(VEF.VN) - Dự cảm của một số người lo xa lại có vẻ đúng: hệt như người đời thường nói về "những ngày đen tối" của các thị trường chứng khoán (TTCK) ở Tokyo hay New York, đây đích thực là một giai đoạn thoái trào của TTCK ở Việt Nam.
Vẫn là những khuôn mặt háo hức dù xen lẫn âu lo, vẫn là niềm hy vọng không gì ngăn cản nổi, nhưng dự cảm đó đang hiện ra với cái ráng bàng bạc của buổi hoàng hôn. Đó là một thứ màu sắc lão nhão và còn có vẻ gì đó hơi ma quái. Màu sắc ấy ẩn hiện trong bầu không gian không ra sáng không ra tối. Bỗng chốc, không khí trong phòng giao dịch trở nên u ám. Người ta cảm thấy khó thở, phân vân không biết do tiết trời nóng nực của hiện tượng La Nina hay bởi một vết mờ tối đang từ từ trùm lên bảng điện tử.
Nhưng dù lý do nào, những con số nhấp nháy đã đứng yên. Một giờ, hai giờ, rồi cả một ngày trời lê thê trôi qua, những con số vẫn chẳng hề nhúc nhích. Chợt có ai đó thốt lên khe khẽ "Nó xuống kìa!". Gian phòng ồ lên một tiếng thất vọng. Thì ra sang ngày thứ hai, sau khi chựng lại và bất động, những con số bắt đầu nhảy múa, nhưng theo đà tuột dốc. Chỉ số chứng khoán giảm nhẹ - báo chí phân trần với thái độ lo lắng. Nhưng dù sao, người ta vẫn chẳng mảy may đánh mất niềm hy vọng rằng vào cuối phiên giao dịch chỉ số chứng khoán sẽ tăng trở lại.
Tuy thế, cái dự cảm của một số người lo xa lại có vẻ đúng: hệt như người đời thường nói về "những ngày đen tối" của các TTCK ở Tokyo hay New York, đây đích thực là một giai đoạn thoái trào của TTCK ở Việt Nam.
Không khí trở nên trầm lắng một cách khác thường. Những nụ cười trên những đôi môi khô nẻ đã biến mất, dù đôi lúc, như để an ủi và kích thích thêm tinh thần kiên cường của dân chơi, giá cổ phiếu có nhúc nhích lên được một chút. Một cơn gió trái mùa lùa qua lớp người túm tụm trên các dãy ghế ở phòng giao dịch, làm sống lưng họ lành lạnh: người ta đang lan truyền tin đồn về những kẻ đầu cơ, những nhóm đầu cơ.
Chợt có ai đó thốt lên khe khẽ "Nó xuống kìa!". Gian phòng ồ lên một tiếng thất vọng. (ảnh minh họa - Vneconomy) |
Đó là những kẻ "làm giá", đã đủ khôn ngoan để đúc kết một trò chơi vừa thô vừa tinh vi: nâng giá để bán cổ phiếu ra, hoặc hạ giá để mua vào cổ phiếu. Đường nào cũng thu lời. Một cuộc đua tranh về độ bền mỏi của thần kinh. Cuộc chơi ấy đầu tiên chỉ vài ba ngày như một thủ tục nhập môn, nhưng sau đó, nó kéo dài lâu hơn, có khi đến cả tuần lễ. Tình thế đó lại càng khiến cho những người ít vốn, những người đã đổ đến hai phần ba số tiền tiết kiệm cả đời vào cái căn phòng ngột ngạt này, không thể ăn ngon và cũng khó chợp mắt được. Như một hình mẫu chung, họ ngồi dán chặt vào ghế, trên tay là một chai nước suối và một ổ bánh mì cắn dở, mắt chằm chặp vào cái màn hình điện tử vô tri vô giác.
Nhìn mãi rồi cũng khiến cho những con số phải nhảy múa. Nhưng đó chỉ là ảo giác, còn khi những con số nhảy múa thật thì chúng chỉ có tuột xuống tiếp chứ không nhích lên. Những trái tim lặng ngắt đã muốn tự thiêu rụi nó. Người ta không còn có thể kéo dài hơn sự kiên nhẫn của mình nữa. Trong đầu họ không còn tràn ngập hình ảnh vinh quang về một ngày khải hoàn, khi họ khệ nệ ôm cả một bao tải đầy tiền về nhà. Mà là nỗi lo sợ đang lớn dần lên về chính ngôi nhà của họ đang bị gặm nhấm, cũng như khúc bánh mì chuột gặm trên bàn tay nhơm nhớp mồ hôi của họ.
Rõ đó là những ngày ảm đạm, khi những người non gan nhất đã tìm cách bán ra. Và cũng như khi mua vào, tâm lý đám đông trở nên quyết định mà không cần bất cứ một chất xúc tác nhỏ nhoi nào từ các nhóm đầu cơ vẫn rình rập chỉ cách họ có vài bước chân. Cả một đám đông - dĩ nhiên là đám đông những người nghiệp dư - vung vẩy tờ cổ phiếu trên tay y hệt như những kẻ khuyến mãi hò hét đại hạ giá mà người đi đường vẫn thường nhìn thấy tại các giao lộ. Chỉ đến lúc những tờ cổ phiếu cầm chưa ấm tay kia được giảm đến mức nguội lạnh về giá trị, nó mới được những người mang khuôn mặt từ bi đón tiếp.
Có những chai nước suối và bánh mì đã rời khỏi phòng giao dịch với vẻ thiểu não, bởi họ đã bán gần như chính xương tủy của mình.
Nền chứng khoán nào?
Nền chứng khoán nào?
Cuộc chơi đến lúc này mới vào hồi quyết liệt hơn. Trong gian phòng đã bớt nồng nực nhưng vẫn tù mù, những khuôn mặt căng thẳng và ánh mắt soi mói quét từ góc này sang góc khác. Ở đâu đó, trong những cái hốc không rõ mặt người, có lẽ một âm mưu đầu cơ đang được tính toán và khởi sự, và nếu không bám lấy cái bảng điện tử chết tiệt kia thì không chừng chỉ trong vòng vài giờ nữa, một số người nào đó sẽ tiếp tục mất mát những giá trị thiêng liêng của mình.
Giờ đây, một người dù ngờ nghệch đến đâu cũng không thể hoài nghi rằng họ đang phải đối mặt với một giới đầu cơ đang ngày càng tự nâng cấp về chuyên môn. Nhưng đó lại là một thứ chuyên môn có lẽ khác rất xa với điều mà người đời đặt là "khoa học chứng khoán". Một thứ "nghệ thuật" đã được hình thành tại cái phòng giao dịch chật hẹp này (mà có lẽ càng hẹp lại càng dễ thao tác "chuyên môn"). Nghệ thuật ấy chỉ nhằm vào việc nâng và hạ giá cổ phiếu vào thời điểm nào cho thích hợp, bán ra hay mua vào làm thế nào để thu lãi cao nhất. Rồi nghệ thuật ấy biểu lộ sức mạnh ảo thuật của nó bằng những đợt thanh loại dần các đối thủ.
Trong quan niệm của những kẻ đầu cơ thô bạo nhất, chứng khoán không có đồng minh mà chỉ có các đối thủ với nhau, giống như những cuộc đấu cho tới chết của các kiếm thủ tại hý trường thời La Mã cổ đại. Khi những kẻ thân phận hèn kém và ngốc nghếch đã nhanh chóng bị gạt ra rìa, các bảng điểm xanh đỏ chỉ còn tựu trung các dân "anh chị".
Bắt đầu một cuộc chơi mạnh vì gạo bạo vì tiền, bắt đầu thiết lập hệ thống tổ hợp giữa các nhóm đầu cơ cò con để biến thành một thứ "tổng công ty", thậm chí đã hình thành mầm mống về một "tập đoàn chứng khoán" nào đó. Ở đây, người ta chỉ không biết có sự tham gia trực tiếp của những nhóm đầu cơ nước ngoài không.
Nghe nói phong phanh là có, bởi TTCK - nơi được coi là một nhân tố ưu việt của nền kinh tế thị trường - một khi đã hình thành và lên cơn sốt ở nước ta với tư cách một thị trường sơ cấp, hẳn sẽ chẳng khó khăn mấy cho các nhà đầu cơ nước ngoài tùy thích biến cái bảng điện tử thành màu xanh hoặc đỏ.
Nói như thế có vẻ giống như một thứ đồ chơi của một đứa trẻ lên ba. Thì đúng là như vậy, đã từ lâu các nhà đầu cơ chứng khoán nước ngoài thích thú dặc biệt với công việc đầy tâm huyết của họ, và càng thích thú hơn nữa với những TTCK thuộc loại sơ cấp, sơ đẳng như ở nước ta. Đây chính là nơi mà các quy luật vận động tài chính còn chưa thành hình, sự đan xen giữa các dòng tài chính lẩn khuất trong vùng tranh tối tranh sáng.
Do vậy, đó hẳn là một nơi lý tưởng để rửa tiền. Người ta đã từng nghe nói ở một quốc đảo nọ, cứ hai người dân lại có một công ty, cùng vô số ngân hàng. Còn ở TTCK của nước ta, khi cổ phiếu có thể được luân chuyển qua hàng chục người chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ thì chẳng ai có thể bảo đảm sẽ truy được nguồn tiền đó xuất phát từ đâu.
Vậy thì TTCK này thực chất là thế nào? Câu hỏi đó đang làm điên đảo không chỉ những nhà phân tích tài chính và chứng khoán. Nói thực ra, sàn giao dịch chứng khoán khó lòng còn giữ được cái phẩm giá ban đầu của nó là nơi thu hút vốn nhàn rỗi từ nhân dân để thực hiện vốn đầu tư cho những công trình to tát nữa.
Mà một khi ngay cả nhân dân cũng bị hấp dẫn bởi tính chất đầu cơ, một khi mỗi người dân mua cổ phiếu đều tự nguyện trở thành nhà đầu cơ, tự nhiên cái sàn giao dịch đó đã biến thành một nơi thắng - thua kiểu may rủi, công khai và còn hoàn toàn hợp pháp. Nó chỉ có khác với những sòng bạc bất hợp pháp ở chỗ trong sàn giao dịch chứng khoán, người thắng thường không biết mặt kẻ thua. Điều đó cũng giúp an ủi khá nhiều cho lương tâm của những kẻ đã lấy tiền từ túi người khác một cách rất chi là khoa học.
Nhưng nói gì thì nói, không thể phủ nhận một thực tại khách quan là cứ mỗi ngày lại có thêm hàng trăm người bị hút vào cục nam châm khổng lồ kia. Âm thanh náo động của đám đông mỗi khi giá cổ phiếu lên, trạng thái phấn khích tột đỉnh khi cổ phiếu kịch trần, âm thanh cực kỳ thuyết phục của tiếng giấy bạc... , tất cả khiến cho khó có ai tự nguyện rời bỏ phòng giao dịch, dù đang bị lỗ. Hoặc giả có lỗ thì vẫn còn không ít hy vọng rằng trong phiên giao dịch tới, giá cổ phiếu sẽ lại lên và đời lại huy hoàng.
TTCK là thế. Nếu người đời đã từng ví "ăn bóng đá, ngủ bóng đá", thì câu ngạn ngữ thời đại này xem ra phải ứng với TTCK mới đúng. "Ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán" - cái thị trường này lại không hề ngừng nghỉ, cứ như không biết mệt mỏi và chẳng bao giờ kiệt sức, như một vùng đất đầy hấp lực còn chưa được khai phá đang mời gọi những trái tim nhiệt thành đến góp công góp của cho nó.
Chúng ta đang tiến đến một nền chứng khoán theo đúng nghĩa khoa học và có ý nghĩa kinh tế - xã hội hay chỉ là một nền chứng khoán ảo với đầy rẫy những hậu quả khó lường?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét