Người Việt Nam, ở độ tuổi bốn, năm mươi, từ lớp đồng ấu đã học bài giáo lý, vói dụ ngôn: Câu Chuyện Bó Đũa. Chuyện hết sức bình dị, rất thực tế với người dân Việt, vì Đũa là phương tiện dùng để ăn, nhà nào cũng có, dùng đũa hằng ngày tới ba bửa ăn. Nghe qua câu chuyện, bất cứ ai cũng phải chấp nhận lý thuyết hợp quần, không còn gì để phân vân, hay tranh cãi. Tuy bình dị nhưng câu chuyện Bó Đũa cũng mang tính chiến lược, trong nhiều lãnh vực như: Chính trị, kinh tế, tranh đấu, xây dựng…
Chiến lược từ thời cổ đại, những binh gia từng áp dụng hưng thịnh lực lượng phe mình chưa đủ, cần phải biết ly gián, chia rẽ phe đối phương. Có như thế mới dễ dàng thủ thắng, hai phe tranh cường, kết qủa thắng lợi thường ngã về phía có sự hợp đoàn chặt chẽ, sự thất bại nhìn thấy trước, mà không cần đến tiên tri, hoặc chiến lược gia phân tích, cho những xã hội, những triều đại bị phân hóa. Lịch sử có qúa nhiều sử liệu để lại cho chúng ta. Thiết tưởng người Việt có kinh nghiệm phong phú hơn bất cứ dân tộc nào, về vấn đề đoàn kết và chia rẽ.
Lý thuyết đã am tường, kinh nghiệm dư thừa, thế nhưng trong tranh đấu chúng ta thường bị phân hóa. Khiến cho ngày tháng “tuổi thọ” của chế độ bạo ngược Cộng Sản, kéo dài lê thê trên quê hương Việt Nam. Như mấy ngày qua sự kiện cấp bách và khẩn thiết của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, đăng thư thông bạch gởi đi khắp mọi nơi, không hiểu sao các tôn giáo bạn hình như làm lơ. Không riêng sự kiện bây giờ, mà trước đây rất nhiều lần CSVN đàn áp: Giáo Xứ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý …Khi Công Giáo tranh đấu, các tôn giáo khác không hề có văn thư chia xẻ, biểu lộ sự đồng tình, cùng với việc lên án bạo quyền Cộng Sản. Đến phiên Tin Lành Mục Sư Nguyễn Hồng Quang và các giáo xứ Tin Lành Tây Nguyên bị đàn áp. Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, vòng tay đứng xem! Thầy Thích Quảng Độ bị hành hạ, bị tù đày ngoài giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lên tiếng, tịnh nhiên các tôn giáo bạn bịt tai che mắt: Không nghe, không thấy, không ý kiến?
Nếu trong nước, chúng ta có thể an ủi nhau vì Cộng Sản dựng vách ngăn, rào sắt. Nên các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo không thể gần nhau, không thể liên đới hợp quần tạo sức mạnh, không thể san sẻ nhau trong lúc nguy biến. Nhưng tại hải ngoại này không biết lý giải thế nào, về sự im lặng của các tôn giáo bạn. Trước sự khẩn cầu của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo về tình hình giáo hội bị đàn áp không nương tay, đảng CSVN không cho tổ chức đại lễ ngày 25 tháng Hai âm lịch? Quý vị nghĩ gì, cho người dân chúng tôi một lời giải thích. Xin đừng nói: “Chúng tôi tu hành, chứ không làm chính trị” Vì nhìn chung các cuộc tranh đấu từ trước đến nay, đều có mục đích đòi hỏi những quyền lợi chính đáng tối thiểu cho con người. Tình thật chưa thấy ai LÀM CHÍNH TRỊ.
( Dù có làm chính trị, với chủ đích lật đổ chế độ gian ác Cộng Sản, vẫn hợp lòng người, thì có gì sai)
Tại Atlanta, lúc thầy Quảng Độ bị bức bách, người dân tự động lên tiếng ủng hộ thầy, in hình thầy phát không, cho gia đình nào ái mộ sự khẳng khái của thầy trong tranh đấu. Đã dựng bill board Cha Lý trên xa lộ 85, khi ngài bị bọn Cộng Sản bịt miệng trước tòa án của chúng. Đó là việc làm của người dân thường, những nhà lãnh đạo tinh thần tôn giáo hải ngoại cũng không lên tiếng…
Nhân nhắc đến bill board cha Lý, xin kể chuyện đã qua, để chúng ta phân định ranh giới giữa tranh đấu và chính trị:
Ngày quyên tiền thực hiện bill board, anh em trong ban tổ chức, chia nhau làm nhiều nhóm lạc quyên. Nhóm lên chùa, nhóm lên chợ, nhóm vô nhà thờ. Ai cũng lo lắng cho các nhóm lên chùa hoặc ra chợ phải khó khăn giải thích, vô nhà thờ thì thuận lợi hơn, vì cha Lý là một Linh Mục, hơn nữa trong nhóm đến nhà thờ ban tổ chức đề cử một anh giáo lý viên, trực thuộc nhà thờ, anh ta và gia đình có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ này từ tháng ngày phôi thai. Tưởng như thế là “ngon ăn” nào ngờ ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chấp thuận, anh giáo lý viên ung dung ôm thùng đứng xin tiền, bất ngờ ông cha xứ đi tới. Sau khi nghe trình bày về cha Lý và mục đích dựng bill board, cha nầy đuổi thẳng cánh, tống cổ ra khỏi nhà thờ, còn bị hăm dọa “kêu Cảnh Sát” nếu ù lì. Cha cũng viện cớ KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ.
Nhưng một năm sau cha bị Chúa Trác! Có một cái hố rác của một chủ nhân nào đó, xây gần nhà thờ, cha kêu gọi giáo dân tranh đấu, tranh đấu không lại, cha kiện ra tòa, tòa đo đạc thấy hố rác có khoảng cách hợp lý. Tòa chịu thua, không ăn hiếp hố rác được. Mùa bầu cử quốc hội Hoa Kỳ cha quản nhiệm mời ứng cử viên đến nhà thờ, quảng bá cho họ trở thành dân biểu, vì dân biểu hứa rằng sẽ bứng hố rác đi nơi khác. Nếu đắc cử, tội thay ứng cử viên chưa thành dân biểu, hố rác vững như trời trồng!
Hai sự kiện xãy ra trên đây, chúng tôi đã viết bài phân tích: Xin tiền xây dựng bill board cho cha Lý, một người đấu tranh cho tự do dân chủ KHÔNG PHẢI LÀ LÀM CHÍNH TRỊ.
Mang người về nhà thờ vận động giáo dân bầu cử, tín nhiệm. ĐÓ MỚI CHÍNH LÀ LÀM CHÍNH TRỊ.
Trở về đề tài và chủ đích bài viết, tôi cảm nghĩ các tôn giáo như một xóm làng. Từ xưa đến nay người ta tuy có quen biết nhau, song chưa từng ai qua lại với nhau, trong những dịp vui buồn, nên cứ thế hành xử “Đèn nhà ai nấy rạng” Nhưng cũng thật mâu thuẫn, những việc xảy ra tận đâu đâu, mấy ngài lại lên tiếng như Tây Tạng, Ai cập..!
Hòa Hảo, người anh em cùng nòi giống, ngay trên lãnh thổ Việt Nam, quý vị lại quên đi, thật đáng tiếc. Ngoài câu chuyện Bó Đũa, đạo lý dân tộc còn nhiều câu cách ngôn chí lý: Anh em xa, không bằng láng giềng gần, hoặc: Nước xa không cứu được lửa gần…
Thế và lực là điều kiện thiết thực trong tranh đấu, thế là nền tảng, bệ phóng của lực tranh đấu, muốn có thế, không cách nào hay hơn tạo được sự liên kết các tôn giáo, với mọi thành phần trong xã hội, không nhất thiết thành một hệ thống tổ chức, như hình thức: Liên Tôn, chỉ cần thể hiện tình liên đới, qua những thư biểu lộ tình cảm đối với tôn giáo bạn, khi bị đàn áp. Như một xóm làng chưa từng ai qua lại với nhau, chẳng lẽ không một ai dám phá tiền lệ, chẳng mấy đẹp. Cứ thử một lần xem sao, quý Thầy, quý Cha, quý Mục Sư, quý Chánh Trị Sự Thánh Thất Cao Đài… Lên tếng cùng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, hôm nay. Chỉ cần một vị và một lần đầu tiên phá tiền lệ, hy vọng ngày mai chúng ta sẽ dễ dàng hợp đoàn, tuy chưa thành công trên đường tranh đấu, song cũng ấm lòng nhau trong tình đồng bào, lúc hoạn nạn. Các tôn giáo dù khác nhau về đạo pháp, nhưng chung đường chân, thiện, mỹ. Vì sao không chia xẻ cùng nhau trong những tình cảnh éo le, nghiệt ngã này? Điều gì làm họ phân cách, khó hiểu qúa. Mấy hôm rày cứ đọc đi, đọc lại lá thư của cụ Lê Quang Liêm, như tiếng chim kêu bi thương trong rừng vắng, trên núi cao. Lòng buồn da diết./.
Ông Bút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét