Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Rút niêm yết, “đại gia” Đặng Thành Tâm tiên đoán gì?


(VEF.VN) - Sự việc SGT rút niêm yết là rất bình thường trong điều kiện TTCK Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau sự việc này, “đại gia” Đặng Thành Tâm đã tiên đoán được điều gì?
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Trên sàn HOSE, cổ phiếu SGT của ông Đặng Thành Tâm thực ra chỉ là một mã có mức vốn hóa nhỏ và thanh khoản yếu, vì thế việc người giàu thứ ba sàn chứng khoán Việt Nam có xin rút niêm yết cổ phiếu này chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến rổ tỷ trọng của VN-Index cũng như tâm lý nhà đầu tư. Nói tóm lại, đây là một sự việc rất bình thường, không có gì phải ầm ĩ.
Tuy vậy, đây lại là trường hợp tự nguyện xin hủy niêm yết đầu tiên của một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không xấu và cũng chẳng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào tầm ngắm, khác hẳn với một số cổ phiếu lỗ lã bị "treo giò" hoặc phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Hãy so sánh với 2008 - năm khủng hoảng ghê gớm của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), ngoài Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (mã BBT) bị hủy niêm yết, còn lại không một doanh nghiệp nào xin tự rút niêm yết cổ phiếu của mình cho dù tình hao hụt vốn cũng tăng khá cao.
Vì thế, chuyện SGT nhỏ mà lại không nhỏ. Bản thân SGT không có gì đáng kể, nhưng sở hữu nó lại là một người có tầm nhìn (có lẽ vì thế mới trở thành người có tầm cỡ về kinh doanh). Mà người có tầm nhìn hẳn phải nhìn thấy, tiên đoán được những vấn đề trong tương lai mà nhiều nhà đầu tư khác không thấy được. Hiển nhiên đó là một ẩn số mà chúng ta cần phải quan tâm.
Có một số giả thuyết đối với ẩn số trên. Giả thử ông Tâm giữ nguyên cổ phiếu SGT trên sàn HOSE và cố gắng "cầm cự" như đa số các doanh nghiệp khác, tình hình sẽ thế nào?
Ông Đặng Thành Tâm "dự cảm" điều gì với thị trường chứng khoán thời gian tới?

Vào tháng 10/2009, SGT tạo đỉnh 35.000 đồng/cổ phiếu, vào tháng 10/2010 cũng tạo một đỉnh thấp hơn là 30.000 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, cùng chung số phận với khối cổ phiếu vốn hóa nhỏ, SGT cũng miệt mài lao dốc và chỉ còn nằm ờ vùng 7.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu này đã mất đi 80% giá trị so với năm 2009 và 76% giá trị so với năm 2010. Khách quan mà xét, đó là một sự mất mát quá lớn và quá bất công đối với một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá tốt.
Nhưng biết làm sao được, từ lâu rồi người ta không còn nghe nhiều đến khái niệm đầu tư dài hạn trong TTCK Việt Nam, nhất là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thị trường cứ xuống là bán, giá thấp cỡ nào cũng vẫn bán. Bởi thế trải qua 18 tháng suy giảm của thị trường, đến nay đã có hơn 200 mã có trị giá từ 5.000-10.000 đồng, 18 mã dưới 5.000 đồng, đặc biệt có những mã đã giảm về dưới 3.000 đồng. Trong bối cảnh thị trường cứ tiếp tục trượt thê thảm và sự thê thảm đó có thể còn lâu mới kết thúc, liệu SGT có giữ được "ngưỡng" 7.000 đồng?
Vào cuối năm 2010, ông Đặng Thành Tâm sở hữu 17,5 triệu cổ phiếu SGT, trị giá 214 tỷ đồng. Nhưng vào thời điểm ấy, cổ phiếu này còn có giá 14.000-15.000 đồng. Còn nay khi đã giảm gần một nửa, người sở hữu bị thiệt hết bao nhiêu?
Còn nếu SGT cũng theo chân những cổ phiếu "siêu nhỏ" mà giảm về 3.000-4.000 đồng, khi đó tài sản của đại gia chắc chắn sẽ bị "pha loãng" thảm hại. Nếu "nhìn" trước được triển vọng như thế thì có lẽ quyết định rút niêm yết SGT là hoàn toàn chính xác.
Thoái vốn?
Lại nhớ đến tháng 9/2009, Quỹ Indochina Capital Holdings Limited (ICV) đã trở thành tổ chức nước ngoài đầu tiên quyết định đóng quỹ để thoái vốn. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang tăng trưởng khá mạnh và càng làm cho nhà đầu tư khó hiểu về việc ICV chủ động bỏ lỡcơ hội.
Nhưng chỉ một tháng sau, chỉ số VN-Index và HNX-Index đột ngột lao dốc, mở màn cho một chiến dịch sụt giảm dằng dai đầy đau khổ. Thế mới biết ICV đã thật khôn ngoan, trong khi nhiều quỹ đầu tư khác của nước ngoài đều nằm trong tình trạng bị "kẹp hàng" và lỗ lã lớn.
Có khá nhiều điểm tương đồng giữa giai đoạn hiện nay với thời kỳ năm 2008. Những đặc diểm này cũng có mối liên hệ với những lý do được ông Đặng Thành Tâm nêu ra liên quan đến việc hủy niêm yết cổ phiếu SGT: tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thế giới có nhiều biến chuyển khó lường; ngân hàng ngừng cho vay chứng khoán và bất động sản; TTCK chứng kiến nhiều đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu không thành công; mất yếu tố cơ bản tích cực nhất, đó là thị trường vốn tốt cho doanh nghiệp; cả công ty lẫn cổ đông không còn thấy tính tích cực ở TTCK.
Từ mối liên hệ trên, có thể phác ra một giả thuyết nữa: việc hủy niêm yết SGT thực chất là hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp. Hành động này vừa tránh cho doanh nghiệp bị thiệt hại thêm do giá cổ phiếu có thể còn giảm sâu, vừa "tái cấu trúc" lại tài sản và định hướng phân bổ đầu tư. Nếu đúng như vậy, SGT không phải là một hiện tượng cá biệt.
Cách đây không lâu, Công ty chứng khoán Vincom (VIX) đã tuyên bố ngừng hoạt động của VIX tại Hà Nội và tiến thoái vốn toàn bộ. Ở một địa chỉ khác, vào cuối năm 2010, Tập đoàn Bourbon đã chuyển nhượng toàn bộ 68,52% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT). Cùng thời điểm đó, Sacombank (STB) đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam (VFM) từ 42,66% xuống còn 10,5%. Hoặc, Công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVF) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVX) đăng ký bán ra nhiều cổ phiếu "họ" dầu khí; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thoái toàn bộ 40% vốn cổ phần tại Công ty chứng khoán Cao su...
Không chỉ tổ chức, mà thoái vốn cũng đang trở thành một "phong trào" của nhà đầu tư cá nhân ở Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre (FBT), Công ty cổ phần Vinpearl (VPL), Công ty cổ phần XNK Thủy sản Bến Tre (ABT)...
Vào tháng 7/2010, một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cho biết lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào TTCK Việt Nam chỉ còn khoảng 7 tỷ USD, giảm mạnh so với năm 2007 (11-12 tỷ USD). Khi đó, người ta đã nêu vấn đề liệu có sự thoái vốn của khối đầu tư nước ngoài hay không?
Cũng đã có lời trấn an "đừng hoang mang" từ phía cơ quan chức năng. Nhưng giờ đây, dường như giữa xu hướng giảm vốn FII và hiện tượng thoái vốn của một số tổ chức, cá nhân trong nước đã bắt đầu hình thành sợi dây liên hệ.
"Văn hóa từ chức"
Một câu hỏi nữa phát sinh: thoái vốn để làm gì? Có lẽ đây mới chính là sự phân biệt rõ ràng nhất về "đẳng cấp" tầm nhìn chiến lược. Dòng vốn thông minh sẽ không bao giờ, không đời nào chịu nằm im để phải chứng kiến cảnh mình mẩy nó bị bầm dập, mà nó sẽ phải tìm đến những miền đất khác có nhiều hứa hẹn hơn.
Mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của đại gia Đoàn Nguyên Đức lên kế hoạch "găm" sẵn 2.400 tỷ đồng tiền mặt để xoay sở khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, mặt khác sẽ săn các khu đất giá rẻ để tiếp tục đầu tư vào bất động sản.
Đáng chú ý, trong kế hoạch lợi nhuận năm 2011 của "bầu" Đức, bất động sản vẫn chiếm tỷ suất lợi nhuận 50%, còn lại phân bổ đều cho tất cả các ngành: gỗ, đá, xây dựng, khoáng sản, thủy điện, tài chính. Cũng cần nhắc lại rằng Hoàng Anh Gia Lai đã là tổ chức tư nhân đi tiên phong trong việc giảm giá căn hộ cao cấp và do đó đã kịp thu hồi được một lượng vốn lưu động đáng kể, ngược lại cho đến nay nhiều chủ đầu tư căn hộ "nhà giàu" đang dở khóc dở cười.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm lại đang "dự cảm" về "tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và thế giới có nhiều biến chuyển khó lường". Nếu suy diễn giản đơn sẽ thấy từ "khó lường" đó có thể liên đới với những nguy cơ đang ám ảnh nền kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam cũng là một phần không tránh khỏi.
Và nếu đúng như dự đoán của hai "chuyên gia khủng hoảng" Stiglitz và Roubini về tương lai tái suy thoái kinh tế thế giới, liệu nền kinh tế Việt Nam có còn trụ vững?
Nếu tầm nhìn của những người như ông Đặng Thành Tâm là có cơ sở (nhưng cầu trời là ông sai), hẳn nhiên cái TTCK vừa kham khổ vừa túng quẫn của chúng ta không có lý do nào để bật dậy trong một thời gian khá lâu nữa, và do vậy quyết định rút niêm yết cổ phiếu SGT của ông Tâm quả là chí lý và hợp thời như một biểu hiện của "văn hóa từ chức".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét