Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Nếu không còn vàng và đôla?

Tác giả: HUỲNH THẾ DU

Thực ra, sự hỗn loạn của vàng và đôla chỉ là hậu quả chứ không phải nguyên nhân của bất ổn vĩ mô. Giả sử nếu có một bàn tay vô hình nào đó có thể làm cho vàng và đôla biến mất hoàn toàn khỏi nền kinh tế Việt Nam thì những trục trặc vĩ mô vẫn y nguyên như cũ, trừ phi những vấn đề gốc rễ được giải quyết.

Khi đó, người dân vẫn sẽ tìm những loại hàng hóa mà giá trị của chúng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát để cất giữ. Do vậy, vấn đề then chốt chính là ổn định vĩ mô.

Đô la nằm ở đâu?

Theo số liệu có sẵn thì tổng số dư huy động bằng ngoại tệ cuối năm 2010 là 27 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỷ lệ này, tuy có tăng đôi chút so với năm 2007, nhưng so với đỉnh điểm 41,5% năm 2001 thì tình trạng đô la hóa trong hệ thống ngân hàng đã giảm đáng kể.

Trong 10 năm qua, tổng số dư huy động bằng ngoại tệ nêu trên chỉ tăng khoảng 22 tỷ USD. Trừ năm 2009, không có năm nào lượng tiền gửi bằng ngoại tệ tăng thêm vượt quá 60% số kiều hối chuyển về.

Nhìn vào các số liệu nêu trên thì mọi chuyện nói chung là ổn. Tuy nhiên, khi so sánh với các số liệu về cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối sẽ thấy vấn đề khá nghiêm trọng.


Theo số liệu thống kê về cán cân thanh toán của IMF thì trong hai năm 2009 và 2010, khoản sai số và bỏ sót lên đến 27 tỷ USD, rất cao so với những năm trước đó (dao động quanh 1 tỷ USD). Điều này làm cho cán cân thanh toán tổng thể âm 11,2 tỷ USD và dự trữ ngoại hối quốc gia cũng giảm đi một lượng tương ứng.
Nguyên nhân của khoản sai số trở nên đột biến được lý giải là do người dân chuyển sang tích trữ đôla hay vàng mà một phần không nhỏ từ nhập lậu. Nếu so sánh số ngoại tệ được cho là người dân đã mua vào và mức tăng thêm của số dư tiền gửi bằng ngoại tệ nêu trên thì có một mức chênh lệch đáng kể. Điều này có nghĩa là tiền mặt bằng ngoại tệ đã được cất ở nhà hay chuyển không chính thức ra nước ngoài.

Khi nào người dân giữ vàng và đôla?

Trong giai đoạn 1996-2006, nếu dùng tiền đồng gửi tiết kiệm thì sau 10 năm, từ 100 đồng sẽ thành khoảng 260 đồng trong khi nếu mua đôla gửi ngân hàng hay giữ vàng thì giá trị của chúng tính ra tiền đồng lần lượt chỉ là 210 và 240 đồng. Hơn thế, nếu mua đôla đem cất trong nhà thì khi quy ra tiền đồng chỉ là 145 đồng.

Trong giai đoạn này, trừ việc mua đôla đem cất trong nhà, việc giữ cả ba loại tài sản nêu trên đều có suất sinh lợi dương vì mức giá chung của nền kinh tế chỉ tăng 53%. Trong đó, giữ tiền đồng là có lợi nhất. Hơn thế, chênh lệch của suất sinh lợi giữa giữ tiền đồng và đôla có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, bức tranh đã hoàn toàn thay đổi trong bốn năm gần đây.


Việc mua đôla đem về nhà cất sẽ làm giảm đi giá trị tài sản.Nếu đem 100 đồng vào cuối năm 2006 để mua vàng hay mua đôla gửi tiết kiệm hay giữ nguyên tiền đồng để gửi tiết kiệm thì giá trị có được tính ra tiền đồng vào cuối năm 2010 lần lượt là 368 đồng, 148 đồng và 146 đồng. Như vậy trong giai đoạn này, việc giữ vàng sẽ có lợi nhất, kế đến là đôla và cuối cùng là tiền đồng. Nếu so với mức lạm phát lũy kế lên đến 61%, thì chỉ có mua vàng mới đem lại suất sinh lợi dương.
Nếu chỉ tính năm 2010, suất sinh lợi của việc giữ vàng là 30%, đô la khoảng 15% và tiền đồng chỉ khoảng 10%. Nếu mua đôla về cất trong nhà thì suất sinh lợi cũng cao hơn việc gửi bằng tiền đồng. Nếu một người có một tấn lương thực đem đổi ra vàng hoặc đôla, hoặc giữ tiền đồng thì cuối năm mua được lần lượt là 1,18; 0,98 và 0,95 tấn lương thực. Do vậy, nếu quy ra lúa thì chỉ có giữ vàng trong năm 2010 là làm tăng giá trị tài sản, trong khi giữ tiền đồng là thiệt nhất.

Giữ vàng là một thói quen lâu đời của người Việt. Trong một thời gian rất dài, vàng được lấy làm thước đo để đánh giá sự giàu có của một người cũng như làm cơ sở cho việc giao dịch các tài sản có giá trị lớn (chủ yếu là nhà đất). Trong tâm trí của người Việt, vàng có ý nghĩa như một tài sản nhiều hơn là vật trang sức.

Lý do mà vàng được ưa chuộng như vậy là do (1) theo thời gian, giá trị của nó so với hầu hết các loại hàng hóa hay tài sản khác chỉ có tăng mà không giảm; (2) vàng có thể chia nhỏ tới hàng phân và với thể tích nhỏ mà không bị hư hao nên có thể cất giữ gần như là mãi mãi và việc vận chuyển hết sức dễ dàng; (3) vàng là một trong những loại hàng hóa dễ trao đổi và mua bán.

Tuy nhiên, thói quen nêu trên giảm đáng kể sau thời gian kinh tế vĩ mô được ổn định và môi trường kinh doanh được cải thiện cùng với sự biến động không nhiều của giá vàng. Ở thời điểm Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm 2006, có lẽ không nhiều người tích trữ thêm vàng (trừ những đối tượng có những khoản tích góp nhỏ). Hầu hết các giao dịch bất động sản đã được định giá bằng tiền đồng thay vì vàng như trước đây hay đôla trong thời gian gần đây.


Nếu so với mức lạm phát lũy kế lên đến 61%, thì chỉ có mua vàng mới đem lại suất sinh lợi dương.Cũng ở thời điểm nêu trên, tình trạng đôla hóa đã giảm đáng kể, thể hiện rất rõ qua tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ là 22,6% vào cuối năm 2007 so với 41,5% năm 2001 (hình 1). Hơn thế, trong thời gian này, hiện tượng mua đô la cất trong nhà dường như không xảy ra. Thậm chí trong quí I/2008, việc tiêu thụ đôla đã gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, tình trạng giữ vàng và đôla trở nên hết sức phổ biến trong thời gian qua cộng với một số giải pháp làm cho thị trường không có sự thông suốt đã gây ra hết cơn sốt này đến cơn sốt khác làm nhiều người nhầm tưởng rằng vàng và đôla đã gây ra bất ổn vĩ mô.

Xét dưới góc độ gia tăng giá trị tài sản, thì việc mua đôla đem về nhà cất sẽ làm giảm đi giá trị tài sản. Đây là một trò chơi có tổng âm cho Việt Nam vì hàng năm những người giữ đô la phải đóng thuế lạm phát cho nước Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đồng tiền trong nước bị mất giá nên người ta mới phải phòng vệ để tài sản của mình ít bị teo tóp nhất chứ không phải họ muốn kiếm lời cao.

Tóm lại, việc người dân đổ xô mua vàng hay đo la để tích trữ là do người ta lo ngại sự mất giá của đồng tiền bắt nguồn từ sự mất cân đối kép của nền kinh tế do việc cung tiền quá mức, chi tiêu công kém hiệu quả cộng với một chính sách tỷ giá gây bất lợi cho hoạt động ngoại thương của Việt Nam.

Nếu kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện thì những người có tiền sẽ tự chuyển sang tiền đồng để có vốn kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội. Lúc này, những cơn sốt vàng hay đôla sẽ không còn nữa.

(Theo TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét