Lê Phước
“Ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại những hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, cũng như ở các kỳ họp của khối G20 về chủ đề hối đoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cứ khăng khăng bám víu vào lập trường của mình. Họ không bao giờ biết nhún nhường khi quyền lợi của Trung Quốc bị ảnh hưởng / Trung Quốc tự hào là «người chủ mới của thế giới», thế nhưng lại đòi hỏi được xem là nước kém phát triển. Nguyên nhân, theo L’Express, là họ muốn trục lợi từ vị trí của một nước nghèo. Vị trí nước đang phát triển là lá bùa hộ mạng ở WTO” - Trên các đường phố ở Việt Nam, ta vẫn thấy ngày ngày có những ông bà hành khất bộ dạng rất thảm thương, đến nhà nào cũng kêu van mình túng đói với đôi bàn tay lẩy bẩy chìa ra chiếc bị rách, khiến người nghe mủi lòng, không nỡ nào từ chối, đành dằn bụng rút ra chút ít trong cái túi vốn cũng kẹp lép của mình bố thí cho họ. Có biết đâu, chiều lại, khi đến một quãng vắng, các vị hành khất này hiện nguyên hình là những phú ông phú bà, giở hầu bao ra đếm xem ngày hôm nay thu hoạch có nặng túi hay không, để rồi lên xe trở về chui vào những ngôi nhà lầu ở một vài làng quê hay phố vắng nào đó. Chính là từ nhiều thập niên lại đây Trung Quốc đã chơi trò chường ra với thế giới một khuôn mặt “bần hàn” như thế, để vơ vét tài nguyên khoáng sản và ăn cắp kỹ thuật công nghệ của nhiều nước, nên trong túi kẻ ăn mày trưởng giả đểu này đến nay mới ních được đến 3.000 tỷ đô la Mỹ.
Nghĩ lại tiếc cho Việt Nam, không học được một xíu nào trong cái ngón sở trường của ông anh, cho nên hầu như đại bộ phận dân chúng thì đang khốn đốn đến cùng cực, thế mà đã hãnh diện rằng mình sắp bước vào diện “thoát nghèo” trong con mắt thế giới, đến mức nhiều nước đã lên tiếng sẽ cắt nguồn vay ưu đãi ODA cho chúng ta trong một vài năm tới. Thế có kỳ lạ không?
Cho hay khôn sống mống chết là quy luật sinh tồn của nhân loại ngày nay. Ta hãy nhớ lấy câu ngạn ngữ dân gian mà khi sang Hoa Kỳ chúng tôi được nghe vài người bạn mách cho biết: “Khôn như Tàu / Giàu như Mỹ / Kiết-sĩ như Việt Nam” (Kiết-sĩ = vừa kiết vừa sĩ).
Nguyễn Huệ Chi
Chủ đề Nhật Bản, Libya và Trung Quốc vẫn nổi trội trên các tạp chí Pháp ra tuần này. Đáng chú ý là bài thời luận của tuần san L’Express: “Trung Quốc sẽ cư xử xứng tầm một đại cường quốc hay không?”. Bài viết cho biết, Bắc Kinh luôn nấp sau “danh hiệu” nước kém phát triển để trục lợi, trong khi trên thực tế đã là nền kinh tế số 2 thế giới.
L’Express xuất phát từ sự kiện Trung Quốc đã không có thiện chí giúp nước Nhật đang trong vòng khốn đốn. Ngày 18/3, Bắc Kinh không tham gia vào hành động chung của khối G7 trong nỗ lực kiềm chế giúp cho đồng yên khỏi tăng giá.
Trung Quốc hiện đang sở hữu 3.000 tỷ đô la dự trữ, tức 1/3 giá trị thị trường hối đoái thế giới, thế mà lại «không dám trích ra một nhúm» để ủng hộ người láng giềng đang gặp khó khăn về xuất khẩu do đồng tiền tăng giá và đang gặp khó khăn trong tái xây dựng đất nước. Trớ trêu thay, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.
L’Express: Trung Quốc thường thờ ơ như vậy!
Với vị thế là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc lại né tránh trách nhiệm vốn thuộc về mình. Theo L’Express, đây rõ ràng là một xì-can-đan. Ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại những hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, cũng như ở các kỳ họp của khối G20 về chủ đề hối đoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cứ khăng khăng bám víu vào lập trường của mình. Họ không bao giờ biết nhún nhường khi quyền lợi của Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Trung Quốc tự hào là «người chủ mới của thế giới», thế nhưng lại đòi hỏi được xem là nước kém phát triển. Nguyên nhân, theo L’Express, là họ muốn trục lợi từ vị trí của một nước nghèo. Vị trí nước đang phát triển là lá bùa hộ mạng ở WTO.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã dịch chuyển «trung tâm thế giới» về phía Thái Bình Dương. Trung Quốc đã thu hút được các khối tài chính khổng lồ trên toàn thế giới và kích thích bong bóng đầu cơ. Thế nhưng, «đại gia» này lại phủi đi trách nhiệm trong lĩnh vực tiền tệ, thương mại và nhân đạo.
Các tập đoàn đa quốc gia đã không còn ngần ngại lên án việc chính quyền địa phương của nước này làm việc quá tùy tiện, như ăn cắp công nghệ, không tuân thủ luật sở hữu trí tuệ, môi trường tư pháp thiếu trong sạch. L’Express đánh giá, Trung Quốc không phải là một nhà nước pháp quyền.
Khi Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ Trung Quốc đi thăm Châu Âu, vài người tin rằng Bắc Kinh sẽ tốt bụng giúp đỡ cho châu lục này. Thế nhưng, tất cả đã lầm. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tiếp đón hai vị nguyên thủ Trung Quốc như những vị cứu tinh, thế nhưng Bắc Kinh chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích của mình. Họ chỉ mua lại những công ty chiến lược để có thể «cai trị» trong trung hạn mà thôi.
Cuối cùng, L’Express nhận định, quốc gia nào cũng có sách lược tự cường riêng. Sách lược của Trung Quốc là mang tính «thù nghịch», tìm cách làm suy yếu đối phương. Đối với L’Express, hiện nay, mọi người cần khẳng định dứt khoát rằng Trung Quốc không còn là một nước đang phát triển nữa, và phải làm sao cho Bắc Kinh thừa nhận sự thật này.
Courrier International chạy ba tít lớn về Libya, Trung Quốc và Nhật Bản
Theo tờ báo này, trong cuộc chiến Libya, các nước Hồi giáo tỏ ra nghi ngờ phương Tây. Liên quan đến Trung Quốc, tờ báo cho biết ảnh hưởng của cách mạng Hoa Lài ở nước này và các biện pháp đàn áp của nhà nước Trung Quốc. Nói về Nhật Bản, tờ báo tiếp tục phản ánh tình hình sau động đất và ca ngợi tinh thần đoàn kết xây dựng lại đất nước của người Nhật.
Tuần san Le Monde dành trang nhất cho chủ đề hạt nhân với bài «Hạt nhân? Không, cảm ơn». Tờ báo tập trung phân tích tính khả dụng của nguồn năng lượng mặt trời sau thảm họa Fukushima.
Trang nhất L’Express chạy tựa lớn «Trận chiến cuối cùng của Kadhafi». Tờ báo thông tin khá đầy đủ về tình hình Libya, đặc biệt có bài phân tích những hoạt động «hậu trường» của các cường quốc cho sự ra đời của nghị quyết 1973.
Le Figaro Magazine và Le Nouvel Observateur dành trang nhất cho hồ sơ «bất động sản» tại Pháp. Mỗi tờ dành khoảng 80 trang thông tin, phân tích tình hình bất động sản tại Paris nói riêng, và nước Pháp nói chung.
Nga: Medvedev và Putin đối mặt với cuộc bầu cử 2012
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 sắp đến gần, các thăm dò cho thấy uy tín trong nước của hai vị đứng đầu nhà nước Nga đã giảm đi đáng kể. Courrier International phân tích tình hình này qua bài viết “Cặp bài trùng Medvedev- Putin đang tuột dốc”.
Theo thăm dò của Viện Nghiên cứu chính trị Levada tại Matxcơva, vào tháng 2/2008, năm mà Tổng thống Medvedev bước vào điện Kremly, đa số cử tri cho rằng những nhiệm vụ ưu tiên nhất của vị Tổng thống kế nhiệm ông Putin là kiềm chế đà tăng giá, giảm lạm phát, cải thiện tiền lương và chống tham nhũng. Thế nhưng, đến hiện tại, giá cả vẫn leo thang, tham nhũng vẫn hoành hành.
Một mối bận tâm khác của cử tri Nga vào năm 2008 là ổn định tình hình Bắc Kavkaz và củng cố trật tự kỷ cương. Thế mà hiện tại, tình hình tại vùng Kavkaz còn tồi tệ hơn trước, các vụ tấn công khủng bố không chỉ nhắm đến quân nhân và cảnh sát, mà đến cả thường dân. Còn trật tự kỷ cương cũng chằng được cải thiện gì.
Ngay cả trong vùng Matxcơva, một cuộc điều tra cũng đang hé lộ về sự thông đồng giữa viện kiểm sát, cảnh sát với một mạng lưới tội phạm.
Courrier International cũng đặt vấn đề người thật sự nắm quyền tối thượng tại Nga. Tờ báo nhắc lại việc năm rồi, Tổng thống Medvedev đích thân xuống thăm ga Kiev tại Matxcơva, một trong những nơi vừa bị đánh bom khủng bố. Ông đã trách các quan chức liên quan về việc để an ninh lỏng lẻo.
Tờ báo đặt câu hỏi, tại sao các quan chức này lại [không] tái lập lại an ninh trước khi Tổng thống đến kiểm tra? Có phải lệnh của Tổng thống không có trọng lượng đối với họ? Có phải họ cần mệnh lệnh của một lãnh đạo khác, nắm thực quyền và có tầm ảnh hưởng hơn cả Tổng thống? Như vậy, Tổng thống có quyền hành gì nếu có vị lãnh đạo nắm quyền thật sự, một người mà chỉ bằng ánh mắt cũng đủ làm run rẩy những vị Bộ trưởng dạn dày nhất? Courrier International cho rằng, người Nga có quyền đặt câu hỏi về điều đó.
Tâm lý bất mãn rộng khắp trong dân, từ giới bình dân đến tầng lớp thượng lưu. Thăm dò cho thấy, 38% người dân cho rằng có thể xảy ra ở Nga một cuộc cách mạng Hoa Lài. Trước sự bất mãn này của phần đông xã hội, rất có khả năng ông Medvedev từ chối ra tranh cử lần hai.
Theo thăm dò của Viện Levada, Tổng thống Medvedev vượt Thủ tướng Putin về sự tín nhiệm trong dân. Thế nhưng, khi đề cập đến những vấn đề cụ thể, ông Putin lại vượt lên trước khá xa. “Học trò” chỉ vượt được “thầy” mình trong hai vấn đề sau: khả năng tiến hành hiện đại hóa đất nước và thực thi dân chủ trong xã hội. Thế nhưng, kết quả này chủ yếu là dựa vào các bài diễn văn của Tổng thống Medvedev với sự hiện diện thường xuyên của các từ như hiện đại hóa hay tự do.
Đề cập đến năng lực giải quyết những việc cụ thể, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thì Thủ tướng Putin được người dân đánh giá cao. Thủ tướng Putin cũng trội hơn trong khả năng có thể đảm bảo vị thế của Nga trên trường quốc tế, và việc đảm bảo trật tự xã hội ở Nga. Mặt khác, Courrier International cho rằng, trong tâm trí người Nga, ông Putin vẫn là người được xem là năng nổ nhất trong đấu tranh chống tội phạm và chống bất công xã hội.
Riêng phần ông Putin, thì hầu hết các chỉ số tín nhiệm dành cho ông đều giảm so với giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2 của ông. Cụ thể là số người cho ông là thông minh giảm 2 lần, số người cho ông là lương thiện, không tham nhũng giảm 3 lần. Còn hình ảnh của ông Medvedev thì có cải thiện kể từ khi đắc cử Tổng thống. Số người cho rằng ông Medvedev quá “gần gụi” với ông Putin cũng giảm 1,8 lần.
Giải thích việc này, Courrier International cho rằng, “chức vụ mới làm nên con người mới”. Từ khi nhậm chức Thủ tướng, ông Putin bất chợt trở nên kém kinh nghiệm hơn, kém trí thức hơn và kém can đảm hơn. Ông cũng ít xuất hiện trên truyền hình hơn. Trong khi đó, ông Medvedev trên cương vị Tổng thống thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên có nhiều điều kiện thể hiện mình hơn.
Còn về sự “xa cách” hơn đối với Putin, Courrier International nhận định, có thể đây là một tiến bộ, một sự khẳng định “độc lập” của Tổng thống Medvedev đối với Thủ tướng Putin.
Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả nặng nề của việc phá rừng
Ở Trung Quốc, sau hàng thập kỷ công nghiệp hóa, nhiều khu rừng đã bị tàn phá. Và hiện tại, đất nước này phải chịu hậu quả nặng nề của việc phá rừng. Đó là thông tin mà Courrier International phản ánh qua bài viết “Vũ khí lợi hại nhất để chống sa mạc hóa”.
Năm 2009, mật độ rừng bao phủ ở Trung Quốc là 20,36%, tức thấp hơn 10% so với mức bình quân thế giới. Tình hình nghiêm trọng nhất là ở phía Tây đất nước, với 17,5% mật độ rừng bao phủ. Vùng này vốn là một trong những khu vực trữ nước mưa nhờ vào các khu rừng được xếp vào loại quan trọng nhất của Trung Quốc, thế mà hiện tại lại bị nạn xói mòn nghiêm trọng.
Năm 2010, ở tỉnh Vân Nam, lượng đất bị xói mòn lên đến 500 triệu tấn, tức chiếm 10% tổng số đất xói mòn thống kê được ở Trung Quốc. Tại Tứ Xuyên, mỗi năm có đến 300 triệu tấn cát và bùn bị trôi vào dòng sông Dương Tử.
Trung Quốc là một trong những quốc gia thiếu nước trầm trọng nhất thế giới. Tỷ lệ bình quân nước ngọt tính theo đầu người của nước này chỉ bằng 1/4 so với mức chung của thế giới. Hiện tượng sa mạc hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt. Theo Cơ quan Công nghiệp rừng quốc gia Trung Quốc, diện tích đất bị xói mòn đã chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ.
Điển hình như vùng Phàn Chi Hòa, tỉnh Tứ Xuyên. Đây là một trong những khu vực rừng quan trọng nhất của vùng thượng lưu sông Dương Tử và là hàng rào sinh thái quan trọng nhất của cả vùng. Thế nhưng, kể từ năm 1950, với làn sóng khai thác công nghiệp như vũ bão, chỉ sau vài thập niên, mật độ bao phủ rừng trong khu vực đã bị giảm một cách thảm hại: 76,5% năm 1965, 35% năm 1980. Mất rừng, vùng này bị thiên tai thường xuyên, nào là lở đất, lũ bùn và lụt lội.
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, trong giai đoạn 2004-2008, diện tích rừng quốc gia đã tăng thêm 20,543 triệu hecta, mật độ rừng bao phủ tăng 2,15%. Thế nhưng, trên thực tế, sự tăng này không đủ để tái cân bằng hệ sinh thái.
Theo Văn phòng Lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc, diện tích rừng nước này thiếu hụt trầm trọng. Hơn nữa, chất lượng của rừng, từ trữ lượng gỗ trên mỗi hecta và chiều cao trung bình của cây, cũng không được đảm bảo. Trong khi đó, cái mà người ta gọi là “rừng” trong một vài khu vực, thực chất lại rất xa với cái nghĩa rừng của thế giới. Nguyên nhân là do đa phần rừng của Trung Quốc hiện tại là rừng nhân tạo với cách trồng độc canh, việc đó làm giảm khả năng giữ nước và khả năng hấp thụ carbon.
Lấy gì để thế vào năng lượng hạt nhân?
Thảm họa Fukushima đã khiến các cường quốc hạt nhân bị rúng động. Dẫu biết nguy hiểm, nhưng nhiều nước buộc phải tiếp tục khai thác hạt nhân để đảm bảo nhu cầu năng lượng trong nước. Tuần san Le Monde giới thiệu bài viết “Năng lượng: kế hoạch B” để bàn về nguồn năng lượng thay thế cho hạt nhân và năng lượng hóa thạch.
Theo đề án của ông Mark Z. Jacobson, Trưởng khoa Năng lượng và Môi trường của Trường Đại học Stanford (California), nếu các nước công nghiệp phát triển quyết tâm hành động ngay từ bây giờ, thì từ đây đến năm 2030, ba nguồn năng lượng gió, nước và mặt trời có thể đảm bảo nhu cầu năng lượng của cả hành tinh. Ngày 6/2, ông này cùng với một đồng nghiệp đã cho đăng trên tạp chí Energy Policy bản chi tiết của đề án tìm nguồn năng lượng thay thế này. Cùng lúc đó, Tổng thống Obama đã bổ nhiệm ông Jeffrey Immelt, người đứng đầu Tập đoàn General Electric và là người ủng hộ mạnh mẽ công nghệ sạch, vào vị trí lãnh đạo Hội đồng Kinh tế vừa được thành lập.
Theo dự án này, năng lượng thiên nhiên như gió, nước và mặt trời sẽ sản sinh năng lượng đủ cho nhu cầu chiếu sáng và sưởi ấm của con người. Ngay cả trong lĩnh vực vận tải, bình ắc quy và pin sẽ thay thế được nhiên liệu hóa thạch.
Vào năm 2030, 9% nhu cầu năng lượng sẽ được đáp ứng bằng năng lượng nước, 51% bằng gió và 40% bằng năng lượng mặt trời. Vì thế, “kế hoạch B” là hoàn toàn khả dĩ.
Theo tác giả dự án, kế hoạch của ông mang lại lợi ích to lớn, vì giúp tránh được những khoản chi tiêu khổng lồ để cải tạo những tác hại nghiêm trọng của việc sử dụng năng lượng hạt nhân và năng lượng hóa thạch, cũng như những di hại của hiện tượng biển đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.
L.P
Nguồn: Viet.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét