Nam Nguyên, Phóng viên RFA
Thực chất là việc để đất đai thuộc quyền sở hữu Nhà nước thì các ông trên bao giờ cũng có lợi. Nhìn thấy mảnh đất nào dễ “quy hoạch”, dễ bán cho nước ngoài... thu lợi là mấy ổng ban nghị định cái xoạch, tước được ngay của dân chẳng khó khăn chút tẹo nào. Trong khi dân méo mặt vì mất đất, và Tổ quốc cũng “méo mặt” vì nguy cơ lãnh thổ bị “tùng xẻo” chưa biết bao giờ mới lấy được lại từ tay bọn ngoại bang thâm hiểm. Thế mà cái đám ngồi trên ấy không bị khởi tố ra trước pháp luật mà lại có quyền khởi tố người khác, có lạ không nhỉ?
Bauxite Việt Nam
Trong bài viết với tựa ‘Sở hữu tư nhân về đất đai là tất yếu’ trên báo điện tử Sài Gòn tiếp thị, GSTS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định rằng, Việt Nam cần lựa chọn chế độ sở hữu phù hợp với đất đai trong giai đoạn hiện nay.
Đồi trà cao nguyên. Photo: RFA
Quyền sở hữu đất đai?
Theo Hiến pháp 1992 đất đai là sở hữu toàn dân nhưng theo GSTS Đặng Hùng Võ “trên thực tế, nội dung cụ thể về quyền định đoạt đối với đất đai ở Việt Nam hiện nay không khác mấy so với nội dung cụ thể của quyền sở hữu tư nhân về đất đai ở các nước tư bản phát triển. Không có sự khác nhau về quyền của Nhà nước và quyền của người giữ đất; chỉ có sự khác nhau về phạm vi thực hiện các quyền đó”.
LS Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP. HCM giải thích với chúng tôi về luật pháp đất đai ở Việt Nam:
“Qui định của Luật đất đai có lẽ Quốc hội Việt Nam đã thay đổi đến 5-6 lần rồi tùy từng thời kỳ lịch sử. Trước đây đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.
Sau này Luật đất đai 2003 có hiệu lực từ 1/7/2004 thì người ta lại qui định là ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện sở hữu’. Thế thì cái này đổi vế rồi, là cách nói thôi, hiện nay theo Luật đất đai người dân có 10 quyền gồm, chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp cầm cố, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tặng cho, bảo lãnh, v. v.
Đất nông thôn Tây Ninh
Nhưng ngày nay người dân thực sự có 10 quyền trong sử dụng đất nó giống như quyền sở hữu của mình về đất đai
LS Nguyễn Văn Hậu, TP HCM
Đất đai ở Việt Nam là tài sản và là một thị trường, Việt Nam cũng xem đây là loại hàng hóa đặc biệt, giao dịch đất đai nằm trong luật về kinh doanh bất động sản.
Hiểu theo ngữ nghĩa đất đai là thuộc sở hữu toàn dân với Nhà nước là đại diện sở hữu, nhà nước ban hành qui định để quản lý đất đai ban hành địa giới, quản lý giao đất thu hồi đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quản lý giám sát người sử dụng đất. Nhưng ngày nay người dân thực sự có 10 quyền trong sử dụng đất nó giống như quyền sở hữu của mình về đất đai dù không hoàn toàn giống như sở hữu các tài sản khác”.
Chính ở chỗ người dân thủ đắc quyền sử dụng đất xem như là chủ đất nhưng lại không hoàn toàn sở hữu đất, nên người dân khó an tâm. Một nông dân có 3 ha ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long nói về trường hợp của mình:
“Đất này là của mình tự tạo, của cha mẹ để lại một mớ rồi mình tự tạo thêm nữa chứ Nhà nước nào mà cấp... Thời hạn sử dụng đất tối đa 20 năm, mình muốn là sở hữu tư nhân vĩnh viễn chứ không phải là kiểu 20 năm hết 20 năm phải đổi lại cái khác, sau này ví dụ mấy ông ấy có qui hoạch kia nọ mình mất tự do họ muốn bồi thường bao nhiêu thì bồi thường, nhưng mà cái miệng mình nhỏ quá khó nói…”.
Trên báo mạng Sài Gòn tiếp thị, GSTS Đặng Hùng Võ nhận định giai đoạn hiện nay cần những động lực mới hơn cho nhu cầu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Giáo sư nhắc lại sự kiện vào giai đoạn bắt đầu đổi mới, nhờ có sự thay đổi chính sách, Nhà nước giao lại đất trong các hợp tác xã cho nông dân mà Việt Nam nhanh chóng từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. GS Võ nêu rõ điều mà ông gọi là động lực mới đối với đất đai, chúng tôi xin trích dẫn:
“Đối với đất đai, việc trao quyền sở hữu hạn chế cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có hộ gia đình, cá nhân, là một động lực mới.
Dân khiếu kiện về đất đai
Thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng... làm giảm đi đáng kể nguy cơ tham nhũng...
GSTS Đặng Hùng Võ
Trước hết, làm cho người sử dụng đất an tâm đầu tư trên mảnh đất ‘của mình’. Đây cũng là điều kiện quan trọng để người chí thú làm nông nghiệp mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại, đầu tư vào công nghệ nhằm tăng năng suất và sản lượng.
Có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng cho khu vực tam nông, việc chuyển đổi cơ cấu lao động vùng nông thôn mới tiến hành được thuận lợi.
Tiếp theo, việc giao quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai cho hộ gia đình, cá nhân tương đương với việc hạn chế lại quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất của Nhà nước, làm giảm đi đáng kể nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai".
Thay đổi tư duy
GSTS Đặng Hùng Võ qua bài trên báo mạng SGTT đề cao chế độ đa sở hữu đối với đất đai, trong đó có tư hữu đất đai của hộ gia đình, cá nhân. Tuy vậy ông cho rằng để tiến tới sự thay đổi cơ bản đó:
“Khó khăn nhất vẫn là các nhà lãnh đạo, quản lý phải thoát ra khỏi những tư duy thường trực được hình thành từ thời kỳ kinh tế bao cấp, chỉ huy tập trung”. Cải tổ chế độ sở hữu đất đai trên thực tế có thể dẫn tới việc tu chính Hiến pháp 1992, hoặc phải đưa ra trưng cầu dân ý trong khi Việt Nam chưa có luật. Tuy vậy GSTS Đặng Hùng Võ cho rằng mọi việc dù khó khăn đến đâu vẫn có thể làm được vì Hiến pháp do nhân dân quyết định thông qua các đại diện cho mình ở Quốc hội, nhất là vì mục đích tốt đẹp cho đất nước và nhân dân.
Chúng tôi nêu câu hỏi với Luật sư lão thành Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về khả năng Việt Nam tiến tới thay đổi lớn về vấn đề sở hữu tư nhân đối với đất đai. Từ Hà Nội, LS Trần Lâm phát biểu:
...sở hữu đất đai hóa ra là chuyển qua dân chủ triệt để, Đảng chẳng còn chủ bài gì, chẳng còn mũ kim cô bắt dân phải làm thế này thế kia
LS Trần Lâm, Hà Nội
“Phải thay đổi tư duy não trạng người cầm quyền thì mới có thể giải phóng nông nghiệp. Người cầm quyền phải có đầu óc rộng lớn như thế nào thì mới dám làm. Hiện nay cũng sẽ làm nhưng là từ từ thôi, còn để có một đường lối thật rộng lớn chuẩn bị 10 năm rồi mới làm thì không được cái đầu óc ấy”.
Luật sư Trần Lâm nhận định rằng Đảng Cộng sản khó chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, cho dù việc này có thể là động lực để nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn:
“Hiện nay nông dân có phong trào tự phát thực hiện dồn điền đổi thửa mua bán với nhau để làm thành sản xuất qui mô lớn. Nếu bây giờ giao ruộng đất cho nông dân sở hữu rồi họ mua bán, người lao động nông dân qui tụ với các nhà tư bản là người có tiền, nhà khoa học là người hướng dẫn, cả ba cái kết hợp lại thì mới có sản xuất lớn, có năng suất.
Nếu làm như vậy thì chân rết của Đảng sẽ yếu hẳn đi, bởi vì người dân vì ruộng đất mới gắn bó với Đảng và Chính quyền. Dân sở hữu đất đai hóa ra là chuyển qua dân chủ triệt để Đảng chẳng còn chủ bài gì, chẳng còn mũ kim cô bắt dân phải làm thế này thế kia”.
Trong chủ đề ‘Sở hữu tư nhân về đất đai là tất yếu’ GSTS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh trên báo SGTT: “80% nội hàm về quyền sở hữu đối với đất đai đã là sở hữu tư nhân rồi. Điều quan trọng là phạm vi quyền định đoạt của các cơ quan nhà nước đối với đất đai còn quá lớn”.
Nhiều chuyên gia nói với chúng tôi, thực tế ở Việt Nam quyền đại diện toàn dân sở hữu đất đai của Nhà nước là thứ quyền lực vô biên. Nếu các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam chấp nhận chọn lựa một hình thức đất đai đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân thì thật là may mắn cho đất nước và người dân Việt Nam.
N.N
Nguồn: rfa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét