Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

30 năm chiến tranh biên giới Việt Trung 1979-2009

30 năm chiến tranh biên giới Việt Trung 1979-2009
17/02/2009 - 13:14 Bảo Vũ
Có lẽ phải sống trong những giờ phút đầu tiên khi chiến tranh Việt Trung bùng nổ mới cảm nhận được nỗi lo lắng, băn khoăn của nhiều người dân Việt Nam thời đó.
Bình chọn (0)
Ý kiến (0)
Chia sẻ
Bản in
Thắc mắc của giới trẻ về cuộc chiến
Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung đã qua đi hơn 30 năm nhưng cho đến tận bây giờ vẫn còn có những câu hỏi không có trả lời. Thế hệ trẻ cả hai nước vẫn đang tự hỏi là tại sao cuộc chiến này không được truyền thông chính thống nhắc tới và những người lính đã hy sinh trong cuộc giao tranh ngắn ngủi này hiện đang ở đâu trong lòng dân tộc?
Ba mươi năm nhìn lại
Sau thời gian tranh cãi căng thẳng, và nhiều khi lên tới mức thóa mạ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và phương tiện truyền thông, cuối cùng chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nổ ra cách nay 30 năm, vào ngày 17.2.1979. Trong ngày định mệnh đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đồng loạt mở nhiều cuộc tấn công ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Sở dĩ gọi là “định mệnh” vì ngày 17.2.79 đánh dấu sự đổ vỡ toàn diện trong quan hệ giữa ba nước: nước Việt Nam thống nhất với tên mới là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Campuchia Dân Chủ.
Trước đó, mối quan hệ, ít nhất cũng giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với Trung Quốc, được xem là 'cực kỳ thắm thiết', 'môi hở răng lạnh', không chỉ vì vị trí địa lý 'núi liền núi, sông liền sông' mà còn vì thể chế chính trị cộng sản tương đồng.
Thế giới tỏ ra hoang mang khi tiếng súng từ các tỉnh biên giới phía Bắc vang vọng. Bài viết của Tiến sĩ Henri Kissinger, cựu Cố vấn Tổng thống Richard Nixon, trong thời kỳ đó đã mô tả sự sững sờ khi ông cho biết đại ý rằng vào thời điểm 1975 dù người có óc tưởng tượng phong phú đến đâu chăng nữa cũng không thể ngờ trong thời gian ngắn ngủi, chưa tới bốn năm, quan hệ giữa các nước cộng sản trong vùng Châu Á lại có thể xấu một cách nghiêm trọng đến thế. Một trong những nguyên nhân Bắc Kinh trưng dẫn trước dư luận thế giới cũng như biện luận trước công luận trong nước là họ phải mở cuộc tấn công nhằm ngăn chận “tham vọng điên cuồng” của “tiểu bá Việt Nam” khi Việt Nam mở cuộc tấn công Campuchia. Bắc Kinh cũng cho hay họ bị Việt Nam khiêu khích ở vùng biên giới chung giữa hai nước.
Trong khi đó lập luận chính của Hà Nội là sở dĩ Việt Nam buộc lòng phải đánh trả Trung Quốc trong cuộc “chiến tranh bảo vệ tổ quốc” là để ngăn chặn 'âm mưu thâm hiểm' bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước và nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương thời dưới quyền ông Đặng Tiểu Bình tiếp nối. Âm mưu đó là giấc mộng 'bá quyền nước lớn' của 'bọn bành trướng Bắc Kinh' lúc nào cũng muốn 'thôn tính' Việt Nam. Vẫn theo chính quyền Việt Nam, để thực hiện ý đồ này, Trung Quốc đã sử dụng “bè lũ Pol Pot Ieng Sary” gây cuộc chiến ở vùng Tây Nam Việt Nam đồng thời khiêu khích ở biên giới phía Bắc. Trước hai gọng kìm này, Việt Nam nói rằng họ buộc lòng phải đánh trả. Các tài liệu sau này cho thấy có vẻ như Việt Nam bị bất ngờ khi Trung Quốc mở cuộc tấn công: Vào đúng ngày đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng Tham mưu Trưởng Văn Tiến Dũng đang có mặt tại Phnom Penh. Giới lãnh đạo Việt Nam dường như không ngờ rằng Trung Quốc lại có thể mạnh tay đến thế dù trước đó hai bên đều đã rất mạnh miệng.
Một trong những lý do có thể khiến Việt Nam cho rằng Trung Quốc sẽ không dám mở cuộc tấn công là vì trước đó hơn hai tháng, vào ngày 3.11.1978 Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đích thân tới Liên Xô để ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Xô. Bản hiệp ước nêu rõ: “Trong trường hợp một trong hai bên bị tiến công, hoặc bị đe dọa tiến công, thì hai bên ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó, và áp dụng những biện pháp thích đáng và có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước”.
Sau ngày 17/2/1979, khi Việt Nam - “một trong hai bên” bị Trung Quốc mạnh tay thì “biện pháp thích đáng” mà Liên Xô, áp dụng là Mátscơva đã hết sức mạnh miệng, và chỉ có thế, để bảo vệ Hà Nội.
Việt-Miên-Thái
Ngay sau khi Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Xô được ký, vào ngày 7.1.1979 quân Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh để “giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi bè lũ diệt chủng Pol Pot, Ieng Sary”. Trước ngày đó, toàn bộ quân Campuchia Dân Chủ, tức Khmer Đỏ, đã rút lui rất trật tự, bỏ lại Phnom Penh hoàn toàn trống vắng cho quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhiều người đã mô tả: về phương diện quân sự thuần túy đây là cuộc lui quân “tuyệt vời”.
Sau khi Việt Nam 'chiếm' hoặc 'giải phóng' Campuchia, tùy quan điểm của người nhìn sự kiện, hai quốc gia lớn trong khu vực là Việt Nam và Thái Lan ở thế trực tiếp đối đầu với nhau mà không còn nước Campuchia đệm ở giữa.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam và Thái Lan luôn luôn muốn tranh dành ảnh hưởng tại Xứ Chùa Tháp và do vậy đều muốn trực tiếp can thiệp vào việc cai trị xứ này. Trước đây, nếu Việt Nam đã đưa được một Nặc Ông thân Việt nào đó lên ngôi báu thì Xiêm La (tên cũ của Thái Lan) cũng sẽ tìm cách đưa Nặc Ông khác, thân Xiêm La, lên thay thế. Vì thế không có gì là lạ sau ngày 7/1/1979 Thái Lan là một trong những nước mạnh mẽ nhất lên án Việt Nam 'xâm lăng' Campuchia.
Lòng dân tộc
Ngay sau ngày 17/2/1979, cảnh tượng từng đoàn xe thiết giáp và xe quân sự các loại chở đầy ắp bộ đội cắm đầy cành lá ngụy trang hối hả từ Campuchia qua các tỉnh miền Tây về ngang Thành phố Hồ Chí Minh hoặc tụ về một trong những địa điểm tập kết chính là ga xe lửa Sóng Thần, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10 km để về Bắc, khiến nhiều người dân miền Nam nhớ về ngày 30/4/1975, ngày “hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn” như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Có lẽ phải sống trong những giờ phút đầu tiên khi chiến tranh Việt Trung bùng nổ mới cảm nhận được nỗi lo lắng, băn khoăn của nhiều người dân Việt, trong đó có người dân miền Nam. Dù vậy, trước tin đất nước bị xâm lăng, rất nhiều người hăng hái muốn được góp tay bảo vệ đất nước. Lúc đó, tin tức chiến sự, thời sự trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ báo chí tới truyền hình, truyền thanh, nhất là tin từ các đài truyền thanh nước ngoài, được người dân chăm chú lắng nghe. Lòng yêu nước nồng nàn đã được khơi dậy nơi mỗi người dân Việt với niềm tin đất nước đánh thắng mọi kẻ thù hung hãn. Những tấm gương “anh hùng, dũng sĩ diệt bọn bành trướng Bắc Kinh và bè lũ diệt chủng Pol Pot” liên tục được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước.
Trong khi đó, ở Trung Quốc người dân cũng nức lòng tham gia tòng quân để "kìm hãm tham vọng của Việt Nam và cho chúng bài học hạn chế thích hợp", như lời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Thế hệ trẻ ngày nay tại Trung Quốc cho hay họ được người lớn dạy rằng người Việt Nam là “bọn xấu và hết sức vô ơn, tàn nhẫn”. Trung Quốc kể ra rằng trong thời chiến tranh, họ đã “giúp đỡ vô điều kiện về người và của để miền Bắc giải phóng miền Nam Việt Nam”. “Số cố vấn, chuyên gia và kỹ thuật Trung Quốc sang giúp Việt Nam từ năm 1950 đến năm 1978 tổng số có đến 20.000 người” và “từ năm 1965 tới năm 1970” Trung Quốc đã “phái hơn ba mươi vạn bộ đội Trung Quốc sang giúp Việt Nam” (hồi ký Hoàng Văn Hoan).
Câu hỏi không lời đáp
Ba mươi năm đã trôi qua, lịch sử đã sang trang. Ngày nay, nhìn về quá khứ có lẽ nhiều người trẻ Việt Nam lẫn Trung Quốc vẫn đang tự hỏi: “Tại sao ngày đó chiến tranh lại nổ ra”. Một trong những điều mà có lẽ các bạn trẻ băn khoăn nhất là: “Tại sao sự kiện chiến tranh biên giới hoàn toàn không được truyền thông nhà nước nhắc tới. Những người từng tham gia và hy sinh trong cuộc chiến ngắn ngủi nhưng cực kỳ đẫm máu cách nay 30 năm hiện ở đâu trong lòng dân tộc”.
Đối với một số người, trên bàn cờ lịch sử hình như con Tốt đã sang sông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét