Phương Minh/Người Việt :
QUẢNG NAM -Hàng hóa tại Việt Nam tăng giá gần như từng ngày. Như vậy, việc đi chợ trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho các bà nội trợ, bữa ăn của những gia đình lao động sẽ giảm cả chất lượng lẫn số lượng. Ðó là câu chuyện của những công nhân, người làm mướn, không tự sản xuất ra rau, củ. Còn những nông dân?
Giá bán nông phẩm của nông dân không bù theo kịp giá các loại hàng hóa khác tăng giá. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Họ cũng chẳng có được bữa ăn tốt hơn chút nào, thậm chí khi giá rau trong các chợ tăng cao, người nông dân vẫn khốn đốn, khó khăn chồng chất, “ăn mắm mút dòi” mới trụ nổi.
Một người nông dân ở miền Trung ra chợ bán mấy chục (đơn vị tính của nông dân, một chục miền Trung = 12, một chục miền Nam = 13, 14…) dưa leo, được ba chục ngàn đồng (tương đương $1.50), hỏi ra, mỗi chục dưa nặng hơn 2kg, bán với giá 8,000 đồng/chục. Như vậy, giá mỗi kg là 4,000 đồng. Tôi ra chợ tìm hiểu thêm, giá cũng chẳng khác mấy.
Mấy người nông dân đi bán rau xà lách, cải, ngò, cúc tần, bầu bí cũng chẳng hơn gì, giá bán có tăng chút đỉnh nhưng không thấm vào đâu, vì so với giá phân bón đang tăng cao thì mức giá thu được từ bán rau, củ của họ không bù nổi.
Theo như những người buôn rau hành nói thì giá dưa leo, rau xanh ở các chợ thành phố như Ðà Nẵng, Huế, Qui Nhơn, Pleyku… khác xa, cao gấp 3 đến 5 lần giá chợ quê. Nhưng họ cũng không lãi thêm được bao nhiêu vì nhà xe nâng giá cước lên cao, thuế chợ tăng, thức ăn tăng, mọi cái đều tăng.
Số tiền lãi người buôn rau kiếm được kiếm được cũng có tăng chút đỉnh, nhưng bù lại, họ mua thứ gì cũng tăng giá, từ mua một bịch xà phòng cho đến mua một cái bàn chải đánh răng cũng tăng giá.
Giá thuê máy cày, máy đánh đất của nông dân cũng tăng từ 120,000 đồng/sào lên 150,000 đồng/sào vì lý do dầu máy tăng cao, thợ cày bắt buộc phải tăng theo.
Thật ra, tìm hiểu kỹ thì có một số mặt hàng chưa đến nỗi tăng đến mức khiến những ngành nghề, sản phẩm liên đới phải tăng cao. Như xăng dầu tăng không tới 10% kể từ đầu năm 2011 tới nay. Nhưng thợ cày lại hét giá lên cao hơn gần 30% giá cũ.
Một phụ nữ mang rau ra chợ bán. Nông dân là những người thiệt thòi nhất trong xã hội Việt Nam. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Và giá xăng dầu tăng cũng không nhanh như giá xe chở rau hành đã tăng 50% đối với nhà buôn.
Như vậy, có sự tăng giá không đồng bộ khiến cho một bộ phận thu lãi hời và một bộ phận khác phải khó khăn, vất vả hơn.
Theo một giảng viên Ðại Học Kinh Tế Ðà Nẵng nhận xét thì: “Cái chính là suốt ba mươi mấy năm sau 1975, con người không thể tạo dựng cho mình một thứ văn hóa thị trường, văn hóa kinh doanh. Chính vì vậy khi có biến cố giá thì mạnh ai nấy tăng, không cần biết đến lương tâm, miễn có lãi nhiều nhất, sống chết mặc bay, hoàn toàn vô cảm…”
“Mà một thị trường không có lương tâm thì nhất định sẽ lũng đoạn! Rất tiếc, cái văn hóa này có được hay không có, phải hoàn toàn dựa vào tài năng điều phối và uy tín của chính phủ. Cái này Việt Nam đang thiếu trầm trọng!”
Vật giá mỗi lúc một leo thang, người nông dân chân phác, kham khổ, quanh năm suốt tháng vất vả lại càng vất vả thêm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét