Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

DUMA NGA LÊN ÁN STALIN GÂY RA VỤ THẢM SÁT KATYN

Thư mục: Tổng hợp

* ĐÓN ĐỌC: THỜI TRAI TRẺ STALIN TỪNG LÀ MỘT TAY ĐẦU TRỘM ĐUÔI CƯỚP
Phe cộng sản ở Nga vẫn còn bảo vệ hình tượng Stalin
Hạ viện Nga đã nêu đích danh tên nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin, nhận định ông đã ra lệnh thực hiện vụ thảm sát Katyn, bắn chết hàng ngàn sĩ quan Ba Lan bị bắt trong cuộc chiến thế giới lần thứ Hai.
Hạ viện đã ra tuyên bố lên án Stalin và các viên chức gây ra "tội ác Katyn".
Có đến nửa thế kỷ Liên Xô đổ lỗi cho phát xít Đức là thủ phạm gây ra vụ thảm sát, nhưng đến 1990 mới bắt đầu công nhận sự thật đó.
Lãnh đạo ủy ban đối ngoại của quốc hội Nga Konstantin Kosachev nói văn bản này quan trọng trong quá trình hòa giải với Ba Lan.
Hồi đầu năm tổng thống Ba Lan đã thiệt mạng trên chuyến bay hạ cánh xuống khu rừng làm lễ tưởng niệm vụ thảm sát Katyn, tạo mối quan tâm đặc biệt trong dư luận ở Nga.
Tuyên bố này được thông qua trong bối cảnh vài tuần trước chuyến công du của tổng thống Nga sang Ba Lan, và được Warsaw hoan nghênh.
Trong phần tranh luận, các nghị sĩ đảng cộng sản đã phản đối và một số không chịu nhận sai lầm của chính quyền Xô Viết.
Cho đến nay chưa có ai bị luận tội về vụ thảm sát này, và công tố Nga lập luận rằng rất cả những ai chịu trách nhiệm đều đã qua đời.
Ba Lan nói có đến 22.000 người bị chết
Cuộc điều tra của Nga năm 2005 chỉ công nhận có 1.803 nạn nhân bị xử tử, trong khi con số thực chất tù nhân Ba Lan bị giết ở Katyn và các vùng khác của Liên Xô thường được nêu là 22.000, bao gồm 8.000 sĩ quan quân đội.
Hạ viện Nga kêu gọi tiếp tục điều tra để xác nhận danh sách các nạn nhân.
Họ cho rằng Katyn cũng là thảm họa với nước Nga vì hàng ngàn công dân Xô Viết cũng bị xử tử và chôn ở đây trong những năm 1936-38, được biết đến trong lịch sử như giai đoạn Khủng Bố.
( BBC )
---------------------------------------------------------------------------
MỤC TIÊU CỦA NƯỚC NGA LÀ LOẠI BỎ SỰ DỐI TRÁ VỀ VỤ THẢM SÁT KATYN


Các hố chôn tập thể tại rừng Katyn được khai quật để điều tra - Ảnh: Tư liệu
Nghị quyết được thông qua tại quốc hội Nga ngày thứ Năm, 25/11/2010, với 342 phiếu thuận, 57 chống, không ai bỏ phiếu trắng, công nhận vụ giết hại gần 22 ngàn sĩ quan Ba Lan vào mùa xuân năm 1940 là tội ác của chế độ Stalin và Liên Xô là một nhà nước độc tài toàn trị, phải được xem là một thay đổi có tính đột phá.
Muộn còn hơn không! Quốc hội Liên bang Nga (Duma) đã thông qua một nghị quyết về vụ thảm sát Katyn.
“Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ sự dối trá về Katyn” – Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Duma, Konstantin Kosachov, cho biết.
Vụ thảm sát tại rừng Katyn vào tháng 3 năm 1940 là trang sử đen tối giữa Ba Lan và Nga. Vào năm 1940, theo sắc lệnh của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô do Stalin đứng đầu, an ninh Nga đã bắn bỏ tập thể gần 22 ngàn sĩ quan quân đội cảnh sát của Ba Lan tại rừng Katyn. Theo dư luận, Stalin bằng cách này muốn trả thù cho sự thất bại của Hồng quân Liên Xô trong cuộc xâm lược Ba Lan vào năm 1920 và hủy diệt những thành phần ưu tú của quân đội quốc gia Ba Lan.
Suốt trong thời kỳ cộng sản ở Nga và Ba Lan, sự kiện thảm sát Katyn đã bị ém nhẹm và tội ác này bị đẩy sang cho quân đội phát xít Hitler. Mọi đề tài liên quan đến Katyn bị cấm kỵ, nhào nặn trong dối trá và chỉ được bạch hóa dần sau khi hệ thống cộng sản bị sụp đổ ở Ba Lan vào năm 1989 và tại Liên Xô vào năm 1991.
Toàn bộ tài liệu tuyệt mật về Katyn được giữ trong “Hồ Sơ Số 1” mà chỉ người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước Nga mới có quyền tiếp cận. Đến thời kỳ “Perestroika”, Michail Gorbaczev quyết định cho mở hồ sơ nghiên cứu và tháng 4/1990 nhân chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Jaruzelski, lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của nhà nước Nga xác nhận tội ác được thực hiện bởi an ninh Liên Xô. Năm 1992, thừa lệnh Tổng thống Nga Boris Jeltsin,Tổng giám đốc Viện lưu trữ Nga trao cho Ba Lan copy một phần bộ hồ sơ Katyn, trong đó có sắc lệnh xử bắn tập thể do Stalin và các thành viên khác của Bộ Chính trị Liên Xô ký ngày 5/3/1940. Ngày 7/4/2010, Thủ tướng Nga Putin đã đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của tội ác Stalin tại khu nghĩa trang Katyn. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã từng phát biểu vài lần trước báo chí rằng, vụ thảm sát Katyn là tội ác của chủ nghĩa Stalin và chế độ ở Liên Xô là chế độ toàn trị và nước Nga hiện nay không phải là Liên Xô.
Tuy nhiên tất cả những động tác trên đây đều xuất phát từ thiện chí nhìn nhận sự thật mang tính cá nhân của các nhà lãnh đạo Nga hơn. Đề tài Katyn vẫn rất nhạy cảm và chưa bao giờ nhất quán, đạt được đồng thuận rộng rãi ở Nga. Thậm chí trong năm 2005, Viện công tố Nga đã tuyên bố đóng hồ sơ Katyn sau nhiều năm điều tra với sự cộng tác của phía Ba Lan.
Nghị quyết được thông qua tại quốc hội Nga, với 342 phiếu thuận, 57 chống, không ai bỏ phiếu trắng, công nhận vụ giết hại gần 22 ngàn sĩ quan Ba Lan vào mùa xuân năm 1940 là tội ác của chế độ Stalin và Liên Xô là một nhà nước độc tài toàn trị, phải được xem là một thay đổi có tính đột phá.
Trình bày tại quốc hội với dự thảo nghị quyết mang tên “Bi kịch của cuộc thảm sát và các nạn nhân của nó“, Konstantin Kosachov nói rằng, nghị quyết được thông qua sẽ là một bước tiến tới hòa giải với người Ba Lan và “ý đồ tẩy rửa tội ác của Stalin là không thể chấp nhận”. – “Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Đây là một khoảnh khắc của sự thật đối với tất cả chúng ta” – ông nói.
Và nước Nga sẽ tiến hành một cuộc điều tra mới về hồ sơ Katyn.
Theo Kosachov, trong Thế chiến II, tại châu Âu dân tộc Ba Lan đã chịu đựng nhiều đau thương và tổn thất nhất, nhưng sự hòa giải giữa Ba Lan với Đức đã trở thành hiện thực. Cũng như sự hoà giải của Ba Lan với Ucraina, mà một trong những biểu hiện là hai nước đồng tổ chức vòng chung kết bóng đá Âu châu vào năm 2012.
Kosachov nhấn mạnh rằng nghị quyết của quốc hội Nga có ý nghĩa to lớn đối với dân chúng Nga và các đại biểu đã thay mặt họ trả món nợ đạo đức cho cha ông.
Phía Ba Lan đã đánh giá rất cao quyết định khó khăn của quốc hội Nga. Dư luận báo chí cho rằng, thêm cử chỉ thiện chí khác của Nga trước chuyến thăm Ba Lan chính thức của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào ngày 6/12 tới
Nguồn : Lê Diễn Đức Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét