Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Dân Oan

Posted by truongthondlb1


Mẹ Nấm -Theo tài liệu của Thanh tra Chính phủ 5 năm (2006 – 2010) đã có 1.574.750 lượt người đi khiếu kiện: có 1.515 đoàn đông người, có đoàn đông tới 600 người. Ngày 30/01/2011, Thanh tra Chính phủ cảnh báo 835 đơn khiếu kiện của dân về dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi nếu không giải quyết dứt điểm có nguy cơ trở thành điểm nóng. Đại biểu Quốc hội, Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng đi khiếu kiện về đất đai.

Trong 5 năm, nhà nước đã giải toả thu hồi đất 500.000 ha đất đai, đẩy 2 triệu 60 vạn dân khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, 87,5% người bị thu hồi đất đều bị giảm thu nhập, nhiều người không có nơi định cư, màn trời chiếu đất. Nhiều khu vực định cư cũng là cuộc sống đầy đọa, nhà cửa chật chội, không đất canh tác, không nước, không nhà vệ sinh, chết không có chỗ chôn… nợ nần chồng chất, tệ nạn xã hội phát triển, gia đình lục đục, con cái không được chăm sóc.

Trên đây tôi chỉ mới lấy ví dụ sơ bộ về việc khiếu kiện đất đai và một số “loại hình sở hữu” liên quan thôi. Các lĩnh vực khác của đời sống xã hội còn gay cấn hơn thế nữa. Chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến chữ “tam dân” mà lâu nay các vị lãnh đạo (được xem như “thượng tầng kiến trúc” trong bộ máy xã hội) vẫn lấy làm kim chỉ nam như : dân tộc đã độc lập thật sự chưa? Những mất mát thật sự về chữ độc lập. Dân sinh thực sự bị xâm hại hạnh phúc như nào? Dân quyền mà dám nói đến tự do dân chủ trong lúc này sao?

Hãy nghe chính “rường cột” của khối kiến trúc đó nói:

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng: “…về phía người dân khiếu kiện tố cáo họ cũng rất cực, rất vất vả, không phải bà con có ý xấu muốn chống lại chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Cực chẳng đã vì quá bức xúc nên họ phải đội nắng, đội mưa khi khiếu kiện thế này“. (1)

Theo báo cáo của Chính phủ ngày 29/10/2010 trước Quốc hội, người khiếu kiện năm 2010 tăng 23,7% so với năm 2009.

(Trích từ “Thư ngỏ gửi quý vị Đại biểu Quốc hội khoá 12” http://boxitvn.wordpress.com/2011/03/22/th%C6%B0-ng%E1%BB%8F-g%E1%BB%ADi-qu-v%E1%BB%8B-d%E1%BA%A1i-bi%E1%BB%83u-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-kho-12-2/)

Ông Trương Vĩnh Trọng cũng cho rằng:

Trong những người tham gia khiếu kiện, có những người khiếu tố đúng, mong muốn được pháp luật giải quyết công minh; nhưng cũng có một số người mặc dù tranh chấp liên quan đến mình đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đúng pháp luật, nhưng hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì cố chấp mà vẫn cố tình khiếu nại kéo dài; một số phần tử quá khích thậm chí coi thường pháp luật, ngang nhiên thách đố, xâm phạm trụ sở cơ quan công quyền, xúc phạm, đe dọa những người thi hành công vụ.

Một số kẻ xấu, trong đó có cả những phần tử có tiền án, tiền sự không chịu hối cải, lợi dụng khiếu tố để cò mồi, kích động nhằm “đục nước béo cò” tìm kiếm lợi ích riêng; một số ít đối tượng cơ hội chính trị cũng nhân dịp này tìm mọi cách kích động gây rối, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đáng tiếc là một số bà con mình đã nhẹ dạ để bọn xấu lôi kéo, tham gia vào những hành động sai trái này.

Mục đích khiếu kiện của dân oan, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.

Thiết thực gần thì họ đòi quyền lợi sát sườn, đến cơm áo hàng ngày, không khí thở hàng giây của họ. Hoàn toàn chính đáng trên cơ sở pháp lý được “dựng” sẵn.

Xa hơn, họ muốn có được “một hệ thống kiến trúc thượng tầng” hoàn chỉnh, hợp lý hơn. Như những gì vốn họ được nghe: Dân chủ công bằng văn minh, không cần phải nhẩm cũng thuộc.

Họ đã làm gì? Họ muốn sự thực thi đúng với cam kết như các văn bản mang tính pháp luật dưới góc hiểu đúng của họ. Không phải chỉ có dân trí thấp thì mới bị oan trái hay xử tệ. Bởi vậy, những nhu cầu của họ, được cân nhắc kỹ càng chứ không hời hợt như các vị lãnh đạo vẫn nói. Hành vi của họ được kiểm soát bởi tư duy, không thụ động. Tóm lại, những người dân gặp oan khuất – họ đang có nhu cầu…

Cuối cùng thì những người dân oan ức cũng vẫn bị quy về một mối là nhẹ dạ, bị xúi giục lôi kéo.

Dân oan thực sự cần điều gì?

Chắc chắn không phải chỉ là những buổi biểu tình, tập trung đông người, bởi để giải quyết vấn đề khiếu kiện một cách tận gốc không phải chỉ bằng cách xuống đường, biểu tình một vài ngày, vài tuần, vài tháng là xong.

Trong lịch sử, và thực tế đã chứng minh. (Sách giáo khoa chính thống phát hành) Bất kỳ một cuộc cách mạng nào không dựa vào sức mạnh của dân đều thất bại. Dân ở đây dược hiểu là số đông quần chúng có chung một mục đích và nhu cầu.

Đảng Cộng sản lúc đầu, đã dương(đúng ra là viết giương) ngọn cờ độc lập dân tộc, lợi ích dân tộc rất cao. Hoàn cảnh lịch sử đã ủng hộ họ mà ai cũng biết là: nhân dân đã đứng về phía họ. Đảng Cộng sản đã thành công bước đầu khi dựa vào sức mạnh quần chúng.

Thế nhưng, sau khi thiết lập được “thượng tầng kiến trúc” màu sắc thật của ngọn cờ trên lộ rõ. Lợi ích đã bị xáo trộn. Lợi ích giai cấp đã được đặt lên trên. ( viết đến đây lại nhớ ông Trần Phú…)

Nguyên nhân rất sâu của những bất công dẫn đến khiếu kiện kéo dài, dân bị oan ức càng tăng về “số” cũng như “chất”. Liệu có đạt đỉnh điểm để dẫn tới mức nảy( nhảy) hay không? Rõ ràng , nhà cầm quyền hiện tại không hề muốn.

Sức mạnh tư duy con người dần đẩy dân trí lên cao, mặt bằng nhận thức đã khác trước cộng với xu thế lịch sử xã hội.

Vậy sự thay đổi cần có là gì?

Ai sẽ thực hiện điều đó?

Sức mạnh của bước tác đông không lực lượng nào khác là dân. Có một vài “trào lưu” đã làm vậy.

Nhưng dựa vào sự “quẫn bách” của một nhóm người mà gọi là “sức mạnh quần chúng” thì không thể gọi là đúng được.

Về mặt nào đó, lần theo vết cũ của “các cuộc cách mạng” trước. Thành công là không thể, còn hệ lụy như sau bởi :

Người dân đi khiếu kiện thật sự cần được lắng nghe, được tư vấn về mặt thủ tục pháp lý, được giúp đỡ , hướng dẫn các quy trình khiếu nại, tố cáo dựa trên cơ sở luật pháp hiện hành. Họ cần được biết hướng giải quyết nỗi oan của mình. Muốn đồng hành cùng dân oan thực sự phải xác định được nhu cầu của họ. Dân oan đã đủ oan ức lắm rồi, đừng bắt họ phải gánh thêm trên mình nỗi oan khiên bị lợi dụng, xúi giục, lôi kéo vì thiếu hiểu biết và nhẹ dạ nữa. Ông bà ta dạy : “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau.”

Quay trở lại với trần tình của ông Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, khi ông cho rằng “bà con nhẹ dạ”, có lẽ ông quên rằng những người gặp oan sai sau nhiều lần, nhiều năm trời khiếu nại ròng rã, sự kiên nhẫn và niềm tin vào sự công minh của pháp luật dần dần trở thành con số không. Con người ta sống và tồn tại được là nhờ vào niềm tin – mất niềm tin là mất tất cả, một thế hệ mất niềm tin dẫn đến tương lai của những thế hệ sau không có gì là tươi sáng.

Trong phát biểu tiếp theo ông Trọng cho rằng:

Tranh chấp dân sự và khiếu kiện của dân là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về chính sách, luật pháp chưa hoàn chỉnh; trong lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội, một số ít cán bộ hoặc cấp uỷ và chính quyền các cấp có những khuyết điểm, sai phạm (quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, giải quyết một số vụ việc chưa đúng chính sách, luật pháp, chưa thoả đáng, công bằng, minh bạch v.v.).

Việc xử lý những cán bộ mắc khuyết điểm, sai phạm như vậy lại không nghiêm và cũng không minh, khiến dân càng bức xúc. Nhưng, nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ khiếu kiện vượt cấp, đông người… là do một số ít cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của dân; giải quyết nhiều vụ việc chậm và có những việc qúa chậm, chưa nghiêm túc, thấu đáo, chưa đúng chính sách, pháp luật, tức là tình cũng chưa thấu mà lý cũng chưa đạt, làm cho dân bất bình, giảm lòng tin vào lãnh đạo địa phương và cơ quan công quyền.

Phải khen ông Trọng bởi ở phần mào đầu, ông đã “dũng cảm” chỉ ra nguyên nhân chủ yếu đẩy người dân từ cuộc sống bình thường trở thành dân oan. Tuy nhiên, cũng vẫn như mọi lần, lúc kết luận vấn đề cũng chỉ có một số ít cá nhân phải chịu trách nhiệm cho cái sai toàn cục như thế. Đây là kiểu “nói giảm – nói tránh” thường thấy.

Không tạo ra oan sai thì làm gì có dân oan? Không đầy ngươi dân đến cảnh màn trời chiếu đất, mất nơi trú ngụ, mất công ăn việc làm thì làm gì có dân oan?

Ông đổ lỗi cho người dân nhẹ dạ bị lợi dụng mà không nhận thấy rằng chính sự vô trách nhiệm và thiếu công bằng trong quản lý của bộ máy nhà nước mà ông đang đứng chân trong đó đã góp phần đưa điểm yếu kém của mình ra cho các “thế lực thù địch” lợi dụng.

Hiện tượng xã hội, thực trạng cụ thể như ta thấy được ví như một khối ung nguy cấp. Nguồn cơn con bệnh đã được chẩn đoán và xác định cụ thể bằng các biện pháp khoa học. Triệu chứng phát ra bề ngoài, chỉ sơ sơ cận lâm sàng cũng đã biết. Nếu cứ cố tình chưa chạy theo kiểu “bôi, xoa” thì có thể vẻ bề ngoài được dịu. Cảm giác “mát mẻ” chỉ đánh lừa chút ít thời gian thôi. Bệnh âm ỉ phát, ngày càng nguy. Đến lúc cái u thực sự vỡ. Liệu sự chạy chữa còn kịp hay không? Tôi xin ví von hiện thức bằng một hình ảnh cụ thể như trên để gần gũi và dễ hiểu hơn.

Cụ thể hơn, con bệnh có “bảo bối” là “súng ống và chuyên chính”. Giai đoạn lờn thuốc đã thấy rõ. Thầy thuốc có tâm, chân tâm thì sẵn sàng trang bị kiến thức để có giải pháp chữa chạy, thành công là cứu cánh. Còn, ngụy tâm? Dẫu kiến thức đầy mình cũng sẽ thất bại. Chưa nói đến đó là thứ vắc-xin ngược cho con bệnh, tăng thêm độ lờn thuốc.

Vấn đề xã hội muốn giải quyết phải bắt đầu xây dựng một lý thuyết hoàn chỉnh. Phải lấy thực tiễn và các cứ liệu khẳng định khoa học làm cơ sở.

Muốn giải quyết được vấn đề một cách triệt để hãy xây dựng CỨU CÁNH trước khi bắt tay vào thực hiện. Khi đó, câu nói : Cứu cánh biện minh mục đích, mới khả dĩ đúng – khả dụng!

Mẹ Nấm

http://menam0.multiply.com/journal/item/457/457

Bài viết riêng cho DCVOnline.

(1) http://vietbao.vn/Xa-hoi/Giai-quyet-khieu-kien-dung-phap-luat-ton-trong-va-bao-ve-loi-ich-hop-phap-cua-dan/70092259/157/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét