Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Mục tiêu của chúng ta là xã hội tự do, dân chủ, tiến tới đa nguyên đa đảng [*]

Đức Trí -
Hãy cảnh giác trước thủ lĩnh đánh
trống trận thúc giục nhân dân lao vào một cơn sốt yêu
nước, bởi chủ nghĩa yêu nước thực sự là một thanh kiếm
hai lưỡi. Nó (chủ nghĩa yêu nước) khiến máu chúng ta sôi
lên, nhưng cũng đồng thời khiến tầm nhìn chúng ta thu hẹp
lại... Và khi tiếng trống trận kia đạt đến đỉnh cao, khi
mà máu đã sôi với thù hận, còn tâm trí đóng lại, thì vị
thủ lĩnh sẽ chẳng cần tước đoạt quyền công dân nữa. Thay
vào đó, chính nhân dân, đang đầy sợ hãi và mù quáng vì yêu
nước, sẽ dâng hiến toàn bộ quyền của mình cho thủ lĩnh,
một cách vinh dự. Tại sao ta biết như thế? Bởi ta đã từng
làm như thế. Vì ta là Caesar!
William Shakespear

Tôi không phải là nhà dân chủ. Tôi là một nhân viên an ninh
(PA.24). Tuy nhiên, đất nước đang ở tình hình như thế này
thì tôi cũng không thể không nói lên tiếng nói của mình. Tôi
luôn được học tập và giáo dục là phải trung thành với
Đảng. Vâng, với Đảng chứ không phải với Tổ quốc. Nói
như thế thì ai cũng hiểu cơ quan an ninh cũng như các cơ quan tư
pháp khác không hoạt động độc lập vì pháp luật, mà dưới
sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp trên.

Để đi đến thắng lợi, phong trào dân chủ nên đấu tranh như
thế nào? Chúng ta thấy thời gian gần đây xảy ra quá nhiều
các vụ xử án những nhà dân chủ. Có người kiên cường, có
người đầu hàng. Nhưng có một quy luật của giới cầm quyền
là: mềm nắn, rắn buông; mạnh hòa, yếu
hiếp
.

Phong trào dân chủ trước đây chủ yếu là tuyên truyền chống
phá, hoạt động giấu mặt. Khi một số nhà dân chủ trong
nước công khai, thì giới cầm quyền đàn áp rất thẳng tay,
nhất là khối 4806. Tuyên ngôn của họ kêu gọi thay đổi chế
độ và chắc chắn họ phải đối diện với nhà tù. Họ chờ
mong sự can thiệp từ bên ngoài, nhưng sự can thiệp ấy xảy ra
rất yếu ớt, chỉ để tô bóng các chính khách phương Tây.

Vì một nền dân chủ cho đất nước và sự hòa hợp dân tộc,
chúng ta nên phê phán các hình thức
chống cộng quá đáng
. Lịch sử đã trao sứ mạng cho
ĐCSVN. Những người sinh sống trên đất nước này ít nhiều
đều có liên quan đến cộng sản. Khi ta nói chống cộng, họ
có cảm giác là chống những con người đang làm việc cho bộ
máy cộng sản chứ không nghĩ là chống tư tưởng cộng sản.
Mục tiêu của chúng ta là xã hội tự do, dân chủ, tiến tới
đa nguyên đa đảng. ĐCSVN là một thành tố bình đẳng trong
nền chính trị đa nguyên ấy. Chúng ta không thể vận động
xóa bỏ tất cả những thành quả mà ĐCSVN đã làm được
đến ngày hôm nay hay xóa bỏ toàn bộ bộ máy của họ. Chúng
ta chỉ tiếp quản và xoay hướng theo nền dân chủ: người nào
được dân bầu thì ở lại, dân không bầu thì ra đi. Họ cũng
như ta phải cạnh tranh công bằng.

Chúng ta không thể để chuyển tiếp sang một nền độc tài
mới dù mang tính đa nguyên. Hãy nhìn vào các cuộc cách mạng
nhung ở Đông Âu và cách mạng màu ở các nước SNG. Rất
nhiều nước trong khối SNG thực sự không có thay đổi nhiều
về chính trị. Chính quyền mới thực ra là nguyên bộ máy cũ
tiếp quản, tiếp tục kiểm soát chặt quân đội, công an,
truyền thông và lập nên một nền độc tài mới.

Thứ ba, chúng ta không để một nền chính trị hỗn loạn khi
chuyển sang đa nguyên. Một nền chính trị minh bạch, thể hiện
ý chí của người dân, đề cao nhân quyền nhưng không thể
để cho quá nhiều tổ chức vì quyền lợi của mình mà gây ra
những chuyện phá hoại, khủng bố, thậm chí bán nước. Với
những thành tựu dân chủ xã hội loài người đạt được
đến ngày nay, tôi nghĩ rằng những người dân chủ Việt Nam
đủ nhận thức và tỉnh táo để xây dựng một xã hội nhân
bản, ổn định và phát triển.

Chúng ta đã từng nghe họ thuyết giảng về sự chuyển tiếp
các chế độ kinh tế - chính trị: giai cấp cầm quyền không
bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình và phải lật đổ họ
bằng bạo lực cách mạng. Lý thuyết ấy phù hợp với những
quốc gia có nền dân trí thấp và nền chuyên chính mạnh. Thật
sự ở Đông Âu (trừ Rumani và Serbi) sự chuyển giao rất êm
thắm. Họ không cần đổ máu hoặc bạo lực. Nước ta chịu
ảnh hưởng nặng nề văn hóa và cách hành xử của Khổng giáo
nên có sự lo ngại một 'Thiên An Môn' ngay tại quảng
trường Ba Đình...

[*] Tựa đề do BBT Dân Luận đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét