“Trung Hoa là một nước lớn luôn lấy phương châm hòa hiếu để sống chung với thế giới và các nước láng giềng”. Vâng, đấy là lời tuyên bố ngọt như mía lùi của các ngài có khuôn mặt bì bì thâm hiểm và hàm răng chó sói ở Trung Nam Hải từ xưa đến nay. Sự thật thì sao? Trên một bài báo mới cách đây dăm bảy ngày, chúng ta đã biết, Quốc hội Tajikistan gần đây đã bàn đến phương sách đành cắt 1.000 km2 biên giới ở khu vực dãy núi Pamir cho bọn sói hòa hiếu ấy trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp có từ hơn 100 năm qua với lũ sói hung hãn và hám thịt người giai như đỉa này này, nếu không thì mất tất cả lãnh thổ với chúng. Dân Việt Nam hãy nhớ lấy làm lòng câu này của Phan Bội Châu nói về thực dân Pháp vào khoảng những năm 1918 khi biết tin Pháp thắng trận trong Thế chiến I và buộc lòng viết bài Đề huề chính kiến thư: “Đề huề chi mà đề huề / Oán thù ta hãy còn lâu / Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què”. Tất nhiên, Phan tiên sinh không bao giờ nhầm lẫn bọn cướp nước thực dân với nhân dân Pháp vốn rất yêu chuộng tự do và không bao giờ ủng hộ kẻ cầm quyền đem quân xâm chiếm lãnh thổ nước khác .
Bauxite Việt Nam
Ở Murghab, Tajikistan, một thị trấn ngoại ô đầy gió thành lập năm 1893 như là một cơ sở quân sự của Nga, công trình xây dựng một khu hải quan mới như một “điềm báo” về sự trở lại của một cường quốc khác.
Khi mở cửa trong năm nay, khu liên hợp này sẽ thuận tiện hơn nhiều cho các xe tải cơ lỡn của Trung Quốc hơn là khu thương mại hiện có. Dòng xe tải ấy đem theo quần áo, hàng điện tử, đồ gia dụng tới Trung Á, từ thảo nguyên du mục tới các thũng lũng cổ ở Samarkand và Bukhara.
"Thương mại đang gia tăng giữa Trung Quốc và tất cả các nước quanh đây", Tu'er Hong, một người lái xe tải nằm trong số đội xe khoảng 50 tài xế vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới Tajikistan cho biết.
Trong khi Trung Quốc khá "ồn ào" ở Đông và Đông Nam Á với việc mở rộng sức mạnh kinh tế cũng như ngoại giao, thì họ lại khá lặng lẽ hiện diện ở Trung Á, khu vực trước đây từng là lãnh địa của Nga.
Quan chức Trung Quốc xem Trung Á như là khu vực chiến lược cho an ninh năng lượng, mở rộng thương mại, ổn định dân tộc và phòng thủ quân sự của họ. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đã tiến sâu vào khu vực này với hệ thống ống dẫn năng lượng, đường sắt, đường bộ trong khi Chính phủ Trung Quốc thì gần đây đã mở Học viện Khổng Tử dạy tiếng phổ thông tại thủ đô khắp các nước Trung Á.
Trung Á, như tướng Lưu Á Châu của quân đội Trung Quốc nói, là "miếng bánh lớn nhất dành cho Trung Quốc".
Năm quốc gia Hồi giáo giành độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan - lại một lần nữa trở thành "đấu trường" của các siêu cường, giống như hồi thế kỷ XIX giữa Nga và Anh. Những người chơi lần này là Trung Quốc, Nga và Mỹ, sử dụng Trung Á như "tuyến đường" cho quân đội tới Afghanistan.
Các quan chức Trung Quốc lo lắng về những gì họ coi là các nỗ lực của Mỹ để bao vây Trung Quốc, chứng kiến quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh ở Trung Á, Ấn Độ, Afghanistan như một vòng cung phía Tây trong chiến lược ngăn chặn.
Trung Quốc đang trình diễn sức mạnh quân sự của họ ở khu vực này, như cuộc tập trận quy mô ở Kazakhstan hồi tháng 9 - một phần các cuộc diễn tập thường niên có sự tham gia của các nước Trung Á. Theo một bức điện tín ngoại giao mật của Bộ Ngoại giao Mỹ bị Wikileaks tiết lộ, quan chức Mỹ đã nghi ngờ về đề nghị của Trung Quốc với Kyrgyzstan trị giá 3 tỉ USD để đóng cửa căn cứ không quân Mỹ ở đây. Bức điện tín phát đi ngày 13/2/2009, mô tả về cuộc gặp giữa Tatiana C. Gfoeller, Đại sứ Mỹ tại Kyrgyzstan, với Trương Yên Niên - đại sứ Trung Quốc về việc bà Gfoeller cảnh báo với ông Trương về đề nghị 3 tỉ USD.
Tuy nhiên, sự hiện diện mới của Trung Quốc tại Trung Á khác hẳn với cuộc chơi ngày cũ. Giới phân tích Trung Quốc nói rằng, một mục tiêu của Bắc Kinh là tương tác kinh tế Trung Á với khu vực tương đối nhạy cảm ở phía Tây là Tân Cương.
"Dấu ấn kinh tế ngày một lớn ở Trung Á là tín hiệu tốt", một quan chức Mỹ nói. "Theo rất nhiều cách, kiểu đầu tư được hoan nghênh, không chỉ với các nước trong khu vực mà cả Mỹ. Nhưng ở đây có sự thiếu minh bạch trong hạng mục đầu tư cũng như quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Á".
Người dân địa phương cũng khá thận trọng, nhất là ở Kyrgyzstan và Kazakhstan, nơi họ luôn sợ hãi rằng, người di cư Trung Quốc có thể làm mất cân bằng kinh tế ở những nước thưa thớt cư dân này. Tauh Almaty, Kazakhstan, một cuộc biểu tình từng xảy ra tháng 1 năm trước để phản đối thỏa thuận đất đai có liên quan tới Trung Quốc.
"Rất nhiều người Kazakhstan như chúng tôi hoài nghi về dòng người di cư Trung Quốc, nhưng chúng tôi có thể làm gì?", Aidelhan Onbedbayev, 35 tuổi, tài xế chuyên chở hàng hóa giữa Almaty và Zharkent nói. "Chính phủ đưa ra quyết định và mời họ đầu tư với những khu vực tự do thương mại và khuyến khích đất đai".
Một số quan chức Trung Quốc thì không ngại "thẳng thừng" vì những lợi ích của họ.
"Hợp tác năng lượng của Trung Quốc với các quốc gia Trung Á bắt đầu từ những năm 1990, nhưng gần đây, với sự tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc có lợi thế để tận dụng những điểm yếu của Mỹ và Nga trong khu vực", tướng Lưu viết trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí Phoenix Weekly. "Trung Quốc đã bắt đầu khuấy động người tiêu dùng trong khu vực".
Các nước Trung Á với biên giới giáp Trung Quốc, đặc biệt là Kyrgyzstan, đã trở thành điểm trung chuyển quan trọng cho hàng hóa Trung Quốc trên con đường tới khu vực Biển Caspi, Nga và châu Âu. Thương mại giữa Trung Quốc và năm nước Trung Á đạt tổng cộng 25,9 tỉ USD năm 2009, tăng từ mức 527 triệu USD năm 1992, theo thống kê từ Bộ Thương mại nước này.
Trong khi đó, một hệ thống ống dẫn mới đang nỗ lực vận chuyển dầu và khí tự nhiên tới Tân Cương từ các mỏ ở Trung Á, nơi các công ty Trung Quốc đã mua quyền khai thác phát triển. Quan chức Trung Quốc xem Trung Á và Biển Caspi là nguồn năng lượng thay thế chủ chốt; Trung Đông với nhiều bất ổn chính trị, và các tàu chở dầu phải đi qua Eo Malacca, khu vực Trung Quốc quan ngại do khá gần gũi với quân đội Mỹ hay các lực lượng khác.
Theo giới phân tích, Trung Quốc cũng xem Trung Á là chỗ đứng để duy trì ổn định Tân Cương – nơi tiềm ẩn căng thẳng giữa người Hồi giáo Uighurs và người Hán – từng bùng nổ thành bạo lực chết người. Kể từ vụ bạo lực xảy ra năm 2009 ở Tân Cương, Bắc Kinh đặc biệt lo ngại về những phần tử Hồi giáo cực đoan từ các nước Trung Á hoặc Pakistan và Afghanistan, có thể xâm nhập. Khoảng nửa triệu người Uighurs sống trong khu vực này, rất nhiều trong số họ đã di cư từ Tân Cương tới Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Quan chức Mỹ cho hay, năm 1996, Trung Quốc tham gia thành lập một tổ chức tiền thân của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Thành viên của nhóm này có Nga và hầu hết các nước Trung Á, cùng chia sẻ thông tin và tiến hành các cuộc tập trận chung, kể cả thường thất bại trong hợp tác chính sách lớn hơn vì cạnh tranh lợi ích.
Trung Quốc còn hy vọng sử dụng nhóm này để mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Năm ngoái, Bắc Kinh cam kết 10 tỉ USD cho các khoản vay với những nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải "để ổn định kinh tế".
Một số quan chức và nhà phân tích Trung Quốc hy vọng, viện trợ cùng với việc tăng cường quan hệ thương mại sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế ở Tân Cương, giảm tình trạng bất ổn tại đây. Quan chức Chính phủ đã đệ trình một đề xuất lên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc về việc biến Urumqi, thủ phủ Tân Cương trở thành một trung tâm sản xuất năng lượng khu vực.
Nhu cầu dầu khí ngày một lớn của Trung Quốc cũng đặt ra vấn đề về chiến lược an ninh năng lượng . Hai hệ thống ống dẫn mới, lần đâu tiên giữa Trung Quốc và các nước ngoài, sẽ cung cấp khí tự nhiên cho nước này từ Turkmenistan và dầu từ Kazakhstan.
Hệ thống ống dẫn ấy quan trọng đủ để Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới sa mạc Karakum của Turkmenistan năm 2009 để tham dự lễ khởi công đường ống dẫn gần 2.000km tại đây. Đường ống này dự kiến đạt đủ công suất 40 tỉ mét khối vào năm 2012 hoặc 2013, và Turkmenistan đã thỏa thuận vận chuyển khí tới Trung Quốc trong 30 năm.
Thụy Phương (Theo Nytimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét