(VEF.VN) - Các doanh nghiệp Mỹ không ngạc nhiên và lo lắng về phí bôi trơn ở Việt Nam nhưng nếu không minh bạch hóa và không cải thiện, Việt Nam sẽ làm đánh mất cơ hội thu hút những nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, ông Hank Tomlinson, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ chia sẻ.
LTS: Bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn FDI thế hệ mới" đã diễn ra hôm 25/4 với sự tham gia của 4 vị khách mời bao gồm: Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), ông Hank Tomlinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) và ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Mời bạn đọc theo dõi phần 2 của trực tuyến. Độc giả có thể xem lại phần 1 của trực tuyến tại đây.
Phí "bôi trơn" đánh mất cơ hội mời gọi FDI lớn
Nhà báo Phạm Huyền: Trong nghiên cứu môi trường đầu tư cấp tỉnh mới đây có cung cấp một số con số khá nhạy cảm và cũng rất đáng lo ngại đó là có từ 20-40% các doanh nghiệp FDI đã phải bỏ phí bôi trơn để làm các thủ tục kinh doanh như thông quan hay đấu thầu. Thưa ông Đậu Anh Tuấn, là một thành viên trong nhóm nghiên cứu này, cá nhân ông có thấy bất ngờ về tỷ lệ này không và khi công bố con số đó ông có lo ngại rằng hình ảnh về môi trường đầu tư ở Việt Nam sẽ trở nên xấu đi trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế?
Ông Đậu Anh Tuấn: Thực ra điều chúng tôi băn khoăn và e ngại là phải đảm bảo cuộc điều tra phản ánh được trung thực các ý kiến cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư vào Việt Nam. Những năm vừa qua nhóm nghiên cứu luôn tìm hiểu về các chỉ số của sự minh bạch để đưa ra kết quả chính xác nhất.
Nhiều nghiên cứu về FDI tại Việt Nam trước đây đã chỉ ra rằng chi phí không chính thức là một yếu tố đáng lưu tâm ở Việt Nam. Tôi không nghĩ tô hồng thực tế là một giải pháp hay để thu hút đầu tư. Nhận ra được những vấn đề còn tồn tại thì Chính phủ và chính quyền các cấp có những giải pháp khắc phục mới là cách giải quyết tốt nhất để cải thiện hình ảnh về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Nghiên cứu của VCCI và VNCI giúp Chính phủ nhận rõ hơn về những vấn đề cần khắc phục, hiểu được sự khác nhau về chi phí không chính thức ở các lĩnh vực như thủ tục đăng kí kinh doanh, hợp đồng... Kể cả sự khác nhau về khoản chi phí này ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, xuất xứ khác nhau, quy mô khác nhau, rồi tìm hiểu xem mô hình "một cửa"... Từ đó, Chính phủ có những cách để giảm những chi phí không chính thức này cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh chung như thế, chúng tôi tìm ra những tỉnh, thành phố đã làm tốt trong việc giảm chi phí không chính thức và tăng tính minh bạch cho môi trường kinh doanh và sẽ chia sẻ với các tỉnh thành phố khác để học hỏi, rút kinh nghiệm. Điều quan trọng là Chính phủ trung ương có thể nhận ra và có những chính sách phù hợp cho thực trạng này.
Không cải thiện minh bạch, Việt Nam sẽ mất FDI lớn
Nhà báo Phạm Huyền: Mỹ là một quốc gia có hệ thống pháp luật rất nghiêm minh. Tôi băn khoăn không rõ, khi nghe những con số "nhạy cảm" như vậy thì ông Hank Tomlinson, đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ có những suy nghĩ gì? Liệu điều này có làm chùn bước các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam hay không, thưa ông?
Ông Hank Tomlinson |
Theo Đạo luật về đầu tư ra nước ngoài của Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ không được phép trả những khỏan chi phí không chính thức. Nếu môi trường kinh doanh của Việt Nam không minh bạch, phải trả những khoản chi phí không chính thức thì Việt Nam sẽ mất đi cơ hội thu hút được những doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Chúng tôi rất hoan nghênh những động thái gần đây trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là sau khi Việt Nam tham gia WTO và ký kết một số cam kết trong khu vực. Tuy nhiên về vấn đề minh bạch môi trường kinh doanh, chúng tôi thấy một số ngành sản xuất rất quan trọng đang nằm ở một số vài doanh nghiệp nhà nước. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp này không phải tuân thủ một số nguyên tắc minh bạch, công bằng trong kinh doanh như các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài nên không phải cạnh tranh bình đẳng.
Một trong những giải pháp giúp Việt Nam phát triển hơn là Việt Nam nên nhanh chóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn. Việt Nam biết cách làm thế nào trong tương lai cải thiện môi trường kinh doanh. Singapore là một ví dụ rất tốt trong việc phát triển và cải thiện tính minh bạch cho môi trường kinh doanh, đó là một ví dụ mà Việt Nam có thể tham khảo.
Mong chờmột nguồn cung nội địa tốt hơn
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bạn đọc, một vấn đề được mong chờ nhất khi thu hút FDI vào Việt Nam là hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi gì khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? Đó có thể là chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý hay các mối quan hệ làm ăn, làm vệ tinh, phụ trợ.
Công ty Canon đã tìm hiểu hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam nhưng không tìm được đối tác nào có thể cung ứng ốc vít cho họ. Công ty may Esquel Hồng Kông tới đầu tư tại Việt Nam cũng phải nhập khẩu gần như 100% nguyên liệu từ Trung Quốc bởi các nguyên phụ liệu tại Việt Nam không thể đáp ứng được, kể cả là chỉ may. Xin hỏi ông Tomaso và ông Hank, các doanh nghiệp thành viên EuroCham và AmCham có gặp phải những khó khăn tương tự như vậy không?
Ông Tomaso Andreatta: Tất nhiên ở Việt Nam chúng tôi cũng thường gặp khó khăn trong việc tìm những đối tác cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Những doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm công nghiệp tới Việt Nam thường bắt đầu xây dựng những dây chuyền lắp ráp, sau đó họ thường thuyết phục các nhà cung cấp linh kiện cho họ chuyển tới gần các xí nghiệp lắp ráp của họ, đồng thời, họ cũng tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, các bộ phận cho họ từ trong nước.
Như trường hợp của Piagio lúc đầu cũng gặp khó khăn tại Việt Nam nhưng sau 2 năm, cùng sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc thì họ đã có mức nội địa hóa trên 80%. Ví dụ về Piagio có thể cho thấy mức độ lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với nền công nghiệp trong nước như thế nào.
Tomaso Andreatta và nhà báo Phạm Huyền |
Thực tế cho thấy Việt Nam vẫn đang thiếu những nhà cung cấp sản phẩm trung gian, ví dụ như chưa có những nhà sản xuất nhựa chất lượng cao hay thép chất lượng cao, vải vóc cũng chỉ có một số nhà cung cấp vải có chất lượng vừa phải chứ không phải là chất lượng cao.
Việt Nam cũng đã có chính sách tiến bộ thúc đẩy sản xuất nội địa, như xây dựng những cụm công nghiệp. Đã có một số cụm công nghiệp có nhiều nhà sản xuất trong một chuỗi sản xuất tập hơn, nhưng đúng là Việt Nam chưa có lợi thế về vấn đề này. Những nhà sản xuất nội địa chỉ phát triển sản xuất khi có yêu cầu từ nhà cung cấp lớn.
Ông Hank Tomlinson: Tôi xin phát triển thêm ý kiến của của ông Tomaso, người Việt Nam có tinh thần kinh doanh rất mạnh. Trong một thời gian nữa, Việt Nam có thể phát triển mạnh lên, đủ cung ứng cho nước ngoài thay vì phải nhập khẩu như bây giờ.
Để thu hút được những nhà đầu tư toàn cầu có công nghệ cao thì chúng ta phải chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ có tính cạnh tranh, có chất lượng cao, giá cả hợp lý. Những doanh nghiệp lớn trên toàn cầu khi đầu tư thì họ thường so sánh, lựa chọn những nơi nào có nguồn cung ổn định với giá cả và chất lượng tốt. Và nếu có những nguồn cung nội địa tốt thì họ sẽ không nhập khẩu từ các nước khác.
Tỷ lệ nội địa của Việt Nam chưa hợp lý vì năng lực sản xuất nội địa của Việt Nam còn yếu. Trong khi chúng ta lại nhấn mạnh tới yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng các nguồn cung cấp nội địa.
Có một số yếu tố nữa cũng ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đó là chính sách kiểm soát giá cả một số mặt hàng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi không được quyết định giá cả, không thu hồi được các khoản đầu tư của họ từ dự án ở Việt Nam thì đương nhiên họ sẽ không cảm thấy tự tin và khó đưa ra quyết định đầu tư vào đây.
Ông Nguyễn Đình Cung và ông Hank Tomlinson |
Quay lại ý tưởng của Tomaso, cuộc thi Olympic kinh doanh, những doanh nghiệp nước ngòai sẽ đến Việt Nam khi doanh nghiệp cung cấp nội địa mạnh lên, họ phải cạnh tranh thì mới mạnh lên được.
Ưu đãi thuế chỉ giữ chân FDI trong thời gian ngắn
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Đậu Anh Tuấn, vậy trong các kiến nghị của FDI về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông có phát hiện gì nổi bật từ tiếng nói của cộng đồng FDI?
Ông Đậu Anh Tuấn: Qua cuộc điều tra năm 2010 với 7.300 doanh nghiệp trong nước và hơn 1000 doanh nghiệp FDI, chúng tôi thấy một trong những khuyến nghị được nhấn mạnh là tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Đây là một hành trình rất dài và khó khăn.
Trong 2 năm liên tiếp 2009 và 2010, chúng tôi thấy có sự sụt giảm đáng lo ngại về tính minh bạch. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ tiếp cận thông tin khó khăn hơn và cần nhiều quan hệ hơn để tiếp cận thông tin trong hoạt động kinh doanh của mình.
Trong khi đó, qua phân tích của chúng tôi thì tính minh bạch có tác động lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo tác động lớn đến số lượng các doanh nghiệp được thành lập, số vốn mà doanh nghiệp bỏ ra và lợi nhuận mà họ thu được.
Đối với khu vực FDI, như các khách mời đang nói, một điều hấp dẫn là chi phí thấp của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Chúng tôi thấy rõ ràng, phát triển kinh tế dựa vào loại doanh nghiệp FDI này không phải là một chiến lược bền vững, vì chi phí lao động, nguyên liệu đều có xu hướng gia tăng. Theo quy luật, các nhà đầu tư chủ yếu dựa vào chi phí thấp sẽ tìm kiếm một địa điểm đầu tư khác. Những ưu đãi tài chính, thuế, đất đai mà FDI đang nhận chỉ giúp giữ chân FDI một thời gian ngắn thôi, chúng tôi cho rằng, có thể dùng nguồn lực này cải thiện những vấn đề khác quan trọng hơn như nguồn nhân lực, hạ tầng mà mọi thành phần cùng hưởng lợi.
Điểm thứ ba mà tôi thấy đáng lo ngại là chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư ở ngành giá trị thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài còn đánh giá chất lượng lao động thấp hơn nữa. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài hài lòng về chất lượng lao động chỉ bằng một nửa so với doanh nghiệp trong nước. Chỉ khoảng hơn 21% doanh nghiệp nước ngoài hài lòng với chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam.
Như vậy nếu nhà đầu tư FDI cho rằng chất lượng lao động chưa đáp ứng được đòi hỏi của họ thì mục tiêu của Việt Nam mong muốn thế hệ nhà đầu tư chất lượng cao thì sẽ tuyển dụng lao động như thế nào? Nếu tình trạng ách tắc hàng hóa khi thông quan, chi trả chi phí chính thức phổ biến cản trợ xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho FDI có giá trị gia tăng thấp. Điều gì sẽ xảy ra với FDI có giá trị gia tăng cao hơn?
Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và việc thực thi hợp đồng tương đối yếu kém đang cản trở việc tìm kiếm các đối tác là các nhà cung cấp trong nước. Đây cũng là khó khăn rất lớn với các nhà đầu tư về công nghệ và các lĩnh vực giá trị cao trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, đây là những vấn đề lớn mà Việt Nam cần phải giải quyết trong thời gian tới để có thể thu hút một thế hệ FDI chất lượng, có giá trị gia tăng cao và tạo ra những sức lan toả lớn để thay đổi nền kinh tế.
Mời độc giả đón đọc phần cuối của buổi trực tuyến vào ngày mai.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét