Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Ba đời ăn củ chuối theo Đảng làm “cách mạng”

Cảnh CQ cưỡng chế GĐ chị Sáng ngày 29-8-2009
Bên kia sông Đuống có một gia đình giàu truyền thống nồng nàn yêu nước thương giống nòi! Trong kháng chiến cũng như thời bình, lúc bần hàn cũng như khi phú quý, họ đều hết sức, hết lòng và hết linh hồn phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là gia đình cụ Lưu Văn Kế. Cụ Kế sinh năm 1935, cụ tham gia kháng chiến từ đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Cụ được Lịch sử cách mạng thị trấn Yên Viên lưu danh như sau:

“Ngày 20/02/1959, huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Từ Sơn (nay là huyện Giá Lâm) công bố Nghị định của Chính phủ thành lập thị trấn lâm thời Yên Viên gồm 5 đồng chí Nguyễn Văn Chất làm Chủ tịch, đồng chí Trần Văn Phồn làm Phó chủ tịch, đồng chí Lưu Văn Kế, Thạch Khắc Xương và Trịnh Xuân Cảnh làm ủy viên Ủy ban.” – (Lịch sử cách mạng thị trấn yên Viên – Tr. 75)

Còn em ruột của cụ là Lưu Văn Thêm, là liệt sỹ chống Pháp thì được ghi nhận như sau:

“Lưu Văn Thêm 15 tuổi, vừa là quan sát viên liên lạc, vừa là chiến đấu viên dũng cảm, lựu đạn đã mở chốt bất ngờ lao vào trong đám đông của chúng để phá vòng vây. Phá hủy 2 xe chở quân sự. Tổng số địch bị diệt và số bị thương chết trong sân là gần 60 tên sĩ quan và lính mũ đỏ Pháp.” – (Lịch sử cách mạng thị trấn Yên Viên tr. 43)

Với truyền thống đấu tranh “cách mạng” hào hùng, sau hiệp định Paris năm 1973, chết theo tiếng gọi của đảng, chị Lưu Thị Mai Sáng đã háo hức tình nguyện lên đường tòng quân khi ở tuổi mới vừa trăng tròn lẻ. Chị còn phải bỏ thêm 2 túi cát cho đủ cân để được ra nhập quân đội cộng sản mà Hồ Chí Minh đã du nhập nó từ Tây phương về và làm cho anh em một nhà chém giết lẫn nhau.

Năm 1975, hòa bình lập lại, nghe theo đảng gọi, nhân dân ta nô nức đi vào con đường làm ăn tập thể, xây dựng xã hội chủ nghĩa, (hồi đó sự nhận thức về chế độ chính trị của nhân dân ta là vô cùng thấp cho nên đã bị CS lừa bịp) đòi hỏi phải có những con người dám đứng mũi chịu sào. Hết lòng vì tập thể, vì hợp tác xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân như anh Chủ nhiệm trong bài thơ cùng tên của Hoàng Trung Thông “hõm mắt thâu đêm lo việc xã”. Thì chị Lưu Thị Mai Sáng ra nhập Trường sỹ quan chỉ huy kỹ thuật công binh ở Bình Dương- khóa 14.

Chị là đồng nghiệp, đồng trường và đồng khóa công binh vượt sông với tôi, nhưng chị học trước tôi 14 khóa. Và chúng tôi lại cùng nhau ngân vang khúc ca của người chiến sỹ công binh vượt sông năm xưa:

“Ngày mai anh lại đi nói tiếp đôi bờ sông, anh nối những khoang tuyền dài theo năm tháng. Anh công binh dãi gió dầm mưa, em nơi quê nhà đảm đương thay anh, để anh đi nối tiếp những nhịp cầu. Rồi mai đây chiến thắng anh lại về. Ơ hò ơ…nước ăm ắp mạn thuyền reo lách tách, ghép phà nhanh anh lại bắc cầu nhanh. Đây chiến sỹ công binh ra mùa trận đánh. Tình anh mênh mang đi suốt đêm dài…..”

Năm 1979 chị được chuyển ra Bắc rồi chị chuyển sang ngành lương thực.

Sau đó chị nhận thấy rằng ở cái chế độ bao cấp, lương 3 cọc 3 đồng, cái nghèo nó cứ đeo bám theo hoài. Cho nên năm 1992 chị quyết định rời khỏi cái chế độ ma quái khốn khổ này theo tiêu chuẩn chế độ 176. Rồi chị lại tiếp tục tham ra công tác xã hội, chị làm Chủ tịch hội Phụ nữ địa phương.

Còn chồng của chị là anh Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1954, đảng viên ĐCSVN. Anh công tác tại trung đoàn 600 thuộc Bộ tư lệnh bảo vệ lăng Hồ Chí Minh nay đã nghỉ hưu.

Các con của chị là Nguyễn Mạnh Hùng, là bộ đội không quân thuộc sư đoàn bay 371.

Con trai thứ hai là Nguyễn Tiến Dũng, cũng là bộ đội sư đoàn 312 thuộc binh đoàn Quyết Thắng (bộ đội chủ lực trực thuộc Bộ Quốc phòng). Là chiến sỹ thi đua đã từng được báo Quân đội nhân dân số 15199 thứ bảy ngày 23/8/2003 đăng về bài “Lời Mẹ”. Được đơn vị cho đi học cảm tình đảng nhưng do chị Lưu Thị Mai Sáng đi khiếu kiện triền miên cho nên con của chị không được ra nhập đảng cộng sản.

Xui xẻo nhưng cũng là may mắn cho con của chị không ra nhập phải cái đảng ăn nhậu, tránh được cái hiểm họa, kẻ ăn ốc người đổ vỏ.

Vụ việc của gia đình chị Sáng không có gì để đáng trù dập các con của chị. Chỉ vì gia đình chị lấp một cái hố bom thuộc tổ 2 Khối Đuống để sản xuất nông nghiệp theo như NGHỊ QUYẾT số 125/CP ngày 08/01/1971 của HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ về việc tăng cường công tác quản lý ruộng đất. Vậy mà cán bộ thị trấn Yên Viên không chịu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chị bởi vì chị không chịu hối lộ cho chúng.

Năm 1990 chị Sáng đã xem xác minh của Cán bộ thị trấn Yên Viên thì các hộ lấp hố bom cùng chị thì chưa có ai có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 1992, ông Hùng phòng Địa chính thị trấn Yên Viên ra đo đất bán cho ông Trịnh Xuân Cảnh. Ông Hùng nói là “đất của ông Cảnh lấp hố bom từ năm 1968”.

Sau khi ông Cảnh qua đời thì chị Hải con ông Cảnh đã 4 lần sang nhà chị Sáng để thương lượng về việc đổi đất lấp hố bom nhưng không thành (Đất của chị Hải ở sau đất của chị Sáng).

Năm 1992 ông Cường Chủ tịch thị trấn Yên Viên ra lệnh cưỡng chế đất của chị Sáng và một số hộ bên cạch đó, thế nhưng không có quyết định của UBND huyện Gia Lâm cũng như UBND thành phố Hà Nội là sai với Pháp luật. Rồi cán bộ Địa chính thị trấn Yên Viên là ông Thường đã bật đèn xanh cho chị Hải làm sổ đỏ lại càng sai bởi vì thửa đất này đang tranh chấp giữa chị Sáng và Chính quyền thị trấn Yên Viên cùng ông Cảnh nay là bà Mận.

Trong khi đó cán bộ địa chính huyện Gia Lâm đo năm 1990 nói rằng: “ 172m2 đất hố bom này chưa thể hiện của ai, chỉ duy nhất có bà Lưu Thị Mai Sáng đã làm đơn xin cấp sổ đỏ”.

Ngày 29/02/1992 Ủy ban nhân dân thị trấn Yên Viên đã ngấm ngầm cấp 150m2 đất ở trên thửa đất lấp hố bom 172m2 của chị Sáng cho bà Mận (vợ của ông Trịnh Xuân Cảnh đã mất) là trái với luật định bời vì thửa đất này vẫn đang còn tranh chấp giữa chị Sáng và Ủy ban nhân dân thị trấn Yên Viên.

Tại sao UBND TT Yên Viên không cướp luôn 172m2 của chị Sáng mà lại chỉ cướp 150m2 mà thôi? Bởi vì họ cấp theo tiêu chuẩn 150m2/hộ và còn 22m2 thì theo như quy định của Luật đất đai thì không đủ tiêu chuẩn cấp sổ đỏ cho nên họ chỉ cướp 150m2 mà thôi.

Ngày 18/8/2009 UBND thị trấn Yên Viên đưa giấy mời chị Sáng đến UBND thị trấn và cán bộ UBND thị trấn tuyên bố trắng trợn rằng: “Chúng tôi đã cấp sổ đỏ cho bà Mận vợ ông Trịnh Xuân Cảnh 150m2 đất rồi”.

Vậy là họ lách luật và chịu nín thở 17 năm rồi mới công khai tuyên bố.

Tại sao lại có chuyện như vậy? Có phải chị Lưu Thị Mai Sáng không biết hối lộ cho các quan quyền cộng sản thị trấn Yên Viên và huyện Gia Lâm? (Đã có lần các quan quyền cộng sản thị trấn Yên Viên đến nhà yêu cầu chị Sáng phải hối lộ để được cấp sổ đỏ nhưng chị không chịu).

Ngày 29.8.2009, Ủy ban nhân dân thị trấn Yên Viên lại tiếp tục tổ chức cưỡng chế gia đình chị Sáng nhưng khi lực lượng cưỡng chế đến thị trường thì chẳng có gì mà để cưỡng chế. Làm cho lực lượng công an phải bực mình vì Ủy ban thị trấn Yên Viên làm trò hề cho bà con tổ 2, khối Đuống chê cười về những việc không đâu vào đâu của họ.

Ngày xưa nhân dân chúng tôi nghe theo đảng cộng sản vận động toàn dân tham gia kháng chiến để “người cày có ruộng”, nhưng nay thì người cày mất ruộng thật rồi (người có công với chế độ) đang bị mất ruộng!

Ới đảng ơi! Gia đình có 3 đời ăn củ chuối theo đảng làm “cách mạng” vậy mà đảng không ban ơn cho họ thì thôi, lẽ nào đảng lại ngoảnh mặt quay lưng, cướp bóc của những người một lòng một dạ theo đảng cả 3 thế hệ??? Hỡi đảng có thấy xót xa, có thấu chăng cho nỗi buồn tủi của nhân dân khi bị đảng vô ơn bạc nghĩa, phủ phục lòng trung thành của nhân dân đối với đảng?

Liệu đảng có biết rằng nhân dân còn bao nhiêu gram lòng tin đối với đảng không? Với tình hình ăn cướp trắng trợn của nhân dân như hiện nay đến nỗi trẻ không tha già không thương, cóc nhái ĩnh ương gì vớt hết, và không có cách giải quyết. Vậy thì liệu đảng còn sống được bao lâu nữa???

Tôi Lê Thanh Tùng cực lực lên án về việc tham nhũng của Chính quyền thị trấn Yên Viên và việc Chính quyền huyện Gia Lâm bao che cho các quan quyền cộng sản Yên Viên tham nhũng là có tội. Vậy tôi mong UBND thành phố Hà Nội và Chính phủ hãy trả lại 150m2 đất hố bom đã cấp cho bà Mận cộng với 22m2 đất còn lại cho chị Lưu Thị Mai Sáng, đồng thời phải đưa các quan tham của thị trấn Yên Viên và các quan quyền huyện Gia Lâm bao che ra trước vành móng ngựa để xét xử công minh.

Gia Lâm – Hà Nội ngày 28/3/2011

Lê Thanh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét