Nhờ Lạc Thư, vua Hạ Võ thiết lập Hồng Phạm Cửu Trù."
1. Lạc Thư:
Sông Lạc phát nguyên từ tỉnh Thiểm Tây, chảy về hướng đông nam qua các đất Bảo An, Cam Tuyền, rồi hợp với sông Vị để cùng đổ vào sông Hoàng Hà.
Thần qui là con rùa Thần, tức con rùa sống trên 5.000 năm, nên rất thiêng. Vua Hạ Võ đang trị thủy ở sông Lạc, thấy một con Thần qui rất lớn xuất hiện, có nhiều nhiều vết chấm đặc biệt trên lưng, đếm từ số 1 đến 9. Nhà vua theo đó sắp đặt thành Cửu Trù. Những vết chấm trên lưng Thần qui được ghi lại thành sách gọi là Lạc Thư hay Qui thư.
Sau đây là biểu đồ của Lạc Thư:
Lý do kỹ thuật, phần đồ hình chưa thực hiện được.
Xin kính cáo.
Lạc Thư mô phỏng theo hình lưng rùa, nên vuông, gồm 9 số, bố trí theo hình chữ TỈNH 井:
Tổng cộng các chấm trên Lạc Thư là 45:
(4 + 9 + 2) + (3 + 5 + 7) + (8 + 1 +6) = 45
■ Số Dương là các số lẽ (số cơ) gồm 5 số, cộng lại là 25.
1 + 3 + 5 + 7 + 9 = 25
■ Số Âm là các số chẵn (số ngẫu) gồm 4 số, cộng lại là 20.
2 + 4 + 6 + 8 = 20
Theo biểu đồ của Lạc Thư, nếu cộng ba số theo hàng ngang, bất kỳ hàng nào; rồi cộng ba số theo hàng dọc, bất kỳ hàng nào; rồi cộng ba số theo hai đường chéo, ta thấy chúng đều bằng nhau và bằng 15.
Do đó hình vuông của Lạc Thư được gọi là Ma phương, nghĩa là hình vuông kỳ dị như ma quái.
Nhờ đặc tính kỳ lạ của Lạc Thư mà vua Hạ Võ đem ứng dụng để đặt ra Hồng Phạm Cửu Trù 洪範九疇 làm chuẩn mực cho việc cai trị Thiên hạ được trật tự, hòa bình và thịnh vượng. (Hồng phạm là khuôn phép lớn, Cửu trù là chín phương pháp gồm: Ngũ Hành, Ngũ sự, Bát chính, Ngũ kỷ, Hoàng cực, Tam đức, Kê nghi, Thứ trưng, Ngũ phúc, Lục cực.)
Lý do kỹ thuật, phần đồ hình chưa thực hiện được.
Xin kính cáo.
2. Văn Vương lập Hậu Thiên Bát quái đồ thế nào?
Khi vua Văn Vương bị vua Trụ nhà Thương (Ân) cầm tù 7 năm nơi Dũ Lý, Ngài để tâm nghiên cứu Hà đồ, Lạc Thư, Tiên Thiên Bát quái đồ của Phục Hy, để từ đó, Ngài thiết lập Hậu Thiên Bát quái đồ, phối hợp với Ngũ Hành, để giải thích vạn vật hữu hình trong CKVT.
Vua Văn Vương sắp đặt tám quẻ theo một ước định về sự tương ứng giữa các hiện tượng thiên nhiên theo tứ thời bát tiết với tám hướng:
■ Phương Bắc, mùa đông, tiết đông chí, khí trời giá lạnh, nước đóng thành băng, là hiện tượng Âm khí hãm Dương khí, nên Ngài lấy quẻ KHẢM có hình tượng hai hào Âm bao bọc một hào Dương đặt ở đó.
■ Phương Nam, mùa hạ, tiết hạ chí, khí trời nóng, lửa dễ cháy, là hiện tượng Dương khí hãm Âm khí, nên Ngài lấy quẻ LY có hình tượng hai hào Dương bao bọc một hào Âm đặt ở đó.
■ Phương Ðông, mùa xuân, tiết xuân phân, Dương khí ở trên giáng xuống, Âm khí ở dưới bốc lên, hai khí Âm Dương va chạm nhau thành tiếng sấm, nên Ngài lấy quẻ CHẤN có hình tượng hai hào Âm ở trên, một hào Dương ở dưới đặt ở đó.
■ Phương Tây, mùa thu, tiết thu phân, khí trời hanh khô, dương khí chiếm hết mặt đất, nên Ngài lấy quẻ ÐOÀI có hình tượng một hào Âm ở trên, hai hào Dương ở dưới đặt ở đó.
■ Phương Ðông Bắc, tiết lập xuân, Dương khí vừa thoát khỏi sự bao bọc của Âm khí, Ngài lấy quẻ CẤN có hình tượng một hào Dương ở trên, hai hào Âm ở dưới đặt ở đó.
■ Phương Ðông Nam, tiết lập hạ, bắt đầu mùa gió chướng và mùa bão, đây là hiện tượng Dương khí lấn lướt Âm khí, Ngài lấy quẻ TỐN có hình tượng hai hào Dương ở trên, một hào Âm ở dưới, đặt vào đó.
■ Phương Tây Nam, tiết lập thu, lúc nầy là vào mùa mưa, đây là hiện tượng Âm khí lấn lướt Dương khí, nên lấy quẻ KHÔN có hình tượng ba hào Âm đặt ở đó.
■ Phương Tây Bắc, tiết lập đông, khí hậu lúc nầy là rất hanh khô, vạn vật trở nên cứng rắn, nên lấy quẻ CÀN có ba hào Dương đặt ở đó.
III. Tương quan giữa Tiên Thiên Bát quái & Hậu Thiên Bát quái:
■ Tiên Thiên là trước Trời, tức là trước khi thành hình vũ trụ hữu hình, lúc đó còn ở trạng thái vô hình, nên thuộc về Hình Nhi Thượng học, do vua Phục Hy hoạch định.
■ Hậu Thiên là sau Trời, tức là vũ trụ đã có hình thể hữu vi, nên thuộc Hình Nhi Hạ học, do vua Văn Vương chủ trương.
1. Ðứng về mặt không gian:
■ Tiên Thiên là cái KHÔNG (Hư Vô) vĩ đại của vũ trụ lúc ban đầu, là cái ÐẠO hay cái LÝ gọi là Thái Cực, vô hình vô ảnh, vô thủy vô chung, được tượng trưng bằng một vòng tròn rổng.
■ Hậu Thiên là cái CÓ (Hữu hình) vĩ đại của vũ trụ lúc đã thành hình cùng với vạn vật, thiên hình vạn trạng, được tượng trưng bằng Bát quái Hậu Thiên.
2. Ðứng về mặt thời gian:
■ Tiên Thiên là lúc từ vô thủy đến lúc có Âm Dương tác động sanh Ngũ Hành.
■ Hậu Thiên là bắt đầu từ lúc có Ngũ Hành và Âm Dương hình thành vũ trụ và vạn vật cho đến vô chung.
Như vậy, Tiên Thiên Bát quái và Hậu Thiên Bát quái chỉ là hai chặng đường trong quá tình diễn tiến của vũ trụ vạn vật từ vô thủy đến vô chung, mà trong đó các vấn đề: Xuất nhập, Hữu vô, Sanh diệt, đều do Thái Cực mà ra.
Do đó, cái học về Tiên Thiên là cái học về TÂM, còn cái học Về Hậu Thiên là cái học về TÍCH. (Tích là dấu vết).
3. So sánh phương vị của Tiên Thiên BQ và Hậu Thiên Bát Quái:
Phương vị của Bát quái Hậu Thiên hoàn toàn thay đổi so với Bát quái Tiên Thiên, quẻ nào cũng bị đổi chỗ hết.
■ Ở Bát quái Tiên Thiên, trục Nam Bắc do hai quẻ Càn Khôn trấn giữ, và trục Ðông Tây do hai quẻ Ly Khảm chế ngự.
■ Ở Bát quái Hậu Thiên, trục Nam Bắc chuyển cho Ly Khảm, còn trục Ðông Tây chuyển cho Chấn Ðoài.
■ Trong giai đoạn Tiên Thiên, sở dĩ trục Nam Bắc là Càn Khôn là vì Trời Ðất đóng vai trò chủ yếu trong công cuộc hình thành vũ trụ. Càn là Trời (Dương), Khôn là Ðất (Âm).
■ Qua giai đoạn Hậu Thiên, vũ trụ thành hình xong thì Ngũ Hành đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tạo ra muôn loài sinh vật.
Trong Ngũ Hành (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) thì hai Hành THỦY và HỎA vượng khí nhất nên lãnh đạo ba Hành kia. Quẻ LY thuộc HỎA và quẻ KHẢM thuộc THỦY, nên LY KHẢM thay thế Càn Khôn để ngự trị trục Nam Bắc, khiến cho hai quẻ Càn và Khôn phải thay đổi vị trí.
■ Trong Hậu Thiên Bát quái đồ, các quẻ đối xứng nhau qua trục Ðông Tây; còn trong Tiên Thiên Bát quái đồ thì các quẻ đối xứng nhau qua tâm điểm của Bát quái đồ.
4. Chiết KHẢM điền LY: Chuyển Hậu Thiên Bát quái thành Tiên Thiên Bát quái:
Lý do kỹ thuật, phần đồ hình chưa thực hiện được.
Xin kính cáo.
So sánh hai Bát quái đồ Tiên Thiên và Hậu Thiên:
■ Theo trục Bắc Nam trong Bát quái Hậu Thiên, nếu thay quẻ KHẢM bằng quẻ KHÔN và thay quẻ LY bằng quẻ CÀN thì Bát quái Hậu Thiên trở thành Bát quái Tiên Thiên.
■ Quẻ KHẢM khác quẻ KHÔN do nét giữa. Chiết KHẢM là bẻ gãy làm hai cái nét giữa của quẻ KHẢM thì nó biến thành quẻ KHÔN.
■ Quẻ LY khác quẻ CÀN cũng do nét giữa. Ðiền LY là lấp đầy chỗ trống của nét giữa quẻ LY thì nó thành quẻ CÀN.
Vậy chiết Khảm điền Ly là ý nói chuyển Bát quái Hậu Thiên thành Bát quái Tiên Thiên, tức là chuyển từ Hữu hình qua Vô hình.
Trong phép luyện đạo, luyện cho Hậu Thiên trở thành Tiên Thiên, tức là luyện cho Hữu hình trở về Vô hình thì đắc đạo, thành Tiên, Phật tại thế.

IV. Cao Ðài Bát quái:
• 高臺八卦
• A: Eight diagrams of Caodaism.
• P: Huit diagrammes du Caodaisme.
Bát Quái Ðài nơi TTTN là nơi để thờ phượng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Bát Quái Ðài xây theo hình Bát quái tức là một hình tám cạnh đều nhau, mỗi cạnh là một quẻ, xây cao 12 bực, ngoài lớn trong nhỏ, làm như bực thang đi lên, tượng trưng Thập nhị Thiên (12 từng Trời), hình thức của nó cũng giống như Cửu Trùng Thiên đặt nơi Ðại Ðồng Xã trước Tòa Thánh, nhưng Cửu Trùng Thiên chỉ có 9 bực tượng trưng 9 từng Trời.
Trên mặt cao nhứt của đài nầy có cẩn 8 cung Bát Quái.
Lý do kỹ thuật, phần đồ hình chưa thực hiện được.
Xin kính cáo.
Thứ tự các quẻ trong Bát Quái Cao Ðài được Ðức Chí Tôn dạy trong Chú Giải PCT như sau:
"Tòa Thánh day mặt ngay hướng Tây, tức là chánh cung ÐOÀI, ấy là Cung Ðạo, còn bên tay trái Thầy là cung CÀN, bên tay mặt Thầy là cung KHÔN.
Ðáng lẽ Thầy phải để bảy cái ngai của phái nam bên tay trái Thầy, tức là cung Càn mới phải, song chúng nó vì thể Nhơn đạo cho đủ Ngũ Chi nên Thầy buộc phải để vào Cung Ðạo là cung Ðoài cho đủ số. Ấy vậy, cái ngai của Ðầu Sư nữ phái phải để bên cung Khôn, tức là bên tay mặt Thầy."
■ Các quẻ trong Bát Quái Cao Ðài có thứ tự giống như thứ tự các quẻ trong Bát Quái Hậu Thiên, nhưng lại chuyển theo chiều ngược lại.
Thứ tự tám quẻ khởi đầu từ Càn: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài:
• Bát Quái Hậu Thiên chuyển theo chiều kim đồng hồ.
• Bát Quái Cao Ðài chuyển theo chiều nghịch kim đồng hồ.
Bát Quái Hậu Thiên tượng trưng thời kỳ nhứt bổn tán vạn thù; Bát Quái Cao Ðài tượng trưng thời kỳ vạn thù qui nhứt bổn, nên có chiều quay ngược lại với Bát Quái Hậu Thiên.
■ Trục Ðông Tây của Bát Quái Cao Ðài là Chấn Ðoài thì giống y trục Ðông Tây của Bát Quái Hậu Thiên.
Trục Bắc Nam của Bát Quái Cao Ðài là Ly Khảm, ngược chiều với trục Bắc Nam của Bát Quái Hậu Thiên là Khảm Ly, để cho Thủy Hỏa trong hai Bát Quái đồ ký tế tương tác tức Âm Dương tương hiệp mà đắc đạo tại thế.
Lý do kỹ thuật, phần đồ hình chưa thực hiện được.
Xin kính cáo.
Ngoài ra, trong dân gian, chúng ta còn thấy một loại Bát Quái đồ nữa gọi là Bát Quái đồ trừ tà, hay thường gọi là Bùa Bát Quái, người Tàu vẽ sẵn, bán ở các tiệm kiếng. Bát Quái đồ trừ tà, gồm các quẻ giống hệt Bát Quái Tiên Thiên, nhưng sắp thứ tự các quẻ theo chiều quay ngược lại.
CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ.
TTTN: Tòa Thánh Tây Ninh.

Xem tiếp: Bát Quái Ðài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét