Ngô Khởi
Dân Trí
Khi xem những hình ảnh hoặc clip ghi lại cảnh sóng thần tàn phá Nhật Bản, có lẽ những nhà làm phim Năm đại họa 2012 cũng phải bàng hoàng. Sự thật còn kinh hoàng hơn cả những gì do trí tưởng tượng con người nghĩ ra với sự phụ trợ của kỹ xảo điện ảnh.
1. Một cơn sóng chết chóc cuốn theo vô số những mảnh vỡ và khói lửa, lừ lừ bò lên dải bê tông ven bờ biển nhấn chìm các tòa nhà, các công trình cầu cảng. Lẫn trong mảnh vỡ ấy người ta có thể nhìn thấy cả một con tàu trắng mất neo bị xô đẩy chẳng khác gì chiếc lá. Cơn sóng thần giống như một thứ axit đậm đặc, phá hủy và đốt cháy tất cả những gì nó liếm qua.
Những chiếc máy bay cá nhân như con chuồn chuồn trong bão bị dồn xoáy lại thành đống cùng với những chiếc xe con và rác rưởi. Con tàu bị sóng đánh chồm lên đường phố, thúc mũi vào những tòa nhà chẳng khác một con cá voi bị mắc cạn. Những toa tàu hỏa bị vặn hình vỏ đỗ và bị sóng ném ra xa như những mẩu gỗ. Chiếc xe con bị mắc trên chót vót mái nhà bánh còn dính đầy rác...
Đó là những bức tranh thực sự hoàn toàn không phải là phim ảnh. Bức tranh đó đã làm cả thế giới phải bàng hoàng.
Nhưng có lẽ chưa có bộ phim “thảm họa” nào của Hollywood kịp đề cập đến, đó là nỗi lo đến từ các nhà máy điện hạt nhân. Nước Nhật và cả nhân loại đang phải nín thở theo dõi. Không ai dám nghĩ đến những điều tồi tệ có thể xảy ra khi mà người ta rõ rằng nếu xảy ra nó có thể còn tệ hơn cả vụ Checnobyl.
2. Trở lại những bộ phim “thảm họa” của Hollywood mà siêu phẩm Năm đại họa 2012 chỉ là một. Những bộ óc siêu tưởng nhất của kinh đô điện ảnh này đã nghĩ ra đủ thứ tai họa, và bằng sự hỗ trợ của các kỹ xảo tân tiến, họ đã làm công chúng điện ảnh thế giới phải choáng váng suốt hai ba tiếng xem phim, để rồi phải ngẫm ngợi về những điều rất có thể sẽ xảy ra ấy.
Dĩ nhiên ai cũng biết, Năm đại họa 2012 theo truyền thuyết của người Maya chỉ là là chuyện hư cấu thiếu cơ sở. Nhân loại đã vững vàng đi qua năm 2000 - là năm có nhiều nhất những lời đồn đại về ngày tận thế. Nhưng những bộ phim “thảm họa” không phải chỉ là cách “hù dọa” người xem để kiếm doanh thu, mà nó phần nào đó phản ánh nỗi lo lắng của những nhân loại trước các vấn đề môi trường toàn cầu. Năm đại họa có thể không phải là 2012 và chẳng phải là bất cứ năm nào, nhưng nó khiến người ta phải dừng lại để suy nghĩ về sự mong manh của loài người trước cơn giận giữ của thiên nhiên. Chả cứ một con tàu, một nhà máy, một phi cơ mà cả một thành phố, một lục địa cũng có thể bị lật nghiêng bởi những “cú đấm” từ trong lòng đất.
3. Song lại có một sự thực khá là con người từ hàng ngàn năm nay đã phải hứng chịu thiên tai. Nhân loại đã chứng kiến thành phố Pompei, Atlantis bị chôn vùi trong lòng đất bởi núi lửa hoặc sóng thần. Cho đến thời điểm này, số người chết trong trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản chưa lên đến con số cực điểm như những gì nhân loại đã trải qua ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc (giết hơn 300.000 người), Tứ Xuyên (80.000 người) hay ở Haiti năm ngoái (chết 300.000 người). Ngay nước Nhật cũng đã từng phải hứng chịu nỗi đau cực lớn như trận động đất 90 năm trước ở Kanto khiến 143.000 người chết.
Con người đã sống và sẽ còn phải sống qua thảm họa. Trong phim cũng như trong đời, chủ điểm không phải là cơn thịnh nộ của thiên nhiên mà chính là tình người trong cơn hoạn nạn. Lắng nghe trên mạng, người ta chờ tin nhau, rồi những trang web lập ra để báo tin về những người còn sóng sót sau động đất, tôi lại cảm thấy từng người dân Nhật Bản đang xích lại gần nhau hơn, và từng người dân thế giới cũng đang xích lại hơn với người dân Nhật Bản. Đó cũng là điều mà các bộ phim nói về “thảm họa” luôn toát ra. Và đấy chính là sức mạnh để chiến thắng thảm họa. Và hẳn chúng ta chưa thể quên Đường Sơn đại địa chấn (bộ phim lấy bối cảnh trận động đất ở Đường Sơn, Trung Quốc) đã làm chấn động lòng người như thế nào. Và rồi mai đây, trận động đất ở Nhật Bản cũng mãi ghi vào lòng người những cảm xúc như thế, tôi tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét