Hôm 22/10, Trung Quốc đã khánh thành Đài phát thanh có tên 'Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ' ở tỉnh Quảng Tây và dự kiến sẽ phát sóng tới hơn 100 triệu người ở năm nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là đài phát thanh chính thức thứ nhì của Trung quốc có chương trình phát thanh tiếng Việt. Cùng ngày, hãng Tân Hoa Xã đưa tin, Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng nói rằng ‘Việt Nam sẽ tạo môi trường tốt nhất để chào đón đầu tư từ Trung Quốc’. Trong bối cảnh có các nhận định rằng Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng của ‘quyền lực mềm’ (soft power) ở Việt Nam thông qua một số hoạt động như đầu tư thương mại và văn hóa, Nguyễn Trung của Đài VOA đã trao đổi với Giáo sư Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm) tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương từ Hawaii.
Nguyễn Trung | Washington DC Thứ Hai, 02 tháng 11 2009
VOA: Thưa ông, thời gian qua, người ta nói nhiều tới ảnh hưởng của ‘quyền lực mềm’ của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Xin ông cho biết loại quyền lực này phát huy ảnh hưởng như thế nào trên thực tế?
Giáo sư Vũ Hồng Lâm: Trong thuật trị nước và ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc thời cổ đại, ngoài việc dùng vũ lực còn có ân, uy, đức. Đây là ba yếu tố làm nên quyền lực mềm. Chẳng hạn như khi anh gia ân mua chuộc người ta, anh chăm sóc đối tác, anh sẽ tạo được cái gọi là ‘lạt mềm buộc chặt’. Hay là khi anh có một cái uy lớn, những người khác sẽ không dám làm hại và không dám đụng chạm đến lợi ích của anh. Khái niệm đức hơi khó để giải thích nên tôi sẽ đưa ra các ví dụ. Cụ thể ở khu vực Đông Nam Á, việc Trung Quốc sử dụng và phát huy những yếu tố ân, uy và đức để tạo nên quyền lực mềm rất khác nhau và tùy từng đối tượng.
Đối với những nhà cầm quyền không quen với luật chơi dân chủ, muốn giữ chính quyền bằng mọi giá với ý thức hệ chống lại Mỹ và phương Tây, thì Trung Quốc sử dụng cái đức. Nhìn vào Trung Quốc, người ta thấy cũng có một lý tưởng và lối hành xử như vậy. Trung Quốc từng nâng đỡ nhiều chính quyền bị thế giới cô lập, chống lại phương Tây như Miến Điện hay Bắc Triều Tiên.
Khi họ gặp khó khăn ở trong nước cũng như trên thế giới, những nước đó muốn nhờ cậy sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tất nhiên, khi đó, Trung Quốc nắm được điểm yếu của họ là cần tới mình, và Trung Quốc sẽ có được những sự đền đáp nhất định.
VOA: Thưa ông, Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao bởi quyền lực mềm của Trung Quốc?
Giáo sư Giáo sư Vũ Hồng Lâm: Có thể nói là Việt Nam chịu ảnh hưởng của cả ba yếu tố ân, uy và đức. Bản thân Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ lý tưởng là xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo hai nước thường nhắc tới việc cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đấy là sự ràng buộc cuả yếu tố đức, tạo nên quyền lực mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc và việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh với tiềm lực quân sự và cả tiềm lực kinh tế qua việc hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam như vậy là những yếu tố làm nên uy của Trung Quốc.
Thế nên, khi Việt Nam muốn bảo vệ quyền lợi của mình mà có ảnh hưởng nhất định tới quyền lợi của Trung Quốc thì sợ và ngại. Thế giới người ta thường theo những anh có nhiều uy hơn là những anh yếu. Cho nên, đó là điều rất thiệt thòi cho Việt Nam.
Còn vấn đề Trung Quốc khai triển cái ân, tức chăm sóc, mua chuộc và nắm điểm yếu của đối tác để ràng buộc, thì Trung Quốc không dùng cái ân với cả nước Việt Nam mà với từng cá nhân và từng bộ phận một. Điều này đánh vào văn hóa Á Đông là coi trọng cá nhân. Trung Quốc có ưu thế lớn vì nước này có một số lượng tiền rất lớn, tập trung cho chính quyền trung ương sử dụng, cho nên rất dễ huy động tài chính cho những chuyện như vậy, rất dễ sử dụng để gia ân cho một số đối tác rồi ràng buộc họ.
Trong khu vực, chẳng hạn như việc Trung Quốc xây dựng tòa nhà chính phủ cho Campuchia, xây dinh tổng thống cho Đông Timor, rồi xây sân vận động cho Lào để chuẩn bị SEA Games (Đại hội Thế thao Đông Nam Á). Đối với Việt Nam thì tế nhị hơn, nhưng Trung Quốc cũng sử dụng ân, uy, đức một cách thông minh và nhuần nhuyễn để tạo nên quyền lực mềm của họ ở Việt Nam.
VOA: Yếu tố ân mà ông đề cập tới là như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Vũ Hồng Lâm: Chẳng hạn như Trung Quốc nhắc lại chuyện có công lớn ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trước kia, khiến cho không ai ở Việt Nam có thể phản đối được, và như thế sẽ tạo nên một sợi dây ràng buộc.
Ngoài ra, thời gian qua, họ mời một số đối tác sang Trung Quốc chơi, cho đi thăm chỗ nọ chỗ kia rồi có quà cáp hay chữa bệnh. Họ sử dụng nhiều hình thức phong phú khác nhau để mua chuộc.
VOA: Việc Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quyền lực mềm của Trung Quốc có tác động gì không tới những vấn đề tồn tại giữa hai bên, ví dụ như tranh chấp lãnh hải ở biển Đông chẳng hạn?
Giáo sư Vũ Hồng Lâm: Rõ ràng là ảnh hưởng. Việc Trung Quốc có quyền lực mềm thông qua ân, uy và đức sẽ khiến cho Việt Nam bị bó tay rất nhiều trong việc nói lên tiếng nói cũng như đấu tranh cho quyền lợi của mình. Việc một số cơ quan truyền thông Việt Nam không có chính kiến rõ ràng về lợi ích, về lập trường và sử dụng những tuyên bố hay bản tin của Trung Quốc, đã vô hình chung lấy lập trường của Trung Quốc làm lập trường của mình, làm cho Việt Nam mất đi tính độc lập trong việc khẳng định lợi ích và chính kiến.
VOA: Hoa Kỳ thời gian qua có nói tới chuyện cân bằng quyền lực với Trung Quốc ở Đông Nam Á, nếu xét về quyền lực mềm, tương quan giữa Trung Quốc và Mỹ ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Vũ Hồng Lâm: Riêng đối với Việt Nam, người Mỹ có quyền lực mềm nhất định đối với dân chúng vì lý tưởng ngoại giao của Mỹ là bảo vệ nhân quyền và dân chủ. Lợi ích khách quan của người dân là muốn bảo vệ nhân quyền của mình và muốn có thêm nhiều quyền dân chủ trong việc hoạch định chính sách quốc gia.
Nhưng đối với chính quyền Việt Nam hiện nay, họ cho rằng chính sách nhân quyền và dân chủ của Mỹ là đe dọa lớn đối với họ. Giữa Mỹ và Việt Nam có sự đối lập về ý thức hệ, nên Mỹ không thể khai triển được đức đối với Việt Nam. Còn về ân, Mỹ chưa có được nhiều cách hành xử tạo được ơn huệ gì với chính quyền Việt Nam.
VOA: Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng quyền lực như vậy, Việt Nam cần phải làm gì?
Giáo sư Vũ Hồng Lâm: Trước mắt, tôi nghĩ Việt Nam cần khéo léo về mặt ngoại giao để tạo nên những đối trọng. Mỹ, những nước lớn khác trong khu vực có cùng sự hội tụ lợi ích chiến lược với Việt Nam như Ấn Độ, Nhật Bản và một phần các nước ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) là những nơi Việt Nam có thể dựa vào. Nhưng Việt Nam không chỉ đơn thuần dựa vào các thế lực như vậy, mà còn nên dựa vào dư luận quốc tế để tạo nên sự hậu thuẫn trước các vấn đề tranh chấp như biển đảo. Còn về lâu về dài, Việt Nam phải có nội lực của bản thân mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét