Phạm Toàn
Cuộc xử án bạn Cù Huy Hà Vũ được dời vào ngày mồng BỐN tháng BỐN năm 2011. Những người ra quyết định chắc không ngờ đã tạo ta cả một chuỗi liên tưởng… Ngày BỐN tháng BỐN, ngày BỐN tháng NĂM và ngày BỐN tháng SÁU!
Ngày BỐN tháng BỐN năm nay gợi lên mấy cái “đát” đầy ý nghĩa trước nó.
* * *
Thoạt tiên là cái “đát” ngày BỐN tháng NĂM năm 1919. Đó là ngày BỐN tháng NĂM song lại gọi theo cách Trụng Hoa là ngày Ngũ Tứ.
Chuyện gì xảy ra ngày BỐN tháng NĂM của năm 1919 bên Trung Hoa mà ở đây lại cần biết đến? Ngày đó, ở quảng trường Thiên An Môn, sinh viên của mười ba trường đại học Trung Hoa biểu tình phản đối việc Tổ quốc của họ bị mất đất – nói chính xác, bị mất cả một tỉnh. Cả một tỉnh Sơn Đông được hòa ước chấm dứt Thế Chiến I giao vào tay Nhật Bản. Thế là sinh viên biểu tình phản đối.
Bạn trẻ giờ đây nếu vào trang mạng Wikipedia sẽ đọc thấy những thông tin cơ bản về khẩu hiệu đấu tranh như thế này:
Ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc (với bên ngoài thì giành lại chủ quyền đất nước, với bên trong thì trừng trị bọn bán nước)
Trung Quốc là của người Trung Quốc.
Phế bỏ Hiệp ước 21 điều (quy định quyền lợi của các nước phương Tây tại Trung Quốc).
Thề chết giành lại Thanh Đảo
Yêu sách của những người biểu tình còn là đòi xử tội ba nhân vật thân Nhật trong chính phủ Trung Hoa Dân quốc lúc bấy giờ:
Tào Nhữ Lâm (曹汝霖) – Bộ trưởng Giao thông, người trực tiếp ký kết "Hiệp ước 21 điều".
Lục Tông Dư (陆宗舆) – Tổng giám đốc Ngân hàng, người đã ký vay nợ Nhật Bản.
Chương Tông Tường (章宗祥)
Bản Tuyên ngôn của học sinh sinh viên đã nêu lên mục đích của phong trào là "Đất đai Trung Quốc có thể bị chinh phục chứ không thể bị cắt cho ai khác. Nhân dân Trung Quốc có thể bị giết chứ không thể cúi đầu. Nước đã mất rồi! Đồng bào hãy vùng lên!"
Cuộc đấu tranh đã bị đàn áp đẫm máu.
* * *
Tiếp đến là cái “đát” bảy tám chục năm sau, ngày BỐN tháng SÁU năm 1989. Lần này, cái ngày đấu tranh cũng lại là ngày đẫm máu. Cũng ở Thiên An Môn bên Tàu, nhưng dưới chính thể Cộng sản, được khoe mẽ là của dân, do dân, vì dân. Cuộc đấu tranh lần này là đòi TỰ DO – DÂN CHỦ.
Một dân tộc bị Cộng sản Tàu cai trị. Hàng chục triệu người bị chết đói. Những trại gọi bằng cải tạo, là nơi giam giữ không xét xử bất kỳ ai chống đối sự độc tài của Cộng sản Tàu. Là nơi giam giữ và hành hạ người dân oan cho đến chết. Cuốn sách Bắc Kinh hôn mê mô tả đến nao lòng tâm trạng của thanh niên và nhân dân lúc bùng nổ phong trào đòi tự do dân chủ năm 1989.
Còn lưu lại không bao giờ phai mờ hình ảnh người thanh niên mặc áo trắng đứng chắn không cho xe tăng của lính “Giải phóng quân” tuân theo mệnh lệnh ô nhục xéo nát những thanh niên tươi trẻ biểu tình ngồi cả đêm hát hò vui vẻ. Bao nhiêu thanh niên đã chết? Không ai biết hết. Không bao giờ cái Nhà nước của dân do dân vì dân lại cho phép điều tra vụ giết dân năm đó.
Trên trang YouTube vẫn còn bộ phim tài liệu đó. Cuối phim, ta được nghe tiếng một cô gái cố nén tiếng nức nở, cố nói cho rành rẽ chúng tôi không nghĩ là bon họ dám bắn giết thanh niên, dám cho xe tăng nghiền nát nhân dân.
Hồ sơ vụ án giết dân của một Nhà nước do Cộng sản Tàu cai trị rồi sẽ có lúc được đặt lên bàn nghị sự, chắc chắn như vậy. Một dân tộc đã có ngày Ngũ Tứ năm 1919 hẳn là sẽ có đủ ký ức để không biết quên những tội ác của bọn tiếm quyền của dân và đè nén dân. Và cả sự bắn giết dân nhờ sự ngu dốt của lũ lính được nhồi sọ hết cỡ.
* * *
Và sắp tới đây là cái “đát” ngày BỐN tháng BỐN năm 2011.
Thanh niên sẽ mở to mắt để nhìn xem liệu những đại diện của Dân sẽ đối xử với Dân ra sao.
Các nhà thơ đợi lắng nghe cuộc sống sẽ gieo vần gì vào tâm trạng con cháu Nguyễn Du và Nguyễn Trãi.
Chợt lại liên tưởng đến lời Danton, một trong những lãnh tụ Đại Cách mạng Pháp năm xưa bị phe “Tả khuynh” đưa lên máy chém vì nghi ngờ rằng Danton và những lãnh tụ khác đã không hết lòng với Cách mạng. Danton đã nói như một tiếng thở dài ngậm ngùi Cách mạng ăn thịt con đẻ của mình! Dẫu sao, những hy sinh như thế cũng còn có chỗ để mà thể tất.
Lịch sử còn có thể có chuyện tồi tệ hơn nữa kia!
Mượn lời ông Amalric viết trên báo Pháp Libération, về cách mạng ở Ba Lan thời đương đại: “các cuộc cách mạng xâu xé con em, để cuối cùng thì mặc sức cho quân thù bắt cóc chính mình”, những nghiệp lớn ấy sẽ đi tới đâu, ta đều dự đoán được!
Để rồi coi!
Một sự kiện “cách mạng” nghèo nàn về trí lực, rẻ tiền về sức tưởng tượng, sự kiện ấy sẽ dẫn đến những sự kiện nào tiếp theo?
Để rồi coi!
0 giờ 33 phút, ngày thứ bảy, 27-3-2011
P.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét