Tác giả: LÊ KHẮC
(VEF.VN) - NHNN siết chặt nguồn tiền thông qua công cụ lãi suất, các ngân hàng "đại gia" tăng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng và ngân hàng nhỏ buộc phải đua lãi suất... một tình huống điển hình về những khó khăn trong thanh khoản của các ngân hàng đang hiện hữu.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực thi và giám sát gắt gao việc thắt chặt tiền tệ. Những phản ứng đầu tiên cho thấy, khi bắt đầu gặp khó về nguồn vốn, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để huy động.
Trong khi đó, nguy cơ về tăng dự trữ bắt buộc cũng có thể sẽ xảy ra khiến nỗi lo thanh khoản của các ngân hàng ngày càng lớn.
Lãi suất tăng: Những rủi ro có thực
Hai lần liên tiếp trong hơn một tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã tăng các lãi suất chủ chốt trên thị trường liên ngân hàng. Nguồn cung tiền từ ngân hàng trung ương bị thắt lại mạnh mẽ khiến cho những ngân hàng nhỏ - vốn trông đợi nhiều tư nguồn này - rơi vào tình thế khó khăn và đối mặt với nhiều rủi ro về thanh khoản.
Không còn cách nào khác, các ngân hàng phải áp dụng biện pháp cũ nhưng dễ và hiệu quả: tăng lãi suất huy động để hút vốn nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã luật hóa bằng thông tư cấm huy động lãi suất quá 14%, và tất cả các ngân hàng đã thực hiện đúng khi đều niêm yết ở mức tối đa cho phép. Tuy nhiên, một thị trường đầy biến động đang ẩn sau những bảng niêm yết lãi suất - tưởng là bình lặng đó.
Đầu tiên là việc các ngân hàng bằng mọi cách liên tiếp tăng trần lãi suất huy động. Người dân có tiền đi gửi tại các ngân hàng hiện nay - nếu có số dư ít thì nhận được những khuyến mãi khá lớn, nếu có số dư lớn trên 500 triệu thì hoàn toàn có thể thỏa thuận đẩy mức lãi suất vượt rào lên trên 17%. Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo, kiểm tra và xử lý một vài trường hợp, song thực tế, vẫn có nhiều cách để lách.
Một trong những diễn biến đáng chú ý là các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ngắn hạn lên cao, tới mức 12%, thậm chí, xấp xỉ 14% cho các kỳ hạn dưới 3 tháng.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, hiện nay, nguồn vốn đổ vào các nhà băng vẫn không có nhiều dấu hiệu khả quan. Người gửi tiền vẫn có xu hướng gửi ngắn hạn và chờ đợi những cơ hội rút tiền ra đầu tư hay gửi ở nhà băng khác có lãi suất cao hơn. Như một lẽ thường tình, vì cần vốn, các ngân hàng nhỏ rất dễ "nổ phát súng" mở đầu cuộc đua tăng lãi suất.
Một chuyên gia từ Hiệp hội Ngân hàng thừa nhận, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng một loạt mức lãi suất gần đây đã có tác động gián tiếp đến lãi suất chào vay của các ngân hàng thương mại lớn trên thị trường liên ngân hàng. Các ngân hàng lớn có nguồn tiền mặt đang tăng lãi suất trên thị trường này để kiếm lãi, trong khi nhu cầu vốn đáp ứng thanh khoản trước mắt của các ngân hàng nhỏ rất lớn do vay lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc lên đến 16-17%/năm, thậm chí 17-20%/năm.
Do vậy, huy động lãi suất không kỳ hạn của dân cư 9-12%/năm đối với các ngân hàng thương mại vẫn lợi hơn là vay liên ngân hàng lãi suất cao. Đó có thể là lý do đơn giản nhưng cũng là bản chất của việc lãi suất tăng hiện nay.
Trong khi đó, các số liệu ngày 28/3 cho thấy, lãi suất liên ngân hàng - nơi các ngân hàng vay mượn vốn lẫn nhau - tăng mạnh. Kỳ hạn 1 tuần đã vọt lên 21-22%/năm, tăng 2-3%/năm so với cuối tuần trước. Kỳ hạn 1 tháng lãi suất có lúc lên đến 23%/năm. Điều này cho thấy, thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục căng thẳng, các ngân hàng tiếp tục khó khăn về vốn và đang chấp nhận những khoản vay với lãi suất cắt cổ để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Và như một hệ quả tất yếu, để thu hút vốn của người dân, sau khi tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn, nhiều ngân hàng cũng nâng lãi suất kỳ hạn tuần lên sát trần 14%/năm.
Nhiều dấu hiệu gần đây cũng cho thấy, những tháng đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng về tài khoản của mình hàng chục nghìn tỷ đồng. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi có những dấu hiệu lạm phát và nguy cơ bất ổn vĩ mô, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay siết chặt tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước siết chặt nguồn tiền thông qua công cụ lãi suất, các ngân hàng "đại gia" tăng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng và các ngân hàng nhỏ buộc phải đua lãi suất... một tình huống điển hình về những khó khăn thanh khoản của các ngân hàng đang hiện hữu.
Thực tế này có thể kéo dài khi các ngân hàng, dù nói là chắt chặt, nhưng việc thu hồi vốn không hề đơn giản. Trong khi đó, nguồn huy động vào từ dân cư và DN ngày một khó hơn. Vì thế, tăng mạnh nhất sẽ là lãi suất ngắn hạn và không kỳ hạn - biểu hiện của những khó khăn trước mắt mà ngân hàng chưa có cách nào để vượt qua.
Họ đang phải sử dụng cách làm nhiều năm nay là chấp nhận "ăn đong" với giá đắt để khỏa lấp nỗi lo thanh khoản qua ngày. Tuy nhiên, trông chờ vào vốn ngắn hạn cũng luôn đặt các ngân hàng vào sự đe dọa bất ổn nguồn vốn. Đó như một vòng tròn rủi ro bế tắc đối với các ngân hàng.
Lơ lửng nỗi lo tăng dự trữ bắt buộc
Hồi đầu năm, khi thực hiện các biện pháp siết chặt tiền tệ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng chưa nghĩ đến việc tăng dự trữ bắt buộc vì lo ngại những nguy cơ dẫn đến khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng như hồi 2008.
Ai cũng nhớ, năm 2008, khi Ngân hàng Nhà nước rút mạnh tiền về và tăng dự trữ bắt buộc đã đẩy hệ thống vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Tuy nhiên, sau đó, chính lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng, tăng dự trữ bắt buộc là điều có thể sẽ phải sử dụng đến khi các biện pháp hiện nay không đạt hiệu quả mong muốn. Ngay lập tức, điều này đã gây ra những rung động trong các ngân hàng và buộc họ phải chuẩn bị sẵn để đối phó tình huống khó khăn. Đây cũng chính là một lý do giải thích cho việc tăng lãi suất mạnh gần đây.
Đại diện GP Bank cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang bỏ ngỏ việc sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% nên các ngân hàng rất lo lắng. Do vậy, ngân hàng nào cũng trong tư thế phòng thủ, tìm mọi cách để thu hút lượng tiền gửi.
Mặc dù trước thông tin này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, cần thận trọng khi tăng dự trữ bắt buộc bởi những lý do về thanh khoản cũng như nỗi lo đẩy ngân hàng vào vòng xoáy tăng lãi suất cho vay và lạm phát.
Tuy nhiên, thực tế sau 3 tháng đầu năm 2011, tăng trưởng tín dụng vẫn còn cao, lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, các biện pháp đồng bộ khác chống lạm phát chưa có tác dụng thì mạnh tay với chính sách tiền tệ có thể là cách lựa chọn tốt nhất cho điều hành kinh tế nhằm đặt mục tiêu chống lạm phát.
Tuy nhiên, trong chiều ngược lại, nhiều chuyên gia lại ủng hộ việc tăng dự trữ bắt buộc.
Đây là công cụ chính sách tiền tệ có tác dụng mạnh và tức thì, thường được các ngân hàng trung ương sử dụng để giảm cung tiền và kiềm chế lạm phát.
Nếu tăng dự trữ bắt buộc thì một lượng tiền lớn sẽ đổ vào Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng mất lượng vốn khả dụng, tăng chi phí vốn và việc thắt chặt tín dụng trở nên hiệu quả nhất. Còn khó khăn thanh khoản, đó chỉ là chuyện của một số ngân hàng yếu kém buộc phải chấp nhận như sự sàng lọc trong khó khăn.
Hơn nữa, nguồn tiền dự trữ không phải mất đi mà sẽ chuyển từ ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này sẽ chủ động hơn trong chính sách tiền tệ và cấp cứu cho hệ thống ngân hàng khi có nhưng khó khăn ở những tổ chức nhỏ. Tất nhiên, chi phí vốn sẽ tăng lên, lãi suất cho vay tăng, DN sẽ khó khăn, nhưng dường như đó không còn là chuyện đáng nói nhiều vì mục tiêu chống lạm phát là hàng đầu. Ngoài ra, với lãi suất hiện nay chính các DN đã không còn mặn mà vay vốn và có phương án phòng thủ.
Nâng dự trữ bắt buộc xem ra ngày càng có thêm nhiều lý do thuyết phục. Đó là một nỗi lo lớn treo lơ lửng trên đầu các ngân hàng hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét