Posted by truongthondlb1
Nguyễn Hoàng Đức (Chungta.com) – Nhà nước độc tài còn vượt xa khỏi thứ quyền hành quyết định sinh mệnh của dân chúng, vì lẽ, Nhà nước đó nắm pháp luật trong tay – để trở thành cả ông chủ quyết định thế nào là thiện, thế nào là ác, Nhà nước đó treo cổ những kẻ không cùng chính kiến với mình, hoặc những người dám nói ra những sự thật – lột mặt nạ của những quan tham, với tội danh: chống đối, phản loạn, phản cách mạng. Và Nhà nước đó tha bổng những quan tham chỉ vì đó đám thuộc hạ cùng sống chết bảo vệ quyền lợi cho những kẻ đang thao túng quyền lực. Một Nhà nước có thể ra chỉ thị cho toà án, vụ này phải xử nặng để làm gương “chém một người để muôn người sợ”, vụ kia cần nhẹ tay để gây lòng bao dung: kỳ thực là để dung túng cho những kẻ cùng vây cánh với mình…
*
Nhìn vào bất kỳ quốc gia nào thấy ngay mọi cá nhân đều nhỏ bé thay so với hệ thống đồ sộ của Nhà nước.
Trước hết là hệ thống công sở của Nhà nước, từ nhà chính phủ đến toà thị chính, chưa kể các cơ quan cảnh sát, quân đội, hải quan, thuế vụ… đều lừng lững nghễu nghện hiện diện, và bên trong những toà nhà đồ sộ đó là những quan chức có cả ngàn vạn quân tiền hô hậu ủng, đi đưa về đón, còn oai phong hơn cả thế, các vị quan chức còn nắm trong tay cả những quyền lực do luật định, chẳng hạn ông bộ trưởng được cách chức nhân viên, ông hải quan được lật tung hàng của người khác lên xem xét, ông công an được nghe lén điện thoại, kiểm tra thư tín và bắt người, còn việc cấp chứng minh thư để cho một con người hiện diện, cấp hộ chiếu để người ta có thể được đi quan biên giới… tất cả những quyền sống sát sườn của mỗi cá nhân đều do chính quyền cấp phát cả.
Quả thật tầm vóc của Nhà nước so với mỗi cá nhân chẳng khác gì đỉnh núi kia so với hòn sỏi.Nhưng mà, dẫu to lớn như vậy, Nhà nước được dựng nên xét về mục đích lại nhỏ hơn các cá nhân. Tại sao? Vì Nhà nước được dựng nên để phục vụ con người, chứ chẳng thể nào có chuyện con người sinh ra để vì Nhà nước. Bởi lẽ, con người chí ít thông minh hơn hẳn các loại vật, con người không thể tạo ra các tổ chức nào đó để kìm nén, áp bức, làm hại mình, Nhà nước là một tổ chức cao nhất nắm quyền lập pháp và hành pháp trong tay cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó, con người tổ chức ra Nhà nước là để Nhà nước đó tạo điều kiện để mọi người được sống chung trong bình an. Triết gia Jacques Maritain trong cuốn sách “Con người và Nhà nước” (L’Home et l’Etat) đã viết: “Cái giá của hoà bình là công lý, cái giá của công lý là luật, cái giá của luật là chính phủ, và chính phủ áp dụng luật cho những người đàn ông đàn bà, không phải chỉ cho chính phủ” (14). Theo đó thì con người không thể sống hoà bình với nhau nếu họ sống bất công cùng nhau, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra; người ta chỉ có thể sống bình an với nhau khi có công lý để đảm bảo công bằng:người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người, người không cướp của ta thì ta không cướp của người, người để cho ta yên ta cũng để cho người yên, nhưng công lý đó phải được thể chế hoá bằng luật, luật đó không thể do anh nghĩ ra để thiên vị cho anh, cho gia đình anh, cho họ hàng anh, cho tổ quốc anh để làm hại cho tôi cũng như người khác; luật đó cũng không thể thiên vị tôi để làm hại anh, luật đó phải được dựa trên công lý tức của chung mọi người, và cái gọi là “của chung” ấy được thực hiện qua một hệ thống điều hành trung gian do cả anh và tôi cùng người khác bầu ra: có tên là Nhà nước.
Nhà nước đó là cơ quan tối cao nắm giữ pháp luật, nhưng không phải nắm để cai trị người khác phải sống trong pháp luật, còn mình thì sống ngoài pháp luật như lũ thổ phỉ lục lâm, mà Nhà nước đó cùng chính phủ của mình bao gồm tất cả các quan chức từ lớn đến bé cho đến các nhân viên cũng phải chịu sự kiểm soát của pháp luật. Những người làm luật không phải sống trên luật mà sống trong luật, đó mới là Nhà nước do anh và tôi cùng những người khác bầu ra để giúp chúng ta sống trong bình an tôn trọng lẫn nhau, chứ chúng ta không dại gì bầu lên một chính phủ sống trên luật, bất chấp pháp luật, dẫn đến tình trạng bạo lực, cướp bóc, tham nhũng, hà hiếp vô chính phủ để làm hại chúng ta. Nhà nước sinh ra để vì con người, mà không có chuyện ngược lại. Điều hiển nhiên này cũng đã được đề cập đến cách đây hơn hai ngàn năm trong Kinh Thánh phần Tân Ước. Khi có những kẻ muốn xúc xiểm Chúa Jesus cùng các môn đồ của ngài liền bảo: Kìa xem các môn đồ của ngài đang bứt lúa trong ngày lễ sa bát, Chúa Jesus liền hỏi lại họ: người ta vì ngày lễ sa bát nghĩ ra con người hay vì con người, nghĩ ra ngày lễ sa bát? Câu hỏi tự thân đã là một cách trả lời xác tín mạnh mẽ, không có cái gì từ một ngày lễ, một điệu nhạc, một toà nhà, một con đường, một chính phủ, một luật pháp được nghĩ và làm ra trước con người, điều ngược lại mới đúng: Vì con người, người ta nghĩ và làm ra tất cả những điều đó.
Nhà nước được dựng lên bởi con người, bởi lẽ, mọi người đều muốn có được một đời sống bình an, công bằng, hạnh phúc mà họ đã dựng nên Nhà nước để thực hiện đòi hỏi đó, chứ con người không dựng nên Nhà nước để nô dịch chính mình và làm cho mình bất hạnh, đó là điều thật hiển nhiên, nhưng nó luôn luôn bị bỏ qua cả bằng cách cố ý, cả bằng cách vô tình, bởi vì như chúng ta đã bàn đến quyền lực của Nhà nước thì luôn xuất hiện đồ sộ, tầm quan trọng của nó cả bề ngoài, lẫn bên trong, cả công sở đến điều luật buộc dường như luôn có một tầm quan trọng bao trùm khiến người ta bị lôi tuột đi vào trong suy nghĩ: Nhà nước thì lớn hơn dân đen. Quyền chức quan trọng của Nhà nước ư? Hãy thử nhìn, dù tầm vóc Nhà nước có lớn đến đâu cũng đều do các cá nhân nắm quyền hành. Và cá nhân đó khi có chức vụ thì oai, khi về hưu thì hết oai, và cái ghế chức vụ vẫn còn nguyên đó để truyền cho người khác, và người khác giữ quyền đó cũng không thể nào ngồi mãi mà chỉ sau một thời gian lại phải trao cho người đến sau. Vì thế có nhiều quan chức nói: cái ghế làm quan dẫu cao đâu có phải là tầm vóc của mình mà đó chỉ là sự quan trọng trong hệ thống xếp chỗ của Nhà nước. Nó chỉ tồn tại như một thứ oai hờ như “thân dê đội lốt cọp”.
Dẫu vậy, phần đông quan chức khi khoác oai hờ vẫn thường lầm tưởng đó là giá trị của riêng mình. Đây là cách nghĩ đã tồn tại cắm rễ suốt mấy ngàn năm lịch sử. Người ta thường thấy vua chúa nói câu cửa miệng: “Thiên hạ là của nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Thanh…” Vậy đấy, vua chúa không chỉ coi các thần dân là của nhà họ, tức vua thì làm cha của dân, hoàng hậu là mẫu hậu của dân, đến các con vua cũng sẽ nối ngôi làm cha của dân, trăm họ của nhà vua còn chưa đủ, mà “thiên hạ” tức tất cả non sông, cây cối, chim muông, mọi thứ trên trời dưới đất là của nhà vua tất, vua cũng như gia đình mình, thậm chí cả các vương gia, các quần thần đều có quyền sinh quyền sát trên dân chúng và mọi thứ của thiên hạ.
Nhưng chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ mà dân chúng đã tiến bộ rất nhiều để không còn trở thành bày cừu hay những công cụ biết nói làm phương tiện cho nhà vua, hàng triệu triệu người phải sống như trâu chó để phục vụ vài người đã cướp lấy quyền định nghĩa “thiên hạ là của họ”. J. Maritain cho rằng: “Nhà nước chỉ xuất hiện trong lịch sử hiện đại” (Le mot même d’ Etat n’est apparu qu’ aucours de l’histoire moderne) (15) Tại sao J. Maritain lại khẳng định Nhà nước chỉ xuất hiện trong lịch sử hiện đại, điều khẳng định này rất quan trọng, bởi lẽ, trong bóng đêm của cả vài nghìn năm lịch sử hầu hết các dân tộc đều có cái gọi là “Nhà nước”, nhưng Nhà nước đó chỉ thuộc về một ông vua nào đó, cũng như dòng họ của ông vua đó, còn lại dân chúng chỉ đóng vai trò làm phương tiện. Nhưng khi Nhà nước xuất hiện trong lịch sử hiện đaị là cả một quá trình theo đuổi và đấu tranh liên tục của loài người nói chung và mỗi dân tộc nói riêng. Vì thế nếu loài người cũng như từng dân tộc khôg biết thừa hưởng di sản mô hình Nhà nước dân chủ quí giá đó thì thật lạc hậu và phí hoài, phí hoài ngay cả cuộc đời mỗi người bởi : thay vì được sống như một ông chủ tự do mang mục đích làm người cao quí của chính mình, người ta lại phải sống như nô lệ làm phương tiện cho cá nhân, gia tộc, hay tập đoàn nào đó.
Gần năm trăm năm trước công nguyên, mô hình Nhà nước Cộng Hoà đã được các triết gia Socrate và Platon đề ra, những tưởng đó là mô hình lý tưởng chỉ mãi mãi nằm trên giấy, nhưng qua hơn hai nghìn năm phấn đấu bằng xương máu không ngừng nghỉ, ngày nay ở hầu khắp thế giới chế độ Cộng Hoà đã được đưa từ trang sách ra ngoài cuộc đời.
Chúng ta thử nhìn qua quá trình phát triển của mô hình Cộng Hoà và Dân Chủ. Theo triết gia Socrate thì: nếu chính quyền rơi vào tay một tầng lớp nào đó, thì mãi mãi sẽ còn xung đột, chẳng hạn khi chính quyền rơi vào tay giới chủ, giới chủ sẽ nghĩ ra các lề luật bóc lột giới thợ thuyền, giờ làm công nhiều tiền lương thấp, ngày nghỉ ít, và nếu chống lại ông chủ sẽ bị phạt nặng; vì bị thiệt thòi giới thợ thuyền sẽ tìm mọi cách phản kháng từ lãn công, ăn cắp phương tiện, đến các hình thức chống đối ngầm, cho đến bao giờ đủ mạnh giới thợ thuyền sẽ chính thức công khai lật đổ giới chủ. Các tầng lớp, các giai cấp, các hiệp hội, các đảng phái khác cũng vậy, nếu chính quyền nằm trong tay hiệp hội nào đó, thì hiệp hội đó sẽ tìm mọi cách vơ vào mình những gì có lợi khiến các hiệp hội khác bị thiệt, vì vậy xung đột sẽ không ngừng xảy ra. Bởi thế muốn loại bỏ các mâu thuẫn cạnh tranh tiêu diệt lẫn nhau giữa các tầng lớp hay hiệp hội, người ta cần tiến hành chế độ Cộng Hoà.
ộ
Cng Hoà, hiểu đơn giản là cùng cộng đồng và hoà hợp để lãnh đạo và chung sống. Khái niệm Cộng Hoà bao giờ cũng đi kèm theo khái niệm Dân Chủ, bởi lẽ, khi mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi hiệp hội, mọi đảng phái đều có chân trong nền lãnh đạo cộng hoà, nghĩa là mọi người dân đều được tham gia chính phủ. Hình thức dân chủ mới đầu xuất hiện ở các thành phố thuộc Hy Lạp, dân số mỗi thành bang (city-state) không quá 10.000 người. Mọi người nhóm họp lại để phát ngôn và bỏ phiếu. Hình thức đó được coi là “Dân chủ trực tiếp (the direct democracy).Tiến xa hơn là mô hình “quân chủ lập hiến” đó là cách các thành bang nằm dưới sự cai trị của nhà vua, trước khi quyết định điều gì nhà vua phải tham khảo hội đồng bao gồm các đại diện của nhân dân đưọc gọi là oliga rchy, từ đó được ghép từ hai từ gốc Hy Lạp: oligos là nhóm người và a rchein là cai trị. Như vậy, theo hình thức này, tuy có vua nhưng ông vua không được toàn quyền bắt người ta phải nghe lệnh mình, mà mỗi quyết định của nhà vua cần phải được hội đồng của dân chúng chấp thuận.
Tiếp đó, dân chúng đòi mở rộng mô hình dân chủ, đòi tham gia nhiều hơn vào hội đồng đại biểu, đòi tham gia làm luật, bầu chọn các quan toà, cũng như các vị lãnh đạo thành bang. Vào thời đó, hình thức Thượng nghi viện (senate) cũng xuất hiện ở La Mã. Qua thời trung cổ, vào cuối thế kỷ XIII, nước Anh là nước xây dựng nền quân chủ lập hiến đầu tiên với thượng nghị viện (The house of Lords) bao gồm các giáo sĩ (bishops) và hạ nghị viện (The house ot com mons) bao gồm đại biểu dân chúng, các hiệp sĩ, các bá tước, đặc biệt vào thế kỷ XVII dưới thời Cromwell, Hạ nghị viện trở nên rất mạnh đã lật đổ nhà vua nắm lấy toàn quốc, sau đó chính phủ Anh thiết lập các bộ, các bộ trưởng nắm quyền lãnh đạo phải do Nghị viện chỉ định, chứ không phải nhà vua.
Ở Pháp sau cuộc cách mạng 1789, quyền lực của vua chúa bị lật đổ, chế độ dân chủ được dựng lên. Cùng thời gian đó nước Mỹ cũng tiến hành cách mạng thành lập nền cộng hoà.
Tiếp tục, đầu thế kỷ XIX hầu hết các nước châu Mỹ La Tinh cũng thiết lập thể chế cộng hoà (16). Vào thập kỷ tám mươi thế kỷ XX, hàng loạt các nước chuyên chế độc đảng ở Đông Âu cũng sụp đổ cách dây chuyền để thiết lập chế độ dân chủ đa đảng mới. Ngay nước Nga, thành trì lớn nhất của phe xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản độc tài chuyên chế lãnh đạo cũng đã xảy ra chính biến để thay đổi thành Nhà nước cộng hoà -với đa đảng lãnh đạo. Thật đúng như triết gia Fichte nói: Lịch sử chỉ là cuộc đấu tranh thăng trầm của tự do.Và đỉnh cao cũng như thời điểm bản lề của toàn bộ quá trình đấu tranh đó là việc Nhà nước dân chủ nhân dân xuất hiện, đưa con người thoát khỏi ách quân vương độc tài buớc vào môi trường của tự do. Được sống đúng với hình ảnh cao nhất trong nhân vị của mình. Kể từ đây sự đối nghịch giữa hai kiểu mầu của Nhà nước cũng xuất hiện rõ ràng nhất, đó là : Nhà nước thuộc quyền cá nhân nào đó trông giống một hệ thống gia đình trị khổng lồ đem lại sự nô dịch cho mọi người; và Nhà nước của dân chúng là một cơ cấu cộng hoà được lắp đặt trên qui mô toàn xã hội đem lại tự do mọi người. Nhà nước độc tài nô dịch dân chúng, còn Nhà nước cộng hoà dịch vụ nhân dân. Từ đây cũng dẫn đến hai hình ảnh trái ngược nhau giữa quan lại của Nhà nước nô dịch chuyên hà hiếp, tham nhũng, vơ vét, và quan chức của Nhà nước dân chủ bị nhân dân kiểm soát mọi hành vi và sẽ loại bỏ nếu thấy vị quan nào không còn xứng đáng.
Nhưng để thay thế Nhà nước quân chủ thành Nhà nước dân chủ là điều không hề đơn giản. Bên trên chúng ta đã sơ lược bàn qua cuộc đấu tranh thăng trầm của loài người đi tìm Nhà nước tự do, giờ chúng ta hãy tìm hiểu những quan điểm mạnh mẽ sắc sảo nhất muốn đạp đổ quyền lực vô biên, cũng là thứ độc ác vô tận của thứ Nhà nước độc tài. Thomas Paine trong tác phẩm “Lương Tri” của mình đã lên án những quyền lực bất công cách gay găt, đặc biệt là quyền lực của chế độ quân chủ:
“Chính quyền, ngay cả khi trong một tình thế thuận lợi nhất, cũng chỉ là một thứ tội ác cần thiết…; còn khi tình hình rối ren thì cái chính quyền ấy sẽ không chịu nhân nhượng. Chính quyền cũng như y phục xuất hiện khi con người không còn được sống tự nhiên. Cung điện của vua chúa đã được xây dựng trên sự đổ nát của cuộc sống thiên đường… Văn minh càng cao bao nhiêu thì chính quyền càng khó hiền lành bấy nhiêu”(17).
Paine lý luận là nguồn gốc và bản chất của chính quyền là do “thế giới không cai trị được bằng đạo đức cho nên cần có chính quyền”. Đó là mục đích của chính quyền, tức là bảo vệ tự do và an ninh. Tất nhiên một chính quyền như vậy thực sự là lý tưởng, nhưng để tiến đến đó người ta phải làm biết bao nhiêu việc và trước hết Paine đã tấn công vào chế độ quân chủ cha truyền con nối:
“ Chế độ quân chủ trước hết cho những kể dị giáo lập ra. Sau đó người Do Thái (Israel) dập theo tục ấy. Đó là một sự phát minh thành công hơn hết của ma quỉ để dẫn dắt đến sự tôn thờ ngẫu tượng. Người dị giáo thần thánh hoá những ông vua đã qua đời của họ. Chúng giữ lại đem cái tội ác “nối ngôi”, ghép thêm vào cái tội ác “quân chủ”. Và khi cái tội ác quân chủ đè bẹp chúng ta thì tội ác nối ngôi lại được coi là chính nghĩa, thật ra đó là điều xỉ nhục và áp đặt đối với hậu thế… Một trong những chứng cứ của chế độ quân chủ tập quyền là Tạo Hoá đã bác bỏ cái quyền ấy. Tạo Hoá đã chẳng thường đem quyền ấy ra giễu cợt khi tạo cho các con vua vừa ngu xuẩn vừa bạc nhưọc đó sao”(18).
Paine lý giải quyền lực cặn bã của nền quân chủ:
“Nếu chế độ quân chủ đảm bảo chỉ sản sinh ra toàn những con người tốt và khôn ngoan, thì cũng chẳng có gì đáng trách cứ, nhưng chế độ ấy đã mở cửa cho những kẻ ngu xuẩn, tàn ác và những kẻ không xứng đáng… Người nào tự coi mình như sinh ra để ra lệnh cho những kẻ khác sinh ra để tuân lệnh, sẽ sớm trở thành ngạo mạn. Được tuyển chọn ưu đãi trong đa số dân chúng còn lại, đầu óc họ sẽ sớm bị đầu độc vì địa vị… Khi lên ngai vàng nắm quyền bính, thông thường họ là những kẻ ngu dốt hơn ai hết trong suốt bờ cõi. Để cho những ông vua hoặc quá nhỏ tuổi hoặc quá già ngồi trên ngai vàng đã tạo ra vô vàn điều bất hạnh. Trong trường hợp vua quá nhỏ tuổi, thực quyền cai trị đất nước trong tay một nhà nhiếp chính. Còn trong trường hợp vua quá già, ông ta lại ốm yếu và tính nết thất thường… (19).
Paine đưa ra so sánh giữa ông vua ngự chót vót trên đầu dân chúng và một người lương thiện, một so sánh thật bất ngờ:
“Ở nước Anh một ông vua chẳng có gì đề làm ngoài chiếm đất đai, nói nôm na là làm nghèo quốc gia, và gây ra các mối bất hoà trong nước. Hạnh phúc thay một kẻ mỗi năm hưởng tám trăm ngàn bảng Anh và còn được tôn thờ nữa! Đối với xã hội và Thượng Đế, một người dân lương thiện còn có nhiều giá trị hơn là tất cả các tên vua bất lương từ trước đến nay gộp lại…” (20).
Một nhà tư tưởng khác của nước Mỹ Henry David Thoreau đã viết một cuốn sách rất nổi tiếng có tên là “Dân sự bất hợp tác” bàn rất nhiều về quyền lực của Nhà nước tương quan đến quyền lợi của công dân. Nếu như nhà tư tưởng khác của nước Mỹ Jefferson cho rằng: “Chính phủ tốt nhất là Chính phủ cai trị ít nhất”, thì Thoreau đã vượt lên một bước xa hơn nữa về quyền cai trị mà không cai trị gì cả của quyền lực Nhà nước tối cao, ông viết: “Chính phủ tốt nhất là Chính phủ không cai trị gì cả”. Và Thoreau lý giải quyền lực của Nhà nước như sau: “Chính phủ chỉ là một phương tiện, mà công dụng lớn nhất là làm cho dân chúng được tự do, càng nhiều càng tốt”. Thoreau đòi hỏi người dân phải có được một chính phủ tốt lãnh đạo mình, muốn vậy phải biết mong muốn:
“Nói một cách thực tế, với tư cách một công dân, không giống những kẻ tự xưng là theo chủ nghĩa vô chính phủ, tôi đòi hỏi, không phải là bỏ Chính phủ ngay, nhưng tôi đòi hỏi phải có ngay một Chính phủ tốt hơn. Mọi người hãy cho biết: thế nào là Chính phủ tốt và đó là một bước tiến tới có được một Chính phủ tốt”.
Thoreau đã đặc biệt nhấn mạnh đến tương quan của thiểu số quyền lực và sự dối trá của đa số. Ông viết: khối đa số thống trị không phải vì họ có lẽ phải, hay vì thiểu số thấy đa số có lẽ phải mà chỉ vì khối đa số mạnh hơn. Một chính phủ đa số không thể bao giờ cũng là một chính phủ công bằng… Người công dân không thể nào trao lương tâm của mình cho nhà lập pháp…Trước hết chúng ta phải là người đã, sau đó mới là công dân. Nên tôn trọng lẽ phải hơn là tôn trọng luật pháp.
Thoreau đã phá thẳng vào hiện thực của giới chính khách, mà ông cho rằng đa số là vô tình, và dốt nát:
“Đa số các nhà lập pháp, chính khách, luật sư, bộ trưởng và viên chức chỉ phục vụ Nhà nước bằng đầu óc chuyên môn của họ. Họ thường không bận tâm tìm hiểu về các vấn đề đức lý, họ giống như vô tình vừa phụng sự ma quỉ vừa phụng sự Thượng Đế. Cũng như chỉ một số rất ít các vị anh hùng, nhà ái quốc, nhà tuần giáo, nhà cải cách xã hội, theo nghĩa chung là những người phục vụ đất nước bẳng cả trí tuệ lẫn lương tâm. Vì vậy họ lắm phen buộc phải chống lại bọn chính khách và thường bị bọn này coi như kẻ thù”.
Không chỉ tỏ thái độ miệt thị những gì bất công, Thoreau còn kêu gọi mọi người hãy phản kháng một cách hoà bình bằng sự bất hợp tác với một chính quyền bất công muốn đè dầu cưỡi cổ nhân dân: “Nếu một Chính phủ dùng bạn làm phương tiện để tiến hành điều bất công với người khác, thì bạn hãy chống lại, chống lại luật lệ… Với bất kỳ giá nào, tôi nhất định không thể bán mình cho cái sai lầm mà tôi lên án”.
Không chỉ nói bằng lời mà bằng cả hành động, Thoreau cho rằng đóng thuế cho một chính phủ bất công tức là đồng loã, và dung túng những sự bất công. Sống theo lý thuyết của mình, trong sáu năm liền Thoreau không chịu đóng thuế thân. Ông bị bắt giam, ông khẳng khái: “Dưới một chính phủ bắt giam người một cách bất công, chỗ đứng của một người công bằng là ở nhà giam…” Mỗi đêm trong nhà giam càng khiến ông thêm tự tin, thêm coi thường Nhà nước. Ông viết: “ Tôi thấy Nhà nước là một cái gì ngu xuẩn, nhút nhát như một phụ nữ độc thân sống trong giầu sang, không biết phân biệt bạn và thù. Ở tôi, chút kính trọng cuối cùng đối với Nhà nước đã tiêu tan, chỉ còn lại lòng thương hại. Nhà nước không bao giờ dám đương đầu với phần cao cả của con người là phần tinh thần và đạo đức, mà chỉ dám đương đầu với phần vật chất của con người. Nhà nước làm gì có tri thức, làm gì có lương thiện, mà chỉ hơn vì có sức mạnh thô bạo. Tôi sinh ra đời không phải chỉ để cho người ta cưỡng bức. Tôi muốn sống theo ý muốn của tôi”.
Thoreau không phải là người chống đối bằng tâm lý thuần tuý, mà trong khi đòi hỏi Nhà nước phải công bằng, thì ông luôn luôn kêu gọi sự xét duyệt lại trách nhiệm của mỗi cá nhân khi muốn tham gia vào sự công bằng tốt đẹp của xã hội : “Tôi không thích gây chuyện với bất kỳ người nào, hay quốc gia nào. Tôi không thích bới móc, phân tích tỉ mỉ ai, hay tự đặt mình cao hơn hàng xóm láng giềng. Tôi chỉ muốn tìm cách biện giải cho sự phục tùng Nhà nước vì tôi có lý để đặt việc này thành vấn đề. Tôi sẵn sàng tuân theo pháp luật. Thật vậy, tôi không có lý do nào để tự nghi ngờ tôi về điểm đó. Mỗi năm đến kỳ đóng thuế tôi đều sẵn sàng duyệt lại những hành động của chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang, duyệt lại tinh thần của nhân dân, để tìm lý lẽ xem có nên tuân theo luật lệ của Nhà nước hay không”?
Kết luận tập “Dân sự bất hợp tác”, Thoreau trình bày quan niệm của ông về một chính phủ hoàn hảo, và long trọng nêu cao niềm tin tưởng của ông vào phẩm giá của cá nhân:
“Muốn thật sự công bằng, chính quyền… phải được sự phê chuẩn và chấp thuận của những người bị trị. Chính quyền chỉ có quyền đối với cá nhân và tài sản của tôi trong phạm vi tôi chấp thuận. Sự tiến bộ từ chế độ quân chủ độc đoán lên chế độ quân chủ lập hiến, rồi chế độ dân chủ, là một sự tiến lên theo hướng thực sự tôn trọng cá nhân… Chế độ dân chủ, như chúng ta được biết, phải chăng đã là chế độ hoàn hảo? Liệu chúng ta còn có thể tiến xa hơn nữa trong công cuộc thừa nhận và tổ chức dân quyền? Một quốc gia chưa thể thực sự tự do và văn minh nếu chưa thừa nhận và đối xử với cá nhân như là một quyền lực độc lập và cao hơn. Phải như thế Nhà nước mới thực sự có quyền uy. Tôi thường hay mơ tưởng một chính quyền công bằng với mọi người, tôn trọng cá nhân như một người láng giềng và thành viên trong xã hội. Quốc gia đó sẽ mở đường cho một quốc gia hoàn hoả hơn nữa mà tôi bằng mơ tưởng tuy chưa hề được thấy”.
Nói tóm lại, chủ trương cơ bản của Thoreau trong tập Dân sự bất hợp tác là: Nhà nước sở dĩ có là để phục vụ cá nhân, chứ không phải cá nhân phục vụ cho Nhà nước. Thiểu số sẽ không nhượng bộ đa số, nếu vi phạm đến những nguyên tắc đạo đức và lý trí. Nhà nước không có quyền xâm phạm đến tự do tinh thần của công dân bằng lối cưỡng bức họ phải ủng hộ những điều bất công. Lương tâm của con người bao giờ cũng phải là ánh sáng dẫn đường tối thượng.
Vào năm 1907, một cuốn sách “Dân sự bất hợp tác” lọt vào tay một luật sự là Gandhi. Ông đã quán triệt tinh thần đó để đòi độc lập cho dân Ấn từ tay Đế quốc Anh. Tháng tám năm 1947, nước Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ. Gandhi đã từng viết:
“Chế độ chuyên chế bậc nhất cũng chỉ có thể đứng vững với sự chịu đựng miễn cưỡng của quần chúng bị trị, sự chịu đựng này thường do nhà cầm quyền chuyên chế tạo ra. Ngày mà quần chúng bị trị không còn sợ sức mạnh chuyên chế nữa thì uy quyền của chế độ đó lập tức sụp đổ” (21).
Đó là và tác giả các tác phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới bàn về Nhà nước. Giờ chúng ta hãy đi sâu tìm hiểu quyền lực của Nhà nước cách lý thuyết và chuyên sâu hơn. Tác giả J. Maritain lý giải : “Nhà nước không phải tư tưởng cao nhất, mà chỉ là nơi áp dụng quyền lực, một công cụ để phục vụ con người (instrument au service de l’homme) (22) .
Chắc hẳn chúng ta phải tin là vậy, bởi lẽ, nơi có những giá trị siêu hình cao nhất như vấn đề tôn giáo chẳng hạn không nằm ở Nhà nước, mà nằm ở nhà thờ; nơi có những đỉnh cao âm nhạc cũng không nằm ở Nhà nước mà ở nhà hát; nơi có nhiều kiến thức cũng không nằm ở Nhà nước mà nằm ở các viện khoa học và trường đại học, nơi có nhiều cuốn sách hay không nằm ở nhà nước mà nằm ở thư viện, và nơi có nhiều tác phẩm nghệ thuật quí giá cũng không nằm ở Nhà nước mà nằm ở các viện bảo tàng … vậy thì chắc hẳn Nhà nước không thể chính là nơi có những tư tưởng cao nhất, như trong thời cổ đại Hy Lạp chẳng hạn, khi triết gia Soc rate người được học trò là triết gia Platon thông minh và nổi tiếng không kém suy tôn rằng “đó là người đàn ông thông minh nhất thời đại “ đang thuyết giảng những điều công bằng nhất, lý trí nhất, xác đáng nhất trên các đường phố, thì chắc hẳn những khối óc của chính quyền không thể sánh ngang nổi về tầm cao của tư tưởng.Nhưng có một điều chắc chắn, Nhà nước là nơi tập hợp mọi quyền lực cao nhất, từ các cơ quan luật pháp , đến cơ quan hành pháp, đến các bộ và bộ trưởng, toà án, quân đội, cảnh sát…. Chắc hẳn không thể có cá nhân nào dù khoẻ đến mấy có thể đặt ngang bằng quyền lực của nhà nước. Nhưng nhà nước chỉ là một công cụ quyền lực mà thôi, quyền lực đó không phải để cai trị dân, bởi lẽ, không đời nào người dân muốn dựng lên hệ thống quyền lực như một chiếc chòng đeo vào cổ mình, mà công cụ quyền lực Nhà nước được tổ chức ra để phục vụ người dân mà thôi. Điều này chắc hẳn phải là một sự thật không chỉ được khẳng định trong suốt quá trình giành giật quyền tự do, quyền làm người của lịch sử, mà trong thời hiên đại khi nhu cầu và giá trị dân chủ của người dân lộ rõ hơn bao giờ hết, thì sự thật này cũng trở nên một bằng chứng không thể không thừa nhận.
Tại sao Nhà nước chỉ là một công cụ quyền lực phục vụ con người? MariTain giải thích: “Cơ cấu chính trị vì con người nhân loại như con người nhưng con người không có bất cứ mục đích nào vì nhà nước. Nhà nước là vì con người”(23).
Nhà nước không vì con người thì vì thứ khác ngoài con người sao? Tất nhiên có một số kẻ tham quyền cố vị hủ bại theo lối cổ xưa thì cho rằng: Nhà nước vì con người nhưng vì số ít bọn chúng và gia đình chúng, còn người khác thì làm phương tiện và thân nô lệ để phục vụ chúng mà thôi. Và ý tưởng này càng được những quan tham xiết lại, vì khi nắm được quyền hành của Nhà nước trong tay, chúng sẽ định nghĩa: Nhà nước là cái gì đó thuộc thiểu số những kẻ có quyền hành, chúng còn nêu ra các chiêu bài như “trung quân ái quốc” hay chuyên chế để che đậy, dụ dỗ, và đàn áp dân chúng nếu không định khuất phục “Nhà nước chỉ thuộc vài kẻ nắm quyền”. Tất nhiên đó là cách định nghĩa Nhà nước của các quan tham muốn tham quyền cố vị biến chiếc ghế quyền hành thành nơi vơ vét, nhưng trong nhận thức dân chủ của nhân loại thì không phải vậy MariTain cho rằng: “Nhà nước là cơ quan cao nhất nhưng không có nghĩa là cao nhất mà nó ở dưới thấp tất cả, bởi vì nó phục vụ tất cả”(24).
Đây là điểm then chốt rành rẽ nhất nhưng cũng khó khăn nhất trong tương quan giữa Nhà nước và con người. Nhà nước sinh ra để phục vụ con người, thì hiển nhiên Nhà nước với các bộ, các nghành, các cơ quan đồ sộ dù lớn đến đâu cũng chỉ nằm thấp hơn con người. Nhưng đây là mấu chốt không thể kiểm soát được, vì xưa nay, các quan chức vẫn quen với truyền thống coi Nhà nước như một bộ máy được nâng lên tối cao để cai trị dân chúng, chứ không phải bị hạ xuống thấp hơn tất cả để dịch vụ dân chúng. Hơn cả thế cơ cấu Nhà nước không chỉ bị đem ra để nô dịch dân chúng mà còn bị coi là hệ thống trơn dầu hoàn hảo phục vụ các quan lại. Người ta tìm mọi cách để mua quan, hay chạy chọt thăng quan tiến chức, chui sâu leo cao lên những chiếc ghế công quyền như “chuột sa chĩnh gạo”, và làm sao sẽ có nổi những “con chuột” đạo đức, lý tưởng, sạch sẽ đến mức ở giữa chiếc chum gạo đồ sộ đó không thèm tơ lạm dù chỉ vài hạt. Đã thế quyền lực luôn có xu hướng gia tăng quyền lực, sự cấu kết giữa cá nhân này với cá nhân kia, giữa tổ chức này với tổ chức khác, giữa những người cùng địa phương hay dân tộc đều là cách mở rộng và củng cố bộ máy quyền lực mỗi ngày một quan liêu, trong khi đó dân chúng thấp cổ bé họng không có cách nào, phương tiện nào, cơ quan nào tương ứng để làm hạ nhiệt quá trình gia tăng quyền lực. Và cái gọi là Nhà nước sinh ra để phục vụ nhân dân càng ngày càng trở nên những mỹ từ lý tưởng xa xôi vời vợi. Nhưng chắc chắn nhân dân phải giành lấy cơ hội đầu tiên, đó là quyền nhận biết: Nhà nước được dựng nên thấp hơn tất cả là để phục vụ tất cả mọi người, chứ không phải chỉ phục vụ một nhóm người có quyền lực.
Nhà nước có quyền lực nhưng không phải để cướp đi hay chà đạp lên quyền sống của công dân, bởi lẽ như Maritain lý giải, con người có quyền bình đẳng được sống ngang bằng với tất cả mọi người, quyền được xác định cách tự nhiên từ thiên nhiên. Loài người không phải một động vật ăn thịt, hay cá lớn nuốt cá bé, kẻ lớn hơn chà đạp người bé hơn, đàn ông ức hiếp đàn bà, người lớn đe doạ trẻ con, và người trẻ dồn đuổi ông già, mà con người bằng tất cả những hiến chương thành văn và bất thành văn đều nêu rõ: người ta sinh ra có quyền bình đẳng đó, như trong điều một Hiến chương Liên Hiệp Quốc về con người đã được Đại hội đồng công bố ngày 10/12/1948: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ đều được trời phú cho lẽ phải và lương tâm, và phải cư xử với nhau trong tinh thần bác ái”.
Maritain viết: “Nhân dân không có quyền lực theo nghĩa thực của từ này… nhưng lại có quyền lực tự nhiên rất đầy đủ, đó là quyền tự trị chính mình” (25).
Đúng vậy, mỗi cá nhân đâu có phải ngài bộ trưởng, hay giám đốc cảnh sát, hay đại tướng có trong tay vài lữ đoàn quân, cá nhân không thể có được quyền như đang thủ vai là một mắt xích quan trọng trong hệ thống công quyền, mà chỉ cần xoay mắt xích đó có thể làm rung chuyển toàn hệ thống, nhưng cá nhân lại có quyền sống – quyền tự trị quyết định mọi thứ thuộc về mình, ngang bằng và bình đẳng với tất cả mọi quan chức cao nhất, cho dù là tổng thống, thủ tướng hay chánh án toà án. Bởi lẽ, đứng trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng, ông là bộ trưởng mà phạm tội thì cũng bị phạt như thứ dân. Chính quyền của nhân dân đã khác hẳn cái thứ Nhà nước gia đình trị của vua chúa ngày xưa, vua ngồi chễm chệ trên luật muốn làm gì thì làm, đến vợ con vua có phạm tội thì được bao che dung túng, đến các quan lại và gia đình của họ cũng được hưởng những mưa móc dung túng đó. Tuy vậy, ngày nay dù nền dân chủ của loài người đã tiến khá xa, nhưng vẫn có những kiểu độc tài biến tướng diễn ra, có cả những tập đoàn chuyên chế ngồi trên luật, và những văn bản được quyền đan xen chồng chéo mâu thuẫn lẫn nhau cách tuỳ tiện mà chẳng phải chịu sự chi phối của bất cứ điều luật nào cao nhất.
Nhân dân tiến bộ thành lập ra Nhà nước, để Nhà nước đó tôn trọng mọi quyền cơ bản làm người của mỗi cá nhân chứ không phải để Nhà nước đó bách hại những công dân đã hợp sức làm nên Nhà nước ấy. Tổng thống Mỹ Lincoln nói: “Chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân, cho nhân dân” (Le gouvernement du peuple, par le peuple, pour le peuple) (26).
Chính quyền cộng hoà là của nhân dân vì nó do mọi tầng lớp nhân dân tập hợp lại bầu ra một chính quyền đại diện cho tất cả mọi tầng lớp, mọi sắc tộc, mọi ngành nghề. Chính quyền đó của nhân dân và bởi nhân dân mà ra, và chính quyền đó sinh ra để phục vụ nhân dân. Chỉ có vì mục đích phục vụ nhân dân mà chính quyền của nhân dân mới có nguyên nhân đầu tiên và nguyên nhân cuối cùng để tồn tại. Chính quyền của nhân dân không thể được dựng nên với các ban bệ, các bộ, các cục lại chỉ để phục vụ chính những quan chức nắm quyền trong bộ máy quyền lực; chính quyền của nhân dân lại càng không bao giờ là thứ phương tiện để phục vụ mục đích quyền lực của một đảng phái hay một tập đoàn, vì quyền lợi của nhân dân, của cả dân tộc luôn luôn lớn hơn một nhóm người nào đó, và nhóm người đó không thể dùng bộ máy Nhà nước như thứ phương tiện của riêng mình, nằm trong tay mình phục vụ cá nhân mình và gia đình mình. Nếu tồn tại một chính quyền bị một đảng phái hay một tập đoàn thao túng để phục vụ nhóm thiểu số, thì tất cả khẩu hiệu cộng hoà, dân chủ chỉ là giả hiệu, và cái Nhà nước đó là một thứ quân chủ biến tướng, một thứ lạc hậu, một thứ đi giật lùi về quá khứ, và tất cả xương máu đấu tranh đòi quyền tự trị – tự do cho nhân dân đã trở thành uổng phí, và cái kiểu đem máu nhân dân nhuộm mũ quyền hành xưa kia của Trung Quốc vẫn được tái diễn cách mới mẻ nhất.
Chúng ta hãy nhớ lại nguyên tắc căn bản nhất: Vì nhân dân nghĩ ra Nhà nước, chứ không phải vì Nhà nước sinh ra nhân dân. Nhân dân là mục đích của Nhà nước chứ không phải Nhà nước là mục đích của nhân dân. Trái lại Nhà nước là phương tiện để phục vụ mục đích là nhân dân. Maritain nói: “Nhân dân ỏ trên Nhà nước, nhân dân không vì Nhà nước, Nhà nước vì nhân dân “ (27).
Đó là một sự thật chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại. Nó rất chắc chắn trong chân lý mà dường như không chắc chắn trong đời sống, như người ta vẫn nói, “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, một số người có quyền, liệu người ta có dùng quyền đó để phục vụ nhân dân? Như chúng ta đã từng phân tích kỹ lưỡng, quan lại mắc phải một mâu thuẫn rất khó vượt qua: người ta làm quan để làm gì nếu không được hưởng đặc ân do chính quyền lực đó đem lại? Những người có quyền luôn có xu hướng bành trướng và lạm dụng quyền lực, giống kẻ đi buôn càng có nhiều tiền càng tốt, thì những người có quyền cũng vậy, càng có nhiều quyền, càng khai thác được nhiều quyền, càng lạm dụng được nhiều quyền càng tốt, và khi những cá nhân khai thác triệt để quyền lực để phục vụ mình và gia đình mình, hiển nhiên quyền lợi của dân chúng sẽ bị xem nhẹ. Và những người có quyền rất sợ bị quần chúng giám sát và loại bỏ quyền lực của mình, nên họ càng tìm cách bành trướng quyền lực cá nhân và tập đoàn của mình và giảm thiểu quyền lực của quần chúng, các quyền của báo chí, của phát thanh truyền hình đều bị cấm đoán và điều hành sao cho chúng trở thành phương tiện hữu ích quảng bá cho quyền lực của họ mà che đậy thông tin có thể khiến quần chúng bất bình. Một chính quyền càng quay lưng về phía nhân dân tất nhiên càng trở nên yếu ớt. Bởi thế nó lại càng dùng quyền lực để xiết chặt mọi quyền tự do của nhân dân. Một chính quyền càng yếu thì càng độc tài, và một chính quyền càng độc tài thì càng yếu, đó là hệ quả tất yếu. Trái lại, một chính quyền quay về phía nhân dân, nó được lòng dân chúng thì nó càng mạnh. Kết quả là, một chính quyền càng ban cho dân chúng nhiều tự do thì nó càng mạnh, và một chính quyền càng mạnh thì càng mở cửa để nhân dân được tự do. Maritain viết rằng: “Nhà nước chỉ có sức mạnh khi dám trao cho các công dân quyền tự do”(28).
Đó cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa Nhà nước dân chủ và Nhà nước độc tài. Nhà nước dân chủ trao cho nhân dân quyền tự do, bảo vệ sự tự do của công dân khỏi tất cả mọi sự xâm hại của các thế lực đen tối, cũng như quyền lực hợp pháp. Và bảo vệ quyền tự do đó khỏi chính bộ máy quyền lực cao nhất là chính Nhà nước – một tổ chức tối cao có trong tay mọi sức mạnh của quân đội, cảnh sát và toà án. Trái lại, Nhà nước độc tài dùng bộ máy chính quyền quyết định cuộc sống của mỗi công dân như mỗi đinh ốc, và vận mệnh của cả dân tộc như một con tầu được lái theo hướng vài kẻ cầm lái độc tài điều khiển theo hướng có lợi cho những kẻ cầm quyền, Maritain nói: “Quyền lực của Nhà nước độc tài là ông chủ thiện ác giống như ông chủ của sống chết”(29).
Nhà nước độc tài còn vượt xa khỏi thứ quyền hành quyết định sinh mệnh của dân chúng, vì lẽ, Nhà nước đó nắm pháp luật trong tay – để trở thành cả ông chủ quyết định thế nào là thiện, thế nào là ác, Nhà nước đó treo cổ những kẻ không cùng chính kiến với mình, hoặc những người dám nói ra những sự thật – lột mặt nạ của những quan tham, với tội danh: chống đối, phản loạn, phản cách mạng. Và Nhà nước đó tha bổng những quan tham chỉ vì đó đám thuộc hạ cùng sống chết bảo vệ quyền lợi cho những kẻ đang thao túng quyền lực. Một Nhà nước có thể ra chỉ thị cho toà án, vụ này phải xử nặng để làm gương “chém một người để muôn người sợ”, vụ kia cần nhẹ tay để gây lòng bao dung: kỳ thực là để dung túng cho những kẻ cùng vây cánh với mình. Một Nhà nước như vậy rõ ràng là “làm ra cả thiện ác”. Một thứ tổ chức con người có thể chà đạp và bất chấp công lý. Và Maritain chỉ rõ sự khác biệt căn bản của hai Nhà nước dân chủ và độc tài: “Nhà nước dân chủ coi tự do, phẩm giá cá nhân là những nguyên tắc căn bản. Nhà nước độc tài lấy quyền lực làm căn bản”(30).
Chúng ta vẫn biết, tự do tấn phong con người vượt khỏi cái ách phương tiện hay súc vật để lên ngôi con người. Một Nhà nước biết đem lại tự do cho nhân dân hiển nhiên đó là, Nhà nước ưu việt nhất đã đem lại báu vật quí giá nhất cho mọi người, Nhà nước đó dám quên đi quyền lợi của bộ máy quyền lực để tấn phong toàn thể nhân dân lên ngai vàng cao nhất, Maritain nói: “Trong xã hội dân chủ nhân dân đóng vai nhà vua” (31).
Nếu coi nhân dân là mục đích của một nền chính trị thì hiển nhiên nhân dân là vua. Và theo cách nhân dân là người bầu cử lập nên Nhà nước, thì nhân dân cũng chính là vua thực sự của bộ máy chính quyền, vì như chúng ta đã bàn, Nhà nước dân chủ: của nhân dân, bởi nhân dân, và cho nhân dân. Nhưng tiếc thay, xưa nay các thế lực cầm quyền thường chỉ xem quần chúng như đám vô lại cần lợi dụng để tô thắm cho quyền lực của mình, cần những thợ lặn mò ngọc trai ư, có ngay, nhân dân sẽ phải cử ra những kẻ đi mò ngọc; cần những kẻ trèo đèo lội suối đi tìm thuốc trường sinh ư, có ngay những kẻ đó không phải nhân dân thì ai? Cần những dân công đào thành, đắp luỹ, xây cung điện lăng tẩm không nhân dân thì ai? Cần đội quân toàn thể bao bọc nhiều vòng để bảo vệ ngai vàng, cần phải cổ xúy cuộc chiến tranh nhân dân thì ai sẽ là chiến binh, nếu không phải nhà nhà là pháo đài, người người là chiến sĩ? Maritain viết: “Nhân dân cần được đánh thức hay sử dụng? Được đánh thức giống con người hay quất và dẫn dắt giống một con vật?” (32).
Người Do Thái xưa kia đã biết dựng nên hình ảnh của người chăn chiên, và hình ảnh đó còn được Chúa Jesus quán triệt trong Kinh Thánh nhiều lần, Chúa Jesus xưng Ngài là Chủ chăn. Xưa kia, người chăn chiên lùa đàn chiên ra đồng ăn cỏ, chọn bãi tốt cho chiên ăn, thấy con nào lạc đường thì đi tìm về, thấy nó gãy chân thì bèn cõng lên vai tìm lá thuốc rịt cho nó, đêm đêm người chăn chiên ngủ ngay ngưỡng cửa lối vào chuồng để trông chừng những con sói vào bắt chiên ăn thịt. Người chăn chiên càng chăm sóc bầy chiên nhân lành bao nhiêu thì bày chiên càng béo, lông chúng càng mượt và giá của chúng càng cao, chúng sẽ sinh nhiều lợi cho ông chủ. Ngay các nhà nghiên cứu xã hội hiện đại cũng cho rằng: cho dù ông chủ coi nô lệ như là phương tiện chăng nữa, giống như người sử dụng chiếc ô tô kia ông chủ phải lo bảo trì, sửa chữa, để cho chiếc xe có được điều kiện tốt nhất khi hoạt động. Vậy thì điều kiện tốt nhất của các công dân là gì? Theo triết gia Aristote thì: một dân tộc muốn phát triển hùng cường phải tạo cho mọi công dân được tự do phát huy hết sức – hết cỡ sở trường và khao khát của mình. Vậy thì một quốc gia dân chủ là một quốc gia biết đánh thức con người, biết tự trị, biết tự giác làm theo trách nhiệm của mình, hẳn là quốc gia đó phải hùng cường. Trái lại , một quốc gia chỉ biết khai thác dân chúng như súc vật, ép buộc, trấn áp, thúc bách họ làm việc ngày đêm, giờ làm nhiều tiền công rẻ mạt, sử dụng họ như những phương tiện máu thịt không biết đến hỏng hóc, cho dù ốm đau cũng phải gượng dậy mà làm, thì quốc gia đó hẳn mỗi ngày mỗi nghèo nàn và lụn bại.
Tìm kiếm Blog này
Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011
Quan phẩm không đồng nghĩa với Nhà nước, Dân quyền không đồng nghĩa với thuộc hạ, Nhà nước vì con người không phải con người vì Nhà nước
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét