Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

2 in 1


Khi gặp các sếp, trước hết trong chúng ta ai cũng có cảm giác kính nể và sợ. Đúng thế không? Sếp to hơn một tí thì kính nể và sợ hơn một tí. To hơn tí nữa thì kính nể và sợ hơn tí nữa…cứ rứa cứ rứa và cứ rứa, cho tới khi cái kính nể và sợ bao trùm lên tất thảy khi phải đối diện với những sếp to vật vã, điều đó khiến cho sự kính nể và sợ cũng theo cấp độ mà leo lên cấp…vật vã.
-Bạn có kính nể và sợ sếp không? Có à!
-Bạn có kính nể sợ sếp không? Không à!
-Ủa mà sao bạn sợ nhưng chỉ gật đầu mà không nói? À, Mô hiểu rồi, do bạn quá kính nể và sợ, nên ngọng mồm mà không nói thành lời được. Đúng hôn? Đúng à? Lại gật rồi! :D
-Ủa mà sao bạn không kính nể, không sợ nhưng lại lắc đầu mà không nói? À, Mô hiểu rồi, do bạn kính nể và sợ sếp một vía, nhưng cứ mần ta vẻ ra đây oai phong lẫm liệt, coi trời bằng vung nên lắc đầu làm le chớ chi, còn nếu nói ra miệng, sợ sếp mà nghe được thì mẻ kèo. Đúng không? Đúng à? Lại lắc rồi!
Còn Mô! Mô lại vừa gật vừa lắc. Vì Mô cũng kính nể và sợ sếp quá, khiến cho cơ mồm co lại mà không nói nên lời.May sao mấy cái khớp cổ còn sử dụng được nên Mô gật.
Nhưng bên cạnh đó, Mô lại không kính nể và sợ sếp, thậm chí cực cực coi thường nữa là khác. Nhưng vì sợ sếp trù ẻo nếu nói ra miệng, nên Mô lắc. Thế thôi!
Rứa thì chứng tỏ Mô là kẻ 2 in 1. Trong một bản thân Mô, cùng lúc tồn tại hai thái cực của tình cảm.
Điều đó chứng tỏ Mô sống không thật, hay nói cách khác là gian manh. Mà đã sống không thật, đã gian manh chứng tỏ trong Mô tồn tại một thứ bản chất mà người đời nay gọi là lưu manh hoá.
Còn nói theo nghĩa thông dụng, thì Mô là một thằng đểu.
Ok! Mô đểu.
Nhưng có kẻ còn lưu manh hoá hơn Mô,còn đểu hơn Mô.
Ai vậy ta?
Đừng hỏi, hãy để cho Mô bình tĩnh trình bày.
Nghề nghiệp tạo điều kiện cho Mô được tiếp xúc với nhiều thứ sếp. Nào là sếp chính trị, sếp kinh tế, sếp văn hoá xã hội, sếp an ninh quốc phòng.
Rồi thì là trong từng hệ đó, lại phân chia ra sếp từng ban ngành, sếp từng cấp…nghĩa là kính thưa các loại sếp.
Mẫu số chung mà Mô nhìn thấy, ấy thì là rằng khi đứng trên diễn đàn hội nghị, hoặc trong các cuộc họp hành sếp nào sếp nấy thì cứ gọi là oai ơi là oai.
Này thì có sếp khi bước lên bục diễn đàn, đi đứng cực chậm rãi, khoan thai, tay hơi khuỳnh khuỳnh một tí, chân hơi chạng chạng một tí, đầu hơi cúi cúi một tí, mắt hơi gườm gườm một tí. Tất cả những động tác đó, suy cho cùng để nói lên một điều rằng, sếp cực oai, cực to, cực quan trọng.
Này thì có sếp khi nói, ngoài cái việc mà bất kỳ ai lắm điều cũng đều khiến hai bên mép sùi bọt trắng xoá ra, sếp còn đưa tay chém chém vào không khí để nhấn cho lời nói của mình thêm trọng lượng, thế mà không rõ thằng cha, hay con mẹ rỗi hơi nào đó lại  dám đặt điêu cho động tác rất chi là oai đó là “chém gió”.
Này thì có sếp khi phát biểu (hay còn gọi là thỉnh thoảng rời tờ giấy để nói vo), cũng chẳng nỡ bỏ cái mục kiểng xuống để cho nó nghỉ ngơi một lúc, mà vẫn treo lòng thòng nơi sống mũi, còn sếp thì cúi đầu xuống, ngước ngước hai mắt qua phần trên mục kiểng để nhìn cử toạ. Suy cho cùng, cái vấn đề để kính lòng thòng đó cũng chứng tỏ sếp rất oai, rất to và rất quan trọng.
Này thì lại có sếp, trong khi nói lại có một thói quen không rõ vô tình hay cố ý, nhưng cứ cầm một góc trên của tập tài liệu, rồi gập cái góc đó lại, rồi vừa ề à nói vừa vuốt vuốt cái góc đó. Không rõ sau những cái vuốt đó, tập tài liệu có bị sờn đi tẹo nào không, nhưng động tác đó cũng chứng tỏ sếp rất oai, rất to và rất quan trọng.
Này thì nữa, có sếp khi đứng trên diễn đàn để phát biểu hoặc nói chuyện về một vấn đề chi chi đó, cứ nói vài câu lại nhìn xuống tờ giấy đọc một hồi, rồi lại ngẩng lên nói vài câu, rồi lại cúi xuống đọc một hồi. Tất nhiên, cử toạ thừa hiểu rằng, sếp mà buông tờ giấy ra thì sẽ…ngọng, vì nội dung trong đó người khác chuẩn bị, sếp chỉ mần có mỗi cái việc phát lại như mấy O xinh xinh trên tivi mà thôi.
Nhưng mà cái nhìn lên, cúi xuống, hay tay khuỳnh khuỳnh nắm chặt hai gờ bục diễn thuyết cũng đủ để nói lên một điều rằng sếp rất oai, rất to và rất quan trọng.
Mỗi sếp một vẻ, một động tác, một cách chuyển tải. Nhưng khi khoác lên người cái chức danh lãnh đạo, mà những kẻ rỗi hơi lại đặt điêu gọi là giới “cổ cồn” ý, thì từ sếp bà cho tới sếp ông, sếp lào cũng như sếp lào cũng đều tỏ ra ta đây là đạo đức, là văn minh, là tất cả của này của nọ, do này do nọ, vì này vì nọ. Lúc nào các sếp cũng chỉ nói lời hay, ý đẹp, ý thức trách nhiệm với tập thể cao như núi, với nhân dân thì dài như sông.
Để đạt tới cái mục đích cho người ta nhìn nhận nhất, đó là ai cũng khen ngợi sếp là người đạo đức, là chuẩn mực, là tài năng, là vưn vưn và vưn vưn…
Nói cho ngắn vậy để muốn túm lại một điều đó là sự chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói, từ hành động, việc làm…rất chi là rất chi đó toát lên từ con người sếp,  khiến cho ai gặp cũng phải kính trọng và nể sợ như đã nói ở phần trên.
Nhưng mà úi dùi ui, cứ lật trái sếp lên một phát mà xem!
Hi hi, trước khi nói tiếp hãy cho Mô che miệng cười khúc khích một tẹo, kẻo người ta nhìn thấy mấy cái răng sún của Mô lại bẩu là đồ dô diêng!
Mô có biết một sếp, khi đương chức, đố có ai dám nói sếp là thế nọ thế kia đâu nhé. Bởi lúc nào sếp cũng com lê cà vạt chỉn chu, phong thái đàng hoàng, ăn nói nhẹ nhàng lễ độ, ai làm mất lòng sếp hay không thì không biết, nhưng sếp không bao giờ làm mất lòng ai.
Đùng một phát! Sếp bị truy tố vì tội tham nhũng, may mà những đồng tiền trong két bạc của sếp tình nguyện hy sinh thân mình lấp lỗ châu mai để cứu chủ, như thể ngày xửa ngày xưa Lê Lai liều mình cứu Chúa, chớ nếu mà đúng luật thì sếp cũng rũ tù. Sếp bị giáng chức cho nó phải phép, sau đó được trên ưu ái cho về vườn đuổi gà cho vợ.
Về làm phó thường dân được ít hôm, không ai nhận ra sếp nữa. Chẳng com lê cà vạt gì ráo. Đầu cạo bóng láng, mắt đeo kiếng đen, sếp bận áo thun, quần cộc, ngồi lê la hết quán cà phê này, sang quán nhậu khác. Nhưng điều đó không quan trọng, chẳng qua khi đương chức sếp không có điều kiện để hoà mình với quần chúng đó thôi.
Điều chướng nhất, đó là cái cách ăn nói của sếp mất dạy đến độ nhưng kẻ hạ đẳng nhất trong xã hội có lẽ cũng phải chào thua sếp. Sau mỗi câu nói, thể nào sếp cũng văng ra một cục phân, hoặc trong một lời nói, thể nào sếp cũng ghém một động từ chuyên dùng cho việc sinh sản.
Ừ, thì ai cũng thông cảm là do sếp bất mãn. Mà kể ra sếp bất mãn cũng đúng. Số tiền tham nhũng, sếp có bỏ túi một mình đâu, nhưng khi bị phanh phui, lại chính những kẻ ăn chia với sếp xử lý sếp. Thế mới đau hơn người ta hoạn lợn chứ.
Bởi thế nên sếp mới bất mãn, mới cú và như người đời nói “cháy nhà ra mặt chuột”, giờ không làm sếp nữa, thì cái bản chất lưu manh, đểu cáng, thậm chí côn đồ  ẩn náu trong con người sếp chừ mới có dịp lộ ra.
Như thế, chẳng hoá ra trong bản thân sếp tồn tại cùng lúc hai trạng thái tình cảm, ủa không, hai bản chất ư?
Dần dà, người ta không gọi sếp là sếp nữa, không gọi là ông ấy nữa, không gọi là anh ấy nữa. Mà mỗi khi thấy sếp cười hềnh hệch trong quán, mồm thì văng đủ thứ hầm bà lằng, người ta chỉ trỏ và nói nhỏ với nhau “Ôi dào, chấp gì cái thằng lưu manh, đểu giá ấy”
Lại có những sếp khi đương chức, luôn mồm nói lập trường nọ, quan điểm kia. Đến khi về vườn, lại quay sang đả phá cái mà trước đây mình từng góp công xây dựng.
Loại sếp này, người đời cũng không thèm chấp, họ cũng chẳng nói cho sếp nghe mà làm gì, chỉ thì thào với nhau: “Ôi dào, cái đồ đạo đức giả ấy mà, chấp nó mà làm gì”.
Lại có những sếp vưỡn đang chức đang quyền hẳn hoi, nhưng khi họp hành xong, những kẻ cùng cạ bù khú với nhau chẳng khác gì nhóm bụi đời, với đủ thứ trò quái đản từ ăn nhậu, hút xách, bài bạc, trai gái…
Lại  có những sếp khi còn là cán bộ bình thường, ăn nói văng mạng, tác phong như một tay lưu manh chuyên nghiệp, vô trách nhiệm thì thôi rồi. Nhưng khi vận may đến, vụt một phát thành sếp, vụt một cái cũng con người đó nhưng mang phong cách khác, ăn nói khác, trách nhiệm khác rất chi là rất chi.
Chẳng ai dám nói thẳng vào mặt làm chi, người ta chỉ thì thào với nhau “Cái đồ con buôn ấy mà”. Suy cho cùng chỉ tội cho giới buôn bán, tự dưng lại mang vạ lây.
Ừa thì tất nhiên, có phải thánh đâu mà đòi hỏi ở sếp quá!
Vâng! Thì Mô có đòi hỏi đâu. Đó là Mô chỉ kể chuyện rằng có những sếp như thế, thì liệu làm sao mà nói cho người ta nghe, làm cho người ta tin được.
Tuy vậy, không nên vơ đũa cả nắm đâu đấy nhé. Chỉ có một số thôi. Chỉ có một số sếp nào đó mới là như thế.
Còn lại các sếp ta đều tốt. Chứ lại không à, này thì nhé được giáo dục trong môi trường XHCN nhé, được đào tạo nghiệp vụ bài bản nhé, có bằng cấp này nọ nhé. Điều quan trọng mang tính quyết định là đảng viên nhé. Mà đương nhiên đã là đảng viên thì phải đảm bảo hai yếu tố quan trọng bậc nhất đó là đức và tài nhé. Có vậy mới lên sếp được chớ. Chẳng lẽ ấm ớ như Mô mà làm sếp được à.
Dưng mà Mô bỗng hoang mang, trong cái thời buổi đồng thau lẫn lộn này, chẳng biết sếp nào là hai trong một, chẳng biết sếp nào chỉ một mà chẳng có hai.
Có điều bây giờ, mỗi khi nghe sếp nói, sếp khua chân múa tay, sếp sùi bọt mép, hay sếp cứ nói rủ rỉ, hoặc sếp chỉ thì thảo thì thào,  Mô vẫn cứ ngơ ngơ nghĩ rằng mồm sếp nói hay như rứa, nhưng trong bụng sếp có chi không hè?
-Ở chỗ bạn sống có một số ít loại sếp như thế không?
-Có hả! Ủa mà sao bạn chỉ gật mà không nói?
-Không hả! Ủa mà sao bạn chỉ lắc mà không nói?
À, Mô hiểu rồi, thì là vì thế!
Còn Mô, nếu được hỏi thì Mô sẽ vừa gật vừa lắc. Vì Mô cũng là kẻ 2 in 1. Mô là một thằng đểu ư? Một gã lưu manh ư?
Ok!
Bài  đọc thêm

BÍ THƯ ỐI GIỜI

Ông anh – Mình chơi cách đây dễ có đến chục năm, từ hồi làm Giám đốc Sở, nay đã lên chức Bí thư Tỉnh ủy chót vót nhất cái tỉnh rộng lớn, đủ mọi địa hình và loại hình giao thông. Hồi bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” lên sóng, mình và ông anh ngồi gác chân buôn dưa xung quanh mọi vấn đề của bộ phim. Nói thì nhiều, nhưng rút cục ông anh bảo: “Chẳng đến mức như thế” và diễn giải ngắn gọn: “Bí thư Tỉnh ủy thì phải tập trung lo đường lối, chủ trương, những việc lớn chứ không lặt vặt cân thịt, con cá, cân đường. Việc ấy là của chính quyền”.
Hôm rồi, ông anh bí mật tổ chức đấm cưới thằng cu út lấy vợ. Mình thắc mắc: “Sao anh không bố trí cho cháu làm trong cơ quan, Tập đoàn nào đấy mà lại làm doanh nghiệp ngoài bé tý”. Ông anh lắc đầu: “Nhũng nhiễu, nhiêu khê lắm. Cứ làm ngoài cho tự do, phát huy được tính năng động, sáng tạo và… thành người”. Mình trợn mắt: “Đến ông anh mà cũng biết thế, nói thế. Chả trách dân ngoài kêu quá là kêu”.
Mình biết 1 Bí thư Tỉnh ủy khác từ hồi vị này làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hồi vị này lên chức Bí thư Tỉnh ủy, dân tình trong tỉnh trợn mắt bởi những chuyện lình xình, không thể giấu nổi, ví dụ như: Ký văn bản xin cơ quan Tố tụng “xin tha”, chiếu cố đến mấy lãnh đạo cấp Sở, huyện là bị can trong vụ sai phạm đất đai, chuẩn bị được đem ra Tòa xử; bị tố sai đàn em đến các Thành ủy viên vận động hành lang lấy phiếu với giá 20 triệu VND/người… Đặc biệt là tính háo sắc, đã có lần chẳng hiểu làm gì mà 1 nữ doanh nhân đến làm việc với vị này tại phòng làm việc riêng, đã bị ngất xỉu, phải gọi xe cứu thương đưa đi… cấp cứu.
Riêng với mình, vị này còn gây ấn tượng khá… sốc. Chẳng là 1 lần mình xuống địa phương đó công tác, cùng mấy đồng nghiệp vào làm việc với vị lãnh đạo. Vị này đặc biệt chú ý tới nữ đồng nghiệp đi cùng và trò chuyện, quan tâm hết mức khiến cả bọn, đứa nào cũng rưng rưng sướng và thấy… quan trọng. Mấy hôm sau, mấy đứa đang đi với nhau, chợt nữ đồng nghiệp cười phe phé, nhắn tin chít chít và “bật mí”: “Lão ý nhắn tin nói là vừa lên Hà Nội họp, đang rất buồn và mời tao ăn tối”. Mình vô tâm: “Ừ! Cả bọn đến chơi cho vui”. Nữ đồng nghiệp bốc máy a lố a lồ: “Em và thằng H, A, em Y đến ăn với anh nhé!”. Tiếng hốt hoảng vọng từ trong máy: “Đừng! Đừng! Anh chỉ mời riêng em thôi. Mọi người để sau. Hôm nay anh xong họp sớm, buồn và nhớ em quá nên ở lại với mình em thôi!”. Cả bọn thất vọng: Ối Giời!.. Dĩ nhiên, hôm vị này leo được lên ghế Chủ tịch UBND tỉnh, cả bọn lại “Ôi Giời!”. Khi vị Chủ tịch phi tiếp lên chức Bí thư Tỉnh ủy, cái câu “Ối Giời ơi!” không dám thốt ra khỏi cổ họng mà mắc cứng ở cổ, kêu khục khục: “Kinh khủng!”…
Bây giờ, thi thoảng gặp Bí thư Ối Giời tại các cuộc họp Trung ương, mấy đứa biết chuyện cứ cười khùng khục khiến vị này, dù có làm bộ ngạo nghễ ngẩng cao đầu, tay nắm qua loa, trơn tuột cũng không hiểu sao, cứ nhìn lên nhìn xuống xem quần áo, tay chân có bị sao không. Mới đây, tại 1 cuộc họp nào đấy mình chẳng nhớ, Bí thư Ối Giời nhấm nháp trà chanh ngoài sảnh trước cuộc họp, thấy mình đi qua giơ tay hờ hững: “Cậu đấy à? Dạo này có khỏe không?”. Giờ giải lao, Bí thư lại lượn qua mặt mình, lại bắt tay lỏng lẻo: “Cậu đấy à? Vẫn khỏe chứ?”. Kết thúc cuộc họp, Bí thư Ôi Giời lại sấp ngửa qua bàn mình, lại cầm tay lắc lắc: “À! Cậu đấy à? Dạo này sức khỏe ra sao?”. Mình điên hết cả người: “Dạ báo cáo anh! Dạo này sức khỏe em kém này”. Bí thư Ối Giời tò mò khựng lại: “Sao thế?”. “Dạ! Dạo này em yếu lắm, làm đến… cái thứ 4 là mệt rồi”, khiến cả bọn xung quanh cười rung rốn, Bí thư Ối Giời cũng cười gượng gạo và đi thẳng, không bắt tay ai nữa…
Hôm rồi, ông anh Bí thư Tỉnh ủy của mình về hưu. Lúc ấy mình mới càng thấm thía cốt cách của người đàn ông dấn thân vào con đường chính trị: Dọn ngay đồ đạc cá nhân, mang về nhà; bàn giao phòng làm việc, tài liệu, thiết bị công tác; trả xe ôtô và lái xe cho Văn phòng Tỉnh ủy trong đúng 1 buổi sáng, ngay ngày đầu nghỉ hưu, mặc dù người tiền nhiệm, Văn phòng nhất quyết… không nhận, nói “để phục vụ thủ trưởng”.
Làm lãnh đạo, ngoài cái đầu suy nghĩ hơn người, còn phải có tư cách – đạo đức cũng phải tròn vẹn hơn người. Muốn làm lãnh đạo tốt thì phải gương mẫu, giữ gìn không chỉ khi đang đương chức mà cả ngay khi đã về nhà “vui thú điền viên”. Có như vậy mới nói được người khác và để người khác phục, nghe theo .
Theo MaiThanhHaiblog
(Đầu đề do Mô sửa lại-Nguyên bản là “Bí thư Tỉnh uỷ”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét