Sử gia Dương Trung Quốc râu tóc muối tiêu, kính trễ mũi
hôm nay đã đăng đàn QH để nói về cái nút bấm. Ông đòi
phải công khai và minh bạch hoá quyết định của đại biểu QH
thông qua việc bấm nút. "Đây là điều kiện để dân giám
sát đại biểu mà họ bầu ra". Chắc ông Quốc không muốn ù
ù cạc cạc mình như chúng nó kiểu vỗ tay gật cả làng với
bất cứ thứ gì được bất cứ ai đưa ra QH. Ông Quốc nói
đã có văn bản gửi Uỷ ban thường vụ QH và nhận được
trả lời là "do tập quán của từng nước" và "có những
cái công khai có những cái không cần không khai"- Chắc ông
Quốc không bằng lòng với câu trả lời. "Vì sao chúng ta
không chọn sự công khai mình bạch, để chính đại biểu phải
tự chịu trách nhiệm cao hơn đối với các quyết định của
mình trước dân"- ông đặt câu hỏi.
Công khai việc bấm nút, có lẽ đúng là sẽ làm các vị đại
biểu QH phải nhìn trước ngó sau nhiều hơn. Nhưng khó mà nói
sẽ thay đổi được điều gì.
Hôm nay, câu nói ấn tượng nhất thuộc về ông Nguyễn Ngọc
Đào, và bà Phạm Thị Loan. "Quốc hội cần nâng cao vị thế
của mình" - ông Đào nói. "Quốc hội cần phải độc lập
hơn" - bà Loan phát biểu. Vậy thì QH đang ở vị thế nào?
Chả lẽ quyền "giám sát tối cao" còn chưa đủ? Cần phải
độc lập. Có nghĩa là QH đang trong trạng thái bị động? QH
đang lệ thuộc? Hình như vào đúng ngày áp chót của phiên
họp, ngày cuối cùng còn được đeo huy hiệu "dân biểu"
nhiều nghị sĩ mới nhận thấy, hoặc đúng hơn là dám nói ra
sự phụ thuộc của cơ quan, mà theo hiến pháp, là cơ quan lập
pháp tối cao.
Cái vị thế của QH hiện nay là gì?
Sự thụ động trong việc lập pháp. Chính phủ trình dự án
luật gì thì QH bàn bạc, thông qua dự án luật đó. Luật, vì
thế, bắt nguồn từ nhu cầu của Chính phủ chứ chưa bắt
đầu từ cuộc sống. Ông Nguyễn Đăng, vị đại biểu của cơ
quan quyền lực cao nhất nước dường như nuốt không trôi
việc "một cậu chuyên viên hành pháp" nói: "Không có
tiền" cho việc thực hiện giám sát VSATTP. "Cái chết với
cái sống như nhau cả", "cái cụ thể không giải quyết thì
không thể nói cái lớn được", ông Vang nói rất bức xúc.
Còn nhớ năm ngoái, bà Phạm Thị Loan, đại biểu QH Hà Nội
đã bị viên chức của chính quyền "Mặc quần đùi tiếp
đại biểu", rồi thì "Khoá nhốt". Dư luận ồn lên một
dạo. Việc hành pháp bắt nhốt lập pháp thậm chí còn được
đưa ra trước diễn đàn QH. Nhưng sau đó, thành chuyện "muỗi
đốt I-nốc", vị quan chức địa phương này vẫn tiếp tục
nhiệm kỳ tiếp theo ở Hoà Bình theo cái lối "Bắt nhốt thì
đã làm sao".
Chuyện bắt nhốt, hay cái lắc đầu hình như không phải là
chuyện cá biệt. Niềm sung sướng âm ỉ khi lầm đầu tiên QH
dám "nói không" với một dự án do Chính phủ đệ trình:
"Dự án ĐSCT", không khoả lấp nỗi bức xúc vì bị lệ
thuộc, vì bị ép người quá đáng.
Luật gia Nguyễn Ngọc Đào đã nói đầy chua chát, rằng: QH
đang phải chấp nhận câu chuyện Chính phủ đưa tới cái gì
thì bàn cái đó. (Và trừ cái ĐSCT thì muốn cái gì QH phải
biểu quyết cho cái đó). Bà Phạm Thị Loan thì phàn nàn
"Nhiều cái CP đưa lên thì QH có giám sát. Nếu CP không đưa
lên thì cũng không biết đâu mà giám sát". Ông Trần Du Lịch
kể lể: Uỷ ban Kinh tế khuyến nghị rất nhiều việc sau đợt
giám sát việc sử dụng vốn của các tập đoàn, TCTy, nhưng sau
đó cũng không ai nghe. Ông Nguyễn Đình Xuân cay đắng thừa
nhận: Không có tỉnh nào muốn làm mất lòng trung ương. Và:
"Nói và làm của Quốc hội chưa phải lúc nào cũng hiệu
quả. Nhiều việc nói thì như vậy nhưng làm thì còn nhiều
hạn chế".
Chính vì chưa, thực ra là không dám, hoặc không thể "truy
tới cùng sự việc" cho nên QH giám sát, rồi không biết giám
sát để làm gì, sau giám sát ra sao, ai nghe, ai làm, để rồi
lại tiếp tục giám sát, giám sát "như một công việc
thường nhật".
Ông Đào "trình bày suy nghĩ thô thiển" của mình, rằng:
Việc quyết định đối với các công trình trọng điểm quốc
gia không chỉ, không phải chỉ là những công trình nhiều
tiền. QH phải quyết định cả những vấn đề như học phí
của sinh viên, vấn đề tăng giá xăng dầu, điện nước.
Thoạt nhìn thì đó là nhỏ, nhưng lại gây tác động rất
mạnh, rất rộng lớn đối với xã hội. Chứ Như bây giờ,
mỗi lần có tăng giá, QH không nói gì, chính đại biểu QH
phải bỏ tiền mua hơn 19k đồng/lít xăng.
Con số 92,9% hình như chính là hình ảnh cho QH khoá XII: Có hung
hăng đến mấy nhưng chỉ cần nhìn thấy cái nhíu mày là tịt
ngòi. Bà Phạm Thị Loan đã tâm sự là "nhiều lúc" sau khi
"bấm nút" thì cảm thấy rất buồn. Bà mong muốn việc
giải quyết các vấn đề quan trọng của QH cần thấu đáo và
độc lập. Quan trọng nhất là "Cần phải được bấm nút
mà không chịu sự chi phối".
Nhưng cái đó khó đấy. Khóa tới, các vị dân biểu thẳng
thắn nhất, không ngại va chạm nhất hoặc đương nhiên nghỉ,
hoặc dĩ nhiên nghỉ, hoặc tất nhiên nghỉ. Chả phải vô cớ
mà ông Trần Du Lịch dẫn ý kiến cử tri, nói rằng: Nghe các
vị nói trên diễn đàn QH thì sướng, nhưng cũng chẳng giải
quyết được cái gì.
Thưa bác Quốc, cái nút nó không có lỗi gì cả. Cái nút bấm,
cũng không phải là vấn đề của Quốc hội. Bởi điều đó
sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có những cái nút trong
chính tư duy các vị đại biểu, cũng chẳng bao giờ phải đặt
ra nếu không có những cái nút khác từ trên đầu các vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét