Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ thảo luận với các thành viên Chính phủ về khả năng công khai dự trữ ngoại hối quốc gia.
> Chủ tịch ADB cảnh báo ‘khéo’ Việt Nam
Mức độ cởi mở và tính độc lập của ngân hàng trung ương được khá nhiều đại biểu quan tâm tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44. Ảnh: Q.Đ |
Viện dẫn sự kiện Cục dự trữ liên bang Mỹ lần đầu tiên tổ chức họp báo thường kỳ vào ngày 2/5, chủ tọa phiên thảo luận đã đặt ra câu hỏi đối với Thống đốc Nguyễn Văn Giàu về mức độ cởi mở của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có việc công bố dự trữ ngoại hối quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tính đến cuối tháng 3/2011, dự trữ ngoại hối của Việt Nam của Việt Nam tiếp tục ở mức thấp, khoảng 12,4 tỷ USD. |
Khẳng định việc công khai thông tin ngày một quan trọng và cần thiết đối với hoạt động của cơ quan điều hành tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và thực hiện lộ trình cung cấp các thông tin cho cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, đối với dự trữ ngoại hối quốc gia, vấn đề trước nay rất hiếm khi được công bố chính thức, Thống đốc cho biết việc công khai không chỉ phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước: “Tôi biết ở nhiều nước, số liệu dự trữ ngoại hối được công bố là rất bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi sẽ phải cùng với các Bộ trưởng bàn bạc, xem xét tình hình, từ đó báo cáo với Thủ tướng để xem xét công bố chính thức”, Thống đốc cho biết.
Về mức độ độc lập của ngân hàng trung ương, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, khác với các quốc gia khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một bộ phận của Chính phủ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật ngân hàng Nhà nước năm 2010, cơ quan này vẫn có được vai trò độc lập và tự chủ nhất định trong việc điều hành chính sách.
Riêng về vấn đề điều hành tiền tệ năm nay, Thống đốc cho biết việc tập trung kiểm soát chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư và kinh doanh, nhưng sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát. Hiện dư nợ của các tổ chức tín dụng bằng 1,2 lần GDP, cao hơn khá nhiều so với các nước khác. Tuy nhiên người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng khi thị trường vốn phát triển thì tỷ lệ này sẽ giảm dần.
Trong khuôn khổ hội nghị thường niên lần thứ 44, ngày 4/5, lãnh đạo cấp cao của ADB, Bộ trưởng tài chính Pháp, Nhật và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ có phiên thảo luận về vấn đề cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế với mục tiêu thúc đẩy sự ổn định của tài chính toàn cầu. Theo đánh giá của Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda những cải cách tài chính và tiền tệ sẽ được thảo luận tại cuộc họp là rất quan trọng nhằm trợ giúp khu vực châu Á đạt được tăng trưởng mạnh và toàn diện. Những cải cách này chủ yếu hướng tới việc giải quyết về cơ bản những tồn tại của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay (với vai trò chủ đạo của đồng đôla) như các nguồn vốn lớn và không ổn định, áp lực tỷ giá quá cao và sự chia rẽ trong việc cung cấp khả năng thanh toán bằng tiền mặt một cách hiệu quả, đúng thời hạn trên phạm vi toàn cầu. |
Nhật Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét