Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Không được dùng “tiểu xảo” để loại ứng viên

Posted on Tháng Ba 31, 2011 by truongthondlb1


PhapLuat – Chỉ cần ông tổ trưởng tổ dân phố không thích ứng viên vì lý do cá nhân nào đó rồi phanh phui đời tư của ứng viên ra thì gần như họ sẽ “chết chắc”.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp đang đi vào bước lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc đối với các ứng viên. Đây là bước quan trọng để ủy ban MTTQ cấp tỉnh tiến hành hiệp thương lần ba, gút danh sách chính thức để toàn dân bầu ra những đại biểu thực sự có tâm, có tầm, có tài, đại diện cho mình quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương cũng như quốc gia.

Làm sao để việc lấy ý kiến nơi cư trú đảm bảo được công bình, công khai và đúng luật là điều mà nhiều ứng viên, nhất là người tự ứng cử có nhiều băn khoăn.

Đúng quy trình, không “bẻ lái”

Theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ TP.HCM, quy trình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với các ứng viên có các bước chủ yếu là: đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử; cho cử tri biết rõ tiêu chuẩn của đại biểu dân cử và những người không được ứng cử theo luật định; tổ chức cho cử tri nhận xét, góp ý về người ứng cử; cho ứng viên giải trình các thắc mắc cử tri và cuối cùng là biểu quyết tín nhiệm.





Cử tri đang cho ý kiến nhận xét một ứng viên ĐBQH tại hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: MC

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng đây là bước sàng lọc đầu tiên nhưng lại có ý nghĩa quyết định tương lai của ứng viên. Bước này cũng giúp người dân bước đầu định hình rõ ràng “cốt cách” của người đại biểu tương lai của mình. Chính vì thế, việc tổ chức lấy ý kiến phải đảm bảo được sự khách quan cao nhất.

Theo ông Khoa, muốn đảm bảo được sự khách quan ấy thì vai trò của người tổ chức hội nghị cần phải xác định cho thật rõ: anh đang tổ chức để lý kiến người dân đối với ứng viên chứ không phải là người “bẻ lái” hội nghị. Ban tổ chức hội nghị chỉ được giới thiệu tiểu sử và những điểm nhấn về quá trình công tác của ứng viên; chuyển tải tiêu chuẩn người đại biểu nhân dân để người dân đối chiếu lựa chọn. Không được vì bất kì lý do gì đưa ra những nhận xét mang tính định hướng trước để tác động đến tâm lý cử tri. “Ý kiến của cá nhân, nếu có, thì cũng nên thể hiện bằng những nhận xét chân thực, tránh tối đa việc đưa ra những thành kiến, ý chí chủ quan của mình đối với ứng viên. Hoặc tốt nhất là thể hiện ý kiến của mình trong phần biểu quyết tín nhiệm” – ông Khoa nói.

Bà Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cũng từng lưu ý: Các hội nghị lấy ý kiến cử tri cần phải được tổ chức công khai, công bình, dân chủ, chặt chẽ, đúng quy trình và đúng luật.

Trách nhiệm to lớn của cử tri

Chính vì tính quyết định của bước này mà cử tri cần thấy rõ vai trò to lớn của mình. Ông Khoa nói: “Cử tri đến hội nghị cũng cần nhận thức rằng mình đến dự hội nghị này không phải để có mặt cho xong. Cử tri cần căn cứ trên thông tin về ứng viên, đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu mà đưa ra nhận xét khách quan, không né tránh, không e dè; cũng không vì thù ghét cá nhân mà đưa ra những nhận xét mang tính chì chiết, thiếu trách nhiệm. Ngược lại, không phải vì cả nể ông ứng viên làm quan to, chức lớn mà phát biểu theo hướng xu nịnh, vuốt ve, không dám nhận xét thẳng thắn, trung thực, từ đó qua loa với chính lá phiếu của mình”.

TS Lê Văn In, chuyên gia hành chính, cũng nhấn mạnh: “Cử tri phải thấy rằng sự quyết định của mình ở “lá phiếu” ban đầu này chính là sự quyết định hệ trọng với người đại diện cho mình; cũng là quyết định cho sự phát triển của địa phương, vận mệnh của quốc gia. Sự quyết định ấy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tương lai của cử tri”.

*

100% cử tri tín nhiệm Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Tối 30-3, 52/52 cử tri tổ dân phố 55, khu phố 5, phường 7 (quận 3, TP.HCM) đã biểu quyết tín nhiệm ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ra ứng cử ĐBQH khóa XIII. Trước cử tri, ông Hải nói: “Tôi thấy được trách nhiệm to lớn của mình trước sự tín nhiệm của bà con. Nếu trúng cử vào QH, tôi sẽ nỗ lực cao độ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đề xuất lên QH, trung ương để chính sách ra đời sát với cuộc sống hơn”.

Tối cùng ngày, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, được 100% (60/60) cử tri ở nơi cư trú (phường Trường Thọ, Thủ Đức) tín nhiệm ra ứng cử ĐBQH và HĐND TP khóa tới. Ông Huỳnh Thành Lập, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP, cũng được 100% cử tri ở nơi cư trú (phường 3, quận Phú Nhuận) ủng hộ ra ứng cử ĐBQH.

Trước đó, hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với diễn viên Hồng Ánh (tổ dân phố 85, phường Đa Kao, quận 1) cũng đã nhất trí tín nhiệm 100% (45/45) ủng hộ chị ra ứng cử ĐBQH.

NHÓM PV

http://phapluattp.vn/20110331124159505p0c1013/khong-duoc-dung-tieu-xao-de-loai-ung-vien.htm

*

DLB: Đúng ra nhan đề của bài báo này nên là: Ai bảo không được dùng “tiểu xảo” để loại ứng viên? Câu mở đầu: Chỉ cần ông tổ trưởng tổ dân phố không thích ứng viên vì lý do cá nhân nào đó rồi phanh phui đời tư của ứng viên ra thì gần như họ sẽ “chết chắc”, nên đổi thành Chỉ cần ông tổ trưởng tổ dân phố không thích ứng viên Lê Quốc Quân vì lệnh của đảng thì coi như anh ta sẽ “chết chắc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét