Bài 1: Để không trở thành “con tốt” của các thế lực lớn
Trong bối cảnh hiện nay, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên diễn ra căng thẳng và phức tạp, vì một bước lùi của bên nào cũng ảnh hưởng đến quyền lực của họ trong nước. Thậm chí dẫn đến sự sụp đổ.
Hoa Kỳ đang có nhiều phi vụ phải lo ở Iraq, Afganistan, bán đảo liên Triều, Iran, Nga, kinh tế quốc nội,... nên khó có sự mạo hiểm về quân sự ở Đông Nam Á. Chúng ta trông chờ gì?
Trong hoàn cảnh này, nếu ASEAN không thể hiện được sự đoàn kết và "thống nhất" thì sẽ dễ dàng dẫn đến một cuộc bắt tay Trung - Mỹ như đã từng xảy ra. Hoa Kỳ không yếu, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự đang đi lên của Hoa Lục. Đây rõ ràng là cuộc chơi tay ba nên ASEAN cũng đóng vai trò sẽ làm cho cán cân phải nghiêng về bên nào. Có nghĩa, nếu Hoa kỳ thấy rằng sẽ mạo hiểm và phải trả giá đắt cho việc duy trì thế lực ở khu vực khi "bước tiếp" hoặc ngược lại họ có nguồn lợi lớn mà không mạo hiểm nếu có một thỏa thuận với Hoa Lục (tất nhiên khi đó Hoa Kỳ sẽ chấp nhận sự vươn lên của Hoa Lục là một phần chuyển biến tất yếu phải có) thì rõ ràng là bất lợi với Việt Nam chúng ta nói riêng và ASEAN nói chung.
Để không là con tốt thì đích thân chúng ta phải là kẻ làm nghiêng cán cân. Tức phải chủ động. Tất nhiên sự bứt phá nào cũng có cái thách thức của nó. Muốn bứt phá phải đánh đổi, nhưng anh sẽ có một vị trí mới.
Không chiến đấu không thể tạo ra sự thay đổi ..!
DN
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Bài 2: Để không thành "con tốt" khi Trung-Mỹ bắt tay
TS Đinh Hoàng Thắng
Hôm nay 24/1, tại Côn Minh (Trung Quốc) sẽ diễn ra cuộc họp giữa Trung Quốc và ASEAN để bàn về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Cách tiếp cận «hòa đồng bộ», đưa vấn đề của các thành viên thành mối quan ngại trong khu vực, đưa vấn đề của khu vực vào lợi ích của các nước lớn là một sáng kiến.
Các hợp đồng kinh tế Trung Quốc và Mỹ vừa ký kết trị giá gần 50 tỷ usd và Tuyên bố chung 41 điều «long lanh» ngôn từ ngoại giao là món quà hậu hĩnh đối với cả hai nguyên thủ sau chuyến thăm cấp cao và hội nghị thượng đỉnh từ 18-21/1 vừa qua tại Washington.
Tuy nhiên, sự phức tạp của bang giao Trung-Mỹ không chỉ do tranh chấp về kinh tế-thương mại, mà chủ yếu do những căng thẳng địa-chính trị, nhất là do quá trình chuyển dịch quyền lực ở Châu Á-Thái Bình Dương gây ra.
Đây là những mâu thuẫn đan xen và quan trọng giữa an ninh và kinh tế, giữa sách lược và chiến lược, đặc biệt nếu nhìn vào những thay đổi trong cán cân quyền lực ở mỗi nước vào hai năm tới.
Những vướng mắc sinh ra từ mâu thuẫn nói trên không thể giải quyết trong một hội nghị thượng đỉnh cho dù được chuẩn bị công phu đến mấy qua hàng loạt các đoàn tiền trạm do các nhân vật hàng đầu trong chính quyền đích thân đảm lãnh.
Một chút bối cảnh
Mỹ là siêu cường toàn cầu và coi châu Á là khu vực chiến lược quan trọng của mình. Gần ba mươi năm trở lại đây, Mỹ quan hệ buôn bán với châu Á nhiều hơn với châu Âu.
Là vùng địa dư gắn với quyền lợi của Washington, châu Á là nơi Mỹ đầu tư trực tiếp nhiều gấp rưỡi tổng số FDI của tất cả 24 nước và các nền kinh tế trong khu vực, kể cả Nhật Bản, HongKong hay Ôtxtrâylia.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Ô-ba-ma tại bữa tiệc tối 18-1. Ảnh: whitehouse.gov
Mỹ cũng tiếp nhận gần 300 tỷ USD đầu tư từ các nước châu Á, kể cả từ Trung Quốc. Nhưng mức đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ hiện nay còn rất thấp (khoảng 800 triệu USD).
Trung Quốc là cường quốc mới nổi và nay đòi vị thế xứng đáng với tiềm lực kinh tế-quân sự đang lên của mình, trước tiên ở ngay sân nhà, tại châu Á.
Với dân số đông gấp hơn bốn lần nước Mỹ, Trung Quốc có sản lượng gần 6.000 tỷ USD. Dù mới chỉ bằng 40% GDP của Mỹ thì năm ngoái cũng vượt qua Nhật để thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, kể về tổng sản lượng.
Kinh tế Mỹ có sức tiêu thụ hơn 10.000 tỷ đô la mỗi năm và là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thế giới. Trung Quốc là nước xuất khẩu số một và bán cho Mỹ hơn 290 tỷ đô la hàng hóa và chỉ mua vào hơn 70 tỷ, nhờ đó đạt xuất siêu mạnh với Mỹ và xu hướng này ngày càng tăng.
Từ trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Mỹ đã nhận ra vấn đề và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc neo giá đồng nhân dân tệ (NDT) theo tỷ giá quá thấp để hàng Trung Quốc thành ra quá rẻ. Mỹ cho đó là sự cạnh tranh không công bằng.
Vì bị áp lực, Bắc Kinh đã điều chỉnh tỷ giá đồng bạc, nhưng chỉ được vài năm và lên chừng 20% thì kinh tế thế giới bị khủng hoảng 2008-2009 nên lại trở về nếp cũ, tỷ giá đồng NDT vẫn rất thấp để xuất khẩu.
Quốc hội Mỹ giục chính quyền gây áp lực và dịp này, vấn đề ngoại hối lại được đặt ra. Căng thẳng càng bị bơm lên khi hiện nay Trung Quốc trở thành chủ nợ.
Sau nhiều năm xuất siêu và gom thành dự trữ ngoại tệ, nay đã lên tới 2.850 tỷ USD, Trung Quốc hiện đang cho Mỹ vay và nắm trong tay hơn 900 tỷ USD công khố phiếu, chưa kể hơn 450 tỷ đầu tư vào hai doanh nghiệp bán công là Fannie May và Freddie Mac.
Khoản nợ nói trên chỉ vào khoảng 10% tổng số nợ của Mỹ với công chúng. Tuy nhiên, với tư cách chủ nợ, Trung Quốc cho rằng có thể gây áp lực với Mỹ trong nhiều chuyện khác, kể cả đòi hạ đồng đôla và đưa đồng NDT lên loại ngoại tệ dự trữ.
Xu hướng nào sẽ thắng thế?
Với vị thế đang lên của Trung Quốc, chính quyền Mỹ trông đợi Bắc Kinh cùng tham gia giải quyết một số vấn đề lớn toàn cầu. Nhưng mấy năm nay, Mỹ thấy sự thể không diễn ra như vậy, nhất là khi Mỹ vướng vào các trận chiến chống khủng bố.
Quốc hội Mỹ nêu nhiều vấn đề, như Bắc Kinh thiếu hợp tác trong một số hồ sơ của thế giới. Từ giải quyết nguy cơ nóng lên của trái đất tới việc kiềm chế một số nước như Triều Tiên hay Iran.
Mỹ còn phàn nàn rằng Bắc Kinh tìm lợi thế riêng khi khai thác tình trạng bất ổn do các nước nói trên gây ra. Hai nước cũng gặp nhiều bất đồng tại các diễn đàn quốc tế, kể cả ở Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tổng thống Obama tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng.
Gần đây, Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở châu Á, nhất là triển khai chiến lược hải quân «ba mũi nhọn» (tập trận quân sự, triển khai tầm xa, ngoại giao quốc phòng) . Mỹ cho như thế là đe dọa trực tiếp quyền lợi Mỹ, nhất là vấn đề tự do đi lại trên một số hải lộ quốc tế ở châu Á như Biển Đông chẳng hạn.
Căng thẳng liên Triều và các tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với một số nước châu Á trong năm qua là thách đố nghiêm trọng đối với quan hệ Trung-Mỹ.
Trung Quốc, ngược lại tố cáo chính sách bá quyền của Mỹ, âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ và ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Tại buổi gặp gỡ các lãnh đạo giới doanh nhân Mỹ ngày 21.1, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào yêu cầu Mỹ tiếp tục công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan và Tây Tạng.
"Trung Quốc và Mỹ sẽ có sự tăng trưởng tốt đẹp và ổn định khi hai nước giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến lợi ích của mỗi bên. Nếu không, mối quan hệ của chúng ta sẽ luôn luôn có vấn đề hoặc thậm chí là căng thẳng". Ông Hồ phát biểu kết thúc chuyến công du được đánh giá là quan trọng nhất trong 30 năm qua của mối bang giao Trung - Mỹ.
Nhưng trước đó, theo New York Times (21.1), Mỹ đã cảnh cáo Trung Quốc rằng Washington có thể tái triển khai lực lượng ở châu Á trong trường hợp Bắc Kinh không kiểm soát được Bình Nhưỡng.
Lời cảnh cáo này được Tổng thống Obama khẳng định trong bữa ăn tối giữa nguyên thủ hai nước tại Nhà Trắng (19.1). Mỹ thuyết phục Trung Quốc có chính sách cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng, thúc đẩy việc nối lại các cuộc thương lượng liên Triều.
Tháng trước, trong cuộc điện đàm thường kỳ, ông Obama cũng đã đưa ra lời cảnh cáo tương tự với ông Hồ Cẩm Đào.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc không chỉ thảo luận các vấn đề của hai nước mà còn đề cập đến tất cả các nước trong khu vực châu Á. Ông Thứ trưởng cho biết: "Chúng tôi tôn trọng lợi ích của Mỹ và theo đuổi chính sách hợp tác win-win (đôi bên cùng thắng)".
Thế nhưng cho đến nay, dường như vẫn chưa có một giải pháp chung nào cho những khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ trong nhiều chủ đề của quan hệ song phương (từ kinh tế đến an ninh), lẫn các quan ngại của các nước châu Á (tranh chấp biển đảo).
Đánh giá của giới quan sát đối với triển vọng tình hình sau thượng đỉnh vẫn mang tính nước đôi.
Các mối quan hệ Trung-Mỹ có thể diễn tiến theo một trong hai chiều hướng: tích cực (hai quốc gia tăng cường quan hệ hợp tác và tùy thuộc lẫn nhau để cùng hưởng lợi) hoặc tiêu cực (có thể xuất hiện một "không khí" chiến tranh lạnh kiểu mới).
Tuy nhiên, vì lợi ích của mỗi bên, trước mắt, Mỹ và Trung Quốc thiên về thúc đẩy các mối quan hệ, theo sách lược hòa hoãn, nhưng hai bên vẫn luôn cảnh giác và đề phòng nhau.
Quá trình triển khai thỏa thuận của Tuyên bố chung sẽ cho thấy xu hướng nào vượt trội.
Chủ động "hòa đồng bộ" để đối phó
Khác với "cân bằng trên nỗi sợ hãi" của kỷ nguyên chiến tranh lạnh Mỹ-Xô trước đây, ngày nay do tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, do vị thế và nội tình của mỗi nước, Mỹ-Trung không thể và cũng không có lợi ích để gây ra một cuộc chiến tranh lạnh như những năm 70.
Nhưng do chiến lược riêng của từng nước, do chu kỳ phát triển và cấu trúc lợi ích của mối quan hệ, bang giao Trung-Mỹ khó ổn định trong một thời lượng dài hơi. Hòa hoãn xen lẫn căng thẳng sẽ là những trạng thái tiếp nối nhau, mỗi khi có sự chuyển dịch quyền lực trên toàn cầu hay sự thay đổi nội trị trong từng nước.
Bất luận trạng thái nào sẽ diễn ra, rõ ràng Mỹ có lợi ích và mối quan tâm rất lớn dành cho châu Á, chắc chắn rằng Mỹ sẽ còn cam kết và gắn bó lâu dài trong nhiều năm nữa với châu Á.
Và đấy chính là cơ sở để các nước châu Á bình tĩnh đối phó hay thích nghi với tình hình do các thỏa thuận Mỹ-Trung mang lại.
Các nước châu Á theo dõi sát những tiến triển trong quan hệ giữa hai đại cường. Việc xác định quan hệ của từng nước với Mỹ và Trung Quốc trong giai đoan tới là một ưu tiên trong chính sách nhưng cũng là điều khá nhạy cảm.
Các nước châu Á hầu hết đều hoan nghênh Mỹ «trở lại» và can dự tích cực vào khu vực; mặt khác, vẫn phải chấp nhận ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời thực hiện chính sách đối trọng và cân bằng động.
Một vùng lãnh thổ như Đài Loan cũng chủ động chuẩn bị «món điểm tâm» đặt lên bàn tiệc của thượng đỉnh bằng cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất trong gần 10 năm qua. Thông điệp ở đây cũng mang tính hai mặt.
Đài Bắc muốn chứng tỏ khả năng phòng thủ của hòn đảo trong lúc có quan ngại Mỹ-Trung bắt tay nhau có thể dẫn đến việc Mỹ bỏ rơi hòn đảo này. Đài Loan tỏ rõ quyết tâm tự bảo vệ mình, đồng thời cũng muốn nói với thế giới rằng Đài Loan sẽ tiếp tục làm giàu kho vũ khí, cho dù các căng thẳng trong khu vực có dịu bớt.
Theo hãng Kyodo (20.1), Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sau cấp cao. Nhật tìm cách để tình trạng những năm 70 của thế kỷ trước không tái diễn, khi Nixon thăm Bắc Kinh, Mỹ đã gạt Nhật sang một bên, "đơn thương độc mã" thúc đẩy ngoại giao tại Đông Bắc Á.
Được biết, lần này Trung-Mỹ đạt được thỏa thuận hợp tác để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhật sẽ chủ động thảo luận với Mỹ để kiềm chế các hành động khiêu khích và chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp. Nhật đang thúc đẩy việc củng cố quan hệ liên minh với Mỹ và xây dựng các quan hệ mới với Hàn Quốc.
Những hoạt náo trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, đặc biệt là vai trò chủ động của Hàn Quốc trong việc xây dựng các quan hệ liên minh mới, đồng thời chấp nhận đám phán quân sự liên Triều cho thấy hiệu ứng của cấp cao Mỹ-Trung đối với «chảo lửa» này thật rõ ràng.
Những bứt phá gần đây của Indonesia đáng được hoan nghênh nhất !
Indonesia chủ động đề nghị một lối thoát khác để ra khỏi vấn đề Biển Đông đang bế tắc bằng cách khuyến khích các quan chức cấp cao tham gia thảo luận của nhóm chuyên viên và đàm phán trực tiếp về bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Trong buổi tiếp tân nhân Tết Nguyên đán, Đại sứ Trung Quốc tại Manila (tại sao không phải là từ Hà Nội?) cho biết Ngoại trưởng của ASEAN và Trung Quốc sẽ họp trong hai ngày 24 và 25/1 này tại Côn Minh, Trung Quốc.
Trong cuộc họp này, quan chức ngoại giao các bên sẽ bàn về việc thiết lập một bộ luật ứng xử trên Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam và một số nước ASEAN.
Mặc dù đã ký tuyên bố DOC, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở quân sự trên quần đảo Trường Sa, khiến các nước có liên quan phản đối và đòi phải thương lượng bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông, một văn bản có tính chất ràng buộc hơn về pháp lý (COC).
Để không trở thành «những con tốt» trên bàn cờ các nước lớn, cách tiếp cận «hòa đồng bộ», đưa vấn đề của các thành viên thành mối quan ngại trong khu vực, đưa vấn đề của khu vực vào lợi ích của các nước lớn là một sáng kiến.
ASEAN phải hội đủ những sáng kiến cần thiết để thương thảo với các cường quốc. Vai trò trung tâm của ASEAN trong EAS là một thước đo về sự vươn lên của chủ nghĩa thực tế chiến lược.
Sự liên kết này mở ra khả năng Mỹ có thể cùng lập trường với ASEAN tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác.
ĐHT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét