Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Phạm Viết Đào: Con nợ Vinashin được mổ xẻ hôm 26/3/2011 thế nào? (bài 1)

Nguồn: Blog Phạm Viết Đào

Bài 1: “CON NỢ “ VINASHIN ĐƯỢC MỔ XẺ TẠI QUỐC HỘI HÔM NAY (26/3) THẾ NÀO ?


Blog Phamvietdaonv: Đây là một cuộc họp Quốc hội toàn thể tại hội trường được truyền hình trực tiếp nhưng ít người biết; theo dõi chương trình Thời sự buổi tối của Đài truyền hình VN thấy đưa rất sơ sài về phiên họp căng thẳng này; cả báo lề phải cho đến nay chưa thấy báo nào đưa tin về phiên họp này. Nếu vị nào không theo dõi được buổi họp quan trọng này, chịu khó đọc blog Phamvietdaonv.


Blog Phamvietdaonv sẽ lược thuật lại một số nội dung quan trọng đã phát tại hội trường hầu quý vị theo chủ đề...

Vũ Quang Hải - Hưng Yên:

Vấn đề thứ hai, tôi xin nêu một số vấn đề liên quan đến Vinashin. Trong Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện đầy đủ về việc tái cơ cấu Vinashin, về những vấn đề liên quan đến xử lý tình hình của Vinashin. Nhưng cử tri thấy rằng trong khi chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ 42 doanh nghiệp hiện có của Vinashin trừ các doanh nghiệp không tham gia vào tái cơ cấu, nhưng tuyên truyền quá mức cho các doanh nghiệp Vinashin đang trong thời kỳ tiếp tục để làm phục hồi lại những nhà máy sản xuất là điều không cần thiết. Nếu tuyên truyền quá chỉ làm tăng nghi ngờ cho cử tri. Bởi vì tại sao chỉ mới ngày hôm qua thôi Vinashin được thả nổi thì ngày hôm nay cử tri đặt dấu hỏi có phép thần kỳ nào mà trong một thời gian rất ngắn chúng ta tái cơ cấu như thế và chúng ta tuyên truyền một cách lớn như thế phải chăng người ta sẽ nghi ngờ năng lực điều hành của Chính phủ trong cả giai đoạn trước và giai đoạn sau, tôi nghĩ đây là điều chúng ta nên thận trọng trong tuyên truyền. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nếu 42 doanh nghiệp đóng tàu Vinashin và các công trình phụ trợ có việc làm là điều hết sức cần thiết, niềm vui duy nhất mà cử tri có được đó là công nhân có việc làm. Tuy nhiên còn một loạt các doanh nghiệp phải khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí phải bán nợ trong khi chúng ta tuyên truyền quá mức chỉ gieo thêm những nghi ngờ cho cử tri. Nhân đây tôi chuyển ý kiến của cử tri khi tôi đi họp, họ nói rằng: "Ông đến Quốc hội nói rằng chúng tôi là những người nông dân làm dự án để vay nuôi bò, nuôi lợn nhưng không may gặp thiên tai, gặp dịch bò chết, lợn chết, chúng tôi vẫn phải trả nợ ngân hàng, thậm chí nếu không tìm cách đảo nợ thì bị siết nợ. Trong khi đó việc khoanh nợ, giãn nợ cho Vinashin, nếu đem so sánh mà trong Báo cáo của Chính phủ không xử lý kỷ luật ai thì tôi nghĩ là điều khó hiểu".

Phạm Thị Loan - TP Hà Nội:

Trong những chính sách vừa qua, tôi đề nghị Chính phủ cũng cần phải xem xét có những chính sách để giúp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển như đại biểu Hải ở Hưng Yên vừa nói tức là tại sao Vinashin thì được Chính phủ quan tâm cho khoanh nợ, giãn nợ và cho vay để trả lương, trả bảo hiểm. Vậy những doanh nghiệp khác thì sao? Các doanh nghiệp tư nhân cũng như các hộ gia đình họ vay, họ làm, nhưng họ bị lỗ thì liệu họ có được hưởng chính sách đó hay không? Vậy tôi đề nghị Chính phủ cần phải xem xét để có chính sách chung cho phù hợp giữa doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp ngoài quốc doanh có cùng một chính sách, nếu như Chính phủ đã có chính sách cho Vinashin cho vay để trả lương công nhân, trả bảo hiểm cũng như khoanh nợ, giãn nợ cho Vinashin thì cũng đồng thời hãy có chính sách chung cho các doanh nghiệp khác.

Hà Minh Huệ - Bình Thuận:

Trước hết, tôi kiến nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu và giải trình thêm khái niệm và thực tiễn về nhóm lợi ích trong hoạt động kinh tế và xã hội hiện nay. Đây là khái niệm có từ khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, đã là thực tiễn ở nhiều nước. Dư luận xã hội, kể cả các đại biểu Quốc hội khi phát biểu công khai, cũng như trong các cuộc trao đổi với nhau cũng đã đề cập nhiều đến hiện tượng xã hội tiêu cực này. Có hay không cũng mong Chính phủ có những kiến giải cụ thể.

Đặng Như Lợi - Cà Mau:

Tôi đề cập đến phần của Vinashin, cách đây 5 tháng tại Kỳ họp thứ 8 Chính phủ báo cáo tình hình của Vinashin có nêu ra kết luận trong Thông báo 81 của Bộ Chính trị là tình hình của Vinashin khá nghiêm trọng, trong đó có trách nhiệm của các cấp quản lý, lần này đặt ra báo cáo này thì tôi thấy có những vấn đề. Trong nguyên lý Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân kiểm tra, tôi có đọc lại Điều 4 của Hiến pháp, phần đầu của điều lệ Đảng cộng sản, Khoản 2, Điều 17, Điều 32 và Khoản 2, Điều 41 nêu rất rõ về nguyên tắc lãnh đao và hoạt động của Đảng và các cơ quan của Đảng. Ở đây, về nguyên tắc là Đảng không làm thay Nhà nước, nên những vấn đề của ta nêu ra thuộc về lĩnh vực quản lý Nhà nước, trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong chuyện này phải rõ.

Trong báo cáo này tôi thấy còn nhiều tâm tư của nhiều đại biểu, đối với cử tri và nhân dân cả nước khi đọc được báo cáo sẽ cho là không ổn về vấn đề nguyên tắc, mặc dù các văn bản quy định khá rõ. Nếu giao cho Thanh tra Chính phủ làm, theo Luật thanh tra, Thanh tra cũng chỉ là một cơ quan của Chính phủ để giúp Chính phủ quản lý về vấn đề thực thi pháp luật. Rõ ràng ở đây là chức năng kiểm tra như thế nào phải là cơ quan Nhà nước có chức năng về vấn đề này. Đó là vấn đề ta nên xem xét lại báo cáo trong vấn đề này.

Cuối cùng, tôi đề nghị về Vinashin như sau. Tôi vẫn đề nghị như ý kiến trước đây của nhiều đại biểu nêu ra là thành lập Ủy ban lâm thời về vấn đề này. Sau đó có năng lực chuyên môn kiểm tra cho đến bao giờ xong có thể báo cáo Quốc hội vì chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm kỳ vào tháng 7 khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội XIII. Xin cảm ơn.

Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn:

Trong Báo cáo của Chính phủ tôi thấy có rất nhiều điều tán thành, nhiều điều chia sẻ. Nhưng có một điều mà nó át tất cả những tán thành, những chia sẻ ấy chính là về vụ Vinashin. Có thể nói sau khi công bố Báo cáo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng rất nhiều cử tri gọi điện cho tôi, người ta đặt những câu hỏi mà tôi thấy rất khó trả lời.

Câu hỏi thứ nhất là tại sao Bộ Chính trị lại kết luận như vậy trước khi có kết luận thanh tra, đành là cái nhìn của Đảng rộng hơn thanh tra nhiều lắm, nhưng ít nhất phải có cơ sở kết luận của thanh tra đã.

Thứ hai, tại sao Bộ Chính trị thông báo với Quốc hội không ký một văn bản để thông báo, mà lại thông báo qua đồng chí Phó Thủ tướng thường trực qua Báo cáo của Chính phủ.

Thứ ba, cử tri cũng muốn biết đồng chí A, đồng chí B trong Chính phủ có những hạn chế gì, có những ưu điểm gì trong điều hành Vinashin, trên cơ sở đó cử tri người ta dễ nhất trí nếu như mình thấy rằng không đến mức phải kỷ luật. Tôi cho chỗ này nên công bố một cách rất rõ ràng như thế. Nếu không cử tri rất buồn, người ta rất phân vân và Quốc hội chúng ta không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri, Chính phủ cũng không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri.

Lúc nãy phát biểu trước tôi đại biểu Đặng Như Lợi có kiến nghị Quốc hội cần hoàn thành nốt món nợ với cử tri, từ nay đến tháng 7 cũng cần phải lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các đồng chí trong Chính phủ và có một kết luận để cho nhân dân tán thành, người ta được yên tâm.

Trước đây tôi có đề nghị vấn đề này, nhưng sau khi nhận được ý kiến của Thường vụ trả lời thì tôi cũng nhất trí, bởi vì tôi nghĩ thời điểm rất tế nhị, đấy là thời điểm trước Đại hội Đảng, nếu không khéo thì mình lại nghĩ có ý này, ý khác. Nhưng bây giờ Đại hội xong rồi, kết quả tốt đẹp, bây giờ tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm vấn đề này một cách đàng hoàng để cho nhân dân không băn khoăn, thắc mắc gì cả. Chúng tôi xin đề nghị Thường vụ cân nhắc và cho ý kiến sớm về vấn đề này.

Dương Trung Quốc - Đồng Nai:

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến Vinashin, đây là vấn đề nóng của kỳ họp trước và người dân cũng rất muốn lắng nghe xem kết luận như thế nào. Bởi vì chúng ta biết rằng ở hội nghị trước thì vấn đề còn đang trong vòng điều tra chưa có kết quả cuối cùng. Bởi vậy những thông tin từ báo cáo của Chính phủ liên quan đến Quyết nghị của Đảng mang lại cho người dân hai tâm trạng. Tâm trạng thứ nhất là thở phào nhẹ nhõm chắc là thất thoát không đáng kể. Tâm trạng thứ hai là thất thoát nhưng chúng ta chưa có cơ chế để xử lý trách nhiệm cá nhân. Chính vì thế chúng tôi thấy rất cần thiết là chúng ta phải thông báo kết luận cuối cùng về thất thoát đó, trên cơ sở đó chúng ta mới có thể có được đánh giá chung và mới thấy được những hạn chế trong cơ chế để xử lý trách nhiệm cá nhân để chúng ta khắc phục.
Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng:

Về xử lý trách nhiệm của Chính phủ liên quan đến vụ Vinashin thì cử tri không đồng tình, họ nói như thế nào là chưa đến mức phải xử lý, phải chăng đối với cấp trên thì chúng ta chưa đến mức, còn cấp dưới là đến mức? cho nên tôi đề nghị vấn đề này mà cử tri cho rằng chúng ta chống tham nhũng thì như quét cầu thang phải quét từ trên xuống chứ không phải quét từ dưới lên.


(Nguồn: Trang tin điện tử Quốc hội Việt Nam…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét