Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Vụ án ”làm sao cũng chẳng làm sao”

Nguyễn Quang Minh

Trích thơ Phan Khôi:

Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao


Phiên sơ thẩm xét xử luật gia Cù Huy Hà Vũ tại TAND Hà Nội sẽ không diễn ra vào ngày 24/3 như dự kiến mà dời đến ngày 4/4. Điều này hé lộ Nhà nước CHXHCN Việt Nam đang bối rối cho một kịch bản thuận buồm xuôi gió về vụ án Cù Huy Hà Vũ. Hay nói cách khác, họ chưa đồng thuận cho đáp án Cù Huy Hà Vũ. Họ đang mua thời gian.

Đầu vào vụ án

Vụ án Hà Vũ được khởi đi bằng màn kịch bao cao su khá rẻ tiền và lố lăng mà người có trí khôn không ai tin nổi.

Sau đó, màn kịch bao cao su được hợp thức hóa bằng khoản 1, điều 88 Bộ luật Hình sự. Tội danh: tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tức là tội phê bình công khai họ bằng ngòi bút và tư tưởng. Đây là những cáo buộc mang tính chung chung và đại khái. Có nghĩa là thích truy tố cũng được mà không truy tố cũng không sao. Do đó, vụ án này còn mang tính ba phải nữa.

Việc tạm giam và truy tố luật gia Cù Huy Hà Vũ đã vấp phải bức tường đá mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã không lường hết được. Xin được tóm tắt một số điểm bất lợi cho Nhà nước VN qua vụ án mà chính họ là đạo diễn.

Trước hết là sự phản đối kịch liệt và bài bản từ chính dòng họ Cù Huy. Thứ hai, phản đối và can thiệp kín qua nhiều kênh của chính những vị công thần cũ vì họ không đồng tình vụ án này. Thứ ba, dư luận trong nước, đặc biệt giới trí thức uy tín, can đảm, công khai bày tỏ sự bất minh việc truy tố và yêu cầu trả tự do tức khắc cho luật gia Hà Vũ. Điều này hiếm thấy trong các vụ án điều 88 trước đây. Thứ tư, vụ án này lại dính đến các cơ quan truyền thông quốc tế như RFA... và RFA đã lên tiếng sẵn sàng tham gia trước tòa như “người có quyền lợi tố tụng”. Thứ năm, hồ sơ vụ án Cù Huy Hà Vũ đã được đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Một số tổ chức pháp lý quốc tế chuyên môn như Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường, một số nhà lập pháp Mỹ phản đối và quan ngại. Ngoài ra còn các đài, hãng thông tấn quốc tế, ký giả nước ngoài... quan tâm đặc biệt.

Đầu ra vụ án

Luật gia Hà Vũ thì đang bị giam và chờ ngày ra tòa. Lộ trình cho ông khá rõ ràng. Người đang bối rối tìm đầu ra cho vụ án lại là chính Nhà nước CHXHCN Việt Nam, mặc dù ông có đến 5 thày cãi liên hoàn trong thế trận bào chữa mà dư luận xem như chỉ để làm kiểng trước những cái tai điếc. Xin bàn đến mấy khả năng.

Tha bổng tại tòa. Điều này khó xảy ra vì Nhà nước CHXHCN Việt Nam không ngây thơ mà ”tự mình chuốc lấy đau thương”. Thuật ngữ chuyên môn gọi là ”tự sát pháp lý”. Luật gia Hà Vũ sẽ kiện ngược lại vì việc bắt giam ông vô cớ. Đồng thời, biện minh ra sao đối với những người khác đang thọ án cũng vì điều 88? Nhà nước này chưa dám liều mạng mà tha bổng luật gia Hà Vũ, dù họ đã sai ngay từ đầu khi bắt ông. Ông chỉ là người Việt Nam yêu nước Việt Nam của mình quá trớn.

Án tù vài năm. Đây là chọn lựa dở nhất cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Có án tù tức còn có ngày ra. Luật gia Hà Vũ không còn trẻ nhưng chưa già. Với bản chất một người ngay thẳng và bất cơ như ông - một trượng phu tri hành hợp nhất - vết thương chỉ làm ý chí ông mạnh mẽ và khôn ngoan hơn. Với án tù trên vai, ông trở thành một trong những biểu tượng dấn thân có nhân cách cho đấu tranh dân chủ và công lý. Sau lưng ông, còn có cả một đám đông biểu lộ đồng cảm và đồng tình. Trong suốt thời gian ông bị tù, Nhà nước CHXHCN Việt Nam phải đương đầu và đau đầu với một số bế điểm nêu trên, càng bị rát mặt hơn trong việc hội nhập kinh tế và chính trị với cộng đồng quốc tế.

Án tù treo hay án tù bằng ngày tạm giam. Có thể đây là một giải pháp chọn lựa tối ưu và khôn ngoan nhất về phía Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Luật gia Hà Vũ có kháng án thỉ cũng mang tính thủ tục và danh dự. Với chọn lựa này, nhà nước CHXHCN Việt Nam hóa giải được một số bế điểm trên mà không cần phải tìm đường tự sát pháp lý.

Hóa ra, đạo diễn ra vụ án Cù Huy Hà Vũ, Nhà nước CHXHCN Việt Nam tự trói tay mình và lại loay hoay tìm cách gỡ. Đúng là rách việc. Chẳng ra làm sao.

N.Q.M.

21/03-2011

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét