Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Những đồng tiền bị “bức tử”?


 “Chao ôi! Có thời buổi nào như thế này không hả chời là chời!” Mô vừa mân mê mấy những tờ giấy bạc có mệnh giá “tí hon” vừa rền rĩ như rứa. Hình như những tờ giấy bạc đó cùng chung nỗi niềm như Mô thì phẩy, nên chúng đều đồng thanh “khóc oà” lên.
Rồi thì là chúng tranh nhau kể lể, rồi thì là chúng tranh nhau oán trách. Có đứa ngoa ngoắt còn cong mồm lên chửi những kẻ nào đã sinh ra nó, để bây chừ từ chỗ được nâng niu chiều chuộng, nay trở thành kẻ “không cửa không nhà”.
Ôi ôi ôi! Nhìn chúng mà coi: Đứa thì mặt mày nhàu nhĩ rách nát, đứa thì bị chuột, gián hay con chi đó gặm nhấm nham nhở, đứa thì không biết bị ai đó viết những chữ tầm bậy tầm bạ làm hoen ố.
Mấy thằng xu keng thì ăn nhằm phải cái thứ chi mà mà màu “da” xỉn đen thùi lùi, khiến cho những giòng chữ mang thể diện quốc gia “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” không khéo lại trở thành quốc nhục.
Ôi chao là cái chao ôi! Răng ri hè răng rì hè? Thiệt không thể hiểu nổi nữa.
Cũng là cái nước Nam ni, rứa mà sau cái hồi lật đổ bọn phong kiến, đánh đuổi bọn Đế quốc Tư bổn ra khỏi bờ cõi. Việt Nam miềng ngẩng cao đầu lắm chứ. Này thì nhé, từ nay người dân Việt được độc lập, tự do, cơm no, áo ấm. Trong cái sự sung và sự sướng đó, có sự tham gia của những tờ giấy bạc, những đồng xu keng.
Nếu ai đó sống ở miền Bắc vào những thập niên 70 của thế kỷ trước, chắc hẳn còn nhớ hồi đó người ta phát hành những loại tiền có mệnh giá 1 xu, 2 xu, 5 xu, 1 hào, 2 hào, 5 hào, 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng và lớn nhất là 10 đồng (Hay còn gọi là tờ cà chua, vì nó màu đỏ).

Hồi đó, tụi trẻ con như Mô được mẹ cho 1 xu là “sướng như điên”, vì 1 xu đã có thể mua được một cọc 10 quả mận quân, hoặc mấy cái kẹo bột.
Đồng lương của cán bộ công nhân viên hồi đó mỗi tháng nhận mấy đồng đã to lắm rồi, có thể nuôi sống cả gia đình.
Thế mà hời ỡi! Từ sau công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1978, người ta tổ chức đổi tiền và từ đó đồng tiền Việt Nam bắt đầu đi cà dựt cà dựt. Năm 1985, một lần nữa đồng tiền Việt Nam lại bị bệnh “thống phong” sau cú đổi tiền và trượt chân ngã oành oạch liên tục cho tới tận bây chừ.
Để đến tận hôm nay…hu hu…tờ 100 đồng không biết “chết” tự bao giờ, vì tự dưng “lặn” mất tăm mà không thấy ai cáo phó. Những đồng tiền có mệnh giá thấp 200 đồng, 500 đồng, thậm chí 1.000 đồng đang sống èo uột, lay lắt, “mạng sống” đang được tính từng ngày.
Bây chừ, thử cầm mấy tờ tiền mệnh giá nói trên ra chợ mà coi. Mấy ả bán rau, mấy bà hàng cá cứ ngúng nga ngúng nguẩy, xì xà xì xoẹt “nể” lắm mới chịu nhận cho. Người mua chịu nhục, nhưng với cái kiểu đối xử đó, mấy tờ giấy bạc đó cũng có vinh chi.
Cách đây chưa lâu, năm mới năm me lì xì cho trẻ con 1-2 nghìn đồng là chúng sướng rêm. Chừ thử lì xì kiểu đó mà coi, chúng lại chẳng quẳng xuống đất mà giãy đành đạch.
Nói cái sự ném tiền xuống đất. Trước đây, mấy cái nhà giàu chơi ngông, cưới xin ma chay gì cũng vứt tiền lẻ xuống dọc đường đi. Mấy người nghèo thấy vậy thi nhau nhặt. Chừ thử mà coi, những tờ giấy 200 đồng bị vứt xuống đất, bay tả tơi trong gió mà nào có ai thèm nhặt cho đâu. Chả vậy cách đây cũng chưa lâu, báo chí mần rùm beng cái vụ một ông trưởng phòng của thành phố nọ “tiễn” cha về “thế giới người hiền” bằng những tờ giấy bạc 5 nghìn, 10 nghìn đồng.
Là nói cái sự tiền giấy. Mấy đồng xu keng cũng chịu chung mệnh yểu. Hồi mới phát hành (2003), người ta mần rùm beng củ tỏi, nào là phù hợp với xu thế thời đại, nào là thuận tiện trong giao dịch mua bán, nào là tiện ích khi sử dụng mua hàng ở máy công cộng. Nào là…đủ thứ nào là…
Thế mà mới chỉ ba bảy hăm mốt ngày, những đồng xu ánh vàng tuyệt đẹp bỗng bị ảnh hưởng chất độc da cam hay sao đó, mà trở nên xin đen xỉn đỏ trông gớm chết. Nhưng đó chưa gớm bằng cái sự chúng bị đối xử “tàn nhẫn”, bị buộc sống lăn lóc trong gậm giường, góc tủ. Trẻ con nhìn thấy chúng còn dửng dưng, huống chi người lớn.
Cũng bởi vậy nên, mới đây nghe nói Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không phát hành tiền xu nữa. Cũng đúng thôi, chúng có quyền được “sống” nữa mô mà phát. Điều đó cũng có nghĩa, từ nay đồng xu keng đã bị “tựa cột” để chấm dứt “cuộc sống” nổi nênh của chúng.
Có một điều người ta hình như cố tình cho qua, ấy là cái sự lãng phí rất lớn khi phát hành đồng tiền xu đó, chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm, chí ít cũng là một lời xin lỗi quốc dân đồng bào.


Ôi thôi thôi, những loại tiền mệnh giá thấp đang trong cơn hấp hối. Trong giờ phút “lâm chung” của nó. Chúng ta, những kẻ bây chừ quen tiêu tiền mệnh giá lớn…(là nói cho sang mồm vậy thôi chớ quen mô mà quen, chửng qua vì tiền mất giá  quá xá chời đó chớ ) hãy nghiêng mình kính cẩn trước “anh linh” những “chú lính” nhỏ con đã dũng cảm hy sinh thân mình để cứu nguy cho những đồng tiền mệnh giá lớn hơn còn có cơ mà sống sót.
Nhưng mà nói chi thì nói, bên cạnh cái việc quản lý Nhà nước chưa tốt và cả tỷ nguyên nhân khách quan, chủ quan chi chi đó khiến đồng tiền mất giá, thì chính những người tiêu dùng cũng là “thủ phạm” gây nên “cái chết tức tưởi” của đồng tiền mệnh giá thấp.
Còn chi nữa, cứ nhìn cái cách cư xử, thái độ thờ ơ xem nhẹ những tờ giấy bạc, những đồng xu keng mệnh giá thấp thì sẽ rõ. Mặc dù đã được khuyến cáo của Nhà nước và nhà chùa, nhưng những người đi lễ Phật, lễ Thánh thường dùng những tờ giấy bạc để cúng dường, làm như Phật, thánh cũng biết nhận “hối lộ” không bằng.
Ngoài việc để hàng xấp giấy bạc mệnh giá nhỏ lên ban thờ, người ta còn dán lên cổng chùa, lên hoành phi câu đối trong chùa, trong điện hoặc thả xuống “giếng ngọc” hết lớp này đến lớp khác. Hành vi này không những vi phạm pháp luật về sử dụng tiền, còn gây nên sự lãng phí và quan trọng hơn cả là thể hiện sự “nhất bên trọng, nhất bên khinh” giữa đồng tiền “lớn” và đồng tiền “bé”.
Không những vậy, tâm lý “xài sang” của một số người  cũng khiến cho đồng tiền đã mất giá lại càng thêm mất giá. Đó là việc họ không thèm nhận lại vài ba nghìn tiền thừa, nhất là trong các giao dịch dịch vụ như đi taxi, mua hàng trong siêu thị, cà phê, quán nhậu…
Phải chăng sự “coi thường” đồng tiền mệnh giá thấp của người tiêu dùng đã khiến cho không những bị “hắt hủi”, bị “ngược đãi” so với đồng tiền có mệnh giá lớn hơn, mà “sinh mệnh” của đồng tiền mệnh giá thấp theo đó cũng bị đe doạ từng ngày, từng giờ, thậm chí “chết yểu” như tờ giấy bạc 100 đồng Mô đã nêu ở trên.
Nhưng mà giời ạ! Đa phần chúng ta  là những người dân lao động nghèo khó, chỉ mong sao một ngày nào đó, sẽ lại được sử dụng những đồng tiền mệnh giá thấp. Vì những người lao động chân chính, chăm chỉ hạt bột chỉ có thể bòn mót, kiếm tìm những hào bạc, đồng xu như thế mà thôi.
Viết đến đây, Mô bỗng nghe văng vẳng đâu đây tiếng thở than: “ Xin đừng “bức tử” những đồng tiền mệnh giá thấp như chúng tôi hu…hu…”
Ủa, ai khóc than ở đâu vậy cà? Mô tìm kiếm quanh quất và phát hiện ra một tờ giấy bạc 200 đồng đang nằm vạ vật khóc lóc dưới gậm giường.
Cầm tờ giấy bạc lên, Mô vuốt lại cho phẳng phiu, hun hít nó một hồi rồi…cho vô góc tủ :D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét