Nguồn: gocomay
Câu chuyện Khi cả Đại sứ quán bỏ trốn__NHỤC mà blogger có nickname minhthanhjp được ABS điểm sáng nay (*), cứ nghĩ chuyện mới, khi nước Nhật đang oằn mình bởi thiên tai, nhiễm phóng xạ… khiến cả Đại sứ quán (ĐSQ) VN tại Tokyo phải chạy lánh nạn (bỏ trốn) thì cũng nên lắm chứ! Bớt được người nào không mắc bệnh, nhà nước cũng đỡ tốn tiền thuốc men. Gia đình các viên chức cũng bớt được những tai ương… thì mừng chứ sao lại NHỤC? Các nước đồng minh thân cận nhất của Nhật cũng đã khuyến cáo công dân nước họ (kể cả nhân viên ĐSQ) di tản lánh nạn khỏi Nhật Bản là gì? Vì thế tôi mới tìm đọc… thì hoá ra chuyện cũ, cách đây ngót 2 năm rồi. Nhưng tính thời sự thì vẫn còn nguyên. Khiến tôi nhớ lại những gì mà mình tận mắt chứng kiến ở nơi chúng tôi đang cư ngụ.
Đó là lần đầu tiên tôi dẫn vợ đi gia hạn Hội chiếu VN (cho vợ và hai con sang Đức theo diện đoàn tụ) ở ĐSQ VN tại Bonn vào cuối năm 1999. Theo kinh nghiệm của những người đi trước phổ biến, tôi tới chờ ở cửa (bên ngoài hàng rào) từ 4 giờ sáng để xếp hàng ghi số thứ tự (tự quản ghi chứ nhân viên ĐSQ phải 8 giờ mới ra mở cửa cho vào phòng chờ). Gọi là “phòng chờ” cho oai vậy thôi chứ đó là cái gầm cầu thang tối tăm và chật trội chỉ kê được chưa đầy chục cái ghế, nên nếu số người đông là phải đứng chờ ở ngoài sân. Ở đây cũng có một cái toa-lét chung cho cả nam lẫn nữ. Nhưng cửa khí mỏng nên ông bà khách nào mà dặn (ỉa) to hay đái mạnh chút xíu là bên ngoài cứ phải nghe những âm thanh không mấy êm tai chút nào.
Sáng khoảng 8 giờ, nhân viên ĐSQ khệnh khạng ra mở cửa cho khách vào “phòng chờ” mà tới tầm 11 giờ thì nhân viên mới mở cửa tò vò ở đầu hành lang cụt (giống cửa bán vé xe buýt ở bến Nứa hay xe Kim Mã-HN xưa) ra tiếp nhận hồ sơ. Hôm đó tôi có mặt ở cửa ĐSQ chỉ sau có hai người. Nhưng nhờ công lao ghi số thứ tự tích cực cho mọi người nên hai người tốt bụng kia nhường tôi lên đầu hàng (số 1), phấn chấn vô cùng. Khi vừa thấy 3 cuốn Hội chiếu (HC) của vợ con tôi (do Cục Lãnh sự trong nước cấp), người đàn ông nhân viên lãnh sự đã quát phủ đầu luôn: “Visa xuất cảnh của vợ con ông chỉ cho sang thăm thân 3 tháng mà sao tới 3 năm gần hết hạn hội chiếu mới tới gia hạn là sao?”. Tôi đưa cả tập hồ sơ đoàn tụ gia đình có cả các quyết định đính kèm của cả hai chính quyền Đức và Việt ra… thì người nhân viên càng quát to hơn: “bao nhiêu người đang chờ phía sau… tôi phải tiếp họ làm gì có thì giờ để xem cả tập hồ sơ của ông? Xin ông tạm tránh ra để khỏi mất thì giờ của bà con…”.
Tôi đành lùi ra và tìm đúng hai tờ quan trọng nhất là giấy giới thiệu của ĐSQ Đức ở Hà Nội ra phòng vé bán máy bay của VN-Airline để mua 3 vé một chiều theo diện đoàn tụ gia đình; giấy chấp thuận (zustimmung) của chính quyền địa phương của Đức cho phép được đoàn tụ… chầu trực cho tới hết giờ làm việc buổi sáng thì mới được tiếp nhận lại hồ sơ. Buổi chiều 14 giờ 30 tôi lại nhận được thông báo của người nhân viên rằng, ảnh của vợ tôi bị mớ tóc phủ lấp một phần của tai phải nên không đúng qui định, phải nộp ảnh khác. Chúng tôi được hướng dẫn ra hiệu ảnh cách ĐSQ chừng 1500 mét để chụp lại ảnh. Sau đó lại phải đợi tới cuối giờ làm việc buổi chiều mới được tiếp nhận ảnh bổ sung. Lúc này người nhân viên nói giọng tửng tưng: “Hôm nay hết giờ, đề nghị qúy khách ngày mai trở lại” khiến tôi lạnh hết cả sống lưng nên đành năn nỉ: “xin anh thương cho chúng tôi, đi từ Hamburg tới đây ngót 500 Km từ chập tối hôm qua, chờ ở của dưới tuyết từ 4 giờ sáng, mai phải đi làm hãng rồi… xin anh linh động giải quyết cho trường hợp của chúng tôi làm theo chế độ ngoài giờ…”! (cái mẹo xin làm ngoài giờ này là cũng do bạn bè đi trước mách). Được lời như cởi tấm lòng anh ta hạ giọng: “thực ra trường hợp của vợ con ông cũng có thể châm chước được từ sáng, nếu ông biết điều hơn…”. Đến đây tôi mới thấy cái câu “biết điều” của người nhân viên chính là vấn đề “tiền” chứ thái độ như của vợ chồng tôi từ xa tới chỉ mong xuôi xẻ chứ đâu có dám nửa câu nào nặng nhời với các anh ấy?
Nhìn lại những gương mặt đau khổ mà tôi đã thấy suốt từ 4 giờ sáng, vẫn chưa thấy vãn chút nào. Hoá ra tất cả đều được khuyến cáo “làm ngoài giờ” như tôi cả. Ha ha, tất cả đều làm ngoài giờ, thế không biết trong giờ thì các đ/c nhân viên bận làm gì?
Qua một ngày chờ đợi thì tôi được biết riêng trường hợp người bản xứ (da trắng mũi lõ) thì được ĐSQ qui định nộp hồ sơ (xin Visa hay các thủ tục lãnh sự) ở một cửa riêng. Phòng chờ rộng và có ghế salon khá tươm tất… nhưng thấy những ghế đó ít khi có người ngồi… vì họ chỉ vào đó (trong giờ mở cửa qui định) chừng ít phút là mọi việc xong xuôi. Còn dân An Nam (mũi tẹt da vàng) mình thì được “ưu ái” có “phòng chờ” riêng (như thượng dẫn). Có lẽ đây cũng là một sáng kiến bậc đỉnh cao của các anh xứ “bầu ơi thương lấy bí cùng” nhà ta chăng?
Tôi nhận lại được 3 cuốn hội chiếu vào lúc gần 18 giờ do một anh nhân viên trẻ hơn, mặt hiền lành hơn cái anh nhận hồ sơ ban sáng nhiều. Trước khi sờ tay vào các cuốn HC, tôi nhận được tờ “hóa đơn” (viết tay không có ai ký tên cả) thanh toán gấp 3 lần so với qui định của Bộ Tài chính (nêm yết ở cửa ĐSQ), nhìn thấy bên trong tờ giấy chỉ to bằng lòng bàn tay, ngoài khoản “làm ngoài giờ” còn thấy cả khoản “làm nhanh trong ngày” nữa. Tâm trạng của tôi lúc đó là sợ nhất là phải tới “chầu” ở nơi đây vào những ngày hôm sau, nên cả vợ lẫn chồng chả ai bảo ai đều tặc lưỡi đếm tiền cho nhanh, trả mà nhận HC mang về. Nhận xong, tự dưng trước khi ra về tôi còn hào phóng rút tờ 20 DM (tiền Đức lúc đó) gửi anh nhân viên trẻ gọi là “mời anh cốc cà phê”, rồi bước nhanh ra cửa. Không ngờ lúc ra tới chỗ đậu xe bên kia đường còn thấy có tiếng chân người đuổi theo, tưởng kẻ xấu, hoá ra anh bạn mới quen, khách chờ nhận HC ngay sau chúng tôi chạy theo vừa thở hổn hển vừa nhắn: “Ông ở Sứ… nhờ tôi nói với ông bà kiểm… kiểm tra kỹ lại 3 quyển HC một lần nữa xem … xem có thiếu cái dấu giáp lai nào đóng ở góc ảnh không?… kẻo lại phải quay lại lần nữa… thì khổ! ”.
Trời lúc đó đã tối. Chúng tôi phải bật đèn pha ôtô lên để kiểm tra thật kỹ như lời dặn, thì phát hiện ra đúng là thiếu một cái dấu nổi ở góc ảnh của thằng cu thứ hai thật! Hú vía lạy trời phật, tôi quay lại và được anh nhân viên lúc nãy tận tình giúp ngay… Xong việc ra tới xe nổ máy nhìn đồng hồ thấy hơn 24 tiếng đồng hồ đã trôi qua, kể từ lúc khởi hành từ nhà ở ngoại ô Hamburg, đường trơn trượt mùa đông… cho tới bây giờ. Trên đường về hai vợ chồng tôi quên luôn cả những bực dọc trong ngày, còn khen “cái nhà anh nhân viên trẻ sao mà tốt bụng thế!”. Qủa thật nếu không có lời nhắn của anh thì phiền qúa đi chứ? Thế mới thấy, cũng không hẳn tất cả các nhân viên ĐSQ là xấu hết – “nhân chi sơ vốn bản thiện” mà! Nhưng vợ tôi thấy tôi khen cái anh nhân viên trẻ nhiều qúa … liền đánh một câu gọn lỏn: “có nhẽ mình phải cám ơn cả 20DM nữa thì mới công bằng”…
Cuối năm sau, cả vợ và hai con tôi dứt khoát xin bỏ Quốc tịch (QT) VN để vào QT Đức! Sau khi nhận được giấy cam kết của chính quyền Đức cho phép nhập tịch (đầu 2001), lại phải đơn từ xin xỏ khốn khổ nữa bởi các nhân viên lãnh sự ở ĐSQ Berlin. Chúng tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm, nên chỉ gửi thư bảo đảm (với mức phí bưu điện cao nhất) chứ nhất quyết không muốn giáp mặt các anh chị ở bộ phận lãnh sự làm gì cho rách việc. Sau thời gian kéo dài tới 5 năm (2001-2006), cả ba trường hợp (vợ con tôi) đều đã xin thôi được QT VN xong, nhưng tất cả đều bị “hành” theo nhiều kiểu khác nhau: nào luật mới thay đổi, phải thêm giấy nọ, chứng nhận kia, nào dịch chưa chuẩn, phải thuê thông dịch do ĐSQ đảm trách thì mới đảm bảo… tóm lại bị ngâm tôm bắt bẻ đủ điều. Nhưng có lẽ, tất cả những ai đường đường chính chính thì cũng đều “bị” như vậy cả. Dù là tôi hay ai khác cũng thế, muốn xong việc đều phải cắn răng mà thanh toán tiền (cao hơn qui định) bằng những tờ “hoá đơn” không có ai ký tên cả.
Tôi nghĩ chuyện này qúa phổ biến, nhiều người kêu ca lâu rồi, nhà nước cũng biết hết cả rồi. Nhưng mọi việc cứ “vũ như cẩn”. Những số tiền lạm thu đó (như ở Đức là ví dụ) chắc chắc không vào két của công qũi là cái chắc rồi. Nhưng nó rơi vào túi những ai thì chỉ có những người có trách nhiệm cao nhất về nhân sự ở Bộ Ngoại Giao mới trả lời được câu hỏi này?!
Gocomay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét