Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Ổn định chính trị XHCN

Nguyễn Đại -
Thời gian vừa qua, chắc ai cũng biết tình hình Trung Đông cũng
như Bắc Phi diễn biến hết sức phức tạp. Suốt mấy chục
năm sống trong sự "ổn định chính trị" kiểu Hồi Giáo,
nay nhân dân các nước đó đã đứng lên đòi tự do. Cái giá
cho tự do là không hề nhỏ: đã có hy sinh, có mất mát. Nhưng
như bao cuộc chiến dành tự do khác, chế độ độc tài, cho dù
có sức mạnh của an ninh, cảnh sát, quân đội, vẫn phải sụp
đổ. Tổng thống Ben Ali bị lật đổ sau 23 năm cầm quyền.
Ông Mubarack cũng đã có gần 30 năm làm Tổng thống. Chắc hẳn
là trước khi bị lật đổ, ông Ben Ali hay ông Mubarack luôn
miệng khẳng định về sự "ổn định chính trị" tại
nước mình. Thì đùng một cái…
Từ chuyện Trung Đông, chợt nghĩ tới chuyện Cu-ba. Trong số
các nước cộng sản, thì ông Fidel Castro nắm quyền lâu nhất.
Theo thứ tự thời gian tăng dần thì ông Hồ Chí Minh nắm
quyền trong 24 năm, từ 1945 đến khi mất năm 1969. Ông Stalin 31
năm, từ năm 1922 đến khi mất năm 1953. Mao Trạch Đông 33 năm,
từ 1943 đến khi mất năm 1976. Kim Nhật Thành 46 năm, từ 1949
đến khi mất năm 1994. Riêng ông Fidel Castro phá kỷ lục với 49
năm cầm quyền, từ 1959 đến 2008. Nhưng sẽ không công bằng
khi cho rằng ông Fidel tham quyền cố vị nhất trong số các nhân
vật trên. Điểm chung giữa các nhân vật kia là đều nắm
quyền đến lúc chết. Nếu họ tiếp tục sống thì chưa biết
họ sẽ nắm quyền đến bao giờ. Thậm chí có thể nói ông
Fidel Castro là ít tham quyền nhất. Đang sống sờ sờ ra đó mà
vì lý do sức khỏe, không thể phục vụ nhân dân nên ông
nhường quyền lại cho em trai mình. Thương ông Fidel quá! Đệ
nhất tham quyền phải là ông Kim Nhật Thành. Nắm quyền 56 năm
đến lúc chết nhưng theo Hiến pháp CHDCND Triều Tiên, ông là
Chủ tịch vĩnh viễn của đất nước. Nghĩ càng thương ông Kim
hơn cả ông Fidel. Làm chủ tịch nước, nhất là nước XHCN là
trách nhiệm nặng lắm. Lao tâm, khổ tứ. Lo cho nhân dân từ
miếng ăn giấc ngủ. Lo chuyện trong nước chưa đủ còn phải
lo "canh giữ cho hòa bình thế giới" nữa! Đã vậy
các thế lực thù địch suốt ngày chống phá. Thế mà ông Kim
chết rồi vẫn còn làm chủ tịch. Chết cũng không chịu yên.

Một điểm chung nữa là trong khoảng thời gian các ông nêu trên
nắm quyền, đất nước rất ổn định chính
trị
. Thậm chí đến giờ, ngoại trừ Liên Xô và
Đông Âu tan rã (mà nguyên nhân chủ yếu là do ở sát bên tụi
tư bản giẫy chết), các nước còn lại vẫn rất ổn định.
Ở Trung Quốc chỉ có một vụ biểu tình nổi tiếng và đi vào
lịch sử của các anh chị sinh viên năm 1989. Để giữ vững
ổn định chính trị, lãnh đạo Trung Quốc đã cho xe tăng vào
thủ đô đàn áp đẫm máu. Ở Việt Nam ta thì thỉnh thoảng bà
con nông dân lên trụ sở Quốc hội đòi đất, đòi công bằng.
Sau đó thì bà con được giải thích, được động viên, cán
bộ sai phạm cũng có ông bị xử lý. Bà con lại về quê vui
vẻ làm ăn. Cũng có lúc thanh niên sinh viên biểu tình vì Hoàng
Sa, Trường Sa. Rồi các bạn cũng được giải thích, các bạn
cũng hiểu thế nào là "khôn khéo nhưng kiên quyết",
các bạn cũng hiểu rằng "không thể cứ hở ra là to
tiếng, là đánh đấm
". Nói chung là ổn định. Bắc Hàn
và Cuba thì càng ổn định hơn. Chẳng bao giờ thấy biểu tình
biểu tiếc gì cả. Dân Bắc Hàn đói nhăn răng từ năm này qua
năm khác vẫn một mực tôn sùng lãnh tụ kính yêu. Nước Cuba
cũng thiếu thốn trăm bề, khó khăn quá thì nhờ viện trợ,
nhưng người dân vẫn sống và làm việc trong ổn định. So
với Trung Quốc và Việt Nam thì hai nước này ổn định chính
trị hơn và cũng nghèo đói hơn.

Từng là một học sinh dưới mái trường XHCN, nay được
làm một công dân, được sống – chiến đấu – lao động và
học tập trong một đất nước ổn định chính trị, làm sao
không mừng. Vì như một bài viết trước tôi đã chứng minh,
chính trị là đầu tàu, nó ảnh hưởng và kéo theo toàn bộ
các mặt của đời sống. Chỉ tiếc rằng hiện nay, ổn định
chính trị nhưng không hiểu sao, bao nhiêu thứ khác lại không
ổn định.

Đơn cử như chuyện không ổn định… bánh xe. Xe của mình, nó
lấy đinh đâm thủng bánh xong, chính nó thay vỏ ruột xe cho
mình giá cắt cổ. Có tức không! Thật ra nạn đinh tặc này có
từ vài năm trước đây. Nhưng từ Tết Tân Mão vừa rồi mới
trở thành cơn sốt. Nghĩ cũng lạ, chuyện theo tôi chẳng có gì
khó. Ổn định chính trị giữ được mà ba cái tên
đinh tặc thì dẹp không xong
. Lúc đọc báo thấy
rủ nhau mua sắm xe chuyên dụng đi hút đinh, tôi đã than thầm
trong lòng. Trời ạ, tội phạm rõ như ban ngày, không lo giải
quyết phần gốc mà đi chữa cháy phần ngọn. Nghĩ vừa phục
vừa thương mấy anh hiệp sĩ ở Bình Dương. Đất nước ổn
định chính trị nhưng không ổn định… bánh xe nên các anh
không thể ổn định cuộc sống, cứ phải ngày đêm canh me
tụi bất lương.

Ổn định chính trị nhưng không ổn định… âm thanh. Rõ ràng
việc sử dụng còi hơi là sai luật. Đi đường sợ nhất là
đằng sau có ông xe ben hay xe tải. Để giành đường, đám tài
xế trang bị còi xe toàn thứ dữ. Bấm còi bất kể đi qua nội
ô hay ngoại ô, bệnh viện hay trường học, đám cưới hay đám
ma. Luật pháp bị vi phạm một cách công khai, rộng rãi và lâu
dài mà không thấy giải quyết. Nếu cho rằng chuyện này là
chuyện nhỏ thì… quên giải quyết cũng được. Đằng này,
ngày 14 tháng 6 năm 2010, một tai nạn thương tâm do còi hơi gây
ra làm bàng hoàng người có lương tri. Một người mẹ bị
giật mình do còi hơi té xuống đường và con của chị, bé V.
mới 2 tuổi bị xe cán… Nói thật là cái chết của bé V. ám
ảnh tôi đến tận ngày nay. Đột ngột, đau đớn,
uất ức.
Và càng uất ức hơn khi mà đến nay, vẫn
không có cách nào giải quyết được sự… mất ổn định âm
thanh này. Thậm chí, đến các loại xe nằm trong sự quản lý
của cơ quan Nhà Nước cũng trang bị còi hơi cho bằng anh bằng:
xe buýt hợp tác xã, xe đổ rác…

Câu chuyện đinh tặc và còi hơi thật ra chỉ là một phần
trong toàn bộ hệ thống giao thông nói chung. Biết bao chuyện
không ổn định năm này qua năm khác, kẹt xe, tai nạn giao
thông, xe quá tải, vượt quá tốc độ, xe hung thần, xe vua…
Hết nghị định này đến nghị định khác vẫn không thể làm
ổn định giao thông. Nói chung ta giữ ổn định chính trị thì
giỏi nhưng giữ ổn định giao thông thì kém.

Ổn định chính trị nhưng không ổn định… áo quần.
Con người tiến hóa từ vượn và hơn vượn ở chỗ phải mặc
trang phục. Nhất là học sinh, ở cái tuổi này việc ăn mặc
của các em cần được giáo dục hơn bao giờ hết. Ấy vậy
mà, trong khi chúng ta rất ổn định chính trị thì áo quần các
em lại không được ổn định. Nói cho đúng ra thì các em ăn
mặc cũng lịch sự nhưng bạn bè xúm vào đánh đập, lột
quần áo các em ra. Tôi suy nghĩ nát óc vẫn không hiểu được
vấn đề. Các em đánh nhau là sai, nhưng có thể bào chữa do
nóng nảy. Các em lột quần áo bạn bè càng sai, nhưng có thể
bào chữa do thiếu kiềm chế. Nhưng các em lại thích thú với
việc đó, quay Video Clip đưa lên mạng thì đúng là bệnh hoạn!
Tư cách, đạo đức, cảm xúc con người ở đâu? Mà đây không
phải chuyện hiếm nếu không muốn nói là càng ngày càng nở
rộ.

Bản thân vụ lột áo đưa lên mạng này cũng chỉ là một
phần nhỏ của sự mất ổn định giáo dục. Khẩu hiệu thì
nghe như chuông "Giáo dục là quốc sách", "giảm
tải
", "xóa bệnh thành tích". Thực tế thì
chương trình học thay đổi xoành xoạch, cơ chế thi thay đổi
xoành xoạch, cơ chế nhận học sinh thay đổi xoành xoạch.
Thức suốt đêm để xin cho con vào trường. Cảnh chen lấn nộp
hồ sơ cho con không khác gì cảnh chen lấn nộp sổ gạo thời
bao cấp. Giáo viên vừa chuẩn bị tinh thần "sống được
bằng lương
" thì ngay lập tức "không sống được
bằng lương
". Học sinh thì hoang mang năm nay thi môn gì và
bỏ môn gì. Phụ huynh hoang mang tiền học phí, tiền ký quỹ.
Nhà trường thì rất thiếu ổn định trong việc thu tiền.
Không trường nào giống trường nào, mỗi trường mỗi vẻ,
vẻ nào cũng đầy sáng tạo. Cấm thu học phí thì thu sổ vàng,
cấm sổ vàng thì đủ thứ tiền như quỹ hội, lao công, ghế
ngồi (?), giấy thi… Quái chiêu hơn nữa là "tiền bản
quyền chương trình
", "phí quản lý sách giáo
khoa
". Những gánh nặng đó dẫn đến mất ổn định trong
quan hệ "thầy – trò – phụ huynh". Thầy chửi trò, trò ghi
âm, phụ huynh đánh thầy, thầy đánh trò, trò đánh thầy, trò
đánh lẫn nhau,… rối hết cả lên.

Ngoài ra, ổn định chính trị nhưng lại dẫn đến mất ổn
định các mặt anh sinh xã hội khác. Y tế, môi trường, giá
cả, lãi suất… Ai cũng bị ảnh hưởng.

Y tế không ổn định. Đóng bảo hiểm y tế (bắt buộc) nhưng
không ổn định chi phí khám chữa bệnh. Tiền thuốc, viện phí
vẫn phải è cổ ra trả. Trình thẻ bảo hiểm thì bị hành hạ
đủ kiểu. Giá thuốc cao vô lý do độc quyền phân phối. Để
giữ ổn định, người ta cũng thanh tra ghê lắm nhưng đâu lại
vao đấy. Lại còn những vụ mổ nhầm mới kinh. Tay trái mất
ổn định do gãy xương đòn vai, bác sĩ đè ra băng bó vai phải
- vốn vẫn đang ổn định
(http://vtc.vn/2-274427/xa-hoi/gay-xuong-don-vai-trai-duoc-bac-si-chua-ben-phai.htm).
Tai trái mất ổn định do chảy mủ, không hiểu sao bác sĩ mổ
tai phải. Rốt cuộc cả 2 tai đều mất ổn định!
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/238988/Dau-tai-trai-mo-tai-phai.html. Gan
không ổn định thì mổ dạ dày -
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Mo-nham-da-day-cho-benh-nhan-bi-gan/75177275/157/.
Nói chung là khi cảm thấy trong người không ổn định, người
bịnh đi bác sĩ mong sao sớm ổn định thì lại càng mất ổn
định.

Môi trường sống cũng rất mất ổn định. Ai cũng kêu gọi
phải bảo vệ môi trường. Ai cũng tỏ ra có ý thức "phát
triển bền vững phải đi liền với bảo vệ môi trường".
Thực tế thì sao? Đụng đâu cũng thấy gây ô nhiễm. Liệt kê
một mớ ô nhiễm ra đây cho mọi người đọc. Có 2 điều
đáng chú ý: Thứ nhất, để được duyệt dự án, chủ đầu
tư phải chứng minh giữ vững ổn định môi trường và qua bao
nhiêu cửa xét duyệt. Thứ hai, những vụ này gấy mất ổn
định môi trường của nhân dân trong thời gian rất dài.

Nhà máy đường Trường Thành (Nghệ an): Đang gây ô nhiễm
nghiêm trọng:
http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=24&ID=96338&Code=AOIF096338

Nhà máy xi măng gây ô nhiễm:
http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2010/12/244909/

Nhà máy đường sông Con gây ô nhiễm môi trường:
http://tintuc.xalo.vn/001018358139/Nha_may_duong_song_Con_gay_o_nhiem_moi_truong.html

Nhà máy xi măng gây ô nhiễm môi trường -
http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/Moi-truong/386596/nha-may-xi-mang-gay-o-nhiem-moi-truong.htm

Và giá cả, cái sát sườn nhất và cũng là cái thấy rõ nhất
sự mất ổn định. Không cách gì ngăn lại được cơn bão
giá. Nó như một quy luật khách quan cuốn phăng mọi ý chí
"bình ổn giá". Vàng, đô la vù vù leo thang để lại "Viet
Nam Dong" ở phía sau. Gói xôi cho chị công nhân từ 5000 lên
6000 (20%!). Rau cải cho cậu sinh viên tăng từ 7000 lên 9000 đ/kg
(gần 30%!). Lãi suất cho doanh nghiệp cũng tăng, gần 20%/năm.
Dẹp làm ăn cho rồi chứ lời đâu ra 20%/năm để đóng cho ngân
hàng. Tất cả ngân hàng ở Việt Nam đều nằm trong sự quản
lý của Ngân Hàng Nhà Nước, theo lý phải rất ổn định. Thế
mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh lãi suất cao hàng đầu
thế giới! Làm sao có thể ổn định doanh nghiệp được?



Chà, từ chuyện Mubarack, Ben Ali tôi lại lẩm cẩm nói một hồi
qua chuyện gói xôi, bó rau. Trông tình hình nước họ mà thấy
mừng cho nước mình giữ vững được ổn định chính trị.
Chỉ có điều các mặt của xã hội thì nhìn đâu cũng mất
ổn định. Ổn định chính trị mà lại mất ổn định mọi
mặt thì phải gọi là gì nhỉ? Tôi nghĩ hoài mà không ra.
Người thông minh thì hay suy nghĩ, người ngu dốt nhưng khoái
dùng chữ phải bắt chước. Người ta đã có từ "Kinh tế
thị trường XHCN
", "Nhà Nước pháp quyền XHCN",
"Nhân quyền XHCN", vậy tôi gọi đây là "ổn
định chính trị XHCN
".

Nguyễn Đại – cuối tháng 2 / 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét