(TEPCO) - điều hành nhà máy hạt nhân đang gặp nạn ở Nhật
Bản - và các nhân viên cúi đầu để xin lỗi những người sơ
tán tại một trung tâm ở Koriyama, tỉnh Fukushima. Ảnh:
AFP.
Các bạn thường nghe nói về "văn hóa xin lỗi". Tôi bỗng liên
tưởng có "văn hóa xin lỗi" thì cũng có thể có "chính trị xin
lỗi" chứ nhỉ? Vậy thì chúng ta thử bàn xem sao? Nhưng mà xin
các bạn ghi nhận cho, khái niệm "chính trị xin lỗi" là sáng
tạo của tôi đấy nhé!
Cùng với hai tiếng "cảm ơn", hai tiếng "xin lỗi" có tần số
xuất hiện ngày càng phổ biến trong ngôn ngữ loài người.
Sống trên đời ai tránh được những sơ xuất, sai lầm, có khi
là tội lỗi. Điều đó khi xảy ra đã gây những tác hại,
tổn thương cho người khác. Người có lỗi nếu nhận thức
được sai lầm thường phải nói lời xin lỗi và sau đó sửa
chữa lỗi lầm bằng việc làm. Người được xin lỗi bằng
sự rộng lượng, chia sẻ, sẵn sàng bỏ qua, quên đi điều
đáng tiếc đã xảy ra.
Có điều hai tiếng xin lỗi đơn giản thế mà nhiều người
không sao nói ra được. Lại có người chỉ vì không nhận
được lời xin lỗi mà bức xúc, hậm hực, bất hòa, có khi
đến xuất huyết não. Cũng mừng là trong xã hội những người
biết nói lời xin lỗi là số đông vì con người biết hướng
thiện. Hai tiếng "xin lỗi" đã trở thành gạch nối giữa con
người với con người. Xin lỗi ngày nay đã trở thành nội dung
của nếp sống văn hóa, có khi còn là nguyên tắc không thể
thiếu trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức
xã hội.
Như trên đã nói, người ta cần phải xin lỗi khi để xảy ra
điều không hay cho người khác, khi không hoàn thành công việc
được giao hoặc khi cư xử không đúng với cương vị, bổn
phận của mình. Cũng có khi người ta "xin lỗi" khi lỗi đó do
người thân hoặc do cấp dưới gây ra mà họ là người liên
đới chịu trách nhiệm như con dại cái mang.
Vậy những người biết xin lỗi có đặc điểm gì?
Đó là những người khiêm nhường, biết mình biết người và
trước hết là biết tôn trọng người khác. Đó cũng là
người đã thành khẩn nhận thức sai lầm, thiếu sót của
mình, do đó biết sửa chữa để tiến bộ. Người biết xin
lỗi còn thể hiện là người khôn ngoan, tế nhị, lịch sự,
không chấp vặt. Họ cũng hiểu ra rằng không vì một lời xin
lỗi mà mất sĩ diện, mà hạ thấp mình, mà thua thiệt. Chính
vì thế những người biết xin lỗi, dù đã mắc lỗi, vẫn
được yêu mến, kính trọng, gần gũi.
Trong xã hội ta ngày nay, ông bà cha mẹ xin lỗi con cháu, cấp
trên xin lỗi cấp dưới, thầy cô giáo xin lỗi học trò, chủ
nhà xin lỗi osin v..v đã là điều bình thường. Tuy vậy trong
khi có cháu bé 3 tuổi biết nói lời xin lỗi thì vẫn còn
nhiều người lớn không làm được điều này.
Vậy ai là người không biết nói lời xin lỗi?
Trong giai cấp cầm quyền, những kẻ vua chúa tham tàn cường
bạo không bao giờ biết nói lời xin lỗi. Tương tự là các
chế độ độc tài ức hiếp nhân dân, coi nhân dân như cỏ
rác.
Trong nhân quần thì những người thiểu năng trí tuệ, những
người không được học hành hoặc những người quá ít giao
tiếp xã hội thường cũng chưa có được văn hóa xin lỗi.
Còn trong xã hội gọi là có văn hóa nói chung, những người
không biết xin lỗi là những người hèn nhát, sợ trách nhiệm.
Đáng buồn là những người này thường có học vị bằng cấp
đầy mình, có cương vị xã hội cao, có danh tiếng hoặc là
người của công chúng. Vì họ là những người "đáng kính"
như vậy nên sai lầm, tội lỗi của họ thường có tác hại
lớn cho xã hội. Họ không thể mở miệng nói lời xin lỗi
không phải vì họ ngô ngọng. Trái lại họ là những người
miệng có gang có thép, quát ra lửa. Họ không xin lỗi, không
phải họ không nhận thức được sai lầm nhưng vì họ sợ
nhận lỗi sẽ mất chức mất quyền mất lợi lộc. Họ trốn
tránh trách nhiệm, cả vú lấp miệng em, cãi chày cãi cối, có
khi ngậm máu phun người. Họ có thể trốn tránh được kỉ
luật và pháp luật nhưng không thể trốn tránh búa rìu dư
luận.
Trở lại khái niệm "chính trị xin lỗi" mà tôi nêu ở trên.
Nếu nói theo kiểu toán học thì văn hóa xin lỗi là tập hợp
mẹ còn chính trị xin lỗi là tập hợp con. Khái niệm "chính
trị xin lỗi" có phạm vi hẹp hơn "văn hóa xin lỗi". Theo quan
niệm của tôi, chính trị phải phát triển đến trình độ
nhân văn cao thì mới là chính trị văn hóa. Nhưng ở đời
thông thường chính trị lại không coi văn hóa là gì. Chính
trị cai quản, chi phối tất cả. Vì thế "chính trị xin lỗi"
rất đáng bàn.
Ta có thể đặt vấn đề cách khác là "chính khách và xin
lỗi".
Chính khách là những người tham gia guồng máy cầm quyền.
Giới chính khách cũng bao gồm những người biết xin lỗi và
những người không biết xin lỗi.
Chính khách biết xin lỗi là những nhà chính trị sáng suốt,
kính trọng nhân dân, khiêm tốn, khôn ngoan, nhận thức được
rõ những sai lầm thiếu sót của mình. Mỗi khi mắc sai lầm
họ sẵn sàng nhận khuyết điểm và xin lỗi nhân dân. Và họ
sửa chữa bằng những việc làm cụ thể, hoặc sẵn sàng từ
chức vì những lỗi lầm của mình. Họ đặt quyền lợi của
nhân dân, của dân tộc lên trên quyền lợi của bản thân, gia
đình và đảng phái.
Xem truyền hình chúng ta chứng kiến thủ tướng Nhật Bản
thường xuyên xin lỗi nhân dân Nhật. Ngài thủ tướng đứng
nghiêm, cúi rạp người, khôn mặt nghiêm trang, nói lời xin lỗi
một cách rất chân thành. Đó là khi chính phủ Nhật có một
báo cáo tài chính thiếu chính xác hoặc khi không rời được
căn cứ quân sự Mỹ khỏi Okinawa. Có khi ta thấy ngài thủ
tướng Nhật xin lỗi nhân dân cả khi một bộ trưởng ngủ
gật mà báo chí đưa tin. Thủ tướng nước Nhật cũng rất hay
từ chức vì ý thức được trách nhiệm của mình trước tổ
quốc và nhân dân họ.
Ngài thủ tướng Ôn Gia Bảo của nước láng giềng Trung Quốc
thì bay từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, cầm chiếc loa tay đứng
giữa trời băng giá xin lỗi dân chúng vì bão tuyết khiến hàng
trăm ngàn người không về được quê ăn tết. Các chính khách
Hàn Quốc cũng là những người sẵn sàng nhận lỗi trước
nhân dân. Cựu tổng thống Rol Mao Hyun đã cúi đầu xin lỗi
nhân dân Hàn khi có những nghi ngờ người trong gia đình ông
liên quan đến một vụ tham nhũng. Rồi cũng vì chuyện đó ông
đã nhảy núi tự vẫn để chứng tỏ sự trong sạch của mình.
Ở cấp thấp hơn ngài bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Myung
Hwan cũng công khai xin lỗi nhân dân và xin từ chức vì có cáo
buộc đã tuyển dụng con gái ông cho một vị trí được trả
lương cao của bộ ngoại giao.
Thông tin về văn hóa xin lỗi của các chính khách các nước
láng giềng tôi đọc được trên báo. Còn các chính khách
nước ta chắc cũng là những người biết xin lỗi nhưng có lẽ
vì chính phủ ta ít sai lầm, nên không có việc phải xin lỗi
nhân dân.
Thưa bạn đọc, mặc dù các chính khách đều là những người
có học vị cao song rất lạ là vẫn có nhiều chính khách không
hề biết xin lỗi, dù họ mắc rất nhiều sai lầm.
Vậy chính khách không biết xin lỗi là người thế nào ? Có
thể nói vắn tắt, dù không phải là vua chúa cường quyền tàn
bạo, họ vẫn là người đứng trên đầu nhân dân. Họ không
xin lỗi ai bởi đơn giản họ coi khinh tất cả, họ bao giờ
cũng đúng. Họ có sai cũng chẳng làm sao, không ai làm gì
được họ. Quyền lực làm họ trở thành kẻ mù quáng, kẻ vô
ơn nhân dân. Vì thế họ sẽ tiếp tục lao từ sai lầm này
đến sai lầm khác. Đến một lúc nào đó nhất định họ sẽ
bị đào thải, dù họ ở châu Á hay châu Âu, châu Phi hay châu
Mỹ.
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng một ý chưa kịp nói ở
trên. Đó là cái tâm của người xin lỗi. Văn hóa xin lỗi đòi
hỏi người xin lỗi phải xin lỗi một cách thật sự, từ gan
ruột, từ trái tim mình. Chứ không phải xin lỗi cho qua chuyện,
xin lỗi một cách giả trá, lừa bịp.
Cuối cùng tôi xin chân thành xin lỗi bạn đọc nếu bài viết
này không làm hài lòng bạn.
TP Hồ Chí Minh, 24/03/2011.
[*] Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân
Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn!
___________________________
Trương Duy Nhất - Thủ tướng & luật pháp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại một hình ảnh
khá... ấn tượng khi ngả người nhịp tay trước quốc hội.
Còn Chánh tòa tối cao Trương Hòa Bình thì để lại một câu
nói ấn tượng không thua kém câu nói nổi tiếng trước đây
của cựu Chánh tòa tối cao Trịnh Hồng Dương.
Cái nhịp tay của Thủ tướng
Tối qua, Thủ tướng Nhật
Naoto Kan lại một lần nữa cúi đầu xin lỗi dân. Có thể bạn
ấn tượng với hình ảnh cúi đầu của người Nhật.
Có thể nhiều người nhiều trang quá sa đà vào
"đời cô Lượm" và chị nhà báo tên Ngân trong chương trình
"người xây tổ ấm".
Còn với tôi, ấn tượng nhất, khó quên nhất và...
cộm mắt nhất chính là hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
ngồi ngả người đưa hai bàn tay nhịp trên mặt bàn trong phiên
họp cuối quốc hội khóa XII, trong lúc Phó Thủ tướng Nguyễn
Sinh Hùng đang đứng trên bục đọc quyết định kỷ luật của
Bộ Chính trị xem xét trách nhiệm Thủ tướng và các thành
viên chính phủ trong vụ Vinashin với hình thức: không kỷ luật
ai!
[video:http://www.youtube.com/watch?v=XdhaL0BU_4c]
và... luật pháp
Câu nói ấn tượng nhất trong tuần: "Về thẩm quyền
hủy bỏ của tòa án với quyết định của các cơ quan nhà
nước và tổ chức trái pháp luật, nếu thấy quyết định rõ
ràng trái pháp luật thì toà sơ thẩm có quyền huỷ, trừ
quyết định của Thủ tướng!".
Như vậy là Thủ tướng đứng trên tòa, Thủ tướng
được quyền trái luật mà không ai làm gì được, tòa án cũng
không dám, không được quyền đụng vào?
Bạn biết ai nói câu này không? Đó là Chánh án Tòa
tối cao Trương Hoà Bình.
Chợt nhớ trước đây, ông Trịnh Hồng Dương khi ngồi
ghế Chánh tòa tối cao cũng phát một câu khá nổi tiếng: Án
dân sự ở ta xử ... thế nào cũng được!
Tinh thần luật pháp đó cũng đã ngấm vào các nhà
đầu tư ngoại quốc. Đến như Chủ tịch Hội doanh nhân
Singapore tại TP. HCM, luật sư Benjamin Yap cũng phải thốt lên
một câu khá ấn tượng: Luật Việt Nam có muôn ngàn cách
hiểu, cùng một luật nhưng mỗi cơ quan khác nhau lại hiểu và
giải thích theo một cách khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét