Trọng Thành
Thảm họa hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) ập đến sau thảm họa động đất và sóng thần là tâm điểm chú ý của toàn thế giới đã gần hai tuần nay. Đối diện với thảm họa này, nhiều câu hỏi đặt ra. Làm thế nào để đề phòng phóng xạ? Khi biết bị nhiễm xạ, có cách gì chẩn đoán và những bệnh nặng do nhiễm xạ gây ra được điều trị như thế nào? Ngoài những câu hỏi thuần túy y tế, một câu hỏi khác cũng được quan tâm, đó việc quản lý thông tin liên quan đến thảm họa của chính quyền có các tác động nào đến sức khỏe và tinh thần của dân chúng?
Tai biến xảy ra một cách hết sức đột ngột tại một nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản, một nước được coi như nằm ở trình độ cao nhất trong kỹ thuật kiểm soát an toàn hạt nhân, khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng sự cố này là dấu hiệu báo trước sự khởi đầu của việc chấm dứt ''kỷ nguyên hạt nhân''?
Chính quyền Nhật Bản và Công ty phụ trách trực tiếp nhà máy Fukushima – Daiichi đã ra sức tìm đủ cách để khắc phục tai nạn này không để xảy ra điều tồi tệ nhất: các lò phản ứng hạt nhân bùng nổ. Hiện tại, tình hình đang có chiều hướng khá lên dần dần, nhưng nguy cơ xấu nhất không hẳn đã hoàn toàn được loại trừ.
Sự cố hạt nhân tại Nhật Bản không chỉ tác động đến bản thân nước Nhật mà có khả năng ảnh hưởng dây chuyền đến toàn thế giới. Ngày hôm qua (21/3), theo Viện Nghiên cứu phòng vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân Pháp (IRSN), được báo Le Monde trích dẫn, lượng phóng xạ thoát ra từ Fukushima tương đương với một phần mười bụi phóng xạ của thảm họa Tchernobyl. Lượng bụi phóng xạ dày đặc nhất tập trung tại khu vực nhà máy điện, trở thành một nguồn phát xạ có ảnh hưởng không thể xem nhẹ đến sức khỏe con người. Giới khoa học Pháp và giới chức phụ trách lĩnh vực năng lượng hạt nhân theo dõi sát các diễn biến tại Fukushima và những tác động của chúng đến môi trường xung quanh.
Ngay từ khi tai biến xảy ra, RFI đã phỏng vấn nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực y tế hạt nhân. Cuộc tọa đàm của RFI ngày 17/3 với ba nhà y khoa đã cho phép làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến việc các biện pháp đề phòng phóng xạ, cách chẩn đoán và chữa trị khi bị nhiễm xạ. Các nhà khoa học cũng trả lời cho câu hỏi liên quan đến sự minh bạch thông tin của chính phủ Nhật Bản trong quá trình xử lý tai biến này.
Khách mời trong cuộc tọa đàm là Giáo sư Martin Schlumberger, Trưởng khoa Y học Hạt nhân thuộc Viện Gustave Roussy (Paris), Giáo sư Edgardo D. Carosella, Trưởng khoa Nghiên cứu Miễn dịch huyết học thuộc bệnh viện Saint-Louis (Paris), kiêm Giám đốc nghiên cứu tại cơ quan Thanh tra năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) và chuyên gia nhiễm độc phóng xạ Roland Masse, nguyên Chủ tịch của Tổ chức phòng chống phóng xạ Pháp và tác giả cuốn sách «Chúng ta có sợ một sự biến hạt nhân?» (Que doit-on craindre d’un accident nucléaire?) (NXB Le Pommier).
Sau đây mời quý vị theo dõi ý kiến của các chuyên gia.
Tác động của phóng xạ đến những người làm việc trực tiếp tại môi trường xảy ra tai nạn hạt nhân
Một trong các vấn đề được các nhà khoa học quan tâm nhất là lượng phóng xạ hiện nay có ảnh hưởng gì đến những công nhân và kỹ thuật viên làm việc trực tiếp tại nhà máy Fukushima Daiichi. Mở đầu là ý kiến của nhà nghiên cứu Martin Schlumberger, phụ trách khoa Y học Hạt nhân, Viện Gustave Roussy (Paris):
"Đối với những lò phản ứng hiện tại gặp sự cố, lượng phóng xạ ảnh hưởng đến người là 400 mSv/giờ. Cần phải đánh giá mức độ phóng xạ này dựa trên các tiêu chuẩn chung đối với những người làm nhiệm vụ can thiệp trong các tình huống khẩn cấp. Tại Pháp, quy định này có trong Bộ Luật Sức khỏe xã hội (Code de la Santé publique). Theo đó, 100 mSv là mức giới hạn không nên vượt qua. Dưới mức 100 mSv, người ta rất ít có khả năng bị mắc một bệnh ung thư sau đó, mà nguyên nhân của bệnh này có thể được quy cho phóng xạ.
Tuy nhiên, hiện nay, trong một số trường hợp người ta cũng chấp nhận việc, mức 300 mSv có thể bị vượt qua. Một người phụ trách có thể yêu cầu các nhân viên can thiệp trong một môi trường bị nhiễm xạ trên mức 300 mSv, để ngăn ngừa các hiểm họa đặc biệt.
Tôi cho rằng, đây là một trường hợp tương tự như việc, nếu như bạn thấy trước mặt bạn một ai đó gặp nạn và có nguy cơ thiệt mạng, và nếu bạn có khả năng cứu sống người đó, thì luôn luôn có khả năng bạn sẽ có một hành động anh hùng. Trong trường hợp này, hành động như vậy không liên quan gì đến các quy tắc của Bộ Luật Sức khỏe xã hội. Hành động này, đơn giản là, thể theo lương tri của chính bản thân người trong cuộc. Đây là hành động dấn thân do chính người can thiệp quyết định. Tôi cho rằng, trong trường hợp Nhà máy Fukushima của Nhật hiện nay, cũng như tại Tchernobyl trước kia, hành động quả cảm hy sinh là điều được tất cả những người tham gia chia sẻ.
Hiện nay, chưa có thông tin gì để biết rõ về tình trạng của những người làm việc trực tiếp tại Fukushima. Chúng ta rất có thể so sánh họ với những người đã từng tham gia vào xử lý thảm họa tại Tchernobyl".
Những kinh nghiệm của giới khoa học hiện nay về các tác động và tác hại của phóng xạ hạt nhân đến sức khỏe con người một phần rất quan trọng đến từ các nghiên cứu về tình trạng sức khỏe và bệnh tật của những người đã từng làm việc tại Nhà máy hạt nhân Tchernobyl. Chuyên gia nhiễm độc phóng xạ Roland Masse, cựu Chủ tịch của Tổ chức phòng chống phóng xạ Pháp, giải thích:
"Có 237 người làm việc tại Tchernobyl bị mắc bệnh nhiễm xạ, hay là cái mà thuật ngữ chuyên môn gọi là «hội chứng nhiễm xạ cấp tính». Những người bị nhiễm xạ nặng nhất này được điều trị, nhưng trong số họ, có 27 người bị chết ngay lập tức. Kể từ đó trở đi, 35 người trong nhóm này đã chết. Tuần vừa rồi, theo thông tin mới nhất của nghiên cứu được xuất bản hàng năm, do tổ chức nghiên cứu của Liên hiệp quốc UNCEAR thực hiện, có 4 người đã chết vì bệnh ung thư, được công nhận là bị bệnh do «Hội chứng nhiễm xạ cấp tính» tại Tchernobyl, trên tổng số 237 người mắc phải hội chứng này. Bên cạnh 237 người này, còn có một nhóm khác đông hơn rất nhiều, đó là những người đến khắc phục hậu quả tại khu vực nhà máy Tchernobyl, thường được gọi là «liquidateur», trong tiếng Pháp. Nhóm đặc biệt này được hưởng một số ưu đãi. Hiện tại có khoảng 500.000 người được coi là thuộc nhóm này. Trung bình họ đã phải nhận một lượng phóng xạ là 100 mSv, với các mức độ khác nhau, tùy thuộc họ đến đây vào năm 1986, 1987 hay 1988".
Các phương pháp phòng ngừa phóng xạ chủ yếu
Về các phương pháp phòng ngừa phóng xạ, theo các chuyên gia, trước hết phải nhận biết ba trạng thái ảnh hưởng khác nhau. Trạng thái thứ nhất là «phơi nhiễm» tức là tác động của tia xạ trực tiếp đến những người có mặt tại khu vực gần nguồn phát xạ. Trạng thái thứ hai là «nhiễm xạ bên ngoài», tức là việc các bụi phóng xạ tỏa vào không khí và rơi lên người, đầu tóc, quần áo, da, trên mặt đất, nhà cửa và cây cối. Trạng thái thứ ba là «nhiễm xạ bên trong».
Hai biện pháp đầu tiên được các chuyên gia chú ý đến là tìm chỗ trú ẩn trước nguy cơ bụi phóng xạ, đóng cửa, sơ tán ra khỏi khu vực phát xạ khoảng 10 cây số, và tránh tiêu thụ các thức ăn bị nhiễm xạ, và đặc biệt theo Giáo sư Martin Schlumberger, phụ trách Khoa Y học Hạt nhân, Viện Gustave Roussy (Paris), cần chú ý đến một biện pháp thứ ba:
"Biện pháp thứ ba là uống những viên muối iod trị liệu (hay gọi tên khoa học là iodure de potassium/potassium iodide), điều này có nghĩa là đưa vào người một lượng lớn iod, nhưng đây là loại iod ổn định, chứ không phải là iod phóng xạ. Lượng iod này giúp cho cơ thể bão hòa về iod, đặc biệt là không cho tuyến giáp hút lượng iod phóng xạ, và nhờ đó mà tránh cho tuyến giáp bị nhiễm xạ. Phương pháp này hết sức có hiệu quả. Trên thực tế, người ta đã giảm được đến hơn 95% nguy cơ tuyến giáp nhiễm xạ.
Biện pháp này có tác dụng, với hai điều kiện, thứ nhất là phải dùng đủ liều muối iode, và thứ hai là dùng đúng lúc, tức là ít nhất một tiếng đồng hồ trước khi bị nhiễm xạ. Chính vì vậy, sau khi xảy ra vụ Tchernobyl, các cơ quan chuyên môn, để ngăn ngừa phóng xạ, đã cấp những viên thuốc này cho cư dân sống trong vòng bán kính 10 km của nhà máy điện hạt nhân có sự cố. Và hàng chục triệu đơn vị thuốc hiện nay đã được dự trữ trên toàn nước Pháp".
Giáo sư Martin Schlumberger cũng đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc dùng iod trị liệu đúng lúc, cũng có nghĩa là người sử dụng không nên dùng viên thuốc này tự ý:
"Về sự di chuyển của iod phóng xạ, các cơ quan chuyên môn có thể dự đoán nơi chúng đi tới và đo lường được hàm lượng của chúng trong bầu không khí. Và các cơ quan chuyên môn có thể quyết định, có nên dùng thuốc này hay không. Muối iod trị liệu có tác dụng tối đa nếu dùng một giờ trước khi nhiễm xạ, và hiệu quả của nó chỉ kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Sau thời gian đó, việc uống iod này không còn tác dụng nữa".
Cũng theo Giáo sư Martin Schlumberger, đối tượng cần phải quan tâm trước hết đối với nguy cơ nhiễm xạ tuyến giáp là trẻ em, chứ không là tất cả mọi người nói chung:
"Việc dẫn đến ung thư tuyến giáp do bị nhiễm iod phóng xạ là một hiện tượng gặp nhiều ở trẻ em. Với lứa tuổi từ 15 đến 20 tuổi trở lên, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị nhiễm xạ tuyến giáp là gần như bằng không. Vì thế, hiện tại, ở Pháp, cũng như những lời khuyên được đưa ra trên toàn thế giới, là hãy bảo vệ trẻ em, trước hết là những em bé hơn, hãy ưu tiên hơn cho những em bé mới vài tuổi, so với những em đã ngoài 15 tuổi. Quá 45 tuổi, không cần thiết phải dùng muối iod trị liệu để tránh nhiễm xạ tuyến giáp nữa".
Các biện pháp chẩn đoán mức độ nhiễm xạ
Đối với các trường hợp bị «nhiễm xạ bên trong», tức là việc một người hít phải bụi phóng xạ hay bị nuốt phải các thức ăn hay đồ uống bị nhiễm xạ, các hạt bụi phóng xạ xâm nhập vào cơ thể, việc hít hay nuốt các chất phóng xạ với liều cao có khả năng gây ung thư sau này.
Làm thế nào để đánh giá được các mức độ ảnh hưởng của nhiễm xạ bên trong đến sức khỏe, Giáo sư Schumberger, phụ trách Khoa Y học Hạt nhân, Viện Gustave Roussy (Paris) cho biết:
"Tất nhiên để chẩn đoán được thì phải đo lường. Bởi vì khoa học phải dựa trên sự đo lường. Khi một người bị ngờ là nhiễm xạ. Chúng ta có thể đo lường với các máy đo, để xem cơ thể chứa bao nhiêu chất phóng xạ, trong tuyến giáp, cũng như trên toàn bộ phần còn lại của cơ thể. Và chúng ta cũng phải đo cả lượng phóng xạ trong nước tiểu, vì nước tiểu là nơi thoát ra chủ yếu của các chất phóng xạ, như iod phóng xạ, cũng như các chất khác như cesium. Như vậy, sau các đo lường ấy, người ta có thể tính toán được liều lượng chất phóng xạ trong từng cơ quan nội tạng, và dự đoán các nguy cơ của từng cơ quan, tùy theo mức độ nhiễm xạ của các cơ quan này".
Bên cạnh phóng xạ iod và cesium, chuyên gia nhiễm độc phóng xạ Roland Masse, nguyên Chủ tịch của Tổ chức phòng chống phóng xạ Pháp cũng lưu ý thêm đến tác động của các «khí hiếm»:
"Trong các yếu tố có thể gây nguy hiểm, phải kể đến những khí hiếm, những khí này không xâm nhập vào các bộ phận bên trong cơ thế, nhưng có thể gây nhiễm xạ bên ngoài nguy hiểm. Biện pháp duy nhất để kiểm soát trong trường hợp này là theo dõi qua «các kết quả xét nghiệm sinh học», có nghĩa là tìm kiếm trên các tế bào máu, đặc biệt là trong các tế bào lympho, vốn chuyển động rất linh hoạt, để xem xem các nhiễm sắc thể của những tế bào này có bị phóng xạ nồng độ cao tác động đến không, đặc biệt nếu như… mức độ phóng xạ đạt đến mức 1.000 mSv".
Phương thức điều trị bệnh suy tủy - một trong các tai biến phóng xạ nặng nhất
Đối với những người bị nhiễm xạ nặng, có khả năng hệ thống phụ trách việc sản sinh các tế bào máu, đặc biệt là tủy xương, bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những bệnh «ung thư thể lỏng» sẽ phát triển, ví dụ như bệnh ung thư máu. Cuối cùng, một liều lượng phóng xạ cao sẽ có thể dẫn đến bệnh suy tủy. Về các thể bệnh nghiêm trọng này, Giáo sư Edgardo D. Carosella, Trưởng khoa Nghiên cứu Miễn dịch huyết học thuộc bệnh viện Saint-Louis (Paris), kiêm Giám đốc nghiên cứu tại cơ quan Thanh tra năng lượng nguyên tử Pháp cho biết ý kiến:
"Để điều trị, trước hết phải theo dõi lâm sàng. Trong chuyên ngành của tôi, cần phải theo dõi người có nguy cơ mắc bệnh trong nhiều năm, để xem xem sự biến đổi trong cơ thể người đó có dẫn đến chỗ sinh ra «các khối u lỏng» hay không? Cũng có nghĩa là không phải cứ bị nhiễm xạ là khối u sẽ xuất hiện. Tiếp theo đó, đặc biệt phải chú ý những trường hợp nặng, có hoại tử (aplasie) tủy hay tế bào…, đó là những trường hợp bị nhiễm xạ liều rất cao, vượt quá 1.000 mSv.
Nếu như bị hoại tử, câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì? Có ba khả năng sau đây: Thứ nhất là ghép tủy, thứ hai là chờ đợi và theo dõi chặt chẽ xem tủy của bệnh nhân có thể tự hồi phục được hay không, và thứ ba là đưa tế bào gốc vào bộ phận phụ trách việc sản sinh tế bào máu (hématopoiétique), cụ thể ở đây là tủy xương, với sự trợ giúp của các cytokine, tức là các phân tử điều hòa các chức năng của từng tế bào riêng biệt và của cả các bộ phận trong cơ thể trong trường hợp khỏe mạnh cũng như bệnh lý.
Áp dụng biện pháp nào, vấn đề này đã từng được tranh luận rất nhiều vào năm 1992, giữa chủ trương ghép tủy, đưa tế bào gốc vào qua trung gian của các cytokine, hay chờ đợi cơ thể tự hồi phục. Gần đây, ngành y trong lĩnh vực này đã có bước tiến. Thí nghiệm trên những con chuột bị nhiễm xạ, cho thấy đôi khi chỉ cần 5 tế bào gốc, là có thể phục hồi lại được toàn bộ tủy xương.
Như vậy, không nên quá vội vã, vì ghép tủy thường là lựa chọn cuối cùng. Đây là một công việc phức tạp, không phải là không có nguy cơ. Trước khi quyết định phải xem xét kỹ.
Trong lĩnh vực này, một kỹ thuật mới đang được ứng dụng là đưa tế bào gốc trung mô (cellule souche mésenchymateuse - CSM), để giúp cho cơ thể tái khởi động nhằm hỗ trợ tủy tự hồi phục và đồng thời giúp vào quá trình ghép tủy.
Tiếp theo vấn đề chăm sóc người bị hoại tử là vấn đề bỏng. Đây là một tổn thương rất nghiêm trọng, hết sức đau đớn. Tại bệnh viện quân đội Pháp Percy, đã có những kinh nghiệm làm việc với các tế bào gốc trung mô, cho phép tủy tự hồi phục và đồng thời giúp vào quá trình ghép tủy. Như vậy, chúng ta có đủ các phương tiện, để phối hợp và bình tĩnh quan sát, trước khi quyết định lựa chọn hướng điều trị nào. Bởi vì, các biện pháp kể trên, mà chúng ta có trong tay, một khi đã sử dụng rồi, thì không thể trở lui được nữa".
Trả lời câu hỏi về khả năng ảnh hưởng của phóng xạ đến hệ thống di truyền, chuyên gia Roland Masse cho biết ý kiến riêng của ông, ý kiến này cũng được các chuyên gia có mặt chia sẻ:
"Cho đến nay, không thấy tác động di truyền sau các thảm họa Nagasaki và Tchernobyl, bất chấp những điều mà chúng ta vẫn thường nghe về các quái thai bẩm sinh do bào thai bị nhiễm xạ, hay do các tế bào sinh sản (gamète) bị nhiễm xạ. Cho đến nay, có thể khẳng định, trong số các cư dân bị phơi nhiễm phóng xạ, chưa tìm thấy dấu hiệu gì khẳng định điều này. Luận điểm kể trên như vậy có thể coi như mang tính thuần túy «lý thuyết».
Chính phủ Nhật Bản thiếu minh bạch trong việc khắc phục thảm họa Fukushima
Mặc dù tất cả các nhà khoa học có mặt trong cuộc thảo luận đều cho rằng, mức độ nguy hiểm của Fukushima không bằng Tchernobyl, tuy nhiên, sự kém cỏi của Chính phủ Nhật trong việc quản lý khủng hoảng, cụ thể là việc công bố các thông tin một cách minh bạch là điều được chuyên gia Roland Masse chỉ trích, khi ông so sánh với những hậu quả nặng nề mà các cư dân sinh sống xung quanh khu vực Tchernobyl phải gánh chịu vì bị bưng bít thông tin.
"Rõ ràng ở đây có vấn đề không minh bạch thông tin rất nghiêm trọng. Tôi không biết các phản ứng trong xã hội Nhật Bản về chuyện này như thế nào. Nếu như đặt vào trường hợp các xã hội phương Tây, thì kiểu đưa thông tin như vậy sẽ gây ra một rối loạn nghiêm trọng, liên quan đến việc «quản lý khủng hoảng» và «quản lý các hậu quả của cuộc khủng hoảng». Chúng ta đã chứng kiến điều này với Tchernobyl. Một trong các bài học lớn của Tchernobyl là, mặc dầu có một lượng phóng xạ lớn bị tràn ra trên nhiều khu vực, nhưng tác động gây ung thư do phóng xạ tương đối ít. Trừ 7.000 người bị mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Đây là một con số không nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có 15 trường hợp tử vong và tất cả đều là trẻ em. Ngược lại, điều gây ngạc nhiên, là các nghiên cứu đã không phát hiện thấy sự phát triển của bệnh máu trắng (ung thư máu) hay bệnh ung thư vú, là những bệnh được coi là rất dễ bị phóng xạ kích thích phát triển nhất.
Bên cạnh đó là trường hợp của 500.000 người tham gia dọn dẹp Tchernobyl, những người bị hứng lượng phóng xạ trung bình là 100 mSv. Về nguyên tắc, phải phát hiện thấy ở những người này bệnh máu trắng, hay một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, hiện tại, chưa phát hiện được gì.
Như vậy, hậu quả của Tchernobyl là hết sức khủng khiếp về kinh tế, khiến cho nhiều vùng lãnh thổ bị tê liệt về mặt kinh tế, tuy nhiên, cái giá về mặt y tế của thảm họa này là khá nhỏ, ngược lại với các giá của việc quản lý khủng hoảng. Bởi vì, đã có một sự tan rã hoàn toàn của niềm tin, trên phương diện chuẩn mực, người ta không còn tin tưởng vào chính quyền, là nơi đưa ra các chuẩn mực, và điều này dẫn đến một chấn thương tinh thần hậu tai biến (stresse post-traumatique) dai dẳng, dẫn đến một loạt các bệnh tật nghiêm trọng. Các cư dân Tchernobyl, Ukraina, Belarus bị mắc bệnh vì nỗi sợ hãi mà họ trải qua. Đây thực là bệnh tật gây ra do thông tin không minh bạch.
Bài học ở đây là phải giữ được niềm tin của công chúng đối với chính quyền. Để làm được điều này, thì thông tin phải minh bạch, không được che dấu gì, đặc biệt là không được dối trá. Tôi sợ rằng, ở Nhật người ta đang nói dối".
T.T
Nguồn: Viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét