Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Quý tử – Nghịch tử


Chuyện kể rằng ngày xưa ngày xửa ngày xừa, hai vợ chồng nhà nọ sinh được hai đứa con, một trai một gái, trai là anh, gái là em. Do cái thói trọng nam khinh nữ, cho rằng con gái là con người ta, nuôi cho lắm vào chỉ tội tốn cơm, lớn lên nó sẽ cuốn xéo về nhà chồng, không khéo lại nuôi ong tay áo, lấy một thằng chồng Tư bổn giãy chết, sau quay lại rước voi về giày mả tổ như cái vụ Mỵ Châu-Trọng Thuỷ đã xảy ra cũng vào hồi năm xửa năm xưa.
Vì thế, hai vợ chồng chỉ chăm ẵm, bú mớm cho cậu con quý tử. Cái gì cũng giành cho nó. Hễ nó uốn một phát thì ông chìa cái đùi gà, nó éo một phát thì bà thò cái giò lợn…nghĩa là trên trời dưới bể, hễ thằng bé thích gì là ông bà đều chiều ráo rào rào, nó muốn cái gì là ông bà đáp ứng tuốt tuồn tuột.
Ai hỏi tại sao ông bà chiều nó lắm thế? Lập tức ông bà cả cười mà rằng nó chính là trụ cột, là “quả đấm thép” của ông bà sau này. Cái nhà này có giữ được cũng là nhờ nó.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thằng bé càng lớn phổng lớn phao bao nhiêu thì nó lại càng uốn éo bấy nhiêu, khiến hai ông bà còng lưng cung phụng mấy cũng không đủ, tiền bạc gom góp cả đời dần cạn kiệt. ông bà quay sang bắt đứa con gái nhờ biết thân biết phận, làm ăn cần cù giờ đã giàu sang phú quý phải cưu mang để nuôi nấng thằng anh.
Nhưng cô em chu cấp cũng không đủ, ông bà chạy đôn chạy đáo sang các nhà láng giềng vay nợ, hẹn với họ đến… đời cháu sẽ hoàn trả đủ cả vốn lẫn lãi.
Cái thói đời, được chiều chuộng nâng niu quá thành ra hư đốn. Cậu quý tử càng lớn càng ăn chơi phá gia chi tử và cái gì chưa đến phải đến. Một hôm người ta đến báo cho ông bà biết cậu ấm của ông bà nợ tiền của họ nay đã đến kỳ trả. Hỏi ra mới hay cậu cả nợ như núi khiến ông bà không đủ sức mà trả.
Ông bà nghe vậy ngửa mặt lên trời, mồm sùi bọt mép mà kêu lên hai tiếng: “Nghịch tử”, rồi lăn ra giãy đành đạch. May thay cô con gái có mặt kịp thời, đưa bố mẹ đi bệnh viện cứu chữa, nếu không thì có mà mất ngáp.
Đó là chiện ngày xưa ngày xửa ngày xừa không thèm chấp.  Cái chiện ngày nay ngày nảy ngày này mới là hay ho.
Ấy là cũng nhà nọ mắn đẻ sinh được một bầy con. Học tập các bậc tiền nhân, nên lũ con gái ông bà cũng không mặn mà chi cho lắm, chỉ chăm ẵm bú mớm cho mấy thằng con. Mỗi khi nựng nịu ầu ơ, ông bà gọi chúng là trụ cột, là “quả đấm thép”, là quyết định cho sự tồn vong của gia đình vưn vưn và vưn vưn.
Được cái khi mới chào đời, các quý tử đều cực kỳ khôi ngô khoẻ mạnh, ông bà lấy đó làm niềm tự hào lắm lắm. Hễ có hàng xóm lân bang nào sang chơi, ông bà cũng đem ra vừa để khoe vừa để doạ. Vì thế, ai nghe tên mấy cậu con của ông bà đều sởn gai ốc.
“Thằng” con cả của ông bà tên là Agribank (gọi tắt là A cho dễ nhớ hen). “Thằng” hai tên là Vinashin (gọi tắt là V), “thằng” ba tên là Điên Nặng (gọi tắt là E).  “Thằng” tư tên là Petrolimex (gọi tắt là P).
Khỏi phải nói niềm tự hào kiêu hãnh của ông bà. Chớ lại không à? Cái nhà thì phải có trụ, ông bà có bốn “thằng” to con như võ sỹ thế thì kẻ nào mon men tới, chúng chỉ cần đứng thế tứ trụ tung quả đấm đồng loạt vào bốn hướng thì có mà bổ chửng bà già.
Cũng bởi kỳ vọng vào mấy cậu quý tử, nên ông bà chăm ẵm cưng chiều lắm lắm. Có bao nhiêu trong hầu bao ông bà đều dốc ra để nuôi chúng. Hễ chúng “oa” một tiếng lập tức ông quát bà lấy bơ, pho mát hay cái chi chi đó thơm thơm ngon ngon trám ngay vào mồm. Nó “oe” một tiếng là bà thét ông kiếm cái chi mát mát bổ bổ đổ ngay vào họng.
Tiền trong hầu bao không đủ, ông bà buộc lũ con gái giờ đều đã trưởng thành, có đứa lấy thằng chồng mắc căn bệnh giãy chết, có đứa lấy con nhà hàng xóm, đứa đi xuất khẩu lao động, đứa làm chủ doanh nghiệp…nhưng vì biết thân biết phận lại lo chí thú làm ăn, nên chừ đứa nào cũng giàu có phải hỗ trợ ông bà nuôi bốn cậu quý tử.
Lũ con gái chung tiền không đủ, ông bà tong tả chạy sang hàng xóm vay tiền, với lời hứa chắc nịch rằng đến đời chắt dứt khoát sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi.
Rứa là, cứ rứa cứ rứa và cứ rứa! Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Bốn đứa con của ông bà ngày càng lớn lên. Nhưng mà giời ạ! Ông bảo bà “Mình ngắm chúng mà xem. Trông bề ngoài thì khôi ngô tuấn tú, cao lớn khoẻ mạnh thế, nhưng mà sao bước đi của chúng trông có vẻ dặt dẹo vậy cà?”. Bà lo lắng: “Ờ nhể! Hay là chúng nó nghiện oặt hả ông?”. Ông trừng mắt: “Bậy nào! Nghiện oặt thế nào được, con tôi tôi phải biết chứ, chúng nó đều ngoan ngoãn gọi dạ, bảo vâng thế mà bà bảo chúng nó oặt được à?”.
Cuối cùng hai ông bà thống nhất dù nó có bị dặt dẹo, thậm chí có bị oặt thì cũng cố mà lơ đi, kẻo hàng xóm người ta chê cười, bầy con gái chúng nó dị nghị.
Thế rồi, cứ thế cứ thế và cứ thế! Thời gian lại thoi đưa thấm thoắt. Bốn cậu quý tử ngày càng phổng phao bao nhiêu thì dáng đi lại càng dặt dẹo bấy nhiêu. Nhưng ông bà vẫn tự hào lắm lắm. Hễ có hàng xóm lân bang nào sang thăm, là ông bà lại gọi chúng ra sắp hàng để chào.
Nhìn chúng to lớn lừng lững, hàng xóm dù có to khoẻ vâm váp đến mấy cũng phải tim đập chân run trước cú ra đòn bằng…võ miệng.
Một hôm nào đó như bao hôm nào, khi ông bà đang say sưa ngắm nhìn mấy chàng công tử, niềm tự hào vô tận, là trụ cột, là quả đấm thép của mình đang tung ta tung tăng với những bước đi…dặt dẹo.
Bỗng đùng một cái, có mấy người mặt mũi lạ hoắc đến đòi nợ…
Cả ông lẫn bà đều tròn xoe hạt nhãn vì kinh hãi! Nợ gì vậy cà?  Số nợ hàng xóm thì đã thoả thuận đến đời chắt mới phải trả. Lũ con gái thì hàng tháng phải có nghĩa vụ nộp tiền để nuôi bốn quý tử rồi.
Cố lấy hết bình sinh, ông thều thào hỏi mấy tay chủ nợ “Tui có nợ chi mô?”. Mấy tay kia trừng mắt : “Ông bà không nợ, nhưng mấy thằng con nợ. Trả mau”. Bà lo sợ nhìn ông, rồi khép nép thưa với mấy tay kia “Dạ, cho được hỏi, chúng nợ bao nhiêu ạ?”. Bọn kia chìa sổ nợ ra “Bao nhiêu hả? Ông bà hãy xem đây!”.
Hai ông bà vừa dòm vào sổ một phát, liền sùi bọt mép, chỉ kịp ngửa mặt lên trời kêu hai tiếng: “Nghịch tử” rồi  lăn đùng ra bất tỉnh.
Trong khi các quý tử vẫn đút tay vô túi mà cười hi hi một cách hồn nhiên, vì chúng thừa biết chi thì chi, sau khi tỉnh dậy ông bà vẫn phải tiếp tục cong lưng nuôi chúng, thì mấy cô con gái nghe tin dữ chạy về, kịp đưa ông bà vô nhà thương.
Muốn biết tánh mạng ông bà có qua cơn nguy kịch hay không? Xem tới hồi mô đó sẽ rõ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét