Hiệu ứng giá thị trường
Dường như có một nghịch lý: cùng với việc thực thi các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt để chống lạm phát, hướng tới ổn định vĩ mô thì các cơ quan quản lý lại liên tiếp điều chỉnh giá cả các mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế theo mộ "lộ trình giá thị trường, tạo ra sự hợp lý trong các quan hệ của nền kinh tế. Mục tiêu nhằm đưa nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.
Giá thị trường là một lộ trình thực hiện đã được ấp ủ và từng bước thực hiện. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, "lộ trình" này liên tục bị trì hoãn hoặc thực hiện một cách không liên tục. Có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là tình hình kinh tế bất ổn và lạm phát tăng cao.
Trong khi giá cả thế giới lên mạnh, lạm phát trong nước tăng cao thì việc trì hoãn tăng giá đã tạo ra sự dồn nén cho giá cả nhiều mặt hàng và gây ra những bất hợp lý trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, sức chịu đựng của ngân sách và nền kinh tế có hạn, đến lúc sự dồn nén đó quá sức chịu đựng thì việc tăng giá đã được đặt ra. Mỗi mặt hàng đều có kế hoạch điều chỉnh của mình và dần dần được thực hiện.
Nhưng có lẽ chưa bao giờ người dân cảm nhận sự điều chỉnh một cách dồn dập như trong những tháng đầu năm 2010.
Đầu tiền là điện tăng giá 15%, rồi xăng dầu hai lần tăng giá với mức tổng cộng 5.200 đồng/lít đã đưa xăng dầu lên mức giá cao nhất từ trước đến nay. Mới đây nhất, than cũng âm thầm tăng giá từ 20-40%... Đó là chưa kể trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá mới mức 9,3%.
Sau mỗi lần tăng giá như thế, các cơ quan quản lý đều tính toán mức tác động của điều chỉnh lên giá cả lên lạm phát một cách khá chi tiết và rõ ràng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức đánh giá đó là không sai nhưng mới chỉ là tác động tức thì ở "vòng 1", chưa tính đến mức tăng giá qua nhiều "vòng khác" đối với giá cả hàng hóa theo kiểu "vòng xoáy". Điều đó khiến cho giá cả đồng lên tăng và tăng theo kiểu dây chuyền, với mức càng về sau càng cao.
Thực tế cho thấy, sau khi điện tăng giá, lập tức nhiều mặt hàng điều chỉnh theo. Đầu tiên là các hàng hóa vật liệu xây dựng - nơi sử dụng lượng điện năng lớn; rồi hàng loạt hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng khác điều chỉnh lên theo giá điện.
Hay như giá xăng tăng, lập tức giá vận tải ăn theo. Chi phí vận tải tăng khiến đầu vào của hàng loạt mặt hàng buộc phải tính toán lại để điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhiều ngành sản xuất như nông nghiệp, thủy sản cũng bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu... thế là xăng dầu trở thành lý do để tất cả cùng tăng giá. Cũng như thế, sau khi than tăng giá, lập tức hóa chất, giấy và xi măng đã điều chỉnh...
Cứ như thế, vòng xoáy tăng giá tiếp tục với những mặt hàng và dịch vụ khác lần lượt điều chỉnh khiến nền kinh tế có một mặt bằng giá mới. Đó chưa kể là những hiệu ứng tâm lý và các hoạt động ăn theo, lợi dụng để đẩy giá cả lên cao.
Lạm phát tăng 10% - trong bất cứ trường hợp nào đều là một mức cao. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Nhưng 10% dường như cũng đã là một mức khá quen thuộc của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, và người dân và DN đã hình thành một thới quen ứng phó với biến động giá cả và bất ổn của nền kinh tế.
Hơn thế, việc tăng giá dồn dập mà nhiều người gọi là "buông giá" là điều bất khả kháng, không chỉ vì nhà nước không thể bao cấp giá, mà trước hết là những bất hợp lý đến từ giá cả của nền kinh tế đã đến lúc không thể cầm giữ lâu hơn.
Đặc biệt hơn, với một cơ chế giá còn nhiều bất hợp lý đã khiến mọi điều hành kinh tế trở nên khó khăn và thiếu hiệu quả.
Tăng giá theo thị trường, hay nói cách khác, là chấp nhận buông giá có thể đã tạo ra một cú sốc cho toàn bộ nền kinh tế. Nó như một phản ứng ngược chiều trong điều kiện mục tiêu chống lạm phát được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, đó lại như là một tiền đề cần thiết để có được cơ sở cho nhưng điều chỉnh khác. Đó có thể xem là lát cắt để dứt điểm với những tồn tại cơ chế giá cũ nhưng mở đầu cho một cơ chế thi trường hơn.
Niềm tin và cái nhìn dài hạn
Lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm 2011 - điều đã được nhìn nhận và dự đoán. Đó là tác động từ chính những điều chỉnh giá cả các mặt hàng quan trọng, nhưng cũng là hậu quả từ một quá trình phát triển kinh tế nóng trước đó để lại. Vì thế, dù rất muốn nhưng việc chặn lạm phát không thể sớm có kết quả chỉ sau 1-2 tháng thực thi.
Vì thế, trong một bình luận gần đây là dự báo lạm phát năm 2011, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung đã nói: "Lạm phát năm nay nhiều phần trăm không quan trọng bằng việc những chính sách, biện pháp hợp lý được thực hiện với một quy mô nhất định, rõ ràng, nhất quán, để bắn tín hiệu ra thị trường".
Nếu bây giờ tuyên bố lạm phát 7%, có thể người dân sẽ không tin bằng việc có một giải pháp hợp lý theo đánh giá của thị trường, chứ không phải theo đánh giá của cơ quan quản lý.
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, chống lạm phát theo Nghị quyết 11 chỉ mới là bước khởi đầu cho một quá trình dài hạn, đó là quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Nếu không có khởi đầu này thì sẽ khó mà thực hiện được những bước tiếp theo.
Trong bước khởi đầu này, thắt chặt tài khóa, giảm bội chi ngân sách là nhiệm vụ ưu tiên. Tuy nhiên, đi cùng với chống lạm phát luôn và đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng là cần phải thực hiện các giả pháp đó một cách quyết liệt, và hơn nữa, tạo một niềm tin trong dân chúng với ý nghĩa rằng: từ đây trở đi sẽ có một thay đổi căn bản trong quan điểm phát triển và quản lý. Khi đó sẽ mang lại hy vọng về một thời kỳ tăng trưởng ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, chống lạm phát là một quá trình chứ không thể 6 tháng, hay một năm như năm 2010 như bài học của năm 2010. Hơn thế, ổn đinh vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế càng đòi hỏi cả một chiến lược dài hạn mà "dục tốc bất đạt".
Trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết 11 đúng là tất yếu phải lựa chọn. Tuy nhiên, từ nhận thức đúng cho đến thực hiện đúng, và cuối cùng để đạt được mục đích dài hạn là một hành trình đầy thách thức có thể phải chấp nhận sự sự đánh đổi. Mà những cú sốc về tăng giá hiện nay cũng là một phần của quá trình đó. Mục tiêu đã rõ, phương pháp đã có, vấn đề còn lại là liệu lượng, lộ trình thực hiện để thực hiện.
Điều quan trọng nhất để đạt được điều này là chính sách phải nhất quán và kiên định. Hiệu quả của chính sách phụ thuộc rất lớn vào niềm tin của thị trường. Nhưng để có được niềm tin đó thì chính cơ quan điều hành phải tạo ra niềm tin bằng chính hành động của mình. Trước hết, đó chính là niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát của cơ quan chính sách, các kỳ vọng lạm phát đã được hình thành ngay từ giai đoạn đầu của một kỳ kinh tế.
Việt Nam đã có những bài học rất rõ ràng về vấn đề này trong kiểm soát lạm phát thời gian qua dẫn tới việc thị trường không tin vào chính sách điều hành. Vì thế, điều quan trọng là nhìn về dài hạn để có niềm tin là điều cần thiết lúc này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét