(VEF.VN) - Hiện nay để tạo ra 1% tăng trưởng, Việt Nam phải đầu tư rất nhiều, trong khi năng lực sản xuất thì gần như dậm chân tại chỗ, các chuyên gia trao đổi tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tăng trưởng thực sự phải do DN trong nước tạo ra
Mở màn phiên thảo luận chính thức tại Hội nghị cấp cao vềkinh doanh tại Việt Nam trong khuôn khổ hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB sáng 3/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết dự báo giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển.
"Do đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường như thị trường tài chính, thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, khoa học công nghệ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, giải phóng và phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước vẫn là một trong các ưu tiên hàng đầu của Việt Nam," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
GS Kenichi Ohno, một chuyên gia kinh tế đã có hơn 10 năm nghiên cứu về Việt Nam khẳng định từ sau Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong tự do hóa, hội nhập và phát triển kinh tế, nhưng tăn trưởng mới chủ yếu dựa vào mở cửa về thương mại và ngoại tệ thay vì dựa trên tăng trưởng và đổi mới.
"Nhưng tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán và BĐS... Nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và DN trong nước tạo ra," ông Ohno nhấn mạnh.
Hiện nay để tạo ra 1% tăng trưởng thì Việt Nam phải đầu tư rất nhiều, trong khi năng lực sản xuất thì gần như giậm chân tại chỗ.
Vì thế, ông Ohno cho rằng Việt Nam đang nhận được nhiều FDI, cần nội địa hóa sản xuất và phát triển công nghiệp phụ trợ. Tiếp đó là nội hóa năng lực và nâng cao năng lực quản lý.
Đây là thách thức lớn với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam cần có chính sách công nghiệp chủ động với cam kết mạnh mẽ với hội nhập toàn cầu và tăng trưởng do khu vực tư nhân đóng vai trò chủ đạo, cần thu thập và chia sẻ đầy đủ thông tin về công nghiệp giữa Chính phủ và giới DN và hợp tác công - tư hiệu quả. Đồng thời, tiếp thu tri thức, kỹ năng và công nghệ phải được xem là mục tiêu quốc gia.
Việc hoạch định chính sách ở Việt Nam còn thiếu sự phối hợp giữa các bộ ngành, sự tham gia của các bên liên quan, và thiếu cấu trúc chính sách chặt chẽ.
GS. Kenichi Ohno cho rằng hiện VN đang có quá nhiều ưu tiên được đưa ra, có nghĩa là chẳng có ưu tiên nào.
"Chỉ nên lựa chọn vài chiến lược để tích cực thực hiện," ông Ohno nhấn mạnh. "Mỗi chiến lược phải có một bộ, ban, ngành chịu trách nhiệm chính, có quy hoạch, ngân sách, nhân sự, giám sát và hợp tác quốc tế và cần có sự điều phối ở cấp cao hơn cấp bộ để tránh chồng chéo."
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam sẽ tập trung đầu tư cả hai lĩnh vực động và tĩnh, tức là cả những lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế truyền thống lẫn các lĩnh vực mới.
"Phải triển khai rất nhiều chương trình kinh tế xã hội mới phát hiện ra năng lực cạnh tranh động," ông Hải nhấn mạnh.
Hai trọng tâm đầu tư sắp tới sẽ là lĩnh vực đào tạo và cơ sở hạ tầng bởi đây là những điểm nghẽn của nền kinh tế. Nếu không giải quyết được vấn đề về chất lượng lao động thì sẽ không phát triển được.
Ông Hoàng Trung Hải cho rằng trong những năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Chẳng hạn như Việt Nam đã đáp ứng 100% nhu cầu xi măng, 40% nhu cầu phân đạm, tiến tới sẽ đáp ứng 100% và có xuất khẩu, ngành dệt may cũng đáp ứng 40% khả năng nội địa hóa.
Chính phủ đã ban hành về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để chuyển dịch sang những ngành có giá trị cao hơn, nhưng theo Phó Thủ tướng thì đây là quá trình phải đi nhanh nhưng không sốt ruột được. Nếu chưa bắt kịp được các ngành công nghiệp cao thì chưa thể bỏ các ngành công nghiệp thấp.
"Chúng ta vẫn cần những ngành nhiều lao động để giải quyết lao động cần việc làm," ông Hải nói.
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia"
"Câu nói này được khắc tại Văn Miếu từ vài trăm năm nước, nhưng cho đến nay, triết lý này vẫn còn nguyên giá trị," - ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định như vậy khi trao đổi về chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
"Cần phải có lãnh đạo giỏi," ông Ohno nhấn mạnh. "Ở các nước thì quan chức rất tự hào vì tiền lương của họ rất tốt và họ rất giỏi. Quy trình làm việc trong Chính phủ rất nhanh."
Theo ông Ohno thì sẽ mất thời gian để xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi nhưng từ kinh nghiệm của Thái Lan thì cần phải tạo sự tin tưởng giữa DN và Chính phủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có sự tin tưởng hai chiều như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét